Du học

The Blue Expat

Darkrose

The Blue Expat

Số podcast ngày hôm nay sẽ mở màn cho một series sắp tới trên TBE podcast: series về cuộc sống của những người Việt trên đất nước Nhật Bản. Đây sẽ là loạt bài đầu tiên tôi muốn làm để chia sẻ những câu chuyện của người Việt ở một đất nước cụ thể nào đó. Tôi chọn nước Nhật là địa điểm đầu tiên để mở đầu vì hiện tại Nhật Bản là đất nước tôi muốn đến nhất và muốn mang một làn gió châu Á hơn tới podcast của mình, như các bạn nghe podcast thì đều thấy những khách mời trước đây đa phần là ở Mỹ hay châu Âu.

Xuất phát là một du học sinh chuẩn bị khăn gói sang xứ Phù Tang mà không tìm được những thông tin cần thiết cho công cuộc chuẩn bị của mình, Đặng Hồng Nhung nung nấu một ý tưởng làm kênh youtube chia sẻ những nội dung thực tế để giúp những người đi sau mình có được nhiều thông tin hơn. Sang Nhật được 9 tháng mà cô gái này đã có được hơn 140 videos mang nội dung phong phú, đa dạng về thông tin, trả lời thẳng và thật tất tật những trải nghiệm của cô ấy trên đất nước mặt trời mọc. Videos của cô trả lời những thắc mắc của nhiều du học sinh từ những nhu cầu nhỏ nhất như sang Nhật thì làm gì? mang theo thứ gì? học tiếng Nhật ra sao hay đăng cận cảnh giờ làm thêm ở Nhật của cô ấy. Chính vì vậy mà có nhiều bạn trẻ theo dõi và biết đến những video của cô gái này hơn. Cụ thể là lúc tôi biết đến kênh youtube của cô thì kênh này đang có chưa tới 8000 người đăng ký, vậy mà ở thời điểm podcast này được đăng, nghĩa là hơn một tháng, cô ấy đã có gần 25000 subscribers, chính xác là 24,973 người đăng ký trên kênh của cô ấy. Chỉ sau một tháng mà số lượng người đăng ký tăng lên gấp 3 đã chứng tỏ 2 điều. Một là suy nghĩ của Nhung rất đúng đó là mọi người rất khát thông tin! Hai là những videos của bạn ấy đã nhằm đúng đến lỗ hổng thông tin mà nhiều người đang tìm kiếm. Cũng có thể có điều thứ ba là vì bạn ấy quá dễ thương ? Tôi nghĩ điều này cũng hoàn toàn đúng!

Shownotes

TBE: Chào Nhung, mở đầu thì em có thể giới thiệu một chút về bản thân được không?

Hồng Nhung: Em tên là Hồng Nhung, sinh năm 92, em sang Nhật vào tháng 7/2016. Em đang học tiếng Nhật ở trường ngoại ngữ Futaba thuộc tỉnh Chiba.

TBE: Tỉnh Chiba em đang học có gần với thành phố lớn nào không?

Hồng Nhung: Chiba là một tỉnh khá lớn nằm phía Đông-Nam Tokyo. Nhưng mặc dù nằm kế bên Tokyo nhưng nó rất yên bình không phồn hoa đô thị như ở Tokyo.

TBE: Trước khi sang Nhật học em đã học tiếng Nhật lâu chưa?

Hồng Nhung: Dạ trước khi sang Nhật em có học tiếng được 6 tháng. Lúc đầu em không có ý định học tiếng Nhật đâu nhưng khi đến trung tâm tư vấn du học họ nói em phải học tiếng Nhật và có giấy xác nhận 150 giờ học tiếng. Sau 3 tháng đầu em đã nhận được giấy chứng nhận đó và cũng có được bằng N5 tiếng Nhật.

Sau 3 tháng đầu ở Nhật em thấy trình độ tiếng của mình có tiến bộ rõ rệt nên em nghĩ là cái môi trường giao tiếp quyết định việc tiếng có tốt hay không.

TBE: Nhưng trong tương lai khi học chuyên ngành ở Nhật thì em sẽ học bằng tiếng Nhật hay tiếng Anh?

Hồng Nhung: Dạ có lẽ em sẽ học bằng tiếng Anh.

Có cần thuần thục tiếng trước khi sang tới Nhật hay không?

