Sức khỏe

Bệnh đột quỵ: Nguyên nhân, triệu chứng, di chứng và cách phòng ngừa

Darkrose

Bệnh đột quỵ: Nguyên nhân, triệu chứng, di chứng và cách phòng ngừa

Hiện nay đột quỵ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong cao. Đột quỵ được nhận định là một căn bệnh cấp tính, xảy đến đột ngột và rất nguy hiểm nếu như không được xử lý kịp thời.

Bệnh đột quy là gì?

Đột quỵ là một căn bệnh cấp tính. Đột quỵ xảy ra khi xuất hiện hiện tượng vỡ mạch máu não hoặc tắc mạch khiến dòng máu lên nuôi não bị ngưng trệ, không tuần hoàn.

Nếu không được điều trị kịp thời, các tế bào trong não sẽ nhanh chóng bị ngừng hoạt động. Điều này có thể khiến cho người bệnh đối mặt với di chứng tàn tật, thậm chí là tử vong.

Nguyên nhân gây ra đột quỵ

Nguyên nhân chính gây ra đột quỵ được cho là do xơ vữa động mạch. Cholesterol cao có thể tích tụ trên thành động mạch, vì vậy mà tạo thành vật cản gây tắc nghẽn mạch máu não.

Tình trạng tắc nghẽn mạch máu não này có thể xảy ra do cục máu đông. Nó gây nên đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Xơ vữa động mạch khiến cho các cục máu đông dễ dàng hình thành hơn. Đột quỵ xuất huyết có thể xảy ra nếu tình trạng huyết áp cao của người bệnh không được kiểm soát dẫn tới động mạch bị vỡ.

7 triệu chứng phổ biến của đột quỵ

Đột quỵ thường được phát hiện với 7 dấu hiệu đặc trưng dưới đây:

  • Người bệnh có hiện tượng tê hoặc yếu cơ, đặc biệt là thường xảy ra ở một bên cơ thể
  • Người bệnh có dấu hiệu thay đổi thị lực ở một hoặc cả hai mắt
  • Xuất hiện cảm giác khó nuốt
  • Người bệnh bị nhức đầu nghiêm trọng không rõ nguyên nhân
  • Cảm thấy chóng mặt, đi lại khó khăn, khó cử động
  • Xuất hiện hiện tượng nói ngọng, khó nói, lưỡi bị tê cứng
  • Bị rối loạn trí nhớ.

Các triệu chứng báo hiệu đột quỵ thường không kéo dài vì thế khi phát hiện bất kể một biểu hiện bất thường nào của người bệnh thì không nên chủ quan, mà hãy thực hiện việc cấp cứu kịp thời.

Gần đây các chuyên gia y tế, y bác sỹ nhận biết sớm nguy cơ đột quỵ bằng quy tắc “FAST”:

  • Face: Nhận biết dấu hiệu đột quỵ qua gương mặt người bệnh. Dựa vào tình trạng mặt bị mất cân đối hoặc một bên miệng bị méo, bệnh nhân có thể sẽ được yêu cầu “cười” để được quan sát rõ hơn.
  • Arm: Bệnh nhân sẽ được yêu cầu giơ cả hai tay lên, sau khi kiểm tra bên nào yếu hơn hoặc rơi xuống trước thì bên đó được kết luận bị liệt.
  • Speech: Nhận biết sự bất thường trong ngôn ngữ. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nói lặp lại một câu đơn giản nào đó. Nếu giọng nói không được tròn, rõ, không lưu loát hoặc không thể nói được thì đây chính là dấu hiệu bất thường của đột quỵ.
  • Time: Bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ rất cao nếu xảy ra cả 3 dấu hiệu kể trên. Người xung quanh cần khẩn trương đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để kịp thời điều trị.

3 dạng đột quỵ người bệnh thường gặp

Đột quỵ là căn bệnh vô cùng đáng sợ bởi nó có thể xảy ra với bất cứ ai và bất cứ lúc nào, một cách đột ngột với hậu quả để lại vô cùng nặng nề.

Trong trường hợp bị đột quỵ sẽ xuất hiện tình trạng thiếu oxy, lúc này các tế bào não sẽ ngừng hoạt động trong vòng vài phút. Khi não ngừng hoạt động, các bộ phận trong cơ thể do não điều khiển cũng theo đó dừng hoạt động.

Chính vì thể, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu khiến cho người bệnh phải đối mặt với các di chứng tàn tật lâu dài. Sau đây là 3 dạng đột quỵ thường gặp, bao gồm:

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Dạng đột quỵ này xảy ra phổ biến nhất, chiếm tới 90% trong số các trường hợp được ghi nhận. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi động mạch não người bệnh bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn khiến cho máu không thể lưu thông hoặc lưu thông kém.

