Sức khỏe

Hướng dẫn chế độ ăn sau mổ u não hỗ trợ người bệnh nhanh hồi phục

Darkrose

Hướng dẫn chế độ ăn sau mổ u não hỗ trợ người bệnh nhanh hồi phục

Khả năng hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật u não ở mỗi người bệnh mỗi khác. Một chế độ ăn sau mổ u não phù hợp góp phần giúp người bệnh sớm phục hồi sức khỏe. Vậy, chế độ ăn sau phẫu thuật u não nên được xây dựng như thế nào?

Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau phẫu thuật u não

Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng giúp người bệnh sau phẫu thuật u não nói riêng và các bệnh lý khác nói chung có thể sớm hồi phục sức khỏe. Theo đó, sau mổ u não, người bệnh nên duy trì chế độ ăn uống đa dạng, cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. (1)

Nếu sau mổ, người bệnh có chế độ ăn uống không hợp lý, ăn nhiều thực phẩm có hại (thực phẩm hay thức uống chứa cồn, thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, nước ngọt có gas…) có thể gây khởi phát phản ứng viêm khiến vết mổ lâu lành, không tốt cho sức khỏe tổng quát.

Vì vậy, người bệnh cần có chế độ ăn sau mổ não phù hợp. Ưu tiên tiêu thụ thực phẩm có lợi như rau xanh, trái cây tươi, các loại cá béo, hạt, đậu…, thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ thể diễn ra nhanh hơn, nâng cao hiệu quả chữa trị và sức khỏe tổng thể.

Nguyên tắc chung của chế độ ăn sau phẫu thuật u não

Chế độ ăn sau mổ u não cần được xây dựng dựa trên những nguyên tắc chung cơ bản sau đây:

1. Đa dạng thực phẩm

Nhiều người nghĩ rằng người sau phẫu thuật u não cần kiêng ăn hoàn toàn các loại thực phẩm như thịt bò, hải sản, rau muống, trứng…. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học nào xác minh điều đó. Trên thực tế, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị người bệnh sau phẫu thuật u não cần ăn đa dạng thực phẩm để nâng cao sức khỏe tổng thể. Ưu tiên các loại thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như chất đạm, chất béo tốt, chất xơ, chất sắt, năng lượng…

2. Ưu tiên thực phẩm giàu đạm (protein)

Khi được cung cấp đầy đủ lượng protein cần thiết, cơ thể sẽ thúc đẩy quá trình tái tạo mô, góp phần rút ngắn thời gian lành vết thương sau phẫu thuật u não. Ngoài ra, bổ sung protein còn giúp phát triển cơ bắp và tăng cường “sức mạnh” cho nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Nhờ đó, nâng cao sức khỏe tổng thể, hạn chế nguy cơ rơi vào tình trạng suy nhược cơ thể thường gặp ở người bệnh sau phẫu thuật.

3. Kiểm soát khối lượng thực phẩm tiêu thụ

Sau phẫu thuật, nhiều người bệnh và người chăm sóc có tâm lý bồi bổ càng nhiều càng tốt để cơ thể mau hồi phục. Tuy nhiên, việc dung nạp dinh dưỡng quá mức có thể gây tác dụng ngược, khó tiêu, chướng bụng, táo bón, thừa cân, béo phì, thúc đẩy các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể phát triển như tiểu đường, mỡ máu cao…. Vì vậy, cần tư vấn bác sĩ để kiểm soát khối lượng tiêu thụ thực phẩm trong chế độ ăn sau mổ u não phù hợp, góp phần tránh các vấn đề có hại cho sức khỏe.

4. Ưu tiên thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa

Người bệnh sau phẫu thuật não thường gặp phải tình trạng khó nuốt vì vậy nên ưu tiên ăn món mềm, dễ tiêu hóa thay vì món ăn cứng.

Người bệnh sau phẫu thuật u não cần ăn uống đa dạng

Gợi ý chế độ ăn sau mổ u não giúp hỗ trợ bệnh nhân nhanh hồi phục

Chế độ ăn sau phẫu thuật u não cần đảm bảo cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng (chất xơ, chất đạm, chất béo tốt, vitamin, khoáng chất…), đa dạng thực phẩm và kiểm soát khối lượng tiêu thụ phù hợp. Ngoài ra, để hỗ trợ nâng cao sức khỏe tổng thể và thúc đẩy quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn, chế độ ăn sau mổ u não nên ưu tiên bao gồm:

1. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Các chất chống oxy hóa như Beta-carotene, Lutein, Zeaxanthin, Lycopene, vitamin C… có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của yếu tố gây viêm và các gốc tự do gây bệnh. Bổ sung chất chống oxy hóa có thể giúp làm giảm nguy cơ tái phát u não, đồng thời giúp người bệnh sau phẫu thuật u não cải thiện sức khỏe tối ưu.

2. Thực phẩm giàu Acid folic

Trong chế độ ăn sau mổ u não nên bổ sung các loại thực phẩm giàu Acid folic. Acid folic (vitamin B9) có khả năng giúp ngăn chặn và làm giảm tốc độ phát triển, xâm lấn của tế bào khối u còn sót sau phẫu thuật. Đồng thời, Acid folic còn đóng vai trò quan trọng giúp duy trì sức khỏe hệ miễn dịch của cơ thể. (2)

3. Thực phẩm giàu omega-3

Omega-3 là axit béo không bão hòa đa có lợi cho sức khỏe tổng thể và hệ miễn dịch của cơ thể. Omega-3 có tác động kìm hãm sự phát triển của tế bào khối u, trong đó có u não. Ngoài ra, loại axit béo không bão hòa đa này còn giúp làm giảm các phản ứng viêm, nhờ vậy thúc đẩy cơ thể mau hồi phục sau quá trình phẫu thuật u não. (3)

Lưu ý: Sau phẫu thuật u não, các chức năng cơ bản trong cơ thể có thể chưa được hồi phục. Vì vậy, sau phẫu thuật từ 2 - 3 ngày người bệnh nên ưu tiên bổ sung dinh dưỡng dưới dạng lỏng, sệt và tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định từ bác sĩ để tránh gây hại cho sức khỏe.

