Du học

Múa và dàn dựng múa trong các chương trình nghệ thuật tổng hợp

Darkrose

Múa và dàn dựng múa trong các chương trình nghệ thuật tổng hợp

Chương trình Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Ảnh: Đinh Thu Hà

1. Những đặc trưng riêng của múa

Trong lịch sử nhân loại, nghệ thuật múa đã ra đời, tồn tại và phát triển từ rất sớm. Kế thừa những động tác lao động, săn bắn, hái lượm của con người từ buổi đầu sơ khai, múa đã dần hoàn thiện, đi vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở mọi thời đại.

Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, múa là một hình thái ý thức xã hội với những đặc trưng rất riêng. Nhiều nhà biên đạo, nghiên cứu lý luận trong và ngoài nước đều nhận định, nghệ thuật múa có rất nhiều đặc trưng. GS, TSKH, NSƯT Lâm Tô Lộc nhận xét: “Múa là nghệ thuật phản ánh cuộc sống bằng hình thức đặc biệt của nó. Cơ sở của múa là những điệu bộ, động tác có quan hệ đến quá trình lao động, sự quan sát thiên nhiên và những ấn tượng có được từ thế giới xung quanh, những động tác đó được cách điệu hóa nghệ thuật”. Theo ông, đặc trưng của múa là: nghệ thuật không gian và thời gian, nghệ thuật cách điệu và ước lệ, nghệ thuật biểu hiện và tạo hình, nghệ thuật đẹp. GS, TS, NSND Lê Ngọc Canh cho rằng, đặc trưng của múa là cách điệu, tưởng tượng, khái quát và tạo hình. GS, TS, NSND R. Dakharop thì cho rằng, đặc trưng của múa là: chất thơ, tính khái quát, cách điệu, ước lệ, chuyển động trong âm nhạc… Như vậy, một số đặc trưng cơ bản của múa được tóm lược lại như sau: múa là nghệ thuật mang chất thơ, có đặc trưng khái quát, đặc trưng hành động, đặc trưng cách điệu và ước lệ, đặc trưng chuyển động trong âm nhạc.

Như vậy, múa là nghệ thuật tạo hình không gian động. Ngôn ngữ biểu cảm trực tiếp của múa là hình thể. Phương tiện thể hiện của múa chính là cơ thể con người. Qua các động tác, tư thế, dáng dấp, đôi chân, bàn tay, cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, ánh mắt cùng với sự chuyển động có trình tự của nghệ sĩ, diễn viên, múa đã thể hiện được những vẻ đẹp muôn hình, muôn vẻ của đời sống xã hội, truyền đạt nội dung, tư tưởng, tình cảm của tác phẩm đến với công chúng. Vì thế, khi con người có những xúc cảm không thể diễn đạt được bằng lời nói, người ta thường chọn cách thể hiện qua các động tác múa. Các động tác đó được quy tụ, đúc kết thành hệ thống kỹ năng múa cơ bản, bao gồm: kỹ năng mô phỏng, kỹ năng khống chế, kỹ năng mềm dẻo, kỹ năng mở, kỹ năng nhảy, kỹ năng quay, xoay… Nhờ có những đặc trưng như vậy, nghệ thuật múa đã tạo nên nét đẹp kỳ diệu trong cuộc sống.

2. Vai trò của múa trong các chương trình nghệ thuật tổng hợp

Mỗi loại hình nghệ thuật đều có thể tồn tại một cách độc lập trong quá trình ca ngợi, phản ánh cuộc sống. Song, giữa các loại hình nghệ thuật ca, múa, nhạc lại có nhiều nét tương đồng. Do đó, khi kết hợp với nhau trong một chỉnh thể chung của chương trình nghệ thuật tổng hợp, chúng sẽ bổ trợ cho nhau và phát huy cái hay, cái đẹp của mình.