Đột quỵ xuất huyết não

Đây là dạng đột quỵ ít phổ biến hơn nhưng lại có khả năng cao gây tử vong. Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ ra hoặc rò rỉ khiến cho tình trạng chảy máu não khó có thể dừng lại.

Cơn đột quỵ nhỏ

Các cơn đột quỵ nhỏ xuất hiện thường là do tình trạng thiếu máu não xảy ra. Lưu lượng máu tới não tạm thời bị cản trở, gây ra những triệu chứng giống như đột quỵ. Khi lưu lượng máu về lại mức bình thường, các triệu chứng đột quỵ sẽ mất đi. Đây cũng có thể là dấu hiệu báo hiệu cho một cơn đột quỵ lớn sắp xảy ra, vì vậy người bệnh cần chú ý nhiều hơn.

Phương pháp chẩn đoán đột quỵ

Mấu chốt trong quá trình điều trị bệnh nhân đột quỵ chính là thời gian. Vậy nên việc phát hiện càng sớm, điều trị kịp thời thì cơ hội sống sót của người bệnh càng cao.

Để chẩn đoán đột quỵ một cách chính xác, các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ tăng trưởng của cục máu đông hoặc mức độ lan rộng của ổ xuất huyết. Bên cạnh đó, việc chụp

CT có thể giúp bác sĩ tìm hiểu được các triệu chứng đột quỵ do ổ xuất huyết hay do các cục máu đông.

Một số xét nghiệm khác có thể được thực hiện nhằm mục đích tìm ra nơi cục máu đông hoặc vị trí chảy máu trong não của người bệnh.

Cách cấp cứu cho người bị đột quỵ

Sau khi gọi xe cấp cứu khi phát hiện người bị đột quỵ, những người xung quanh hãy áp dụng các phương pháp sơ cứu cho bệnh nhân trước khi được đưa đến bệnh viện tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định và tùy thuộc vào 2 trường hợp thực tế sau đây:

Nếu người bệnh tỉnh

  • Kiểm tra mạch, huyết áp, nhịp tim của người bệnh.
  • Đặt bệnh nhân ở tư thế đầu nằm nghiêng, nâng nhẹ và cố định đầu không cho lắc lư.
  • Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.
  • Lau đờm dãi, loại bỏ các dị vật trong miệng như răng giả, thức ăn còn sót lại.
  • Nếu bị liệt, khi vận chuyển, cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng về bên người không bị liệt.

Nếu người bệnh bị hôn mê

  • Cần sơ cứu theo 5 bước đã kể trên.
  • Trong trường hợp mạch của người bệnh không đập hoặc ngừng thở, phải ngay lập tức tiến hành hô hấp bằng cách thổi mồm và ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân theo tỉ lệ 1:5.

Những cấp cứu kịp thời cho người bị đột quỵ sẽ góp phần giảm nhẹ những hậu quả của đột quỵ để lại, không những vậy mà còn có thể cứu sống nạn nhân khỏi cái chết.

Phương pháp điều trị đột quỵ

Đối với đột quỵ do thiếu máu cục bộ, việc điều trị khẩn cấp tập trung vào sử dụng thuốc để khôi phục lại lưu lượng máu. Sử dụng thuốc làm tan cục máu đông sẽ giúp bệnh nhân đột quỵ giảm nguy cơ đối mặt với sự nguy hiểm một cách kịp thời.

Đối với đột quỵ xuất huyết não, tùy thuộc vào tình trạng xuất huyết hoặc máu tụ của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp. Việc điều trị thường nhằm cố gắng kiểm soát

huyết áp cao và tình trạng chảy máu não.

Những di chứng của đột quỵ gây ra

Đột quỵ có gây ra tổn thương lâu dài cho người bệnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và việc người bệnh có được điều trị kịp thời hay không. Đột quỵ có thể để lại nhiều di chứng liên quan đến các cơ quan, hệ cơ quan khác nhau trên cơ thể người bệnh như:

  • Hệ hô hấp

Các tổn thương não bộ có thể khiến việc ăn uống của người bệnh trở lên khó khăn. Đây là triệu chứng phổ biến nhưng có thể được cải thiện theo thời gian khi cơn đột quỵ biến mất. Mặc dù vậy, nếu các tổn thương não xảy ra tại trung tâm điều khiển các hoạt động hô hấp của cơ thể có thể dẫn đến ngừng hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong.

  • Hệ tuần hoàn

Hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng phần lớn do các thói quen không lành mạnh khiến bệnh nhân bị đột quỵ như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia hay mắc chứng tăng huyết áp hoặc đái tháo đường. Vì vậy bệnh nhân cũng cần thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn cũng như chế độ luyện tập.

