Mẹo hay mới

Bà bầu ăn mật ong được không?

Darkrose

Bà bầu ăn mật ong được không?

1. Bà bầu ăn mật ong được không?

Nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến việc sử dụng mật ong như: “Những đối tượng nào nên sử dụng mật ong” hay “mật ong có tốt cho bà bầu không”... Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, không sử dụng mật ong ở trẻ dưới 1 tuổi vì hệ tiêu hóa còn yếu nên dễ bị ngộ độc. Đối với các đối tượng khác bao gồm trẻ em trên 1 tuổi, người lớn khỏe mạnh và phụ nữ có thai... việc sử dụng mật ong là an toàn vì hệ thống miễn dịch đã hoàn thiện và có thể xử lý các loại vi khuẩn có trong mật ong.

Mật ong mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ có thai như sau:

  • Tăng cường hệ miễn dịch: Công dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa của mật ong giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Đối với phụ nữ đang mang thai, hệ miễn dịch cần phải khỏe mạnh để ngăn chặn các tác nhân gây hại đối với sức khỏe, bởi chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, mật ong được sử dụng cho mẹ bầu giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, chống lại các nguy cơ gây nhiễm trùng và ngăn chặn quá trình stress oxy hóa;
  • Giảm chứng mất ngủ: Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ ở phụ nữ có thai như mệt mỏi, khó chịu, đau lưng... gây ảnh hưởng xấu đến cả mẹ lẫn bé. Theo các nghiên cứu cho thấy, một cốc sữa ấm pha cùng một thìa cà phê mật ong trước khi đi ngủ giúp mẹ bầu giảm căng thẳng, ngủ ngon và sâu giấc hơn;
  • Giảm tình trạng ho và cảm lạnh: Trong giai đoạn thai kỳ các mẹ bầu thường được bác sĩ chỉ định hạn chế sử dụng kháng sinh. Vì vậy trường hợp bị viêm họng, ho hay cảm lạnh thì sử dụng mật ong sẽ giúp giảm các triệu chứng trên. Đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn và tăng cường sức đề kháng của mật ong góp phần giúp giảm nhẹ tình trạng cảm lạnh, viêm họng và ho;
  • Giảm đau họng là câu trả lời cho thắc mắc “mật ong có tốt cho bà bầu không”. Dùng một muỗng mật ong thêm vào nước chanh ấm hay trà gừng sẽ giúp giảm tình trạng đau họng;
  • Giúp tiêu hóa tốt hơn: Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ được xem là khoảng thời gian khó khăn với người mẹ bởi sự phát triển của thai nhi làm tăng áp lực lên dạ dày, ruột và làm cho quá trình tiêu hóa thức ăn khó khăn hơn. Trong giai đoạn này, mẹ nên uống một ly sữa ấm thêm khoảng một thìa cà phê mật ong sẽ giúp giảm sự khó chịu trong dạ dày và ổn định tiêu hóa. Bên cạnh đó, kết quả nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mật ong có công dụng giúp làm giảm sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter Pylori - tác nhân gây viêm loét dạ dày;
  • Cải thiện sức khỏe da đầu: Đun một lượng nhỏ mật ong với nước ấm và thoa lên da đầu giúp làm giảm gàu và tình trạng ngứa da đầu;
  • Chứa nhiều chất chống oxy hóa: Hàm lượng cao chất chống oxy hóa trong mật ong giúp mẹ bầu bảo vệ sức khỏe, tránh được tác động xấu của các gốc tự do, cải thiện hệ miễn dịch;
  • Cung cấp năng lượng cho cơ thể: Nguồn năng lượng dồi dào giúp cơ thể khỏe mạnh là vô cùng quan trọng đối với phụ nữ mang thai, sự phát triển ngày càng lớn theo thời gian của thai nhi sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng của mẹ bầu. Cùng với đó là sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai làm cho mẹ bầu dễ bị mệt mỏi. Theo đó, mật ong là thực phẩm chứa nhiều calo lành mạnh. Vì vậy, sử dụng mật ong trong thời kỳ mang thai giúp cung cấp nguồn năng lượng tuyệt vời cho mẹ bầu;
  • Chữa vết thương, vết bỏng: Đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn của mật ong giúp cho thực phẩm này được biết đến như một loại thuốc tự nhiên giúp hỗ trợ làm lành các vết thương. Trường hợp bị thương hoặc bị bỏng trong thời gian mang thai, mẹ bầu có thể sử dụng mật ong bôi trực tiếp lên vết thương sẽ giúp giảm đau, nhanh hồi phục vết thương;

2. Sử dụng mật ong ở phụ nữ có thai như thế nào là hợp lý?

Bên cạnh câu hỏi “bà bầu ăn mật ong được không” thì việc sử dụng mật ong ở phụ nữ có thai như thế nào cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Mặc dù đem lại nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe nhưng việc sử dụng mật ong cũng cần theo liều lượng nhất định. Khuyến cáo từ các chuyên gia chỉ ra rằng, một thìa súp mật ong có chứa khoảng 8,6g đường. Vì vậy, mỗi ngày mẹ bầu chỉ nên dùng tối đa 5 muỗng thìa súp mật, tương đương với 180 - 200 calo.

Bên cạnh đó, lựa chọn dạng mật ong phù hợp để sử dụng cũng đóng vai trò rất quan trọng. Một số lưu ý khi sử dụng mật ong ở phụ nữ mang thai để đạt được hiệu quả tối đa nhất như sau:

  • Sử dụng những sản phẩm mật ong đã được tiệt trùng;
  • Các loại sản phẩm mật ong hữu cơ nên được ưu tiên lựa chọn vì không phải trải qua nhiều quá trình chế biến;
  • Không bỏ mật ong vào các loại đồ uống nóng vì nhiệt độ cao sẽ làm mất các enzym có lợi;
  • Không sử dụng đồng thời mật ong với vitamin C, vitamin D vì các khoáng chất trong mật ong sẽ làm phá hủy các loại vitamin này.

3. Tác dụng phụ khi sử dụng quá nhiều mật ong

Lạm dụng hay sử dụng mật ong với lượng lớn có thể gặp các tác dụng phụ sau đây:

  • Tăng độ nhạy cảm với insullin: Lượng đường trong máu có thể tăng lên nếu lạm dụng mật ong, nghiêm trọng hơn là tình trạng đề kháng insullin. Vì vậy, phụ nữ mang thai mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ thì không nên sử dụng mật ong;
  • Gây co thắt: Sử dụng nhiều mật ong sẽ dẫn đến tình trạng co thắt dạ dày, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón. Bên cạnh đó, mật ong cũng làm tăng axit dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và có thể làm chậm quá trình tiêu hóa;
  • Gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng: Lượng đường trong mật ong cao có thể dẫn đến tình trạng sâu răng và mòn răng khi mang thai;
  • Tăng cân: Hàm lượng calo cao trong mật ong dễ làm cho mẹ bầu tăng cân nhiều trong thời kỳ mang thai.

Như vậy, mật ong là thực phẩm có nhiều vai trò và lợi ích sức khỏe đối với phụ nữ mang thai. Việc sử dụng mật ong đối với mẹ bầu là vô cùng có lợi nhưng cần dùng hợp lý với liều lượng vừa phải, tránh lạm dụng loại thực phẩm này.