Xã hội Hàn Quốc là một xã hội đặc trưng truyền thống, họ phong mình là dân tộc thuần nhất, là đất nước của lễ nghĩa phương Đông, nhưng cùng với xã hội hiện đại và kinh tế phát triển, ít nhiều nét đặc trưng của người Hàn Quốc cũng thay đổi, chúng ta chỉ đề cập đến những kỹ năng khi làm việc chung với người Hàn Quốc với góc nhìn từ đặc tính truyền thống của họ. Ý kiến dưới đây phân tích dựa theo những kinh nghiệm thực tế, dựa theo hững đánh giá của các học giả Immamura và nhà tâm lý học Takahashi người Nhật bản, cũng như của học giả Choi Nam Son người Hàn Quốc, cả khen và chê:
1. Người Hàn Quốc có thiên kiến và thành kiến rất mạnh, với họ, ấn tượng ban đầu là vô cùng quan trọng, chính vì vậy khi tiếp xúc với người Hàn Quốc lần đầu tiên, chúng ta cần tạo ấn tượng tốt với họ về hình thức, về cách cư xử để họ tạo một ấn tượng tốt. Người Hàn Quốc nhiều khi quyết định một việc chỉ bằng một cuộc gặp và chỉ cần một ấn tượng tốt ban đầu. Khi đã có ấn tượng tốt với người Hàn Quốc thì sẽ giải quyết tốt mọi công việc của mình. Và cũng ngược lại, khi đã có ấn tượng không tốt thì thực sự khó để có thể sửa đổi, chỉnh sửa những hình ảnh của mình trong con mắt người Hàn Quốc. Cũng có thể đây là câu trả lời vì sao người Hàn Quốc lại ăn mặc rất đẹp và chú trọng hình thức bền ngoài. Vì vậy, khi kinh doanh, làm ăn với người Hàn Quốc, cần tạo ấn tượng thật tốt ban đầu
2. Người Hàn Quốc thích chĩa mũi nhọn vào thiếu sót của người khác nhưng cũng rất dè sẻn trong ca ngợi mặt tốt của người khác, nói một cách hay hơn thì người Hàn Quốc thường quá nhấn mạnh đến lý tưởng đạo đức. Một ví dụ điển hình là chính những vị tổng thống Hàn Quốc chính là những người dân quí mến bầu ra, nhưng chưa làm được nửa nhiệm kỳ thì chính những người bầu ra Tổng thống lại quay lại chỉ trích. Rõ ràng khi làm việc với người Hàn Quốc, chúng ta cần phải chấp nhận một thực tế rằng họ rất hay nhận xét về người khác theo hướng chê bai nhiều hơn khen ngợi. Ở Hàn Quốc, chính trị gia, các tập đoàn lớn luôn là những đối tượng bị xem xét, công kích nhiều nhất, mặc dù đóng góp của họ là nhiều nhất.
3. Người Hàn Quốc chú trọng hình thức và sĩ diện mạnh, hay Chủ nghĩa hình thức thái quá. Đặc tính này cũng phần nào giống người Việt Nam chúng ta. Một bà mẹ cho con đi học thêm mở một trung tâm nào đó, thì lập tức bà mẹ bên cạnh cũng phải cho con đi học bằng được. Tôi cũng đã từng chứng kiến vợ một vị giám đốc nọ nhất quyết không chịu chuyển đến ở thuê một căn hộ rẻ tiền hơn khi chồng bà đề nghị - khi đó ông bà đang sống ở một biệt thự tại Phú Mỹ Hưng - sau khi ông chồng bà mất chức và không còn việc làm và tiền bạc của gia đình ngày càng ít đi. Bà giải thích rằng “ Xưa nay mình ở biệt thự thế này, bây giờ mà chuyển đến căn hộ chung cư nhỏ thì mặt mũi đâu nữa”. Họ coi trọng chủ nghĩa tự tôn và cái tôi của mình. Họ cố gắng làm ra vẻ ta đây giàu có, hiểu biết và hơn người vì sợ người khác coi thường, họ không muốn chịu thua và tính canh tranh khá cao. Họ hay chạy theo mốt, kể cả trong việc sử dụng ngôn ngữ, hay chơi chữ và lạm dụng từ nước ngoài để chứng tỏ mình sành điệu và hiểu biết.
