Sức khỏe

Đại tràng là gì? Cấu tạo, vị trí nằm ở đâu và chức năng

Darkrose

Đại tràng là một bộ phận vô cùng quan trọng của hệ tiêu hóa. Bộ phận này khi bị tổn thương có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của chúng ta. Việc trang bị kiến thức để đảm bảo đại tràng hoạt động tốt sẽ giúp ngăn ngừa những bệnh lý hệ tiêu hóa hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đại tràng là gì?

Đại tràng (ruột già) là một bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa. Bộ phận này gồm những phần chính gồm manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại tràng sigma, trực tràng. Đại tràng nối với ruột non ở manh tràng, qua van hồi - manh tràng (van Bauhin). Van hồi - manh tràng có tác dụng giữ không để các chất trong đại tràng không bị trào ngược trở lại ruột non.

Kích thước của đại tràng

Tùy theo mỗi cơ thể và giới tính, kích thước đại tràng của mỗi người sẽ có sự khác biệt. Chiều dài của đại tràng có thể đạt đến 1m9cm. Đại tràng của người Việt Nam trung bình dài khoảng 1m48cm, chiếm khoảng ⅕ chiều dài của toàn bộ ống tiêu hóa.

Vị trí của đại tràng nằm ở đâu?

Đại tràng nằm tại vị trí gần cuối của ống tiêu hóa, nối tiếp phía trên với ruột non và phía dưới với ống hậu môn.

Cấu tạo của đại tràng

Cấu tạo đại tràng gồm manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại tràng sigma, trực tràng, cụ thể:

1. Manh tràng

Hình dạng của manh tràng tương tự chiếc túi hình tròn. Manh tràng nằm ngay phía dưới hỗng tràng được đổ vào trong ruột già. Tại phía đầu bịt kín có đoạn ngắn hình giun là ruột thừa. Hình dạng ruột thừa gần giống ngón tay với chiều dài trung bình khoảng 9cm, đường kính khoảng 0,5cm - 1cm.

2. Kết tràng

Kết tràng được chia thành 4 phần gồm kết tràng trên, kết tràng ngang, kết tràng xuống, kết tràng sigma. Kết tràng trên sẽ đi từ manh tràng lên dọc theo bên phải ổ bụng cho tới khi gặp gan rồi uốn cong (góc phải góc gan). Đoạn tiếp theo là kết tràng ngang, đi ngang qua ổ bụng. Khi đi tới gần lách bên trái, kết tràng quay đầu xuống để tạo thành kết tràng xuống, chỗ uốn cong là góc trái góc lách. Khi đi tới khung chậu, kết tràng có hình dạng chữ S tạo thành kết tràng sigma.

3. Trực tràng

Sau uốn cong 2 lần, kết tràng sigma nối tiếp với trực tràng bằng một ống thẳng dài khoảng 15cm, kết thúc tại hậu môn mở ra ngoài cơ thể. Có 2 cơ vòng để kiểm soát hoạt động đóng mở của hậu môn. Trực tràng nằm sau bàng quang ở nam giới và sau tử cung ở nữ giới.

Chức năng của đại tràng

Chức năng chính của đại tràng là nhận thức ăn đã được tiêu hóa và hấp thụ phần lớn chất dinh dưỡng từ ruột non. Nó hấp thu nước, muối khoáng từ thức ăn và với sự phân hủy của các vi khuẩn tạo khối bã thức ăn (phân) tích lại ở trực tràng. Khi có đủ lượng phân nhất định ở trực tràng sẽ tạo áp lực lên thành trực tràng, gây phản xạ đại tiện đẩy khối phân đi qua ống hậu môn ra ngoài cơ thể.

1. Sản xuất/hấp thụ vitamin

Rất nhiều vi khuẩn có mặt tại phần đầu của ruột già. Dưới tác dụng của những vi khuẩn này, một số vitamin được tạo ra như vitamin K, vitamin B12, thiamin và riboflavin. Trong đó, vitamin K đóng đặc biệt quan trọng vì là thành phần không thể thiếu trong quá trình tổng hợp các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K tại gan như các yếu tố II, VII, IX, X. Trẻ em, đặc biệt là trẻ em mới sinh, do hệ vi khuẩn trong đại tràng chưa có đủ cho nên cần được bổ sung vitamin K từ bên ngoài nhằm phòng tránh tình trạng xuất huyết do thiếu các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K (xuất huyết não ở trẻ sơ sinh do không được tiêm bổ sung vitamin K).

