Du học

Trình độ chính trị là gì? Cách xác định như thế nào?

Darkrose

Trình độ chính trị là gì? Cách xác định như thế nào?

1. Trình độ chính trị là gì?

Trình độ chính trị là khái niệm chỉ năng lực, kiến thức và mức độ hiểu biết của một cá nhân trên phương diện lý luận chính trị. Tiêu chuẩn này phản ánh năng lực chính trị của cá nhân đó trong việc nghiên cứu, phân tích và ứng dụng lý luận chính trị vào thực tế.

(Ảnh minh hoạ)

Trình độ chính trị có thể được xác định thông qua các bằng cấp, chứng chỉ và khả năng vận dụng thực tiễn trong lĩnh vực chính trị. Điều này được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống như nghiên cứu, giáo dục và quản lý chính trị.

Trình độ chính trị có vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân và là nền tảng thúc đẩy sự phát triển của quốc gia. Bởi vậy, Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng vào các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị cho các cán bộ, đảng viên.

2. Mục đích của việc xác định trình độ chính trị

Căn cứ theo Điều 1, Quy định số 256-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương, mục đích của việc xác định trình độ chính trị được thể hiện như sau:

Việc xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên nhằm bảo sự thống nhất về tiêu chuẩn trình độ lý luận chính trị trong Đảng; làm cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về lý luận chính trị và thực hiện chính sách đối với cán bộ, đảng viên.

Mục đích của việc xác định trình độ chính trị (Ảnh minh hoạ)

Như vậy, theo quy định trên có thấy thấy, việc xác định trình độ chính trị nhằm 3 mục đích chính sau:

  • Thứ nhất, xác định trình độ chính trị đảm bảo sự thống nhất trong tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị trong Đảng

  • Thứ hai, xác định trình độ chính trị sẽ là căn cứ quan trọng để Đảng và Nhà nước xây dựng các chính sách và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ chính trị cho các cán bộ, đảng viên.

  • Thứ ba, việc xác định trình độ chính trị cũng là cơ sở để cập nhật kiến thức và thực hiện những chính sách đã đưa ra đối với các cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh những mục đích trên, việc xác định trình độ chính trị cũng là căn cứ để xét dự thi nâng ngạch công chức; phục vụ cho các quyết định bổ nhiệm, đề bạt, quản lý.

Ngoài ra, đối với các cá nhân có mong muốn làm việc trong các cơ quan Nhà nước, việc xác định trình độ chính trị cũng là một yêu cầu bắt buộc, làm cơ sở để đánh giá năng lực và trình độ,

3. Các cấp bậc trình độ lý luận chính trị theo quy định

Căn cứ theo Điều 3, Quy định Số 57-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương, có 3 cấp bậc trình độ chính trị là: Sơ cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị và cao cấp lý luận chính trị. Mỗi cấp bậc này sẽ có những yêu cầu và tiêu chuẩn riêng dành cho các đối tượng.

3.1 Trình độ sơ cấp lý luận chính trị

Sơ cấp lý luận chính trị là cấp bậc thấp nhất trên thang trình độ lý luận chính trị. Theo Điều 3, Quy định Số 57-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương, trình độ sơ cấp lý luận chính trị được quy định như sau:

Sơ cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo lý luận chính trị cơ sở cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên... ở cơ sở; trang bị những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kỹ năng vận dụng thực tiễn

Trình độ sơ cấp lý luận chính trị (Ảnh minh hoạ)

Như vậy, sơ cấp lý luận chính trị là cấp độ cơ bản nhất dành cho các cá nhân ở mức cơ sở. Với cấp độ này, các cá nhân sẽ chỉ cần nắm được các nguyên lý cơ bản về lý luận chính trị và có khả năng vận dụng lý luận đó vào thực tiễn.

Về các đối tượng được đào tạo trình độ sơ cấp lý luận chính trị, dựa theo Điều 4 Quy định 57-QĐ/TW có đưa ra 3 đối tượng chính, bao gồm:

  • Những người là hội viên, đoàn viên, Đảng viên của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp cơ sở;

  • Những cá nhân là công chức cấp xã (không bao gồm chỉ huy trưởng quân sự cấp xã và trưởng công an);

  • Những cá nhân không chuyên trách ở cấp thôn, xã hoặc tổ dân phố và các đối tượng khác có nguyện vọng phù hợp với các yêu cầu chung.

Để được đào tạo ở trình độ này, các đối tượng phải có trình độ tốt nghiệp từ trung học cơ sở trở lên.