4. Sùng bái học giả quá mức: với họ, giáo viên, giảng viên giáo sư đại học là những tồn tại đáng kính. Tôi đã từng chứng kiến một tập đoàn lớn họ sẵn sàng trả cho một vị giáo sư đại học vài ngàn đô cho một ngày giảng bài tại công ty họ, trong khi lương công nhân chỉ 100 USD ngày. Vì vậy, làm việc với người Hàn Quốc với thương hiệu giáo viên, giáo sư, giảng viên đều được họ kính trọng hơn. Họ tôn trọng chữ nghĩa quá mức cần thiết. Họ phân biệt đối xử rất rõ ràng, một ví dụ điển hình là ở các trường đại học thì được các cơ quan hữu quan Hàn Quốc, các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc hỗ trợ mọi điều kiện cho sinh viên học tập, như cấp học bổng, máy tính, phòng lab, trang thiết bị thường xuyên, trong khi rất nhiều một trung tâm đào tạo tiếng Hàn khác không thuộc các trường đại học, hằng năm đào tạo cả ngàn người biết tiếng Hàn thì xin Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) một giáo viên người Hàn về dạy cũng bị trả lời là không vì “đây là cơ quan dân sự và không phải trường đại học” và gần như chẳng ai quan tâm, và cũng chẳng bao giờ có học bổng cho những đối tượng này. Tuy nhiên, đây cũng thể hiện tính hiếu học của họ.
5. Người Hàn Quốc lẫn lộn giữa công và tư: Tôi có một người bạn là một giảng viên đại học có tiếng tăm đã nói thẳng với tôi rằng hồi sinh viên cô ấy bị xúc phạm vì khi đi làm thêm tại công ty cho một công ty Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, cô đã từng bị một ông chủ Hàn Quốc cử cùng một cô thư ký, một tài xế, tất cả 3 người làm một việc hết sức phi lý đó là đưa con chó cưng của ông đi khám bệnh. Việc nhân viên (nhất là nhân viên thân tín, phiên dịch) phải đi làm các việc riêng không phải của công ty như: đi mua sắm, đi đón bạn, đưa bà vợ đi mua đồ, đi shopping, đưa con đi học, đưa bạn gái đi khám bệnh, đón đưa đi nhậu sau giờ làm việc… là chuyện thường ngày xẩy ra ở những công ty Hàn Quốc.
6. Tư tưởng bảo thủ thoái hóa: Rất nhiều bạn trẻ đang làm việc với doanh nghiệp Hàn Quốc đều than rằng sao thuyết phục người Hàn Quốc cải tiến, thay đổi một điều gì đó là vô cùng khó khăn, mặc dù lợi ích của việc thay đổi đã sờ sờ trước mắt. Người Hàn Quốc thường thiếu mềm dẻo trong suy nghĩ, cứng nhắc và họ ngại thay đổi dù là tốt hay xấu. Rất không dễ để khuyên một người Hàn Quốc thay đổi. Trong tiếng Hàn có một từ ngữ rất phổ biến nói về tính cách bảo thủ của người Hàn Quốc đó là “chủ nghĩa cực đoan” (국수주의). Đặc tính tính cách của người Hàn là có âm và dương, nghĩa là hay thay đổi, nhưng để cân bằng điều đó thì lại cần ý tưởng cố định (bảo thủ) để cân bằng.
7. Chủ nghĩa độc đoán cấp bậc, đặc biệt trong gia đình và trong quan hệ thân thuộc. Văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc rất chặt chẽ và kỷ luật, đa số đàn ông Hàn Quốc đều trải qua môi trường quân đội nên họ thấm nhuần tư tưởng chấp nhận và phục tùng, trên nói dưới nghe và tuyệt đối chấp hành. Họ sẵn sàng làm theo mệnh lệnh chính thức của cấp trên, e sợ cấp trên và ít khi dám đưa ra chủ kiến của mình nếu trái lại ý kiến cấp trên, có xu hướng nịnh trên, đè cấp dưới (kể cả cùng người Hàn Quốc với nhau). Phục tùng, xu nịnh, phụng dưỡng cấp trên chính là đặc tính lớn nhất trong tổ chức của người Hàn Quốc. Họ hay coi thường người nghèo và xu nịnh kẻ giàu có. Họ coi thường nước nghèo và hay xu nịnh nước giàu. Giám đốc một công ty du lịch Hàn Quốc đang làm ăn tại Việt Nam và làm mất hộ chiếu của khách Hàn Quốc họ nhờ một công ty Việt Nam xin Visa lại, và khi công ty Việt Nam trả lời rằng không làm được thì họ nói thẳng “Ở Việt Nam, làm gì có cái gì mà không làm được” theo ý rằng chê bai những nước nghèo khó hơn. Họ hay coi thường người nghèo, ứng xử theo kiểu thượng đội hạ đạp.
