Du học

Nhân viên quản lý rủi ro và những điều cần biết

Darkrose

Nhân viên quản lý rủi ro và những điều cần biết

Nhân viên quản lý rủi ro là vị trí có vai trò rất quan trọng đối với các doanh nghiệp ngành Tài chính ngân hàng. Vậy, bạn đã biết những gì về vị trí công việc này? Hãy cùng Ms Uptalent khám phá nhân viên quản lý rủi ro và những điều cần biết qua bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về cơ hội việc làm rất tiềm năng này nhé. MỤC LỤC 1- Nhân viên quản lý rủi ro là ai? 2- Nhân viên quản lý rủi ro làm những gì? 3- Những phẩm chất cần có ở nhân viên quản lý rủi ro 4- Cơ hội việc làm của nhân viên quản lý rủi ro 5- Mức lương của nhân viên quản lý rủi ro

1- Nhân viên quản lý rủi ro là ai?

Nhân viên quản lý rủi ro là một vị trí công việc thường gặp trong các ngân hàng hoặc các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, tiền tệ.

Nhiệm vụ chính của vị trí này là phân tích, kiểm soát và xử lý tất cả các rủi ro hoặc những yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó có thể giúp doanh nghiệp hạn chế các tổn thất và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Nhờ có vai trò của vị trí quản lý rủi ro mà doanh nghiệp có thể dự đoán được những tình huống hoặc vấn đề có khả năng gây ra ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp. Đồng thời, họ cũng đưa ra những khuyến nghị và giải pháp cần thiết giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa những thiệt hại.

Chính vì vậy, vị trí nhân viên quản lý rủi ro ngày càng khẳng định được tầm quan trọng của mình đối với năng suất và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế luôn biến đổi không ngừng như hiện tại thì việc quản lý rủi ro lại càng quan trọng hơn. >>>> Xem thêm: Quản lý rủi ro là gì? Mô hình quản trị rủi ro hiệu quả

2- Nhân viên quản lý rủi ro làm những gì?

Nhân viên quản lý rủi ro có thể đảm nhận rất nhiều công việc khác nhau. Tuỳ thuộc vào đặc điểm, quy mô và cơ cấu tổ chức của từng doanh nghiệp mà sẽ có những khác biệt nhất định trong công việc của vị trí quản lý rủi ro.

Nhưng, về cơ bản nhân viên quản lý rủi ro sẽ phải thực hiện các đầu việc sau:

- Xây dựng chính sách quản lý rủi ro phù hợp với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

- Phát triển các công cụ, mô hình nhận dạng, biện pháp đo lường nhằm giảm thiểu, kiểm soát, giám sát các rủi ro có thể xảy ra.

- Nhận dạng, phân tích, đo lường rủi ro và cảnh báo rủi ro kịp thời tới cấp trên cũng như các bộ phận liên quan.

- Thống kê các hoạt động nghiệp vụ của công ty và phối hợp với các bộ phận liên quan để xây dựng hạn mức rủi ro.

- Giám sát việc tuân thủ các chính sách rủi ro và hạn mức rủi ro đã được duyệt.

- Đánh giá và kiểm soát rủi ro bằng cách giám sát các rủi ro trong quá trình thực hiện nghiệp vụ nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo việc tuân thủ các quy định về quản lý rủi ro của công ty.

- Tham gia vào việc xây dựng và cập nhật các chính sách, quy chế, quy trình, quy định, văn bản hướng dẫn liên quan đến các hoạt động của công ty, đảm bảo tính chặt chẽ, phù hợp với các quy định pháp lý và thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

- Giám sát việc tuân thủ các quy định pháp lý và quy định nội bộ của công ty, từ đó đưa ra cảnh báo các rủi ro pháp lý có thể xảy ra.

- Giải quyết hoặc phối hợp với các bên để giải quyết các rủi ro phát sinh.

- Đề xuất ý kiến và phối hợp với các trưởng bộ phận trong việc hoạch định chiến lược quản trị rủi ro.

- Chỉ đạo việc thực hiện các chiến lược quản trị rủi ro được phê duyệt.

- Nghiên cứu các chuẩn mực quốc tế và quy định của nhà nước về quản lý rủi ro nhằm đảm bảo hệ thống quản lý của doanh nghiệp luôn theo kịp các yêu cầu, xu hướng của quốc tế và tình hình thực tiễn tại Việt Nam. >>>> Bạn xem thêm: Mô tả công việc của Finance Manager

3- Những phẩm chất cần có ở nhân viên quản lý rủi ro

Để trở thành nhân viên quản lý rủi ro bạn cần có các phẩm chất sau:

3.1- Khả năng giải quyết vấn đề

Quản lý rủi ro là một công việc có tính chất chiến lược. Nhiệm vụ của bạn là tìm ra giải pháp và xây dựng quy trình quản lý rủi ro cho toàn bộ doanh nghiệp. Chính vì vậy, bạn cần luôn thận trọng, sáng tạo để có thể tiếp cận vấn đề một cách đa chiều và giải quyết vấn đề hiệu quả.

3.2- Khả năng phân tích

Nền tảng cơ bản để quản lý rủi ro chính là phân tích rủi ro. Từ những kết quả nhận được trong quá trình phân tích, bạn sẽ tính toán ra các tác động tiềm ẩn của chúng và tìm cách giảm thiểu các tác động của chúng đến hoạt động của doanh nghiệp.

