Mẹo hay mới

Cây Thủy trúc – Đặc điểm, cách trồng và chăm sóc chi tiết

Darkrose

Thủy trúc không phải là loài cây cho hoa rực rỡ, cho hương ngạt ngào như những cây hoa khác, mà chúng được yêu thích bởi sắc xanh mướt quanh năm, tạo không gian tươi mát, trong lành, đồng thời còn mang rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp nữa. Hơn hết, cây thủy trúc vô cùng dễ nhân giống, “dễ chiều” nên nhìn chung bạn này được yêu lắm ^^.

Hình ảnh cây thủy trúc

Tên gọi và nguồn gốc của cây thủy trúc

Ngoài cái tên thủy trúc, mình còn nghe nhiều người gọi loài cây này với những cái tên như cây lác dù, cây trúc ngược. Thủy trúc có hai tên khoa học thường được dùng phổ biến là Cyperus alternifoliusCyperus involucratus, thuộc họ Cyperaceae (họ Cói). Cây có nguồn gốc từ các nước ở châu Phi, đặc biệt phổ biến và được biết đến nhiều nhất tại Madagascar.

Đặc điểm hình thái của loài cây thủy trúc

Thủy trúc là kiểu cây thân thảo, sống nhiều năm và thường mọc thành từng bụi lớn nhỏ nhiều kích thước khác nhau. Trung bình mỗi bụi cây thủy trúc có chiều cao vào khoảng 30 - 100cm. Ở những nơi có điều kiện khí hậu thích hợp, được chăm sóc tốt cây có thể cao đến 1,5 - 2m. Theo mình thường thấy thì những cây thủy trúc trồng trong nhà có kích thước nhỏ hơn so với những cây ngoài tự nhiên, chắc có lẽ bởi đủ nắng đủ ẩm nên những cây ngoài tự nhiên phát triển tốt vô cùng.

Thân cây thủy trúc khá nhỏ, thân tròn và có màu xanh lục, thân trơn nhẵn và mọc thẳng đứng như cây cau, cây dừa vậy.

Trên cây thủy trúc chúng ta có thể thấy xuất hiện 2 dạng là phần lá bẹ ở dưới gần gốc cây và phần lá bình thường ở thân cây. Phần lá trên thân có dạng thuôn dài, phiến lá mỏng, nhọn dần về phía đầu lá, mọc từ đỉnh thân cây và xòe dần thành tán tròn khắp cây. Nếu bạn chưa từng nhìn thấy thủy trúc bao giờ thì cứ tưởng tượng đến hình ảnh của cây cau cảnh, dừa nước cảnh, chúng có vẻ ngoài khá giống như vậy đấy.

Hình ảnh lá thủy trúc

Về phần rễ, rễ thủy trúc có dạng chùm, lan rộng theo kiểu vòng tròn, cũng chính nhờ vậy mà cây có thể đứng vững dù trời mưa gió dù cho thân hình khá mảnh mai. Thủy trúc nhìn khẳng khiu nhưng vẫn nở sai hoa, hơn nữa hoa của chúng còn mang một vẻ đẹp giản dị, tinh khôi khá đặc trưng. Hoa của chúng có màu trắng, khi già đi màu của chúng chuyển sang vàng ngà, tối màu hơn. Hoa thủy trúc có cuống thẳng dài, mọc từ phần cuối thân, tỏa đều ra khắp cây trông rất đẹp mắt.

Bạn biết không, rễ chùm của thủy trúc khi trồng thủy sinh cũng rất đẹp, chỉ cần rửa sạch rồi đem trồng vào lọ nước thủy tinh thì bộ rễ trắng ngần của chúng sẽ phô ra, kết hợp với màu xanh của cây tạo nên vẻ đẹp hài hòa, thu hút.

Cây thủy trúc trồng ở môi trường nước

Lợi ích khi trồng cây thủy thúc

Với kích thước nhỏ gọn, cho hoa đẹp và lá xanh tốt quanh năm, cây thường được trồng trong các chậu sứ trưng trong nhà, đại sảnh hay cả góc làm việc, vừa tăng thêm tính thẩm mỹ cho không gian, hơn nữa còn có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt. Cây có khả năng lọc bớt bụi bẩn, các chất có hại trong không khí và mang lại nguồn không khí trong lành, thanh khiết hơn. Khi trồng thủy sinh thì rễ cây có thể hỗ trợ việc lọc tạp chất và làm nước trong hơn.

Mình còn nhớ lúc còn nhỏ, ở quê mình, các bà, các dì thường lấy thân cây thủy trúc phơi cho mềm, xé nhỏ ra rồi dùng để gói bánh tét, bánh chưng, vừa dai, dẻo, vừa cho màu xanh rất đẹp mắt. Đến nay thì mình ít thấy ai dùng thân này để gói nữa, nhưng nó từng gắn liền với tuổi thơ của mình nên nhớ lắm.

Cây thủy trúc được dùng như dây lạc để gói bánh

Cây thủy trúc còn được tin rằng có tác dụng xua đuổi tà khí, mang lại vận khí tốt lành, những điều may mắn cho gia chủ. Khi trồng thủy trúc trong nhà sẽ giúp mọi việc suôn sẻ, thuận lợi hơn.

Phương pháp nhân giống cây thủy trúc

Chắc hẳn đây là phần nhiều bạn quan tâm nhất rồi ^^. Thật ra, việc nhân giống và trồng thủy trúc khá đơn giản, người ta thường nhân giống chúng bằng cách tách bụi, chỉ đơn giản là từ một bụi to, bạn nhẹ nhàng tách cây con ra và đem trồng là được. Sau khoảng thời gian ngắn thôi là cây sẽ phát triển khỏe mạnh và cho ra những bụi cây mới. Lưu ý khi tách bụi bạn cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương đến cây và tách luôn cả phần rễ bạn nhé.