9. Hay bị tình cảm chi phối: Khuynh hướng nền tảng của người Hàn là rộng lượng và nhân đạo. Lấy chữ tình ra để giải quyết công việc nhưng thường chính vì thế mà hay bị lợi dụng và hay tổn thương nhau. Họ cũng thường đồng cảm với người khác nhưng tính đố kỵ cũng khá cao. Nhiều khi lấy cảm tính để giải quyết công việc. Họ chú trọng các quan hệ liên quan đến chữ duyên, mà điển hình nhất là “học duyên” (duyên cùng học một trường), họ rất phấn chấn và tin tưởng khi gặp được một người được gọi là cùng học, bất chấp chênh lệnh bao nhiêu năm. Nhiều khi họ hời hợt.
10. Chủ nghĩa tập thể: người Hàn Quốc chú trọng khái niệm sinh hoạt tập thể “단체생활”, và họ cho rằng người sinh hoạt tập thể tốt nhất chính là người giỏi hòa đồng với xã hội và thành công. Thật khó khăn để bỏ một buổi liên hoan trong công ty hoặc sinh nhật của một đồng nghiệp. Họ hay tụ tập hát hò, đi du lịch chung với nhau, ca hát, nhảy múa. Người thành công nhất tại doanh nghiệp Hàn Quốc chính là người hòa đồng với họ. Người Hàn tham gia rất nhiều hội khác nhau, đoàn kết và cùng sinh sống một môi trường của riêng họ.
11. Người Hàn Quốc cũng chi tiền khá nhệu vào các trò chơi và trò tiêu khiển. Làm việc chung với người Hàn Quốc cần phải biết đi chơi với họ, biết giải trí. Làm việc xong bao giờ cũng “ Làm một ly nhé” và họ cũng hay chơi bời khá khuya, những ai hay lang thang cùng với người Hàn Quốc hoặc lái xe cho họ thì rất hiểu điều này. Khách hàng lớn nhất tại các sòng bạc ở cách khách sạn Việt Nam có thể là người Hàn Quốc.
12. Họ siêng năng và trung thực trong công việc, ta vẫn nói là người Việt cần cù, nhưng nếu so với người Hàn Quốc còn thua xa. Người Hàn Quốc thường là đến công ty sớm nhất và cũng về công ty sớm nhất, họ chỉ biết công việc và công việc, họ ưu tiên mọi thứ cho công việc, họ ghét sự lười biếng và đi muộn về sớm, họ luôn yêu cầu sự đúng giờ và trao đổi thông tin rõ ràng. Cần cù, tuân thủ thời gian làm việc đúng giờ, trung thực được đánh giá cao trong doanh nghiệp Hàn Quốc.
13. Người Hàn Quốc rất nồng hậu và đối xử chu đáo với người quen cũ, hiếu khách nhưng với người xa lạ thì ho không tử tế và không quan tâm. Tư duy hào hiệp và theo bề rộng. Họ có tính bài ngoại khá cao. Họ luôn đặt các mối quan hệ có trước để ứng xử tốt với nhau, chú trọng huyết duyên, học duyên và địa duyên.
14. Họ đề cao tính khiêm tốn, yêu quí gia đình và có ít nhiều tư tưởng bè phái, chủ nghĩa địa phương, con cái hiếu thảo với cha mẹ, yêu nước và sẵn sàng hy sinh. Kính trọng người lớn tuổi.
15. Ý thức chấp hành luật pháp của người Hàn Quốc cũng khá kém, nhưng tốt dần lên. Họ bất chấp qui định của pháp luật. Rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam không đóng bảo hiểm đầy đủ cho người lao động, bỏ trốn, trốn thuế, tranh chấp đều phát sinh từ những nhận thức yếu về pháp luật của họ. Xã hội Hàn Quốc rất hay xẩy ra tiêu cực, kể cả gia đình Tổng thống. Ở Viet Nam, cộng đồng người Hàn có câu rất nổi tiếng: Ở VIệt Nam, cái gì cũng có thể giải quyết bằng tiền được.