Du học

3 cách test trầm cảm tại nhà: Bài kiểm tra độ chính xác cao

Darkrose

3 cách test trầm cảm tại nhà: Bài kiểm tra độ chính xác cao

Ước tính có khoảng 3,8% dân số thế giới bị trầm cảm, bao gồm 5% người trưởng thành và 5,7% người trên 60 tuổi. Trầm cảm phổ biến ở phụ nữ hơn so với nam giới. Hơn 10% phụ nữ mang thai và phụ nữ mới sinh con bị trầm cảm. Mỗi năm, có đến 700.000 người chết vì tự tử do trầm cảm và đây cũng nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư ở nhóm từ 15-29 tuổi [1]. Bài viết sau đây sẽ đề cập đến 3 cách test trầm cảm phổ biến, chính xác mà bạn nên biết.

Tổng quan về trầm cảm

Trầm cảm là dạng rối loạn tâm thần phổ biến, thường liên quan đến tâm trạng chán nản, mất niềm vui hoặc hứng thú với các hoạt động sinh hoạt thường nhật trong thời gian dài.

Trầm cảm khác với thay đổi tâm trạng cảm xúc trong cuộc sống hàng ngày và có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả các mối quan hệ với gia đình, bạn bè và cộng đồng xã hội. Ai cũng có thể bị trầm cảm, đặc biệt là người từng bị lạm dụng, trải qua các biến cố nghiêm trọng hoặc mất người thân. Phụ nữ có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn so với nam giới.

Trầm cảm đã và đang trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn ở những nước chưa hoặc đang phát triển, nơi tình hình kinh tế suy giảm cùng điều kiện sống khó khăn, khiến người dân không có điều kiện quan tâm đến sức khỏe tâm thần, dẫn đến việc tạo nên rào cản trong việc chăm sóc sức khỏe. Không phủ nhận những nỗ lực của chính phủ trong việc đầu tư vào y tế nhưng các thay đổi chóng mặt về kinh tế xã hội, chính trị và thiên tai đã tạo ra nhiều bất cập trong việc chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.

Thêm vào đó, việc thiếu triển khai các chiến dịch truyền thông cũng như chương trình giáo dục nâng cao nhận thức về tâm thần cho người dân, dẫn đến việc xem nhẹ và khiến cho người bệnh chịu phân biệt đối xử, kỳ thị; thậm chí vi phạm nhân quyền từ những người xung quanh. Dù nền y học hiện nay đã phát triển nhiều phương pháp điều trị rối loạn tâm thần hiệu quả nhưng vẫn có đến hơn 75% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không được điều trị tâm thần thỏa đáng.

Khi nào nên thực hiện test trầm cảm?

Bạn cần khám sàng lọc và thực hiện test trầm cảm nếu bạn có dấu hiệu trầm cảm bao gồm [2]:

  • Mất hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động yêu thích.
  • Cảm thấy buồn hoặc lo lắng.
  • Cảm giác tội lỗi, vô dụng hoặc bất lực.
  • Cảm giác vô vọng về tương lai.
  • Hạ thấp giá trị bản thân.
  • Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Mệt mỏi và thiếu năng lượng.
  • Khó tập trung, ghi nhớ chi tiết hoặc đưa ra quyết định.
  • Những thay đổi về cân nặng.
  • Xuất hiện ý nghĩ làm tổn thương bản thân hoặc tự tử.

Trong giai đoạn trầm cảm, một người trải qua tâm trạng chán nản (cảm thấy buồn, cáu kỉnh, trống rỗng hoặc cảm thấy mất niềm vui hoặc hứng thú với các hoạt động bình thường). Trầm cảm khác với những biến động cảm xúc thông thường. Trạng thái này kéo dài gần như cả ngày, ngày này qua ngày khác và kéo dài từ 2 tuần trở lên. Trầm cảm gây ra rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, kể cả ở nhà lẫn trong cộng đồng, nơi làm việc và trường học.

Giai đoạn trầm cảm có thể được phân loại: nhẹ, trung bình hoặc nặng. Điều này tùy thuộc vào số lượng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như tác động của bệnh lên đời sống cá nhân.

