Ẩm Thực

Tổng hợp 2 cách làm mứt tắc trong veo, vàng ruộm, chua ngọt, dẻo thơm

Darkrose

Tổng hợp 2 cách làm mứt tắc trong veo, vàng ruộm, chua ngọt, dẻo thơm

Mứt tắc hay mứt quất trong veo, vàng ruộm, chua chua ngọt ngọt, dẻo thơm là một trong những món ăn vặt được nhiều gia đình yêu thích mỗi dịp Tết đến Xuân về. Với nguyên liệu gần gũi và cách thực hiện đơn giản, đừng bỏ qua hướng dẫn các bước làm món mứt quất/tắc hấp dẫn này ngay sau đây bạn nhé!

1. Cách làm mứt tắc (quất) không cần nước vôi trong và phèn chua

Nguyên liệu chuẩn bị

- Tắc: 500 gram

- Đường: 250 gram

- Một ít muối

Các bước thực hiện

Bước 1: Sơ chế tắc

- Tắc bạn đem đi loại bỏ cành (nếu có) giữ cuống và rửa sạch

- Dùng dao khía thành 4 hoặc 5 hay 6 phần tùy sở thích và chừa lại 2 đầu.

- Dùng tay ấn 2 đầu nhẹ nhàng để không rách vỏ cũng như loại bỏ nước tắc và hạt tắc. Nếu còn hạt mứt tắc sau khi hoàn thành sẽ bị đắng.

- Nước tắc lọc qua rây để loại bỏ phần hạt. Làm tương tự đến khi hết tắc

Bước 2: Chuẩn bị một nồi nước đun sôi cùng 1 chút muối. Khi nước sôi bạn cho tắc vào và đậy nắp lại trong khoảng 10 phút. Việc ngâm tắc với nước nóng giúp ra tinh dầu, khi ăn mứt tắc bạn sẽ không còn cảm thấy vị the và đắng nữa.

Bước 3: Chuẩn bị một bát nước đá lạnh, vớt tắc từ nồi nước cho vào ngâm tắc đến khi nguội hoàn toàn thì vớt ra. Tiến hành rửa lại tắc 2 lần. Tại lần thứ 2 bạn lưu ý ép chặt tay cho ra bớt phần nước trong tắc rồi để ráo.

Bước 4: Cho tắc vào cùng đường và 2 muỗng nước tắc, trộn nhẹ nhàng. Bọc kín lại ướp trong 4 tiếng để đường tan ra. (Bạn cũng có thể để trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm)

Bước 5: Sên mứt tắc

- Cho tắc vào chảo bật lửa to. Đến khi nước đường sôi lên bạn hạ nhỏ lửa.

- Tiếp tục đun đến khi nước sệt lại, bạn có thể đảo mặt để mứt tắc đều 2 mặt.

- Khi mứt trong veo, đường keo lại bạn tắt bếp. Như vậy đến đây bạn đã hoàn thành mứt tắc và có thể thưởng thức rồi. Tuy nhiên nếu bạn muốn mứt có thể bảo quản lâu hơn, hãy hong khô mứt với bước 6 sau đây nhé!

Bước 6: Bạn có thể hong khô mứt bằng một trong 2 cách sau:

- Cách 1: Bạn có thể phơi mứt ngoài trời nắng to từ 2-3 tiếng

- Cách 2: Bật lò sấy làm nóng ở 100 độ C trong 5 phút. Sau 5 phút cho mứt vào sấy 30 phút ở 100 độ C mở cửa lò.

Mứt tắc/quất thành phầm trong veo, vàng ươm, mềm dẻo có độ chua ngọt vừa phải.

Xem thêm: Hướng dẫn cách làm mứt củ năng trắng giòn, thơm ngon lạ miệng

2. Cách làm mứt tắc (quất) dùng nước vôi trong và phèn chua

Nguyên liệu chuẩn bị

- Quả tắc: 1kg

- Đường: 500g

- Mật ong: 100g

- Vôi tôi: 20g

- Phèn chua: 1 muỗng

- Muối: 1 muỗng

Các bước thực hiện làm mứt tắc

Bước 1: Chuẩn bị nước vôi trong

- Hòa tan vôi tôi (vôi sống) trong nước sạch, sau đó để trong vài tiếng (khoảng 10 tiếng hoặc qua đêm) để phần vôi lắng xuống. Phần nước trong phía trên sẽ được dùng để làm mứt.