3.3- Giao tiếp tốt

Một phần trong nhiệm vụ của nhân viên quản lý rủi ro là đảm bảo mọi người có thể hiểu được những rủi ro có thể xảy ra và chiến lược quản lý rủi ro của doanh nghiệp. Để làm được điều này bạn sẽ phải giao tiếp với rất nhiều đối tượng khác nhau, từ ban giám đốc đến các nhân viên trong công ty.

3.4- Am hiểu về lĩnh vực kinh doanh của công ty

Nếu muốn xác định và dự đoán những rủi ro có thể xảy ra đối với một công ty, bạn cần hiểu rõ cách thức hoạt động cũng như những yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài có thể tác động đến công ty đó.

3.5- Đàm phán và thương lượng

Công việc của nhân viên quản lý rủi ro không chỉ đơn giản là xây dựng một chính sách rủi ro. Trên thực tế, bạn sẽ phải thương lượng cùng các bộ phận khác để quyết định phương án hành động và giúp họ nhận thức chính xác các rủi ro.

Ngoài ra bạn còn phải làm việc với kiểm toán viên thay cho sếp của mình. Có thể nói, một phần trong công việc của nhân viên quản lý rủi chính là thuyết phục người khác để họ nhận thức đúng những rủi ro có thể xảy ra.

3.6- Khả năng toán học

Việc phân tích rủi ro có liên quan rất nhiều đến các con số và phép tính. Bạn không cần thiết phải là một chuyên gia toán học, nhưng bạn cần có khả năng tính toán chính xác và nhanh nhạy với các con số.

3.7- Chịu được áp lực công việc

Khi có sự thay đổi từ một yếu tố nào đó có thể kéo theo những thay đổi về rủi ro. Lúc này bạn sẽ phải điều chỉnh các chiến lược quản lý rủi ro của mình và có biện pháp ứng phó ngay tức thì.

Chính những điều xảy ra bất ngờ này có thể tạo ra áp lực lớn cho nhân viên quản lý rủi ro. Bởi vậy bạn cần luôn bình tĩnh để tìm ra giải pháp cho mọi tình huống. >>>> Có thể bạn quan tâm: Bao nhiêu năm thì trở thành một Giám đốc tài chính (CFO)?

4- Cơ hội việc làm của nhân viên quản lý rủi ro

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sự phát triển bùng nổ của ngành tài chính - ngân hàng đã khiến vị trí quản lý rủi ro ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Khi đã hiểu được tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro, các doanh nghiệp dần gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho các vị trí công việc đảm nhận vai trò này.

Chính vì vậy, cơ hội việc làm trong lĩnh vực quản lý rủi ro đang rất rộng mở tại Việt Nam. Bạn có thể tìm thấy các vị trí công việc liên quan tại các tổ chức, đơn vị như:

- Các doanh nghiệp: các công ty, tập đoàn lớn thường xuyên tuyển dụng các vị trí quản lý rủi ro với nhiệm vụ chính là phân tích thị trường, phân tích tình hình kinh doanh của doanh nghiệp để ban quản trị có thể phòng tránh các rủi ro tài chính có thể xảy ra.

- Ngân hàng: hầu hết các ngân hàng đều có nhu cầu tuyển dụng nhân viên quản lý rủi ro để thực hiện các nghiệp vụ quản trị rủi ro tín dụng, quản trị rủi ro thị trường.

- Công ty chứng khoán: các công ty này cũng thường xuyên tuyển dụng nhân viên quản lý rủi ro để thực hiện nhiệm vụ phân tích thị trường chứng khoán và dự đoán các rủi ro tài chính có thể xảy ra. >>>> Xem thêm: Giám đốc tài chính-người đứng đầu tài chính doanh nghiệp

5- Mức lương của nhân viên quản lý rủi ro

Mức lương hiện tại của nhân viên quản lý rủi ro đang được đánh giá là cao hơn so với mặt bằng thu nhập chung của các ngành nghề khác. Tuy nhiên, mức lương thực tế còn phụ thuộc vào năng lực và kinh nghiệm làm việc của bạn.

Cụ thể, với nhân viên quản lý rủi ro chưa có nhiều kinh nghiệm mức lương dao động từ 6 - 8 triệu/tháng. Khi có từ 1 - 2 năm kinh nghiệm, mức lương sẽ từ 9 - 11 triệu/tháng. Tại cấp độ chuyên viên, mức lương có thể từ 12 - 22 triệu/tháng. Còn với cấp độ chuyên gia hoặc quản lý, mức lương có thể từ 30 - 40 triệu/tháng.

Tuy nhiên, bạn sẽ phải nỗ lực học tập và trau dồi các kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể đạt được mức lương như trên. Bên cạnh đó, bạn còn phải tìm kiếm cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp hoặc ngân hàng để tích lũy cho mình những kinh nghiệm làm việc thực tế.

Trên đây là một số thông tin về vị trí nhân viên quản lý rủi ro mà bạn cần biết. Có thể thấy, đây là một công việc tiềm năng, đáng lựa chọn làm sự nghiệp nhưng cũng tồn tại không ít thử thách, khó khăn. Tuy nhiên, nếu bạn không ngừng nỗ lực và chăm chỉ học tập, chắc chắn thành công sẽ nằm trong tầm tay của bạn.

-

HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp

Hotline: 08. 3636. 1080 Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com Website: https://hrchannels.com/ Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam

Nguồn ảnh: internet