Hơn nữa, thủy trúc còn có một cách nhân giống đơn giản vô cùng, chỉ cần ngắt phần ngọn của cây thủy trúc đem cắm vào nước, chỉ khoảng 2 - 3 ngày sau là cây ra rất nhiều mầm để phát triển thành cây mới rồi, vô cùng kỳ diệu phải không nào ^^.

  • Hoa Rum - Loài hoa thủy vu mang nét đẹp sang trọng, độc đáo
  • Hoa son môi - Loài hoa mang sắc đỏ may mắn rất dễ nhân giống

Video tham khảo cách nhân giống thủy trúc bằng ngọn cây

Như mình đã đề cập ở trên, thủy trúc có thể trồng vào đất hoặc trồng thủy sinh đều được, nên mình sẽ hướng dẫn cả hai nhé.

Đối với trồng vào đất

Trước khi trồng cần chuẩn bị hỗn hợp đất phù hợp. Nên chọn đất tơi xốp, thoát nước tốt và giàu dinh dưỡng. Để tăng thêm chất giúp cây phát triển tốt, bạn nên trộn thêm xơ dừa, tro trấu, phân hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng cho đất.

Sau khi tách bụi, bạn cần loại bỏ đi các rễ hư thối, các lá vàng, lá bị sâu bệnh hại, sau đó nhẹ nhàng đặt cây con vào hố với kích thước phù hợp, nhẹ nhàng lấp đất lại và nén nhẹ bề mặt đất để cố định cây. Tốt nhất là nên trồng cây ở nơi thoáng mát, có ánh sáng trực tiếp từ mặt trời để cây xanh tốt khỏe mạnh, nhưng hạn chế những nơi nắng quá gắt bạn nhé.

Khi trồng cây vào đất thì bạn cần lưu ý tưới nước đều đặn để cung cấp độ ẩm cho cây, mỗi ngày nên tưới một lần vào sáng sớm hoặc chiều tối.

Đối với trồng thủy sinh

Sau khi tách bụi xong, bạn cần rửa sạch để lộ ra bộ rễ trắng ngần đẹp nhất. Những gì cần chuẩn bị đối với trồng thủy sinh chỉ là cây thủy trúc, chậu thủy tinh và nước (nếu muốn cây lớn nhanh, phát triển tốt hơn thì hòa thêm một ít dung dịch dinh dưỡng vào lọ nước bạn nha). Nước trồng cây nên là nước giếng hoặc nước suối để cây không bị ảnh hưởng bởi tạp chất. Khi trồng, bạn có thể cho thêm ít sỏi trắng vào lọ, vừa gia tăng tính thẩm mỹ, vừa cố định cây vững vàng hơn.

Đối với trồng thủy sinh, bạn nên thay nước với tần suất khoảng 1 tháng/ 1 lần để môi trường nước được sạch, giúp cây phát triển tốt nhất nhé.

Trồng cây thủy trúc trong nhà tăng tính thẩm mỹ

Một số lưu ý khi trồng thủy trúc

Cây thủy trúc nhìn chung khá “dễ chịu”, chẳng cần chăm sóc cầu kỳ, chỉ cần lưu ý một số điểm đơn giản sau là cây có thể phát triển rất tốt rồi.

Về ánh sáng

Cây thủy trúc có thể phát triển được ở cả môi trường nắng toàn phần, nắng bán phần hay bóng râm. Chỉ cần bạn không đặt cây ở dưới nắng gắt trong thời gian quá lâu là được rồi. Bởi ở dưới nắng gay gắt quá lâu, cây có thể còi cọc, khô héo, chậm phát triển.

Về nước tưới

Khi mới trồng, bạn nên tưới phun sương mỗi ngày một lần để cung cấp đủ ẩm cho cây. Khi cây đã trưởng thành và phát triển ổn định thì mỗi tuần bạn tưới 2 - 3 lần là được rồi, hoặc quan sát khi nào bề mặt đất se khô thì cung cấp nước cho cây là được. Phải nói là thủy trúc là cây khá dễ với nước, khô một chút cây vẫn phát triển được, dư ẩm một chút cũng không sao.

Về phân bón

Thủy trúc không cần quá nhiều chất dinh dưỡng vẫn có thể phát triển tốt, chỉ cần định kỳ khoảng 1 - 2 tháng bạn bón phân hữu cơ hoặc NPK cho cây 1 lần là được. Khi bón phân thì nên pha loãng với nước để tưới cho cây, tránh trường hợp nóng quá làm chết gốc, rễ cây. Còn đối với trồng thủy sinh, khi thay nước thì bạn cho vài giọt chất dinh dưỡng vào nước là ổn rồi.

Về sâu bệnh hại

Cây thủy trúc ít bị sâu bệnh hại. Trong quá trình trồng, bạn chỉ cần thường xuyên quan sát, nếu có sâu bệnh hại thì nhặt bỏ những lá bị sâu. Nếu có điều kiện, định kỳ bạn phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cho cây để cây phát triển tốt nhất bạn nhé, khoảng 2 - 3 tháng/ lần là được.

Nếu gặp tình trạng lá bị vàng, xuất hiện các đốm hoặc sâu cuốn lá thì nguyên nhân có thể là do đất trồng chưa được khử trùng chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh. Do đó, bạn cần làm đất kỹ càng để tránh sâu bệnh này, có thể dùng vôi để khử đất bạn nhé.

Một số hình ảnh khác của cây thủy trúc

Nguồn tham khảo thông tin:

1. https://lamvuon.net/cay-thuy-truc/

2. https://khbvptr.vn/cay-thuy-truc/