Học song ngành là gì luôn là thắc mắc của các bạn mới bước chân vào những năm đầu đầu đại học. Tuy khái niệm “học song ngành” đã không còn quá mới mẻ nhưng với những sinh viên năm nhất thì lại hoàn toàn xa lạ. Ngay trong bài viết sau, VTC Academy Plus sẽ giúp các bạn hiểu hơn về chương trình học này. Đặc biệt với những bạn đang muốn trau dồi thêm nhiều kỹ năng thực chiến bổ trợ cho ngành học mình hay những bạn đang phân vân việc chuyển ngành khác thì có thể tham khảo thêm hướng đi mới này nhé!
Học song ngành là gì?
Học song ngành là hình thức học tập mà học viên sẽ cùng lúc học 2 ngành khác nhau tại cùng một trường hoặc khác trường đại học, học viện. Ngoài việc học tại trường đại học mà mình đã chọn, các bạn có thể học thêm một ngành khác để mở rộng kiến thức.
Chẳng hạn như bạn đã là sinh viên học ngành Công nghệ thông tin của trường Đại học Bách Khoa thì bạn có thể đăng ký học ngành thứ 2 là Ngôn ngữ Anh tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Ngoài ra bạn cũng có thể học ngành Công nghệ thông tin tại trường đại học và học thêm khóa học về Lập trình phần mềm tại các học viên chuyên nghiệp.
Học song ngành và học văn bằng 2 đại học có giống nhau?
Văn bằng 2 (bằng kép) là hình thức học tập để lấy thêm 01 bằng tốt nghiệp ở một lĩnh vực khác khi người học đã có ít nhất 01 tấm bằng đại học trước đó. Mặc dù kết quả sau cùng là người học sẽ nhận được hai tấm bằng đại học, nhưng về cơ bản học song ngành và học văn bằng 2 lại khác nhau hoàn toàn về điều kiện và thời gian học tập.
Để hiểu rõ hơn về hai hình thức học tập này, các bạn có thể tham khảo bảng sau:
Học song ngànhHọc văn bằng 2Điều kiện tham gia họcNgười học không cần có bằng đại học trước khi học ngành thứ 2.Người học phải có 1 bằng đại học trước thì tham gia học văn bằng 2.Hình thức xét tuyểnDựa vào kết quả học tập của năm học trước đó.Dựa trên kết quả ngành học đầu (Một số trường sẽ có bài thi đánh giá)Thời gian đào tạoChương trình học ngành 2 diễn ra song song với thời gian học ngành 1Chương trình học ngành 2 diễn ra sau khi tốt nghiệp ngành học đầu.Để học song ngành bạn cần phải đạt một số điều kiện. Phần tiếp theo đây là một số điều kiện chính để được học song ngành tại một số trường đại học.
Những quy định khi học song ngành
Điều kiện để học song ngành
Theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT tại Điều 18 quy định về việc học song ngành, sinh viên được đăng ký học ngành 2 sớm nhất khi đã đã được xếp trình độ học tập của năm hai chương trình học thứ nhất. Tại thời điểm xét tuyển, sinh viên phải đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện sau:
- Học lực theo điểm trung bình tích lũy đạt từ khá trở lên và đáp ứng được ngưỡng đảm bảo chất lượng của chương trình học ngành 2.
- Học lực theo điểm trung bình tích lũy đạt loại trung bình và đáp ứng được điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai.
Ngoài những điều kiện trên, từng trường sẽ có những yêu cầu riêng cho sinh viên có nhu cầu học song ngành. Các yêu cầu có thể liên quan đến trình độ ngoại ngữ, các chứng chỉ liên quan,…
Điều kiện tốt nghiệp
Điều 18 của Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT cũng quy định, trong quá trình sinh viên học song ngành, nếu điểm trung bình tích lũy của ngành học thứ 1 dưới trung bình (dưới 5 điểm) hoặc rơi vào diện cảnh cáo học tập thì buộc phải dừng chương trình học ngành thứ 2 ở kỳ tiếp theo. Đồng thời sinh viên cũng bị loại khỏi danh sách đăng ký học ở chương trình ngành 2.
Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình học thứ 2 nếu đủ điều kiện tốt nghiệp chương trình học thứ 1.
Điều kiện về thời gian học
Về thời gian học song ngành, thời gian tối đa sinh viên được phép học là thời gian tối đa quy định của chương trình học thứ 1 nhưng không được quá 2 lần thời gian kế hoạch học tập toàn khóa.
Ví dụ, thời gian học tập theo kế hoạch chuẩn toàn khóa của ngành học thứ nhất là 4 năm vậy thì thời gian học tập tối đa học phép học cùng lúc 2 chương trình không được vượt quá 8 năm.
Chương trình học song ngành phù hợp với những ai?
Sinh viên muốn mở rộng kiến thức
Với những bạn muốn có thêm kiến thức liên quan, bổ trợ cho ngành học hiện tại, các bạn có thể lựa chọn học song ngành. Điều này sẽ giúp các bạn có thêm nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu của mình. Ví dụ nếu bạn đang có mong muốn mở một studio trong tương lai, bạn có thể chọn học song ngành Quản trị kinh doanh và ngành Thiết kế đồ họa số. Kiến thức bạn có được từ hai ngành học này sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian hiện thực hóa mong muốn mà bạn đã đề ra.
Sinh viên không thích ngành học hiện tại
Sẽ có không ít bạn sau khi học xong hai năm đại học đã bắt đầu cảm thấy chán vì không phù hợp. Thay vì bỏ ngang các bạn có thể lựa chọn học song ngành - duy trì ngành học hiện tại và học thêm ngành mà mình có hứng thú và yêu thích. Bạn có thể cố gắng học ngành thứ 1 để đạt được ở mức tối thiểu (trên trung bình) để có thể học ngành thứ 2 - ngành mà bạn thấy yêu thích.
Sinh viên yêu thích và muốn học hai ngành
Nếu bạn yêu thích hai ngành nghề và nhận thấy mình có khả năng phát triển ở cả hai ngành đó thì bạn có thể lựa chọn học song ngành. Đây là cơ hội để bạn thỏa đam mê của mình, có thể khai phá tiềm năng bản thân mà không cần mất nhiều thời gian.
Có nên học song ngành không?
Trước khi trả lời câu hỏi này, bạn nên cân nhắc phân tích những lợi ích cũng như khó khăn khi học song ngành. Từ đó bạn sẽ dễ dàng hơn trong quyết định liệu mình có nên học song ngành hay không?
Những lợi ích việc học song ngành mang lại
Mở rộng kiến thức, kỹ năng
Học song ngành có nghĩa là bạn sẽ có được kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ của cả 2 ngành nghề khác nhau. Bạn sẽ được thỏa mãn đam mê học hỏi và khám phá những điều mới.
Với những bạn lựa chọn học hai ngành bổ trợ cho nhau thì quá trình học cũng dễ dàng tiếp thu hơn. Chẳng hạn khi bạn lựa chọn học ngành Kỹ thuật phần mềm tại VTC Academy Plus, bạn sẽ được thực hành và biết cách phát triển phần mềm như thế nào dựa trên các dự án thực tế từ doanh nghiệp. Điều này sẽ bổ trợ kiến thức rất nhiều cho quá trình học ngành Công nghệ thông tin tại trường đại học của bạn.
Trong công việc sau này, bên cạnh các kiến thức chuyên ngành chúng ta cũng cần phải bổ sung thêm những kiến thức từ các ngành có liên quan. Vì vậy, việc am hiểu nhiều ngành sẽ là sự thuận lợi lớn để các bạn thành công sau này.
