Sức khỏe

Nổi mụn ở má: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Darkrose

Mụn ảnh hưởng gần 85% trẻ vị thành niên, nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm tuổi nào và vẫn có thể kéo dài dai dẳng tới người lớn. Tỉ lệ mắc mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành là 12% (1). Mụn nổi ở nhiều vị trí khác nhau như cằm, quai hàm, trán, lưng; đặc biệt vùng hai bên má để lại nhiều vết thâm đỏ chằng chịt. Các loại mụn này thường “đeo bám” khá dai dẳng và có thể hiện hiện vào những chu kỳ kinh nhất định. Vậy nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị mụn ở má như thế nào?

Mụn ở má là gì?

Mụn ở má thường xuất hiện ở những vùng có tuyến bã nhờn và có thể hiện diện dưới dạng mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn viêm, mụn mủ, mụn nang nốt và cục. Mức độ lan rộng và độ nặng của mụn thay đổi đa dạng từ chỉ có vài nhân mụn nhỏ cho tới sự hiện diện thường xuyên của nhiều mụn nang viêm số lượng nhiều. Mụn ở má xuất hiện do bã nhờn thừa bít tắc trong nang lông, cho phép vi khuẩn gây mụn sinh sôi nảy nở hơn bình thường và gây nên phản ứng viêm tại da. Đối với vùng má, mụn có thể khởi phát bởi việc thường xuyên sờ tay lên mặt, dùng điện thoại tiếp xúc với má, không thay vỏ gối thường xuyên hay gần đây hơn nữa là việc đeo khẩu trang trong thời gian dài. (2)

Nguyên nhân nổi mụn ở má

Mụn ở má thường do các nguyên nhân sau.

  • Tinh thần căng thẳng, stress liên tục: khi cơ thể mệt mỏi khiến sản sinh nhiều nồng độ hormone cortisol và androgen, dẫn đến việc tăng lượng bã nhờn trên da, làm mụn nổi nhiều hơn.
  • Tác dụng phụ của thuốc tránh thai: việc dùng thuốc tránh thai có thể giảm mụn nhưng ở một số người, sử dụng nhiều thuốc tránh thai thì hệ nội tiết cơ thể bị mất cân bằng, dẫn đến nổi mụn. Chưa kể, tùy người bệnh, tùy loại thuốc tránh thai mà có thể bị nổi mụn cũng không giống nhau.
  • Do di truyền: mụn còn có thể bị ảnh hưởng từ yếu tố gia đình, những người có người thân trong gia đình thường xuyên bị mụn trứng cá thì họ có nguy cơ bị mụn cao hơn người khác.
  • Chế độ ăn uống không khoa học: Việc ăn uống nhiều sữa, đường, chất béo không lành mạnh khiến tăng nồng độ yếu tố tăng trưởng IGF đóng vai trò trong cơ chế sinh mụn trứng cá nên dẫn đến tình trạng mụn mọc ở trán, cằm, má và quai hàm.
  • Thuốc: Một số thuốc (ví dụ như corticoid) có thể gây phát ban dạng mụn trứng cá. Mụn trứng cá do thuốc biểu hiện là các sang thương viêm đồng dạng mà không có nhân mụn, thường xuất hiện ở vị trí không ảnh hưởng bởi mụn
  • Chấn thương da: Việc lặp lại những chấn thương cơ học do chà xát như xà bông, tẩy trang, tẩy tế bào chết hoặc các dạng khác sẽ làm nặng thêm tình trạng mụn do phá vỡ cấu trúc nhân mụn, kích thích hình thành các sang thương viêm.
Mụn ở má xuất hiện do bã nhờn thừa bít tắc trong nang lông.

Triệu chứng mụn ở má

Mụn ở má gây ra các tổn thương, viêm, đỏ, đau và lở loét. Các vết thương sẽ xuất hiện trên má của người bệnh dưới dạng các loại tổn thương sau:

  • Mụn đầu trắng: mụn này còn được gọi là mụn trứng cá đóng. Loại nhỏ nhất và khó nhận thấy nhất. (3)
  • Mụn đầu đen: đây là mụn trứng cá mở, dễ nhìn thấy. Sắc tố đen và nâu sẫm do quá trình oxy hóa.
  • Sẩn: một loại mụn phổ biến, nhỏ, màu hồng. Nốt mụn nổi gồ lên với đường kính 2 -5 mm.
  • Sẩn mụn mủ: da có mụn, đường kính 2 -5 mm, trên nền hồng ban, mật độ cứng chắc, màu trắng bên trên có mủ tụ bên trong mụn.
  • Mụn nang: tương tự như sẩn nhưng lớn hơn >5mm, nghiêm trọng hơn và thường đau khi chạm vào.
  • Mụn nốt: đây là loại mụn nghiêm trọng nhất (>1cm). Mụn nhạy cảm, nhiều mủ và cần sự hỗ trợ của bác sĩ để loại bỏ.