2. Tiết dịch đại tràng

Môi trường kiềm tại đại tràng, tiêu hóa tiếp các phần không tiêu hóa được ở môi trường axit tại dạ dày - ruột non. Niêm mạc đại tràng cũng tiết ra lượng dịch rất nhỏ tính kiềm để bảo vệ niêm mạc ruột và làm mềm phân.

3. Chức năng bài tiết

Niêm mạc đại tràng chủ yếu gồm những tế bào nhầy bài tiết chất nhầy. Chất nhầy bài tiết khi thức ăn chạm vào những tế bào nhầy hay tế bào nhầy bị kích thích bởi phản xạ ruột tại chỗ. Vai trò của chất nhầy là bảo vệ thành ruột không bị trầy xước, tránh khỏi tác hại của vi khuẩn trong phân và làm cho phân dính với nhau. Ngoài ra, đường tiêu hóa cũng là nơi bài tiết các chất tồn dư của cơ thể và những loại thuốc sau khi uống.

4. Chức năng hấp thu

Hấp thu xảy ra tại nửa đầu ruột già. Niêm mạc ruột già có khả năng hấp thu rất lớn. Nó tiếp tục hấp thụ nước từ ruột non rồi đưa vào thận, cô đặc và làm khuôn thải bã thành phân để thải ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, đại tràng còn hấp thụ nước khoáng và những nguyên tố khác.

Khi nhu động của đại tràng giảm, bã thức ăn lưu trong lòng đại tràng một thời gian dài làm quá trình hấp thu nước diễn ra nhiều hơn dẫn tới phân khô cứng lại, dẫn đến tình trạng táo bón. Trong khi đó, nếu nhu động quá mạnh của đại tràng ( có thể gặp trong các tình trạng viêm ruột cấp tính), niêm mạc ruột già sẽ bài tiết lượng lớn nước và những chất điện giải để pha loãng những yếu tố kích thích, đồng thời tăng nhu động đẩy dịch phân nhanh về phía trực tràng. Kết quả là người bệnh tiêu chảy, bị mất nước và điện giải. Tuy nhiên, tiêu chảy cũng có thể coi là một cơ chế bảo vệ giúp loại bỏ hết những yếu tố kích thích ra khỏi cơ thể, giúp người bệnh nhanh chóng khỏi bệnh.

Các bệnh lý đại tràng thường gặp

1. Viêm đại tràng

Viêm đại tràng là tình trạng niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm do tác nhân gây viêm (tác nhân đó có thể là vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, hóa chất…). Tổn thương có thể khu trú một số điểm hay lan rộng khắp niêm mạc đại tràng ở nhiều mức độ khác nhau. Đối với mức độ nhẹ, niêm mạc đại tràng có biểu hiện phù nề, sung huyết, dễ chảy máu. Ở mức độ nặng hơn có thể gặp các tổn thương sâu qua lớp niêm mạc thậm chí tạo thành những ổ loét hoặc áp-xe nhỏ.(1)

Về mặt diễn biến bệnh, viêm đại tràng có thể diễn biến cấp tính (thường gặp do nguyên nhân vi khuẩn) hoặc mạn tính (bệnh lý ruột viêm - IBD như viêm loét đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn). Khi bệnh diễn biến cấp tính, thường ít gặp biến chứng tuy nhiên, có thể gặp các biến chứng liên quan đến tình trạng rối loạn nước và điện giải do tiêu chảy, các mức độ nặng của nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn huyết, shock nhiễm khuẩn đường vào từ đường tiêu hóa… Trong khi đó, các trường hợp viêm đại tràng mạn tính như trong viêm loét đại trực tràng chảy máu hay bệnh Crohn, ngoài các biến chứng liên quan đến tình trạng rối loạn hấp thu và bài tiết còn có các biến chứng liên quan đến tổn thương ống tiêu hóa của bệnh như: thủng đại tràng, rò, hẹp, ung thư hóa…

2. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (hay còn gọi là viêm đại tràng co thắt) là tình trạng bất thường của nhu động ruột. Theo phân loại quốc tế, có thể gặp 4 thể của hội chứng ruột kích thích bao gồm: Thể tiêu chảy, thể táo bón, thể kết hợp tiêu chảy và táo bón, thể không phân loại.