Nên thực hiện bài test khi bạn bắt đầu xuất hiện các triệu chứng trầm cảm

3 bài quiz test trầm cảm trắc nghiệm phổ biến

1. Bài test trầm cảm Beck

Bài test trầm cảm Beck (Beck Depression Inventory - BDI) là một trong những thang đo phổ biến nhất gồm 21 mục nhằm đo lường các thái độ và triệu chứng đặc trưng của trầm cảm. Đây không chỉ là một trong những bài test được sử dụng rộng rãi nhất để đánh giá mức độ nghiêm trọng của trầm cảm mà còn để sàng lọc trầm cảm trong thực hành lâm sàng và dân số thanh thiếu niên nói chung và dành cho người trưởng thành nói riêng.

Bài test độ trầm cảm này xuất hiện lần đầu bằng tiếng Anh vào năm 1961, BDI đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau với độ tin cậy và được đánh giá cao. BDI đã trải qua hai lần sửa đổi lớn: vào năm 1978 là BDI-IA và năm 1996 là BDI-II.

  • BDI gốc: bao gồm 21 mục và xác định các triệu chứng cũng như thái độ liên quan đến trầm cảm. Bạn cần hồi tưởng lại tinh thần sức khỏe của bạn cả ngày để làm bài kiểm tra: tâm trạng, bi quan, cảm giác thất bại, thiếu hài lòng, cảm giác tội lỗi, cảm giác bị trừng phạt, căm ghét bản thân, tự buộc tội, mong muốn tự trừng phạt, khóc lóc, cáu kỉnh, xa rời xã hội, thiếu quyết đoán, hình ảnh cơ thể, khó khăn trong công việc, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, mối lo cân nặng và mất ham muốn tình dục. [3]
  • BDI-IA: giống như BDI gốc nhưng cần hồi tưởng lại cả tuần trước đó, bao gồm cả ngày thực hiện kiểm tra.
  • BDI-II: bao gồm 21 mục và loại bỏ bốn mục (giảm cân, thay đổi hình ảnh cơ thể, mối lo cân nặng và khó khăn trong công việc) khỏi BDI ban đầu và thay thế chúng bằng bốn mục mới (kích động, vô dụng, khó tập trung và mất năng lượng). Người làm kiểm tra cần nhớ lại chính xác những gì mình đã trải qua, bao gồm cả những gì mình đã trải qua từ 2 tuần trước đó: nỗi buồn, sự bi quan, cảm giác thất bại, mất niềm vui, cảm giác tội lỗi, mong đợi bị trừng phạt, chán ghét bản thân, tự buộc tội, ý định tự tử, các giai đoạn khóc, khó chịu, rút lui khỏi xã hội, thiếu quyết đoán, vô dụng, mất năng lượng, mất ngủ, cáu kỉnh, chán ăn, bận tâm, mệt mỏi và mất hứng thú với tình dục.

2. Thang trầm cảm PHQ-9

Mẫu PHQ-9 là một bảng câu hỏi ngắn gọn giúp đánh giá các triệu chứng trầm cảm. Bài kiểm tra ngắn hơn thang đo PHQ ban đầu nhằm giải quyết nhiều mối lo ngại về sức khỏe tâm thần bao gồm trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, lo lắng, rối loạn giấc ngủ và những vấn đề khác.

PHQ ra đời từ một công cụ đánh giá được các chuyên gia y tế sử dụng có tên là PRIME-MD để giải quyết nhiều chẩn đoán về sức khỏe tâm thần. PHQ-9 được phát triển bởi Tiến sĩ. R.L. Spitzer, J.B.W. Williams, và K. Kroenke vào năm 1999 với sự tài trợ từ Pfizer, Inc.

Vì đánh giá này chỉ đề cập đến trầm cảm nên số 9 trong tiêu đề là tham chiếu đến chín câu hỏi để đánh giá từng tiêu chí trầm cảm theo Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần.Thực hiện bài test PQH định kỳ sẽ giúp theo dõi và đánh giá sức khỏe tâm thần.

3. Thang trầm cảm DASS 21

Thang trầm cảm DASS-21 là dạng rút gọn của DASS-42, một thang được thiết kế để đo lường các trạng thái cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, lo lắng và căng thẳng. Thang đo này phù hợp với các cơ sở lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi kết quả, cũng như các cơ sở phi lâm sàng với vai trò sàng lọc sức khỏe tâm thần. [4]

Vì ba thang đo của DASS đã được chứng minh là có tính nhất quán nội tại cao nên các thang đo này đáp ứng nhu cầu của cả nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng muốn đo lường trạng thái hiện tại hoặc thay đổi trạng thái theo thời gian. Đây là một công cụ hữu ích để theo dõi kết quả thường quy và có thể được sử dụng để đánh giá mức độ đáp ứng điều trị của người bệnh.