Cách điều trị mụn ở má

Mụn nội tiết ở má gây khó chịu nhưng có nhiều phương pháp điều trị mụn.

Phương pháp điều trị bằng thuốc thoa

Phương pháp điều trị mụn ở má dễ tiếp cận nhất là sử dụng thuốc thoa với các sản phẩm chăm sóc da được thiết kế để chống lại mụn trứng cá.

  • Retinoids: là hoạt chất giúp điều hoà quá trình chu chuyển tế bào, giảm viêm và hạn chế tiết dầu - đây là cơ chế giúp lỗ chân lông thông thoáng và da không bị nổi mụn. Nhóm thuốc thoa retinoids trong điều trị mụn gồm có 3 loại chính: tazarotene, tretinoin, adapalene. Khi bắt đầu sử dụng thuốc thoa nhóm retinoid nên được bắt đầu với nồng độ thấp nhất và tăng dần nồng độ nếu không bị kích ứng.
  • Benzoyl peroxide: đối với những nốt mụn đang viêm, người bệnh dùng benzoyl peroxide để làm giảm số lượng vi khuẩn gây mụn trên da mà hạn chế được khả năng kháng thuốc. Nồng độ benzoyl peroxide thay đổi từ 2.5% đến 10%, người bệnh nên bắt đầu với nồng độ 2,5% và sau đó tăng dần lên tỷ lệ phần trăm cao hơn để dung nạp với thuốc tốt hơn. Nhược điểm của benzoyl peroxide là kích ứng tăng dần theo nồng độ và thuốc có khả năng tẩy trắng màu quần áo.
  • Axit Azelaic: là dạng acid dicarboxylic trong tự nhiên được tìm thấy trong hạt ngũ cốc. Axit azelaic trong thuốc thoa thường ở nồng độ 20%, có vai trò ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn C.acnes và giảm viêm. Đồng thời thuốc còn đảo ngược quá trình sừng hóa nang lông và có khả năng tiêu cồi mụn, cải thiện hiện tượng thâm sau mụn. Axit azelaic có thể dùng 2 lần một ngày và thuốc có ưu điểm ít tác dụng phụ hơn retinoids.
  • Axit salicylic: đây là thành phần hiệu quả cao trong việc điều trị mụn ở má nhờ khả năng tẩy tế bào chết và hòa tan dầu thừa trong lỗ chân lông. Sữa rửa mặt chứa axit salicylic giúp loại bỏ bã nhờn và tế bào chết trong lỗ chân lông một cách lâu dài. Có thể tìm thấy chất này trong các phương pháp điều trị mụn như serum trị mụn, toner, tẩy tế bào chết, sữa rửa mặt… nên dễ dàng kết hợp vào chu trình chăm sóc da thường ngày.
Mụn trứng cá mức độ trung bình đến nặng thường được điều trị với kháng sinh đường uống.

Điều trị bằng thuốc uống

  • Kháng sinh: Mụn trứng cá mức độ trung bình đến nặng thường được điều trị với kháng sinh đường uống, thông thường là doxycycline, minocycline, azithromycin, clindamycin. Cơ chế chủ yếu là tác động ức chế sự phát triển của vi khuẩn C.acnes và giảm hiện tượng viêm.
  • Hormon liệu pháp: Hormon liệu pháp được sử dụng điều trị hàng thứ hai trên phụ nữ bị mụn trứng cá có thể rất hiệu quả, mặc dù nồng độ androgen trong máu có thể tăng hoặc không. Thuốc ngừa thai dạng phối hợp có khả năng hạn chế hình thành androgen từ buồng trứng và tuyến thượng thận, từ đó làm giảm mụn viêm.
  • Spironolactone: có khả năng làm giảm tiết bã nhờn và cải thiện mụn.
  • Isotretinoin: được dùng trên các đối tượng mụn trứng cá nặng, dạng nang nốt hoặc kháng trị. Isotreinoin nên được dùng trong bữa ăn nhiều dầu mỡ để tăng khả năng hấp thu. Trong tháng đầu sử dụng isotretinoin nên được sử dụng với liều thấp để hạn chế bùng mụn và cho phép bệnh nhân điều chỉnh liều dựa trên tác dụng phụ. Tác dụng phụ của isotretinoin là viêm môi, khô niêm mạc miệng và mũi, khô da và có khả năng gây quái thai, tăng mỡ máu, tăng men gan.