Căn nguyên cụ thể của hội chứng ruột kích thích cho đến nay vẫn chưa được khẳng định. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu trên thế giới, có một số yếu tố được coi là đóng vai trò thúc đẩy sự xuất hiện hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh. Điển hình trong số đó là tình trạngthường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, làm việc gắng sức. Ngoài ra, ăn uống không điều đọ hoặc không đúng giờ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

3. Polyp đại tràng

Polyp là các khối tăng sinh trong lòng đại trực tràng. Polyp được hình thành do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc đại trực tràng. Thực tế, có nhiều khối nhô lên ở đại tràng, nhìn bề ngoài chúng rất giống polyp. Tuy nhiên, các khối này có thể không phải polyp, chẳng hạn như u cơ, u mỡ…

Phần lớn ung thư đại trực tràng phát triển từ các polyp. Trong quá trình nội soi, dựa theo đặc điểm hình ảnh đại thể trên nội soi của polyp có thể giúp bác sĩ đánh giá sơ bộ nguy cơ xuất hiện tổn thương ác tính của polyp, từ đó có thể đưa ra xử trí hoặc tư vấn kế hoạch theo dõi phù hợp cho người bệnh.

4. Túi thừa - viêm túi thừa

Túi thừa đại tràng là các cấu trúc dạng túi nhỏ gồm lớp niêm mạc và dưới niêm mạc đẩy lồi qua lớp cơ của thành đại tràng ra phía ngoài của đại tràng. . Đa túi thừa (diverticulosis) được định nghĩa là tình trạng xuất hiện nhiều túi thừa ở đại tràng. Bệnh túi thừa (diverticular disease) được định nghĩa là tình trạng các túi thừa gây triệu chứng bao gồm viêm túi thừa và các biến chứng, chảy máu túi thừa, viêm đoạn đại tràng có túi thừa. Theo nghiên cứu, số lượng và kích thước túi thừa tăng lên theo tuổi, điều này gợi ý rằng, đa túi thừa là bệnh lý có tính chất tiến triển. Về mặt dịch tễ học, đa túi thừa thường gặp ở đại tràng trái đối với người phương Tây, và ở đại tràng phải đối với người châu Á.

Một số nghiên cứu chỉ ra các yếu tố được cho là yếu tố nguy cơ của đa túi thừa như: tuổi, giới nữ, hút thuốc lá, chỉ số BMI cao.

Viêm túi thừa là tình trạng một hoặc nhiều túi thừa bị viêm. Có khoảng 4% bệnh nhân đa túi thừa có viêm túi thừa. Viêm túi thừa có thể có biến chứng như áp xe, rò, thủng, tắc ruột, hoặc có thể không có biến chứng. Một số yếu tố nguy cơ của viêm túi thừa bao gồm: chế độ ăn nhiều thịt đỏ, chỉ số BMI cao làm tăng nguy cơ viêm túi thừa; trong khi đó, chế độ ăn nhiều chất xơ, các hoạt động thể lực mạnh giúp làm giảm nguy cơ viêm túi thừa. Uống rượu và hút thuốc lá cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ viêm túi thừa, đặc biệt là viêm túi thừa có thủng. Bên cạnh đó còn một số yếu tố được cho là có liên quan đến viêm túi thừa như: yếu tố gia đình, gen, NSAID…

5. Ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng là bệnh có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 3 trong các bệnh lý về ung thư. Phần lớn ung thư đại tràng phát triển từ các polyp của đại tràng. Ở giai đoạn đầu, ung thư đại tràng thường khó phát hiện do không có triệu chứng hoặc triệu chứng kín đáo làm người bệnh dễ chủ quan hoặc bỏ qua triệu chứng. Trong khi đó, nếu được phát hiện sớm, các tổn thương khi đó có thể ở giai đoạn tiền ung thư hoặc ung thư sớm thì người bệnh hoàn toàn có thể được điều trị can thiệp cắt u qua đường nội soi bằng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến đảm bảo tính triệt để khi áp dụng điều trị như ESD, EMR… Do đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân về việc chủ động tầm soát phát hiện sớm các polyp và các tổn thương nguy cơ ung thư của đại tràng đối với nhóm người có nguy cơ cao là hết sức cần thiết. Ngay kể cả khi người đó không biểu hiện triệu chứng về đường tiêu hóa thì việc định kỳ nội soi tầm soát khi đến 45 - 50 tuổi hoặc tiền sử gia đình có yếu tố nguy cơ (có bố mẹ hoặc anh em ruột mắc ung thư đại tràng, có polyp với nguy cơ cao gây ung thư đại tràng dưới 60 tuổi), đặc biệt, khi trong gia đình có người trẻ tuổi mắc ung thư đại tràng hoặc có polyp nguy cơ cao ung thư hóa thì thành viên trong gia đình có quan hệ huyết thống với người đó cần được nội soi ở độ tuổi trước 10 năm so với thời điểm phát hiện ung thư ở người trẻ nhất trong gia đình.