TBE: Trong trường hợp những bạn có ý định du học ở Nhật và học bằng tiếng Anh, họ có kế hoạch khi bắt đầu sang Nhật mới học tiếng thì có hợp lý hay không và họ phải chuẩn bị tinh thần vấp phải những khó khăn gì?

Hồng Nhung: Em nghĩ nếu tiếng Nhật còn hạn chế thì không có gì quá to tát. Giai đoạn đầu thì cũng không quá khó khăn hay cản trở cuộc sống của mình.

Em cũng từng nghĩ mình có tiếng Anh thì cũng có thể bớt lo hơn. Tuy nhiên chỉ có những khu vực thành phố lớn mà người ta biết tiếng Anh thôi! Nhưng vì thứ nhất là người Nhật họ rất nhiệt tình giúp đỡ mình trong giao tiếp, thứ hai là vì mọi thứ ở Nhật rất hiện đại nên không có nhu cầu giao tiếp nhiều cho những hoạt động hằng ngày, thứ ba là điện thoại ở Nhật có sóng 3G, 4G nên có thể tra đường bằng điện thoại nên không có nhu cầu hỏi đường.

Còn nếu khi sang Nhật mà muốn học trường nghề thì chỉ cần N3 thôi mà N3 thì không quá khó. Nếu muốn học Đại học thì phải đạt N2. Với trường hợp của em khi đã học xong đại học ở Việt Nam và cần học thạc sỹ thì phải có N1 mà N1 rất khó.

Tiếng Anh của người Nhật và tiếng Nhật với người nước ngoài

TBE: Hiện tại theo chị biết thì em đang dạy tiếng Anh cho người Nhật, em nghĩ mức độ phổ cập tiếng Anh ở Nhật có cao không? Trình độ tiếng Anh của họ như thế nào?

Hồng Nhung: Em thấy chủ yếu người trẻ ở Nhật hay ở Việt Nam thì đều có trình độ tiếng Anh tốt do sự tiếp cận với phương tiện truyền thông đại chúng nhiều hơn. Nhưng với những người lớn tuổi, những người người học tiếng Anh với em họ học tiếng chỉ vì nhu cầu công việc chứ họ không có mong muốn giao tiếp với người nước ngoài dù họ sống ở Tokyo rất nhiều người nước ngoài. Em cũng hỏi thăm và không ai nói có ham muốn học tiếng Anh để làm quen bạn nước ngoài, họ chỉ muốn học và dùng tiếng của họ thôi.

Nhiều người về trình độ tiếng Anh thì họ đọc và hiểu rất tốt nhưng họ nói không được là bởi vì họ dùng Katakana: một hệ thống chữ của họ để phiên âm tiếng Anh.

Nên mặc dù họ biết chữ đó phát âm khác nhưng họ không kiềm chế được và đọc theo kiểu Katakana.

Ví dụ như chữ ‘Balance’ (cân bằng), em đọc họ không hiểu nhưng em phải đọc sang phiên âm Katakana của họ thì họ nhận ra. Nhiều khi rất khó để giao tiếp tiếng Anh với họ.

TBE: Trong môi trường học của em có nhiều người nước ngoài hay không?

Hồng Nhung: Dạ trong môi trường học của em thì tuy có nhiều người nước ngoài nhưng chủ yếu là người Châu Á, đông nhất là Trung Quốc, rồi đến Việt Nam, Nepal, Đài Loan, Hàn Quốc, Sri Lanka, còn người phương Tây thì rất là ít, chỉ có học sinh người Nga thôi.

TBE: Có lẽ vì tiếng Nhật khó học quá chăng?

Hồng Nhung: Dạ rất khó. Khi em tâm sự với các bạn chung lớp thì những người Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc họ đều có gì đó chung với tiếng Nhật. Người Trung Quốc, Đài Loan thì họ có chữ viết gần với Kanji của tiếng Nhật, người Hàn Quốc thì có ngữ pháp y chang tiếng Nhật và những phiên âm của họ cũng tương tự với Katakana của Nhật nên họ học rất nhanh. Thương nhất là người Nepal và Sri Lanka, họ nói rằng khi họ ‘vẽ’ Kanji họ không hiểu họ đang vẽ cái gì chứ không phải là viết nữa. Tiếng Việt mình còn có thể dùng chữ Hán Việt để hiểu ý nghĩa của từ nhưng với họ thì không có gì liên quan cả.

Vì sao dễ … vỡ mộng khi sang Nhật?