3.2 Trình độ trung cấp lý luận chính trị

Cấp độ thứ hai là trung cấp lý luận chính trị. Căn cứ theo Điều 3, Quy định Số 57-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương, trình độ trung cấp lý luận chính trị được quy định như sau:

Trung cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo lý luận chính trị cho đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở; trang bị cơ bản, có hệ thống, cập nhật về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức và hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn.

Đây là cấp độ đào tạo cao hơn dành cho các cán bộ, quản lý cấp cơ sở. Ở cấp độ này, các cán bộ phải nắm bắt được kiến thức lý luận chính trị một cách có hệ thống và cập nhật. Đồng thời, cấp độ này không chỉ yêu cầu khả năng vận dụng thực tiễn mà còn đòi hỏi các cán bộ phải có khả năng nhận thức, lãnh đạo và quản lý.

Trình độ trung cấp lý luận chính trị (Ảnh minh hoạ)

Dựa theo Điều 5 Quy định 57-QĐ/TW, sẽ có 5 đối tượng chính được đào tạo, bồi dưỡng ở trình độ trung cấp lý luận chính trị:

  • Các cán bộ, công chức, viên chức các cấp: Cấp ủy viên cấp xã, chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; các phó trưởng phòng và cấp phó các đơn vị tương đương cấp huyện, tỉnh, quy hoạch phó trưởng phòng…

  • Các cán bộ quân đội: Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã, chỉ huy cấp tiểu đoàn, phó chỉ huy trưởng, phó tham mưu trưởng, chính trị viên…

  • Các cán bộ công an: Đội trưởng, trưởng công an cấp xã, tiểu đoàn trưởng, phó đội trưởng, phó trưởng công an cấp xã, phó tiểu đoàn trưởng và tương đương; phó trưởng phòng, phó trưởng công an cấp huyện, phó trung đoàn trưởng và tương đương. Cán bộ quy hoạch những chức vụ trên;

  • Các cán bộ đã có 6 năm giữ ngạch, bậc chuyên viên và tương đương; chức danh, vị trí làm việc làm theo quy định phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị và trong dự nguồn ngạch trung cấp (tương đương);

  • Giảng viên lý luận chính trị.

Để được đào tạo ở trình độ này, các cán bộ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau theo Điều 5 Quy định 57-QĐ/TW:

  • Đảng viên dự bị chính thức hoặc chính thức;

  • Phải có trình độ tốt nghiệp Cao đẳng trở lên (đối với các cán bộ là dân tộc thiểu số hoặc ở các vùng sâu vùng xa thì chỉ yêu cầu tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên);

  • Cán bộ học hệ không tập trung: yêu cầu nữ từ 33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên.

3.3 Trình độ cao cấp lý luận chính trị

Đây là cấp bậc trình độ chính trị cao nhất theo quy định của Đảng và Nhà nước. Căn cứ theo Điều 3, Quy định Số 57-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương, trình độ cao cấp lý luận chính trị được quy định như sau

Cao cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trung và cao cấp; trang bị cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại, toàn diện về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao tầm nhìn, tư duy chiến lược; nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn.

Cấp bậc cao cấp lý luận chính trị được quy định là dành cho các cán bộ, lãnh đạo trung và cao cấp. Với cấp độ này, các cán bộ phải nắm bắt được các kiến thức lý luận chính trị một cách có hệ thống, thực tiễn, hiện đại và toàn diện. Bên cạnh yêu cầu về khả năng quản lý và vận dụng thực tiễn; các quản lý, lãnh đạo còn phải là những người có tầm nhìn xa và có tư duy chiến lược.

Trình độ cao cấp lý luận chính trị (Ảnh minh hoạ)

Về đối tượng được được đào tạo ở trình độ cao cấp lý luận chính trị, Quy định 57-QĐ/TW có quy định các đối tượng như sau:

  • Cán bộ, công chức, viên chức: Trưởng phòng cấp huyện, tỉnh; cấp ủy viên cấp huyện trở lên, lãnh đạo cấp ban, sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh; trưởng phòng của các bộ, ban, ngành; Phó trưởng phòng Trung ương; Phó trưởng phòng quy hoạch trưởng phòng cấp huyện, cấp tỉnh…

  • Cán bộ quân đội: Chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp huyện; trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn và tương đương; chỉ huy cấp lữ đoàn, sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng cấp tỉnh và tương đương…

  • Cán bộ công an: Trưởng phòng, trưởng công an cấp huyện, trung đoàn trưởng và tương đương trở lên; cán bộ quy hoạch những chức vụ trên. Cấp phó trưởng phòng (tương đương) của cục (tương đương) trực thuộc Bộ Công an;

  • Cán bộ có đủ 4 năm giữ ngạch, bậc chuyên viên chính và tương đương; chức danh, vị trí việc làm theo quy định phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị và trong dự nguồn ngạch cao cấp (tương đương);

  • Giảng viên có đủ 5 năm trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, trường có nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị.