Phương pháp kiểm tra chẩn đoán đại tràng

1. Nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng là phương pháp đưa ống nội soi mềm có đường kính khoảng 1cm đi từ hậu môn ngược lên qua các đoạn đại tràng tới góc hồi - manh tràng (vị trí tiếp nối giữa ruột non và ruột già) để quan sát toàn bộ đại tràng. Hình ảnh thu được từ thiết bị nội soi sẽ giúp bác sĩ phát hiện các tổn thương trong đường ruột như những vùng viêm loét, chảy máu, polyp, khối u…, đồng thời có thể giúp bác sĩ nội soi can thiệp điều trị cho người bệnh ngay trong quá trình nội soi nếu có chỉ định (ví dụ: cắt polyp, sinh thiết tổn thương…)

2. Chụp CT

Chụp CT đại tràng (chụp cắt lớp đại tràng) là kỹ thuật chẩn đoán bệnh bằng hình ảnh 2 chiều hay 3 chiều của đại tràng và trực tràng bằng hệ thống máy quét CT. Kỹ thuật này còn được biết đến với tên nội soi đại tràng ảo. Phương pháp này giúp bác sĩ nhìn rõ toàn bộ đại tràng, không cần dùng tới những phương pháp truyền thống, nhất là không cần dùng ống nội soi. Bên cạnh các ưu điểm như ít xâm nhập hơn nội soi đại tràng, có thể thực hiện không cần gây mê, … kỹ thuật này cũng có một số nhược điểm cần được bổ khuyết bằng nội soi đó là: việc đánh giá hình thái bề mặt đại thể của tổn thương còn hạn chế, không thể kết hợp can thiệp đồng thời trong quá trình chẩn đoán. Chính vì vậy, vai trò của nội soi đường tiêu hóa nói chung và nội soi đại tràng nói riêng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ống tiêu hóa cho đến nay vẫn là không thể thay thế.

Làm sao ngăn ngừa bệnh cho đại tràng?

Để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý đại tràng, cần chú ý:

    • Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, bảo quản tới khâu chế biến. Các loại thức ăn dễ gây các bệnh lý đại tràng cần tránh sử dụng hoặc dùng hạn chế. Không bổ sung những loại thực phẩm còn tươi sống như nem chua, rau sống, nem chạo, tiết canh, gỏi cá, lòng lợn… Ngoài ra, cần vệ sinh tốt môi trường sống.
    • Tránh căng thẳng kéo dài: Tránh stress, lo lắng thái quá vì dễ gây trầm cảm. Tình trạng này làm giảm nhu động ruột. Thay vào đó hãy giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ. Ngoài ra, căng thẳng kéo dài còn có thể dẫn đến việc tái phát bệnh đau dạ dày và những bệnh lý liên quan.
    • Chế độ ăn hợp lý: Chế độ ăn cần tăng cường nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, củ, quả, trái cây, đặc biệt các loại thực phẩm giàu kali như chuối, khoai lang, đu đủ… giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Không hoặc hạn chế tối đa có thể trong việc dùng những chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, cà phê, những món ăn chua cay và các thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, khó tiêu. Bạn nên ăn nhẹ và nhai kỹ. Có thể chia làm nhiều bữa, tránh ăn quá nhiều vào buổi tối.(2)
    • Kiên trì tập luyện thể dục thể thao, uống nhiều nước, có thể dùng lòng bàn tay sờ nhẹ quanh vùng thượng vị - rốn theo chiều kim đồng hồ một ngày khoảng vài lần nhằm kích thích nhu động ruột.

Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh TP.HCM) và Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa từ nhẹ đến nặng. Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa - Ngoại khoa - Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:

Đại tràng nắm giữ nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Do đó, khi đại tràng bị rối loạn, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe đáng kể. Để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý đại tràng, bạn nên xây dựng một lối sống khoa học, lành mạnh nhằm tăng cường sức khỏe toàn diện cho cơ thể.