TBE: Quay trở lại những năm trước chị thấy đa phần những người thích sang Nhật du học hay sang chơi đơn thuẩn bởi vì họ có niềm đam mê với nước Nhật từ truyện tranh, âm nhạc và phim ảnh. Nhưng gần đây lại có một luồng suy nghĩ khác là sang Nhật để đi làm và kiếm tiền hay vì có nhiều người Nhật sang Việt Nam làm mà mọi người muốn sang học để về làm cho người Nhật ở Việt Nam. Em có thể chia sẻ một chút với những người chỉ đọc qua báo đài như chị rằng có những hiểu lầm nào mà người Việt thường có với cuộc sống ở Nhật Bản?

Hồng Nhung: Em nghĩ hiểu lầm lớn nhất là không hiểu được ước mơ đến Nhật để làm gì. Có nhiều người qua Nhật xuất khẩu lao động bắt buộc sau 3 năm phải quay về Việt Nam mặc dù khi quay về họ không thích ứng được với điều kiện lao động ở Việt Nam vì đã quen với điều kiện ở Nhật rồi. Chính vì thế mà những công ty tư vấn du học mới nghĩ ra một cách để lôi kéo mọi người sang du học, họ nói là sang Nhật du học để vừa học vừa làm, nhưng thực tế lại không có thuật ngữ vừa học vừa làm đó. Đấy chính là một cái hiểu lầm của nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam sang đây du học.

Sau khi học xong nếu mình có kiến thức và kỹ năng thì có thể xin visa lao động thì có thể ở Nhật làm việc luôn, cái cách này thì hay hơn là xuất khẩu lao động.

Có nhiều bạn nghĩ sang vừa học vừa làm nhưng khi sang thì … vỡ mộng vì đi làm thì cực quá, không học được rồi không học lên được thì sẽ bị đuổi về nước.

Hay kiểu như em cứ chăm chăm đi học thì sẽ không đủ tiền, sẽ bắt đầu những mối lo về kinh tế, thì sẽ rất dễ bị vỡ mộng, rất là buồn.

Lẽ ra em thấy nếu khi từ ở Việt Nam mình có nhận thức chính xác và chuẩn bị tâm lý trước thì sang đây dù vất vả nhưng mình có định hướng và biết mình chiến đấu vì cái gì thì sẽ thấy đỡ hơn và tránh được những tình trạng không mong muốn.

TBE: Gần đây chị cũng đọc được những thông tin các gia đình dồn hết tiền cho con sang du học vì nghĩ là sang rồi kiếm tiền. Có vẻ như họ không có sự xác định về định hướng và tài chính.

Hồng Nhung: Dạ đúng rồi, kiểu như dốc hết tài lộc để cho con sang lúc đầu nhưng rồi bỏ nó ở đó, nên đúng là có sự xác định tư tưởng và tài chính ban đầu rất quan trọng.

Ở Nhật hiện tại cũng có những học bổng rất là cám dỗ với học sinh như ‘Học bổng báo’ và ‘Học bổng điều dưỡng’. Có nghĩa là khi mình đăng ký học bổng đó sẽ được miễn phí 100% học bổng, rồi mình đi phát báo hoặc làm điều dưỡng và cũng sẽ được lãnh lương. Nhiều phụ huynh nghe vậy nghĩ rằng sướng quá vì đi học không mất tiền lại còn được lĩnh lương thì sau này sẽ đem về. Thực sự chẳng qua đó là một dạng ký hợp đồng lao động thôi. Nhưng thay vì nói hợp đồng lao động thì họ nói là học bổng. Khi mình đi làm thì tiền đó được đóng vào cái học phí. Hiển nhiên họ chỉ nói những thứ đẹp đẽ, hay ho thôi chứ không nói khi sang đó sẽ phải làm việc vất vả như thế nào.

Nếu đi làm báo thì một giờ đêm phải dậy đi xếp báo rồi đi phát. Sau khi học buổi sáng về phải ra sạp báo xếp để chuẩn bị cho hôm sau đi phát nữa nên nhiều bạn sang sẽ thấy cực quá.

Tương tự với bên điều dưỡng cũng vậy. Nhiều bạn ở Việt Nam chưa tưởng tượng sang đây làm điều dưỡng là sẽ làm những gì. Khi sang đây thì mới biết mình phải đi chăm sóc người già, lo hết từng thứ của họ từ ăn uống, tắm rửa, lau chùi. Nhiều người ở Việt Nam đang sung sướng được bố mẹ lo cho thì sang đây phải đi chăm cho người khác, cộng thêm chưa chuẩn bị tâm lý với những thứ như máu me chẳng hạn thì muốn đòi về. Nhưng không thể về được vì tiền làm của mình họ lấy đóng học phí rồi, nếu quay về thì gia đình phải trả nợ rất là nhiều.