Trong quá trình dàn dựng một chương trình ca nhạc, đạo diễn chọn lựa được những tác phẩm khí nhạc, thanh nhạc có chất lượng nghệ thuật cao, những tác phẩm đó lại được các nghệ sĩ, ca sĩ tài năng biểu diễn, vậy mà chương trình vẫn không tránh khỏi sự khô khan, đơn điệu, tẻ nhạt. Như vậy, ở khía cạnh nào đó, ca và nhạc mới chỉ đáp ứng được phần nghe của khán giả chứ chưa đáp ứng được phần nhìn. Trong khi đó, nhu cầu nghe và nhìn lại rất cần tương xứng với nhau trong một tổng thể nghe nhìn tự nhiên. Nhưng yếu tố nhìn luôn thiên về trực giác nên nó có phần nổi trội hơn, tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm của con người.

Nhận thức rõ điều đó, từ nhiều năm trước, những người dàn dựng chương trình ca nhạc luôn cố gắng thay đổi trang phục, đội hình, thậm chí thêm một vài động tác biểu diễn của các nghệ sĩ, diễn viên ca và nhạc trên sân khấu cho mới mẻ, khác biệt. Đôi khi, xen giữa các tiết mục còn có thêm lời dẫn của người dẫn chương trình. Nhưng phải tới khi có sự tham gia của múa, các chương trình nghệ thuật mới có những thay đổi căn bản.

Xuất phát từ tình hình thực tế trên, đòi hỏi các chương trình ca nhạc phải chuyển đổi sang một hình thức mới. Từ đó, mô hình chương trình nghệ thuật tổng hợp đã ra đời. Những chương trình này bao gồm cả các loại hình ca, nhạc và múa. Sự đổi mới, cải tiến về cả nội dung và hình thức đã làm các chương trình nghệ thuật ngày càng có sức lan tỏa rộng rãi.

3. Dàn dựng múa, yếu tố quyết định thành công của một chương trình nghệ thuật tổng hợp

Múa biểu hiện trình độ, tri thức văn hóa, tư duy thẩm mỹ sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ. Múa là thành tố của các loại hình nghệ thuật biểu diễn, song, việc đưa múa vào các chương trình nghệ thuật tổng hợp như thế nào lại là một vấn đề khác. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực sáng tạo của người biên đạo trong công tác dàn dựng.

Mỗi loại hình nghệ thuật, thành phần sáng tạo đều có vai trò, vị trí và những đóng góp riêng vào hiệu quả chung của chương trình. Người biên đạo phải đảm nhiệm cả vai trò đạo diễn, thậm chí là tổng đạo diễn chương trình. Không chỉ sắp xếp đội hình biểu diễn cho diễn viên múa mà còn phải dàn dựng, bố cục tổng thể sân khấu cho cả diễn viên ca và nhạc. Như vậy, đòi hỏi người biên đạo phải có trình độ học vấn, kiến thức và vốn sống thực tế sâu rộng. Trước khi bắt tay vào dàn dựng một chương trình nghệ thuật tổng hợp, biên đạo múa phải lập kế hoạch dàn dựng tổng thể, hình thành nên ý tưởng nghệ thuật chung, từ đó sáng tạo nên ngôn ngữ, hình tượng múa cho từng tiết mục và toàn bộ chương trình. Các công đoạn dàn dựng múa trong một chương trình nghệ thuật tổng hợp trình tự được tiến hành theo các bước dưới đây:

Trước tiên, cần xây dựng đề cương và hoàn chỉnh kịch bản múa. Kịch bản luôn bám sát ý nghĩa, mục đích yêu cầu, nội dung, chủ đề của chương trình nghệ thuật tổng hợp. Nội dung kịch bản múa phải mạch lạc, chặt chẽ, nêu được chủ đề tư tưởng, cấu trúc bố cục, thể loại, hình thức thể hiện, chất liệu sử dụng, thời gian, thời lượng cùng với các thành phần phối hợp khác như âm nhạc, trang phục, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng... để chương trình đạt hiệu quả như kỳ vọng. Ở góc độ biên đạo, khi xây dựng kịch bản múa cho chương trình nghệ thuật tổng hợp cũng phải nắm rõ yêu cầu, mục đích, ý nghĩa, đề tài, nội dung, chủ đề tư tưởng của kịch bản văn học, kịch bản khung đang đặt ra để đưa múa vào một cách hài hòa, hợp quy luật.

