Giáo dục

Tương lai mờ mịt của những gia đình đông con

Darkrose

Tương lai mờ mịt của những gia đình đông con

Với quan niệm lạc hậu “Trời sinh voi sinh cỏ”, không ít gia đình phải chịu cảnh túng quẫn, kiệt quệ vì sinh nhiều con. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số, kinh tế gia đình, gây áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại địa phương, việc sinh đông con còn kéo theo nhiều hệ lụy về lâu về dài như: không có điều kiện tốt để chăm sóc, nuôi dạy con cái, nhiều đứa trẻ không được học hành, sức khỏe kém, cuộc sống tương lai tăm tối…

Lẩn quẩn vòng đói nghèo

Tuy mới 42 tuổi nhưng chị Huỳnh Ngọc Tươi (khóm Chòm Xoài, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) tù tì sinh liên tục 8 người con và chuẩn bị đón chào thành viên thứ 9. Hoàn cảnh nghèo, không đất sản xuất, không nghề ổn định, chồng lại không có nghề nghiệp nên mọi gánh nặng gia đình đều trông chờ vào số tiền công ít ỏi từ nghề làm phụ hồ và lặt hẹ của chị. Lao động nặng nhọc, không ngơi nghỉ lại liên tục mang thai rồi sinh con, con được vài tháng rồi lại tiếp tục lao vào cuộc mưu sinh nên sức khỏe của chị gần như suy kiệt, thường xuyên đau ốm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, 3 đứa con lớn của chị học hành dở dang, phải xa nhà lao động sớm phụ mẹ nuôi em, đứa kế tiếp mới 13 tuổi cũng phải vừa đi học vừa chăm đàn em nheo nhóc. Dù còn được mẹ cho đi học, nhưng với cuộc sống nay đói mai no thì tương lai của các em sẽ lại tiếp tục đối diện với muôn trùng khó khăn, đầy bất trắc.

Chị Tươi ngậm ngùi chia sẻ: “Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ sinh đông con cho vui nhà vui cửa, chứ đâu ngờ lại vất vả, thiếu thốn trăm bề. Nhiều lúc đi đám tiệc được ăn ngon, nghĩ đến con ở nhà phải ngày ngày ăn uống kham khổ mà tôi rớt nước mắt. Sống khổ quá, tôi sẽ cố gắng kế hoạch không sinh nữa để các con có cuộc sống đỡ thiếu thốn, vất vả hơn”.

Ở độ tuổi 29, chị Đỗ Hồng Nhanh (cùng ngụ phường Nhà Mát) cũng đã sinh đến 5 người con. Chồng làm ngư phủ, bản thân chị làm nghề vá lưới, đồng tiền kiếm được không đủ trang trải cuộc sống. 3 đứa con lớn học hành dở dang vì nghèo khó, 2 đứa con nhỏ dù đến tuổi mẫu giáo những vẫn chưa được đến trường. Mỗi khi ốm đau bệnh tật cũng chỉ được uống vài viên thuốc xin ở trạm y tế; chuyện vui chơi, ăn uống đủ đầy với các em là điều vô cùng xa xỉ.

Điểm chung ở đa phần các hộ đông con là nghèo khó, trình độ văn hóa thấp, sống bằng nghề làm thuê, mò cua bắt ốc, điều kiện nuôi dạy con cái không đầy đủ. Những hộ này cũng gây áp lực lớn đối với việc thực hiện chính sách an sinh - xã hội của các địa phương.

Trẻ em sống ở khu tình thương 64 căn (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.Q

Những hệ lụy lâu dài

Hiện nay, lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình - sức khỏe sinh sản đã được kiện toàn bộ máy từ tỉnh đến cơ sở. Hầu hết tại địa bàn khóm, ấp đều có cộng tác viên dân số “đến từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động chị em thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn giảm chậm, số ca sàng lọc sơ sinh vẫn còn thấp. Việc triển khai xã hội hóa các phương tiện tránh thai ở địa phương gặp khó khăn do người dân đã quen với việc cấp miễn phí; cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn thiếu, chưa đáp ứng được dịch vụ cho người dân. Ngoài ra, do còn không ít người có tư tưởng muốn sinh con trai để có người nối dõi tông đường hay quan niệm “đông con, nhiều phúc”, từ đó họ mặc nhiên sinh đông con mà bất chấp hệ lụy mai sau.

Tình trạng sinh con quá gần nhau là nguyên nhân gây ra nhiều tai biến khi mang thai và khi chuyển dạ cho cả mẹ và con. Trong đó bệnh lý thường gặp là thai nhi kém phát triển, nhẹ cân, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc, nuôi dạy con cái, đặc biệt là phục hồi sức khỏe người mẹ. Đối với gia đình nghèo, sinh con đông sẽ là gánh nặng thêm cho đời sống kinh tế do họ chỉ sinh con, nuôi con nên không có thời gian làm kinh tế và không có điều kiện chăm sóc tốt cho con, nhiều trẻ còn quá nhỏ đã phải lao động lam lũ, thất học. Một số trẻ do thiếu sự dạy dỗ, nhận thức hạn hẹp nên khi trưởng thành cũng rất dễ sa vào tệ nạn xã hội. Đông con ở gia đình khá giả, tuy không gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế, nhưng cũng góp phần tăng thêm gánh nặng cho xã hội, như tình trạng quá tải ở các bệnh viện, trường học… Đặc biệt, phụ nữ sinh con trên 35 tuổi còn để lại những biến chứng về sức khỏe cho mẹ và con.

Để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành về việc tăng cường công tác truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình theo nội dung, hình thức phù hợp với từng địa phương, nhất là các gia đình trẻ sống ở ven biển, trong rừng phòng hộ, khu tái định cư… Qua đó bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ, giúp trẻ em được phát triển toàn diện, đồng thời giảm gánh nặng cho công tác an sinh xã hội của địa phương.

Minh Luân