Có nhiều cái “vỡ mộng” như vậy nên nếu đã xác định được tư tưởng và nắm được đủ các thông tin thì có thể tránh khỏi những việc đó.

Xem thêm 10 điều ngộ nhận về nước Nhật

Làm sao để sống sót trên đất Nhật?

TBE: Đúng là nếu các bạn trẻ sang du học, đang từ cậu ấm cô chiêu mà phải đối mặt với những việc lao động vất vả này thì cũng thật khó để thích ứng được với cuộc sống bên đó. Thêm nữa là người Nhật cũng nổi tiếng về việc nguyên tắc, quy củ và chăm chỉ, như vậy thôi cũng rất khó để mình theo kịp người ta rồi.

Bên cạnh việc đi học, đi làm vất vả thì sinh hoạt phí cũng rất là cao, điển hình như Tokyo từ rất lâu đã luôn nằm trong danh sách những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, vậy em có lời khuyên nào về việc chi tiêu và sinh hoạt để có thể … sống sót ở Nhật cho các bạn khác?

Hồng Nhung: Dạ nếu có lời khuyên nào thì điều đầu tiên em muốn nói là không nên dựa dẫm quá mức vào cộng đồng người Việt. Bởi vì khi em mới sang vì em quá ỷ lại vào tiếng Anh của mình mà không chuẩn bị lượng tiếng Nhật cần đủ, vì thế mà khi sang em thấy lạc lõng và dựa dẫm vào cộng đồng người Việt. Những bậc tiền bối họ sẽ dắt mình đi làm các thủ tục và giới thiệu công việc cho mình. Và bởi vì họ nghĩ tiếng của mình còn kém nên họ sẽ giúp tìm những công việc tay chân bậc rất thấp, không cần nói năng gì hết và thường phải đi làm thêm rất cực. Mà càng làm những công việc như vậy thì tiếng của mình càng kém vì không có nhu cầu giao tiếp và mình mệt quá chỉ lo làm nên không giao tiếp, tiếng cũng không lên được. 3 tháng đầu tiên của em gần giống như … địa ngục vậy. Vì nghĩ rằng tại sao ở Việt Nam mình cũng là người tầng lớp trí thức mà sang đây lại làm những công việc như thế này. Nên sau 3 tháng em nghĩ mình phải trởi mình thôi.

Em bắt đầu lên mạng và tìm kiếm công việc. Em bắt đầu mày mò được những trang web tìm việc và đăng ký đi thử. Ban đầu thì rất cực vì tiếng mình không giỏi, đi thử việc người ta chê lên chê xuống. Nhưng đồng thời người ta cũng chỉ mình khi đi phỏng vấn mình phải đưa CV như thế nào, quay theo chiều nào. Những cái nhỏ như vậy thôi nhưng người Nhật họ rất là kỹ và họ chỉ cho em để em đi phỏng vấn lần sau. Nhờ vậy mà em tìm được công việc trong công ty em đang làm mà lương lại cao hơn mặt bằng chung. Những người trong công ty họ cũng rất quý em dù em là người nước ngoài duy nhất ở đó.

Em nghĩ là khi mình đến một đất nước khác mình cũng nên dựa vào cộng đồng tuy nhiên không được quá dựa dẫm. Mình nên có suy nghĩ và bước đi riêng của mình thì sẽ tốt hơn.

Sau khi có công việc rồi thì em mới nghĩ đến việc sống như thế nào cho nó tiết kiệm. Ở Nhật theo em quan trọng nhất là phải ở ghép thì mới đỡ tốn được tiền nhà vì bên đây mọi thứ rất là đắt. Tuy nhiên không phải ai sang cũng tránh được những xung đột khi ở chung, được một thời gian lại phải dọn ra hay chuyển nhà, mỗi lần như vậy chi phí sẽ rất là đắt nên em nghĩ quan trọng phải xác định ngay từ đầu tương lai mình sẽ đi về đâu, mình muốn cái gì thì sống chung với mọi người phải biết nhẫn nhịn và tiết kiệm, dần dần quen rồi sẽ không cảm thấy cuộc sống ở Nhật quá vất vả nữa.