Về tiêu chuẩn để được đào tạo ở trình độ cao cấp lý luận chính trị, các cán bộ phải đáp ứng 3 tiêu chuẩn sau:

  • Là Đảng viên chính thức;

  • Có trình độ tốt nghiệp từ Đại học trở lên;

  • Cán cán bộ phải học hệ không tập trung: Nam từ 40 tuổi, nữ từ 38 tuổi trở lên.

4. Nguyên tắc xác định trình độ chính trị

Để xác định rõ được trình độ chính trị của mình, các cán bộ, đảng viên cần phải nắm rõ nguyên tắc xác định. Căn cứ theo Điều 3, Quy định số 256-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương, nguyên tắc của việc xác định trình độ chính trị được quy định như sau:

Lấy nội dung chương trình sơ cấp, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị hiện hành của hệ thống trường chính trị của Đảng (trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; trường chính trị cấp tỉnh, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) làm chuẩn để đối chiếu với nội dung, chương trình lý luận chính trị (số môn, số tiết) đã được học của cán bộ, đảng viên.

Nguyên tắc xác định trình độ chính trị (Ảnh minh hoạ)

Như vậy, các cán bộ, đảng viên có thể xác định trình độ chính trị của mình bằng cách đối chiếu các nội dung, chương trình lý luận chính trị mà mình đã được học với nội dung chương trình chuẩn theo hệ thống các trường chính trị của Đảng.

Bên cách nguyên tắc này, khi kê khai trình độ chính trị, bạn cũng cần chú ý viết rõ ràng và chính xác tuyệt đối các thông tin liên quan đến trình độ chính trị được cung cấp trong bằng cấp chuyên môn của mình.

5. Giải đáp một số câu hỏi về trình độ chính trị

Bên cạnh những nội dung cơ bản như trên, trong khi tìm hiểu về trình độ chính trị, độc giả thường có thắc mắc ở một vài vấn đề. Sau đây bài viết sẽ tiến hành giải đáp một số câu hỏi thường gặp liên quan đến trình độ chính trị.

5.1 Tốt nghiệp đại học trình độ chính trị là gì?

Đối với những người đã tốt nghiệp đại học, trình độ chính trị sẽ được xác định tùy thuộc vào chuyên ngành mà bạn đã hoàn thành. Căn cứ theo Quy định 12/QĐ/TC-TTVH, thì trình độ chính trị đối với những người đã tốt nghiệp đại học sẽ được xác định như sau:

  • Trình độ cao cấp lý luận chính trị: Đối với những người có bằng đại học chính trị, đại học chuyên ngành Mác-Lênin, Tư tưởng - Văn hóa và chuyên ngành về Tổ chức;

  • Trình độ trung cấp lý luận chính trị: Đối với các chủ thể đã tốt nghiệp các chuyên ngành Kinh tế - Quản trị, kinh doanh, Khoa học xã hội và Nhân văn ở trong nước;

  • Trình độ sơ cấp lý luận chính trị: Đối với các đối tượng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành còn lại trong nước.

Trình độ chính trị của người tốt nghiệp đại học (Ảnh minh hoạ)

5.2 Đảng viên thì trình độ chính trị là gì?

Trình độ chính trị của đảng viên sẽ được xác định dựa vào việc đảng viên đó đã hoàn thành các chương trình lý luận chính trị ở mức độ nào. Theo đó, sẽ có 3 cấp độ tương ứng với từng khóa đào tạo, bồi dưỡng lý luận:

  • Trình độ cao cấp lý luận chính trị: Đối với đảng viên đã hoàn thành chương trình đào tạo cao cấp;

  • Trình độ trung cấp lý luận chính trị: Đối với đảng viên đã hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp;

  • Trình độ trung cấp lý luận chính trị: Đối với đảng viên đã hoàn thành chương trình đào tạo ở mức sơ cấp.

Trình độ chính trị của đảng viên (Ảnh minh hoạ)

6. Kết luận

Như vậy, bài viết đã cung cấp những kiến thức cơ bản và cốt lõi nhất về trình độ chính trị. Việc hiểu được trình độ chính trị là gì và xác định đúng trình độ chính trị có vai trò rất quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Hy vọng những thông tin được cung cấp trong bài là một nền tảng kiến thức hữu ích và cần thiết cho bạn trong việc xác định trình độ chính trị của mình.