Hồi nhỏ, bọn con nít quê tôi hay hát nghêu ngao:
“Xù xì xục xịch
Hột mít lùi tro
Ăn no té địt“.
Với chúng tôi, đó là bài đồng dao không thể nào quên!
Một thời đói kém, một mít lùi tro, ăn vào tiêu hóa tốt nên đứa nào cũng “thả bom” liên tục. Đứa bịt mũi, đứa chạy trốn, đứa thẹn đỏ mặt rồi phì cười!
Nghe nói ở bên Nhật, hột mít được trịnh trọng đưa vào siêu thị bán như một đặc sản. Còn ở Việt Nam, hột mít dân dã như nó vốn có, là thứ hạt dễ tìm, dễ chế biến, dễ ăn.
Lưu ý: Hạt mít nấu chín mới ăn được nhé!
Hạt mít luộc có tác dụng gì?
Ai ở miền quê ắt hẳn không lạ gì hạt mít. Suốt quãng thời gian tuổi thơ, đâu phải chỉ có hạt mít luộc!
Nào là hạt mít lùi tro, hạt mít hấp cơm - hai dạng này thì lựa hạt già. Còn như hạt mít kho, hạt mít nấu chè thì dùng hạt non mới ngon, ăn vào sựt sựt.
Lại còn món hạt mít sượng nước nữa chứ! Món này con nít thích hơn. Cứ đem hạt mít ngâm nước vài tiếng rồi mới nấu, ăn vào không bùi nhưng lại sượng sượng, sựt sựt, rất đã miệng!
Bình thường, người ta có hạt mít thì cứ ăn thôi. Nào có ai phân tích là nó bao nhiêu calo, bao nhiêu dinh dưỡng… Chỉ biết nó ngon, nó dễ tiêu hóa và nó có sẵn thì đỡ tốn tiền!
Vậy nên, khi nghe đến các công dụng quý của hạt mít, nhiều người không khỏi bất ngờ! Vậy, hạt mít luộc có tác dụng gì?
1. Hạt mít bổ sung chất đạm đáng kể
Vâng, vị bùi của hạt mít không chỉ do tinh bột mà còn do chất đạm. Được biết, hạt mít chứa khá nhiều đạm (5,2 %), giúp tạo cơ và duy trì quá trình trao đổi chất diễn ra ổn định.
Vì vậy, với những người ăn chay, không ăn được thịt cá tôm cua thì hạt mít luộc cũng là một cách bổ sung chất đạm đấy ạ.
Hiển nhiên, chúng ta không thể ăn hạt mít liên tục từ ngày này sang ngày khác. Vì vậy, để thay đổi khẩu phần ăn, bạn có thể dùng đậu nành, đậu xanh, nấm rơm, nấm hương… vì các món này cũng nhiều đạm, hợp với người ăn chay.
2. Hạt mít giúp dễ tiêu
Vâng, không còn gì phải bàn cãi nữa rồi! Hạt mít nhiều chất xơ, giúp no lâu, chắc bụng và dễ tiêu hóa.
Đặc biệt, hạt mít luộc còn giúp giảm táo bón, cầm lại cơn tiêu chảy và giúp quá trình tiêu hóa các thức ăn khác diễn ra tốt hơn.
3. Hạt mít giúp mắt khỏe
Hạt mít chứa nhiều vitamin A nên ăn với lượng vừa phải sẽ giúp bổ sung vitamin A cho cơ thể, giúp mắt sáng khỏe và giảm nguy cơ bị các bệnh về mắt.
4. Hạt mít giúp bổ máu, tốt cho xương
Hạt mít chứa nhiều Sắt, vì vậy, với những người thiếu do thiếu chất Sắt thì ăn hạt mít sẽ có tác dụng hỗ trợ rất tốt.
Với xương khớp, hạt mít cũng là món ăn giúp xương khỏe mạnh hơn (vì nó chứa nhiều Can xi và Kali).
5. Hạt mít giúp giảm nguy cơ ung thư
Được biết, ăn hạt mít với lượng vừa phải sẽ giúp giảm căng thẳng thần kinh và tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Đặc biệt, hạt mít còn chứa vitamin C và một số chất như phytonutrients và flavonoid, giúp giảm nguy cơ ung thư (1).
6. Hạt mít giúp da giảm nếp nhăn
Đây có lẽ là thông tin mà các chị em phụ nữ rất thích, đó là: hạt mít sống chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho da, giúp da khỏe hơn, giảm nếp nhăn, giảm mụn.
Cách dùng: lấy hạt mít sống (không nấu chín nhé), dùng dao tách bỏ vỏ rồi ngâm trong sữa lạnh một lát. Sau đó, bạn giã nát (xay nát) hạt mít rồi đắp lên da (đắp những chỗ có nếp nhăn). Sau một lát, bề mặt da khô lại thì bạn rửa với nước là được (2).
Tác hại khi ăn quá nhiều hạt mít và những lưu ý khi dùng
Hạt mít có nhiều công dụng quý nhưng không phải ai cũng ăn được. Cụ thể, những người đang dùng các loại thuốc loãng máu như aspirin, naproxen, ibuprofen, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông máu… thì không được ăn (vì sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu).
Ngoài ra, hạt mít cần được nấu chín trước khi ăn (để nhiệt độ cao phá hủy các chất có hại có trong hạt mít sống). Cách ăn hạt mít tốt nhất là luộc (luộc trong 30 phút thì hạt mít sẽ chín, nứt vỏ, thơm, ngọt bùi).
Cuối cùng, vì hạt mít dễ tiêu hóa nên ăn hạt mít sẽ có tác dụng phụ là “thả bom” (xì hơi, trung tiện). Vì vậy, nếu bạn có kế hoạch dự tiệc hay đến những nơi đông người thì ngày hôm đó đừng ăn hạt mít nhé! (3).