Điều trị mụn nội tiết ở má tại phòng khám

Nếu mụn ở má trở nặng hơn, người bệnh cần gặp bác sĩ để được thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị tiên tiến và an toàn hơn để kiểm soát mụn.

Bác sĩ có thể đề nghị sử dụng một hoặc kết hợp những phương pháp điều trị sau:

  • Laser và biện pháp ánh sáng.
  • Peel da hóa học.
  • Dẫn lưu nang mụn.

Những lưu ý khi trị mụn ở má

Mụn ở má ảnh hưởng đến mỗi người một kiểu khác nhau. Bệnh có thể kéo dài ít nhất vài ngày đến vài tuần. Nếu không được điều trị, mụn có thể tồn tại nhiều tháng. Việc điều trị mụn trứng cá cũng sẽ khác nhau nhưng đều cần phải kiên nhẫn. Sau khi bắt đầu điều trị, người bệnh cần mất 4 - 6 tuần để thấy sự cải thiện trên da. Khi thấy da đã cải thiện đáng kể. người bệnh vẫn cần duy trì điều trị để ngăn mụn mới hình thành dù nhận thấy không còn tiến triển gì thêm.

Ngoài ra, để giảm nguy cơ bị hoặc tái lại mụn ở má người bệnh cần:

  • Thay đổi lối sống để giảm căng thẳng.
  • Ngủ sớm, ngủ ngon giấc.
  • Giữ chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
  • Khám và lựa chọn phương pháp điều trị với bác sĩ đối với mụn trứng cá dai dẳng.

>>>Xem thêm: Hình ảnh mụn nội tiết dễ nhận biết và không nên chủ quan

Các loại thực phẩm giảm mụn nội tiết ở má hiệu quả

Một chế độ ăn uống lành mạnh góp phần làm mụn ở má giảm, làn da khỏe mạnh hơn và ngăn ngừa mụn bùng phát. Các chất dinh dưỡng giúp giảm mụn trứng cá như vitamin C, E và A, kẽm, axit béo omega-3, chất chống oxy hóa và carbohydrate phức tạp.

Lượng insulin dư thừa trong cơ thể có thể khiến các tuyến dầu sản xuất nhiều hơn, tăng nguy cơ cao bị tắc lỗ chân lông và bùng phát mụn trứng cá. Vì vậy, những thực phẩm làm tình trạng da trở nên tồi tệ hơn như sữa, thực phẩm chế biến, đồ ăn nhẹ, thức ăn nhanh, chất béo chuyển hóa có trong thực phẩm chiên, bánh mì trắng, mì ống và đường đều nên tránh.

Những thực phẩm tốt cho làn da như việt quất, dâu tây, chanh, cam, quýt, cà chua, cà rốt, khoai lang, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch, gạo lứt,…

Một chế độ ăn uống lành mạnh góp phần làm mụn ở má giảm và ngăn ngừa mụn bùng phát.

Ngoài ra, trà xanh chứa nhiều polyphenol - chất chống oxy hóa trong thực phẩm cũng giúp giảm viêm trong cơ thể, ngăn ngừa mụn bùng phát. Polyphenol đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng nội tiết tố thông qua việc hạ thấp nồng độ androgen trong cơ thể. Khi nồng độ này thấp, quá trình tiết bã nhờn cũng ít lại.

Đặc biệt, nước mang lại làn da sáng và rạng rỡ. Uống 8 - 10 ly nước mỗi ngày giúp cơ thể loại bỏ độc tố và tăng cường sức khỏe tổng thể. Cần lưu ý, nước không loại bỏ mụn ở má nhưng mất nước da sẽ khô, kém và nhiều nếp nhăn.

Mụn ở má làm người bệnh thấy khó chịu trên da. Nếu mụn dai dẳng, hãy gặp các bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da và khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da và khoa Nội tiết - Đái tháo đường có các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm giúp việc tư vấn, điều trị kịp thời cho người bệnh.

Mụn ở má là một tình trạng phổ biến nhưng có thể được kiểm soát hiệu quả với quy trình chăm sóc da phù hợp và thói quen lành mạnh. Thông qua bài viết này, mong rằng người bệnh hiểu rõ nguyên nhân và triệu chứng của mụn ở má của mình. Đồng thời, người bệnh biết cách điều trị phù hợp để sớm hồi phục làn da khỏe đẹp.