Tham khảo ý kiến bác sĩ để xây dựng chế độ ăn sau mổ u não chuẩn cá nhân hóa

Sau phẫu thuật u não nên ăn gì, kiêng gì?

Để nâng cao sức khỏe tổng thể, hỗ trợ rút ngắn quá trình hồi phục của cơ thể, chế độ ăn sau mổ u não nên bổ sung các loại thực phẩm như:

  • Rau củ: Bắp cải, cải bó xôi, cần tây, mồng tơi, cải xoăn, cải xanh, cà rốt, khoai tây, củ cải, củ dền, rau mầm…
  • Trái cây tươi: Cam, bưởi, quýt, táo, lê, chuối, xoài, dứa…
  • Các loại cá béo: Cá ngừ, cá hồi, cá trích, cá mòi, cá basa, cá cơm…
  • Thịt gia cầm bỏ da: Thịt gà, thịt chim cút…
  • Thịt nạc gia súc: Thịt heo, thịt bò, thịt dê…
  • Các loại hạt: Hạt lanh, hạt chia, óc chó, hạt điều, hạt dẻ…
  • Các loại đậu: Đậu xanh, đậu đỏ, đậu gà, đậu ngự, đậu trắng, đậu Hà Lan…
  • Ngũ cốc nguyên hạt: Yến mạch, hạt diêm mạch, gạo lứt…

Bên cạnh đó, người sau phẫu thuật u não cần tránh tiêu thụ các loại thực phẩm, món ăn sau đây để ngăn chặn nguy cơ gây viêm nhiễm khiến vết thương lâu lành:

  • Bia, rượu, thực phẩm chứa cồn
  • Nước ngọt có ga, nước ngọt đóng chai, thực phẩm nhiều đường (bánh ngọt, kẹo…)
  • Thực phẩm đóng hộp, chế biến công nghiệp nhiều gia vị và chất phụ gia (thịt hộp, mì gói, xúc xích, thịt xông khói…)
  • Món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ
  • Món ăn quá khô cứng

Chế độ ăn sau phẫu thuật u não cần lưu ý gì thêm?

Chế độ ăn sau mổ u não cần lưu ý thêm một số điều sau đây:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ: Để có thể xây dựng được thực đơn ăn uống phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng hiện tại và giúp cơ thể mau hồi phục sức khỏe, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
  • Theo dõi chặt chẽ sức khỏe của người bệnh: Trong quá trình chăm sóc sau phẫu thuật, người thân cần quan sát các biểu hiệu bất thường của người bệnh để có thể trao đổi với bác sĩ về việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng kịp thời như thay đổi giờ ăn, khối lượng tiêu thụ thực phẩm hoặc loại thực phẩm.
  • Không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc: Việc sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc hay nghe theo công dụng quảng cáo chưa được kiểm chứng có thể gây hại cho người bệnh. Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm bổ sung nào, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Lưu ý chế biến món ăn cho người bệnh sau mổ u não

Để giúp hỗ trợ người bệnh sau mổ u não nhanh lành vết thương, mau hồi phục sức khỏe, việc chế biến món ăn cho người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Đa dạng nhóm chất dinh dưỡng trong bữa ăn: Thay vì chỉ tập trung một nhóm chất cụ thể, khẩu phần ăn của người bệnh u não nên đầy đủ các món ăn được chế biến từ thực phẩm giàu chất xơ (rau xanh, các loại đậu, hạt…), thực phẩm giàu protein (cá béo, thịt nạc, đậu nành…), thực phẩm cung cấp tinh bột phức hợp (ngũ cốc nguyên hạt, ngô, khoai…), thực phẩm giàu vitamin và chất chống oxy hóa (quả mọng, trái cây tươi, trà xanh, cacao…).
  • Kiểm soát khối lượng tiêu thụ: Tham khảo ý kiến bác sĩ về khối lượng tiêu thụ thực phẩm an toàn trong khẩu phần ăn để hạn chế nguy cơ gây hại cho sức khỏe của người bệnh sau mổ u não.
  • Chia nhỏ bữa ăn: Sau phẫu thuật não, người bệnh có thể bị khó nuốt và mệt mỏi. Việc chia nhỏ bữa ăn trong ngày (từ 4 - 6 bữa / ngày) có thể giúp người bệnh ăn uống dễ dàng hơn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn và trao đổi chất diễn ra thuận lợi.
  • Hạn chế sử dụng gia vị: Các món trong chế độ ăn sau mổ u não nên hạn chế nêm nếm muối, đường, hạt nêm, bột ngọt… Việc tiêu thụ nhiều gia vị, đặc biệt muối, đường có thể thúc đẩy khởi phát các phản ứng viêm và bệnh lý mạn tính trong cơ thể.
Người sau mổ u não cần tránh tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, thức ăn nhanh

Tóm lại, để hỗ trợ giúp cơ thể người bệnh mau hồi phục, việc xây dựng chế độ ăn sau mổ u não cần phù hợp với từng cá thể người bệnh, được tư vấn bởi bác sĩ. Nếu như có thêm thắc mắc về chế độ ăn sau phẫu thuật u não, người bệnh có thể đến chuyên khoa Dinh dưỡng Tiết chế tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để bác sĩ tư vấn chi tiết.