  • Hệ cơ

Những di chứng ảnh hưởng đến hệ cơ có thể kể đến như giảm vận động của một số bộ phận trên cơ thể hoặc thậm chí là tình trạng liệt sau đột quỵ.

  • Hệ tiêu hóa

Một số loại thuốc sử dụng để điều trị đột quỵ có thể gây táo bón, bên cạnh đó đột quỵ có thể gây tổn thương cho vùng não kiểm soát các hoạt động tiêu hóa của ruột dẫn đến sự hạn chế hoặc mất chức năng ruột.

  • Hệ tiết niệu

Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến việc giao tiếp giữa não và hệ tiết niệu, đặc biệt là bàng quang khiến cho bệnh nhân có thể đi vệ sinh thường xuyên, tiểu tiện dầm dề, không tự chủ, thậm chí một kích thích rất nhỏ như ho hay cười cũng khiến người bệnh tiểu tiện.

  • Hệ sinh sản

Bệnh có thể không trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản nhưng có thể làm giảm ham muốn tình dục nếu bệnh nhân mắc những rối loạn tâm lý hay sử dụng một số loại thuốc điều trị.

  • Hệ thần kinh

Di chứng mà đột quỵ để lại cho hệ thần kinh được nhận định là rất nặng nề. Người bệnh có thể mất khả năng cảm nhận nóng, lạnh, đau… hoặc bị suy giảm thị lực nếu các dây thần kinh vùng mắt bị tổn thương. Thậm chí đột quỵ còn gây ra một loạt những vấn đề về thần kinh như: mất trí nhớ, sa sút trí tuệ và thay đổi hành vi như dễ nóng giận, trầm cảm. Nếu là tổn thương các dây thần kinh vận động, người bệnh có thể bị liệt nửa người hay toàn thân sau đột quỵ.

Cách phục hồi sau đột quỵ

Bệnh nhân sống sót sau đột quỵ có thể gặp một hoặc nhiều vấn đề về sức khỏe. Những vấn đề này có thể là vĩnh viễn nhưng một số trường hợp người bệnh vẫn có thể phục hồi được một số

hoặc thậm chí hầu hết các khả năng của họ như trước đây.

Sau đột quỵ, chức năng nói, vận động và cảm giác thường bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vậy nên cần có những bài tập trị liệu thích hợp để phục hồi các chức năng này.

Chức năng nói

Phục hồi chức năng nói là chìa khóa cho quá trình phục hồi sau đột quỵ. Nó giúp mọi người lấy lại các kỹ năng đã mất và học cách thích nghi với những tổn thương đó. Mục tiêu là giúp người

bệnh khôi phục càng nhiều càng tốt. Đối với những người gặp khó khăn trong việc nói, các nhà trị liệu ngôn ngữ sẽ giúp người bệnh nói chuyện mạch lạc và rõ ràng hơn.

Chức năng vận động

Có thể thấy các vấn đề liên quan đến vận động hay sự thăng bằng thường hay xảy ra sau khi người bệnh bị đột quỵ. Điều này ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động thường ngày của người

bệnh. Vật lý trị liệu là một cách hiệu quả để lấy lại sức mạnh cơ bắp cũng như cách giữ cơ thể thăng bằng và phối hợp cử động.

Chức năng cảm giác

Sau đột quỵ, suy nghĩ và cảm nhận của một số người bệnh cũng từ đó mà thay đổi theo hướng tiêu cực như trở nên sợ hãi, dễ tức giận hoặc lo lắng, thậm chí là trầm cảm. Tốt nhất người bệnh

nên nói chuyện với các nhà tâm lý học để học cách quản lý chính cảm xúc của bản thân.

Cách phòng ngừa đột quỵ

Thực hiện lối sống lành mạnh luôn là cách tốt nhất để những người đã từng bị đột quỵ ngăn chặn tình trạng này xảy ra một lần nữa và kể cả đối với những người chưa từng bị đột quỵ, bao gồm:

  • Không hút thuốc
  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên
  • Hạn chế uống rượu bia, đồ uống có cồn
  • Hạn chế ăn mặn
  • Xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh với nhiều rau, cá và ngũ cốc
  • Sử dụng thuốc bao gồm cả aspirin nhằm ngăn sự hình thành cục máu đông
  • Một số người bệnh có thể cần thuốc chống đông máu, như warfarin.

Khách hàng có thể tham khảo các gói khám sàng lọc tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc với đội ngũ bác sĩ giỏi về chuyên môn cùng trang thiết bị y tế hiện đại hỗ trợ quá trình thăm khám, chữa bệnh. Từ các kết quả lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận giúp người bệnh nắm rõ sức khỏe của bản thân và có những biện pháp phòng tránh căn bệnh đột quỵ.

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/