Những con sâu trong Cộng đồng người Việt: đáng giận hay đáng thương?

TBE: Dường như có một sự liên kết giữa việc cuộc sống người Việt ở Nhật rất vất vả cộng với chi phí đắt đỏ, vì vậy mà không tránh được những vấn đề tiêu cực về cộng đồng người Việt khá bất cập. Với em khi em giới thiệu bản thân mình là người Việt với người Nhật thì em đã bao giờ gặp một phản ứng tiêu cực nào từ họ chỉ vì em là người Việt chưa? và em đã làm những gì để chứng minh điều ngược lại?

Hồng Nhung: Lúc mới đầu em cũng rất phản bác những vấn đề tiêu cực đó. Nhưng khi qua đây một thời gian và nói chuyện với những bạn làm những việc đấy thì em thấy rất thương các bạn ấy. Ở Nhật thì họ dựa nhiều vào nhận thức, không phải là chê người Việt mình nhận thức kém mà vì cuộc sống nó khổ quá đi. Ví dụ như một hành động đơn giản như đá vé tàu. Đá vé tàu là một việc cực kỳ kinh điển trong cộng đồng người Việt Nam. Mặc dù em luôn tránh việc đó và bản thân em tự hào từ khi sang Nhật em chưa làm gì phải cắn rứt lương tâm hết. Tuy nhiên với những người bạn của em vi phạm thì em cũng không thể trách họ được! Có những công ty họ chèn ép, họ biết đường xa nhưng họ chỉ trả cho mình 500 yên một lần đi làm thôi, một tiếng đi làm chỉ có 1000 yên mà đi đến chỗ làm cũng đã mất cả 1000 yên đi tàu rồi, nếu các bạn không đá vé tàu thì buổi đi làm đó coi như các bạn chả được bao nhiêu hết. Nghe vậy mà thương hết sức luôn nhưng em cũng chả biết làm sao nữa. Không lẽ giờ mình cứng rắn bảo họ phải vì danh dự dân tộc hay bộ mặt cộng đồng mà không được làm như vậy trong khi ai sang cũng cực khổ, cũng cày, cũng vì tương lai.

Việc ăn cắp cũng vậy. Ở Nhật khi đi siêu thị sẽ được cầm theo giỏ xách mà camera thì ít, người Nhật họ cũng dựa vào ý thức thôi à. Như vậy có nhiều người cứ bỏ vào túi xách mà chạy về thôi, thấy nó đơn giản quá mà không nghĩ nó vừa ảnh hưởng tới bản thân, nếu bị bắt sẽ phải ở tù ở Nhật một thời gian trước khi bị dẫn độ về nước rất là khổ, thêm nữa nó cũng gây lên tiếng xấu cho cộng đồng người Việt.

Giờ em đi làm thì rất vui vẻ, mọi người rất là tốt với em, mặc dù không phải là suy nghĩ quá nhiều về tầng lớp nhưng ở Nhật, những người ở tầng lớp tri thức họ có hiểu biết thì họ hiểu ở đâu cũng có người nọ người kia cả. Nhưng khi đi làm ở xưởng cơm hộp, vì đi làm thì bịt kín, thời gian đó em cũng chưa nói được nhiều tiếng Nhật nên họ cũng không biết em là người Việt. Nhưng khi họ hỏi thăm và có người biết em là người Việt họ cũng kiếm việc cho em làm, bắt em làm liền tay, sợ em làm biếng và tỏ rõ là họ không ưa em. Em cũng bức xúc lắm nhưng cũng rất khó để chứng minh được là mình là người Việt chân chính.

Có nhiều bạn cũng chia sẻ với em khi bị họ coi thường như vậy và hỏi ý kiến của em thì em cũng không thể khuyên được gì vì dù sao mình cũng đang ở trên đất nước của người ta. Những cái họ coi thường mình họ cũng chỉ làm những cái nhỏ nhỏ chứ không đánh đập hay làm gì mình cả. Nhưng không phải tất cả người Nhật đều như vậy, cũng chỉ là số ít thôi ạ.