- Tuy nhiên khi này bạn sẽ thấy một lớp váng phía trên mặt nước vôi, dùng khăn hoặc vải xô để lược bỏ phần váng đó đi.

- Do nước vôi trong lắng mất khá nhiều thời gian nên phần này bạn nên chuẩn bị sẵn từ tối hôm trước.

Bước 2: Sơ chế nguyên liệu làm mứt tắc

- Tắc sau khi chọn đem đi rửa sạch, ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 20 phút cho thật sạch, rửa lại với nước một lần nữa rồi đỏ ra cho ráo nước.

- Khứa tắc thành 4 hoặc 5 đường dọc theo thân trái tắc để tạo thành những hình cánh hoa cho đẹp mắt. Phần này bạn không nên khứa quá nông hoặc quá sâu nhé, khứa nông quá thì không thể tách được phần hạt trong quả, nếu khứa sâu quá sẽ làm tắc bị đứt ra và nát khi sên mứt.

- Tiếp tục cách làm mứt tắc, bạn dùng tay ấn nhẹ hai đầu quả tắc để lược bỏ phần hạt trong tắc và làm chảy bớt phần nước trong quả. Những hạt còn sót lại bạn có thể dùng tăm để khêu ra, nếu còn hạt khi làm mứt sẽ bị đắng

- Sau khi đã sơ chế xong phần tắc sẽ ngâm tắc trong phần nước vôi trong đã chuẩn bị trước. Ngâm tắc trong khoảng 4 tiếng, nhớ để tắc ngập trong nước vôi, nếu không chúng sẽ bị thâm.

- Tiếp tục cách làm mứt tắc, bạn vớt tắc ra ngoài, rửa sạch lại với nước nhiều lần để loại bỏ mùi nồng và hôi của nước vôi còn bám trên tắc.

- Bắt nồi lên bếp, cho phèn chua vào đun lên cho nước sôi khoảng 5 phút. Cho phần tắc vào trần qua nước sôi rồi vớt ra rửa sạch với nước lạnh một vài lần cho sạch. Công đoạn này để cho phần tắc loại bỏ hết được phần nước vôi và mùi còn vương lại. Vớt ra để ráo

Bước 3: Ướp mứt tắc

- Cho tắc vào ướp với đường và mật ong trong khoảng 30 - 60 phút cho phần đường tan hết ngấm vào tắc rồi đem tắc đi sên.

Bước 4: Sên mứt tắc

- Dùng nồi có đáy dày hoặc chảo dày để sên mứt dễ hơn. Đun sôi hỗn hợp với lửa vừa, để mứt không bị nát thì không nên dùng đũa mà khi làm chỉ nghiêng qua nghiêng lại chảo cho đến khi nước tắc cạn hết và chuyển sang màu vàng óng là được. Tắt bếp.

- Khi lấy mứt tắc ra khỏi nồi nên gắp từng miếng tắc riêng rồi hứng phần dưới bằng đĩa để phần nước đường không chảy xuống.

- Tương tự cách trên bạn nên cho mứt vào thực hiện sấy trong lò nướng hoặc hong khô ngoài trời cho khô và nguội hẳn thì mới cho vào hộp bảo quản.

Mứt khi làm xong có màu vàng óng đẹp mắt, vị ngọt của đường, có một chút đắng nhẹ nhàng và vị chua chua thanh thanh.

3. Những lưu ý khi làm mứt quất (mứt tắc)

- Khi chọn tắc bạn cần lưu ý:

+ Bạn lưu ý chọn những quả tắc/quất có màu vàng bóng, căng mọng, không bị dập nát.

+ Tắc được chọn phải là những quả to đều, những quả đã già không được non hoặc chín quá.

+ Tránh chọn những trái bị hư, dập sẽ làm mứt tắc không được thơm ngon chuẩn vị.

- Đợi mứt khô thì bảo quản mứt trong lọ thủy tinh đậy kín. Nên cho một lớp đường lót dưới đáy lọ để lớp đường hút ẩm, do đó bảo quản mứt được lâu hơn.

Với 2 cách làm mứt tắc (mứt quất) trong veo, vàng ruộm, chua chua ngọt ngọt, dẻo thơm trên đây, chúc bạn thực hiện thành công và có những buổi nhâm nhi vui vẻ bên gia đình, bạn bè.

Siêu thị điện máy HC tổng hợp