Tiết kiệm thời gian
Nếu lựa chọn các hình thức học khác bạn phải mất tận 6 năm hoặc thậm chí là 8 năm để có được 2 tấm bằng đại học. Thay vì phải mất thời gian như vậy, bạn có thể chọn học song ngành để sau 4 - 5 năm là bạn đã có trong tay 2 tấm bằng đại học.
Ngoài ra nếu hai ngành học bạn chọn có những môn đại cương trùng lặp bạn cũng không phải mất thời gian để học lại hai lần. Thời gian đó bạn có thể dành để tập trung cho các môn chuyên ngành nhiều hơn. Như vậy thời gian học đại học của bạn được tối ưu hơn rất nhiều.
Với những bạn lựa chọn học ngành thứ hai tại các học viện đào tạo chuyên ngành, các bạn lại rút ngắn thời gian hơn rất nhiều. Chẳng hạn tốt nghiệp chương trình đào tạo 2,5 năm tại VTC Academy Plus, bạn sẽ có trong tay chứng chỉ hoàn thành chương trình học được rất nhiều doanh nghiệp công nhận về chất lượng. Như vậy có nghĩa là sau khi tốt nghiệp, bạn đã có trong tay 2 tấm bằng uy tín.
Tăng cơ hội việc làm tốt sau khi tốt nghiệp
Nắm trong tay 2 tấm bằng sẽ giúp bạn nhân đôi cơ hội nghề nghiệp của mình. Khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp, hồ sơ năng lực bạn tất nhiên sẽ trở thành “ngôi sao” nổi bật giữa vô vàn hồ sơ ứng viên khác. Tương xứng với những nỗ lực đã bỏ ra, bạn có thể tự tin đàm phán mức lương và mức đãi ngộ phù hợp với mình.
Đặc biệt khi bạn tham gia học tại hai trường có nghĩa là bạn sẽ nhận được đặc quyền hỗ trợ việc làm từ cả hai trường. Chẳng hạn như khi bạn học tại VTC Academy Plus bạn sẽ được trường cam kết hỗ trợ việc làm sau khi tốt nghiệp. Với mạng lưới đối tác hơn 300 doanh nghiệp tuyển dụng và các đối tác giáo dục uy tín, bạn có thể yên tâm về về vấn đề việc làm tương lai của mình khi học tập tại VTC Academy Plus.
Sau khi tốt nghiệp có nghĩa là bạn đã có thời gian đủ dài trải nghiệm cả hai ngành nghề để đưa ra quyết định chính xác mình yêu thích công việc gì. Bạn có thể tập trung phát triển ở lĩnh vực bạn yêu thích và dùng kỹ năng của ngành học còn lại làm công việc “tay trái” hoặc bổ trợ cho công việc chính của mình. Vì thế mà bạn không phải đối mặt với việc làm trái ngành - một hiện trạng khá phổ biến của các bạn sinh viên mới tốt nghiệp hiện nay.
Xem thêm bài viết: Bức tranh ngành nghề - hiện trạng làm trái ngành sinh viên Việt Nam
Tự rèn luyện các kỹ năng mềm
Khi học song ngành, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều bài tập, luận văn và các kỳ thi căng thẳng. Dưới áp lực học tập nặng gấp đôi ấy, bắt buộc bạn phải tự rèn luyện bản thân biết cách quản lý thời gian và sắp xếp công việc sao cho hiệu quả. Đó đều là những kỹ năng mềm cực kì cần thiết khi bạn làm việc tại các doanh nghiệp lớn. Được làm quen, thích nghi và rèn luyện dưới môi trường áp lực ngay trong quá trình học sẽ là những kinh nghiệm quý báu, hỗ trợ cho các bạn rất nhiều khi bước vào công việc đầu đời của mình.
Tuy nhiên, con đường học song ngành không chỉ toàn hoa hồng. Để có được những thành quả nhất định bạn cần trải qua khá nhiều khó khăn, thử thách. Dưới đây là một số khó khăn có thể bạn sẽ gặp khi học song ngành. Bạn cũng nên tham khảo và cân nhắc thêm trước khi quyết định học song ngành.