Xem thêm So sánh Việt Nam - Nhật Bản từ góc nhìn của người Nhật

Câu chuyện kênh youtube và website hỏi đáp về Cuộc sống người Việt ở Nhật Bản: Vietnamese living in Japan và Jpviva

TBE: Hiện tại em đang đi làm, đi học, đi dạy thêm tiếng Anh, thời gian cho bản thân chắc cũng hạn chế nhưng em cũng dành khá nhiều thời gian cho 1 kênh youtube và cả website để trả lời thắc mắc của mọi người xung quanh cuộc sống ở Nhật Bản. Em có thể chia sẻ động lực nào thúc đẩy em thực hiện điều này và em đã có thời gian chuẩn bị là bao lâu để đưa những kênh thông tin đó đi vào hoạt động?

Hồng Nhung: Dạ, như lúc trước em có chia sẻ với chị là việc sang Nhật du học cái thiếu nhất là thông tin. Khi em biết mình đậu visa du học Nhật Bản em bắt đầu lên youtube tìm kiếm những anh chị đi trước nói gì về nước Nhật để xem mình cần chuẩn bị những gì. Từ những cái nhỏ nhỏ như đi Nhật thì mang những cái gì, không mang cái gì hoặc là sang Nhật thì cầm theo bao nhiêu tiền nhưng em không tìm thấy thông tin nào hết. Em cũng thắc mắc vì sao người Việt mình ở Nhật đông như vậy mà không có thông tin nào cả. Vì không tìm được thông tin tiếng Việt nên em mới tìm sang thông tin bằng tiếng Anh. Trang yêu thích nhất của em là Texans in Tokyo. Chị ý cũng bắt đầu từ những cái rất nhỏ, chia sẻ những kinh nghiệm rất riêng như tiền nhà là bao nhiêu và làm gì để tiết kiệm điện. Em cứ xem miết để biết những thông tin ở Nhật. Em cũng nghĩ khi nào sang Nhật mình cũng sẽ bắt đầu và đi đầu làm một thứ như thế này. Ý tưởng loé lên như vậy nhưng cũng phải mất 2 tháng sau khi sang Nhật em mới bắt đầu làm.

Mới đầu em nghĩ đơn giản nhưng khi thực hiện cũng khá khó khăn. Thí dụ như đặt máy sao cho sáng, nói sao cho to. Ban đầu mọi người cũng than phiền nói nhỏ hay tối quá. Nhiều cái nhỏ tưởng là không tốn thời gian như nhiều khi em mở máy làm mà vèo cái đã 4,5 tiếng trôi qua.

Nhưng em rất tự hào và cảm thấy may mắn khi quyết định mở kênh Youtube này. Em học được các phần mềm chỉnh sửa video, chỉnh sửa ảnh, những thứ em chưa từng nghĩ mình sẽ học nhưng biết rồi cũng thấy có ích.

TBE: Em có thể chia sẻ về mục đích và định hướng về trang web jpviva của mình?

Hồng Nhung: Ban đầu em chỉ định làm Youtube, rồi thấy mọi người có nhu cầu đặt câu hỏi rất nhiều nên em mở thêm facebook. Tuy nhiên có fb rồi thì mọi người gửi cho em rất nhiều tin nhắn, em trả lời không xuể và có nhiều câu trả lời trùng lặp. Vì thế em mở ra trang web để mọi người đặt câu hỏi và các câu trả lời được đăng công khai nên mọi người sẽ không đặt những câu hỏi trùng lặp.

TBE: Chị nghĩ những điều em đang làm rất có ý nghĩa vì không chỉ là nói ra những thông tin cần thiết mà còn là để chia sẻ nỗi lòng những người đang sinh sống ở Nhật nữa. Cảm ơn Nhung vì những chia sẻ của em hôm nay và những thứ em đang làm hiện tại. Chúc em sẽ thành công hơn với việc học và sinh sống ở Nhật. Cảm ơn em rất nhiều.

Hồng Nhung: Dạ, em cũng rất cảm ơn chị đã cho em cơ hội được trải lòng mình như thế này.

Bạn có thể tìm hiểu về du học và cuộc sống ở Nhật Bản qua kênh youtube của Nhung: Vietnamese living in Japan

và đặt các câu hỏi, tìm kiếm thông tin giải đáp qua website của bạn ấy tại https://jpviva.com/

hay qua fb page: https://www.facebook.com/jpvivacom/

Nếu bạn có câu hỏi và vấn đề thắc mắc nào muốn đặt ra với những người Việt ở nước ngoài thì comment ở dưới, tôi sẽ giúp bạn đưa những thắc mắc đó tới những người Việt đang sống ở Nhật trong những số tiếp theo của series người Việt ở Nhật này.