Du học

Nếu không có được cái mình yêu thì hãy yêu lấy cái mình có

Darkrose

Nếu không có được cái mình yêu thì hãy yêu lấy cái mình có

“Nếu không có được cái mình yêu thì hãy yêu lấy cái mình có"

Câu nói mà mãi tới giờ tôi mới thấy “ngấm”. Trong đầu một đứa học sinh hiếu thắng như tôi lúc bấy giờ chỉ nghĩ nếu bản thân muốn có gì thì phải “lăn xả” vào mà chiến đấu để có được nó, cố gắng cho đến khi đạt được thì thôi.

Nhiều năm trôi qua, tôi mỗi ngày đều đặt cho mình nhiều mục tiêu, tôi không ngừng so sánh mình với những người anh người chị mà tôi nể trọng và ngưỡng mộ, tôi lao vào kiếm tiền và tự hào biết mấy khi bắt đầu tự mua được quần áo hay điện thoại, dành nhiều thời gian ăn ngoài với bạn bè, và tự thưởng cho bản thân những chuyến du lịch mà không cần đến sự chu cấp của gia đình. Tôi cố gắng để sắm được những món đồ mà tự tôi cho rằng nó thật ngầu và tôi nên có, đi du lịch tới những nơi các “influencer” trên instagram hay lui tới.

Nhìn quanh, hoá ra bạn bè và những người trẻ khác cũng vậy. Không dưới một lần chúng ta để mạng xã hội chi phối lòng tin và nhận thức về nhiều mặt trong cuộc sống. Báo chí và truyền thông vẽ lên những hình ảnh về một cuộc sống mà họ cho là “đầy đủ”, về những quần áo, phụ kiện hay thiết bị điện tử mà họ đặt tiêu đề rằng: ”bạn phải có” để rồi sau đó, trớ trêu thay, bạn dành thời gian, công sức và tiền bạc để mua được những món đồ mà bạn không cần và có khi cũng không muốn. Cuộc sống trở nên siêu cạnh tranh đến mức chúng ta có xu hướng so sánh cuộc sống của bản thân với cuộc sống của người khác, bạn bè hay dăm ba người lạ ta lướt qua trên newsfeed.

Đáng sợ hơn, mạng xã hội và truyền thông phát triển nhanh đến mức chúng gần như trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật. Những ngày nghỉ lễ sắp tới, tôi dám cá rằng không ít bạn sẽ dành phần lớn thời gian sử mạng xã hội như Facebook hay Instagram trong khi “dành thời gian” nghỉ ngơi bên gia đình và người thân. Cứ thế chúng ta để bản thân lao vào vòng xoáy của sự so sánh thiệt hơn, chúng ta chạy theo những vật chất mà truyền thông khiến ta “yêu”, những giá trị của cuộc sống mà phần đông mọi người cho rằng phải có mới là “đủ”.

Bản thân người viết chợt nhận ra đã từng dành rất nhiều tiền để mua những tờ tạp chí đắt tiền như Kinfolk hay Cereal để đọc vài ba bài báo, chụp bức hình đẹp tải lên mạng xã hội và rồi chẳng bao giờ động đến chúng nữa; ngồi hàng giờ trên mạng để theo dõi (stalk) một ai đó, xem họ đi tới đâu, kiếm được bao nhiêu tiền, mặc cái gì, dùng điện thoại gì, cảm thấy thất vọng vì bản thân không có thành tựu gì nổi trội.

Cỏ luôn xanh ở phía bên kia ngọn đồi

Chúng ta luôn cảm giác “cỏ nhà hàng xóm” xanh hơn nhà mình. Hình ảnh ẩn dụ “cỏ luôn xanh ở phía bên kia ngọn đồi” hay “cỏ luôn xanh ở nhà bên cạnh” phản ánh chân thực cảm xúc mà mỗi chúng ta trải qua khi nhìn vào cuộc sống của người khác, nếu ta coi thảm cỏ xanh ấy là những mối quan hệ, là vật chất, là nhà cửa, là xe cộ, là quần áo, là công việc.

Ta thấy đứa bạn có người yêu vừa đẹp vừa khá giả vừa biết quan tâm, ta thấy một người anh, người chị có sự nghiệp rõ ràng, ta thấy những tiểu thư, công tử được gia đình đáp ứng, hỗ trợ tài chính cho mọi kế hoạch, ta thấy hàng tá cô nàng, chàng trai xinh đẹp, lung linh, phong cách được báo mạng tung hô mỗi ngày. Và ta tự hỏi mình đến với trái đất làm gì vậy?

Nhưng liệu cỏ có thực sự xanh ở bên kia đồi?

Có một điều mà mỗi chúng ta đều phải đồng tình, cỏ xanh nhất khi được tưới nước. Và tôi tin rằng, mỗi khu vườn đều cần sự yêu thương và chăm sóc từ chủ nhân của chúng. Giây phút bạn “phớt lờ” thảm cỏ nhà mình cũng là lúc khu vườn nhà bạn héo úa và chết dần. Tưới nhiều nước hơn nhà hàng xóm cũng không làm thảm cỏ nhà bạn xanh hơn, điều quan trọng là bạn, và chỉ chính bạn mới biết tưới bao nhiêu nước, chăm sóc thế nào cho phù hợp với thực trạng khu vườn nhà mình.

Dường như chúng ta đã đi quá nhanh, mải miết tìm kiếm những thứ xa vời để rồi nhận ra hạnh phúc không nằm đâu xa xôi mà ngay bên cạnh mình. Hãy yêu và trân trọng những gì mình có, cho dù là công việc, gia đình hay chiếc máy tính cũ; và khi gặp khó khăn trong sự nghiệp hay các mối quan hệ, hãy “tưới nước” cho chúng. Và thay vì để ý, so đo với thảm cỏ nhà khác, hãy dành năng lượng và thời gian cho khu vườn nhỏ của mình. Vì cỏ không xanh hơn ở bên kia đồi, cỏ xanh nhất nơi được bạn chăm sóc!