Điểm số cho từng thang điểm phụ được phân thành 5 mức độ nghiêm trọng: bình thường, nhẹ, trung bình, nặng và cực kỳ nghiêm trọng. Mỗi thang đo DASS-21 gồm 7 mục:

  • Trầm cảm: phiền muộn, vô vọng, mất giá trị cuộc sống, tự ti, thiếu hứng thú/tham gia, anhedonia và quán tính. (Mục 3, 5, 10, 13, 16, 17, 21)
  • Lo lắng: kích thích tự chủ, tác động lên cơ xương, lo lắng về tình huống và trải nghiệm chủ quan về ảnh hưởng lo lắng. (Mục 2, 4, 7, 9, 15, 19, 20)
  • Căng thẳng: mức độ kích thích không đặc hiệu mãn tính, khó thư giãn, hưng phấn thần kinh và dễ khó chịu/kích động, cáu kỉnh/phản ứng quá mức và thiếu kiên nhẫn. (Mục 1, 6, 8, 11, 12, 14, 18)

Kết quả mức độ test trầm cảm

Điểm số trong các bài test chỉ mang tính chất tham khảo. Người bị trầm cảm nên tìm đến bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán chính xác mức độ trầm cảm dựa trên các dấu hiệu lâm sàng hoặc các xét nghiệm đánh giá.

1. Trầm cảm nhẹ

  • Bài test trầm cảm Beck: 14 - 19
  • Thang trầm cảm PHQ-9: 10 - 14
  • Thang trầm cảm DASS 21: 15 - 18

2. Trầm cảm vừa

  • Bài test trầm cảm Beck: 20 - 29
  • Thang trầm cảm PHQ-9: 15 - 19
  • Thang trầm cảm DASS 21: 19 - 25

3. Trầm cảm nặng

  • Bài test trầm cảm Beck: >30
  • Thang trầm cảm PHQ-9: >19
  • Thang trầm cảm DASS 21: 26 - 33

Chẩn đoán kiểm tra trầm cảm

Để chẩn đoán bạn có bị trầm cảm hay không, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp khác nhau để xác định tình trạng tâm lý hiện tại [5]:

1. Khám sức khỏe tổng quát

Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe tổng thể của bạn để xem liệu bạn có đang phải đối mặt với một tình trạng khác hay không.

2. Xét nghiệm sinh hóa

Bác sĩ có thể cho bạn thực hiện xét nghiệm sinh hóa, điều này nhằm kiểm tra mức độ hormone trong cơ thể có đang ở ngưỡng bình thường không. Việc thay đổi hormone trong cơ thể cũng góp phần ảnh hưởng về cả mặt thể chất lẫn tinh thần.

3. Khám sức khỏe tâm thần

Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe tâm thần của bạn bằng cách hỏi về suy nghĩ, cảm xúc và cách bạn hành xử, cũng như đối diện với các vấn đề trong cuộc sống.

4. Test mức độ trầm cảm

Bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện một vài bài test về mức độ trầm cảm nhằm đánh giá trạng thái sức khỏe tâm thần hiện tại, nhằm đưa ra các phương pháp điều trị trầm cảm hợp lý, cụ thể tùy theo điều kiện sức khỏe.

Lối sống sinh hoạt lành mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển sức khỏe tinh thần, giảm căng thẳng và góp phần ngăn chặn trầm cảm

Chuyên khoa Tâm lý, BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp, tận tình, chu đáo, giàu kinh nghiệm trong quá trình chẩn đoán, điều trị và tư vấn chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh.

Người bị trầm cảm sẽ nảy sinh ra nhiều suy nghĩ tiêu cực, dẫn đến hành vi tự hủy hoại bản thân mình hoặc làm tổn thương những người xung quanh. Nếu bạn hoặc người thân xuất hiện những triệu chứng như trên, hãy thực hiện các bài test trầm cảm để xác định dấu hiệu ban đầu hoặc đến ngay chuyên khoa Tâm lý để nhận được sự hỗ trợ kịp thời