Khó khăn khi học song ngành
Dễ từ bỏ khi gặp áp lực lớn
Tuy đã đạt các yêu cầu đầu vào để học ngành thứ hai nhưng điều này không hoàn toàn đảm bảo bạn có thể kiên trì học hết chương trình. Trong quá trình học, chắc chắn sẽ gặp những việc không suôn sẻ, đây là lúc bạn suy nghĩ đến việc từ bỏ và bắt đầu hoài nghi về bản thân. Nếu không đủ ý chí, kiên trì thì tương lai của bạn cứ thế mà bị bơ đi. Vì thế nếu từ đầu xác định mình không thuộc tuýp người có thể chịu đựng áp lực thì nên lựa chọn học đại học theo lối đi bình thường, đừng để mình phải rơi vào tình trạng học 2 ngành nhưng chẳng ngành nào “chín”.
Gặp khó khăn trong việc phân bổ thời gian
Quỹ thời gian một ngày của chúng ta là có hạn, nhưng bạn phải làm gấp đôi lượng công việc, vì thế không sắp xếp được thời gian luôn là vấn đề nan giải của các bạn học song ngành. Lịch học/lịch thi cử của bạn sẽ không tránh khỏi tình trạng chồng chéo gây rất nhiều khó khăn cho việc ôn tập cũng như sắp xếp thời gian của bạn. Bạn không thể quá tập trung vào một ngành mà bỏ quên mất ngành còn lại. Cân bằng là điều bạn phải làm được khi quyết định học song ngành.
Ngoài ra, bạn sẽ cũng phải đánh đổi thời gian riêng của bản thân, thời gian dành cho bạn bè, gia đình hay thời gian cho các hoạt động ngoại khóa với việc học của mình. Nếu sắp xếp không khéo bạn có thể rơi vào tình trạng “stress nặng” với những đầu việc hỗn độn mỗi ngày.
Gặp khó khăn về mặt tài chính
Việc học hai chương trình cùng một lúc cũng đồng nghĩa với việc bạn phải đóng học phí nhiều hơn trong một khoảng thời gian. Những chi phí khác cũng cần chi trả như: tiền mua dụng cụ học tập, tài liệu, sinh hoạt lớp,… cũng tăng lên. Vì vậy, bạn nên cân nhắc kĩ về vấn đề tài chính trước khi quyết định học song ngành để tránh tình trạng bỏ ngang giữa chừng rất lãng phí.
Việc học tập đã là một áp lực lớn, nếu bạn còn gặp khó khăn về vấn đề tài chính thì rất khó để bạn có thể chuyên tâm vào quá trình học của mình. Hiện nay các trường đều công bố về kế hoạch tuyển sinh, chương trình học cũng như mức học phí trung bình cho các ngành học, bạn có tự tìm hiểu hoặc liên hệ trực tiếp với bộ phận tuyển sinh để có sự cân nhắc và chuẩn bị cần thiết cho mình.
Kết luận
Hy vọng với những chia sẻ trên của VTC Academy Plus, các bạn đã hiểu hơn về chương trình học song ngành là gì? Có thể thấy việc học song ngành mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích nhưng những thứ chúng ta phải đánh đổi để có được cũng là điều đáng cân nhắc thận trọng. Ngoài việc tự tìm hiểu các bạn có thể tham khảo thêm ý kiến từ giáo viên, gia đình hay những anh chị đi trước. Họ cũng là nguồn tham khảo chất lượng để bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn.
Chúc các bạn thành công và sớm tìm thấy công việc phù hợp với bản thân mình.
Tài liệu tham khảo:
“Nội dung văn bản Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT” - Bộ Giáo dục và Đào tạo http://congbao.chinhphu.vn/noi-dung-van-ban-so-08-2021-tt-bgddt-33673