Cấu trúc chương trình thường chia thành nhiều phần, nhiều chương đoạn. Đối với chương trình nghệ thuật tổng hợp, chúng ta nên vận dụng theo lối cấu trúc truyền thống. Cụ thể chia chương trình làm ba phần/ chương: phần một, đặt vấn đề, nêu bối cảnh chung và điểm xuất phát của chương trình; phần hai, giải quyết vấn đề, trình bày, lý giải chủ đề, nội dung chương trình thông qua những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu và nghệ thuật diễn xuất của nghệ sĩ, diễn viên; phần ba, kết luận, khẳng định một lần nữa nội dung, chủ đề tư tưởng của chương trình, đưa ra thông điệp và những dự báo về tương lai phát triển mà vấn đề chương trình đang đặt ra. Khi xây dựng xong phần cấu trúc chương trình, người biên đạo tiến hành bố cục, tổ chức sắp xếp các tiết mục thứ tự trước sau sao cho hợp lý. Nghĩa là, các tiết mục diễn ra theo trật tự nhất định thông qua sự dẫn dắt, xâu chuỗi các chương, đoạn, tiết mục với nhau.

Bước tiếp theo là chọn thể loại múa. Nghệ thuật múa có rất nhiều thể loại, như: múa dân gian, múa truyền thống, múa hiện đại, múa cổ điển, kịch múa, thơ múa, tổ khúc múa, múa tình tiết, múa biểu diễn… Mỗi thể loại đều có những đặc trưng riêng, cần lựa chọn sao cho phù hợp với tính chất của mỗi chương trình.

Sau khi đã xác định và lựa chọn thể loại múa phù hợp, biên đạo múa phải tìm được hình thức thể hiện riêng cho chương trình. Hình thức múa đơn (solo), múa hai người (duo), múa ba người (trio) hay hình thức múa tập thể, đều tùy thuộc vào yêu cầu của chương trình và ý tưởng nghệ thuật của người biên đạo. Điều này phải được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi nó liên quan đến số lượng người tham gia và việc di chuyển các tuyến đội hình, động tác, tư thế của diễn viên trong quá trình dàn dựng. Mọi thành phần như những mắt xích đan cài vào nhau tạo nên ngôn ngữ và hình tượng múa xuyên suốt chương trình.

Bên cạnh đó, chất lượng của chương trình nghệ thuật còn có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ diễn viên, thành phần không thể thiếu trong quá trình dàn dựng và biểu diễn. Họ là người lĩnh hội, chuyển tải ý tưởng sáng tạo của biên đạo tới công chúng khán giả qua sự biểu hiện ở nét mặt, suy nghĩ, cảm xúc, cơ thể của chính bản thân mình. Sẽ là vô nghĩa nếu như những suy tư, trăn trở, phát kiến của người biên đạo không được thể hiện trên sân khấu. Vì thế, trước khi dàn dựng múa một chương trình nghệ thuật tổng hợp, biên đạo cần quan sát, tuyển chọn diễn viên dựa trên tiêu chí về khả năng chuyên môn để giao trọng trách cho họ. Có như vậy mới hoàn thành sứ mệnh cao cả của múa khi tham gia vào các chương trình nghệ thuật tổng hợp nói chung và từng vị trí biểu diễn của nghệ sĩ, diễn viên nói riêng.

Khi dàn dựng múa trong các chương trình nghệ thuật tổng hợp, người biên đạo phải sáng tạo được các loại vũ đạo đa dạng, phong phú để tạo nên chuỗi hành động logic, phù hợp với nội dung chương trình. Ngoài ra, biên đạo cũng cần tạo dựng được ngôn ngữ, hình tượng, phong cách, tính chất, sắc thái của chương trình thông qua các động tác quay, nhảy, bê, đỡ phối hợp với quá trình chuyển động các tuyến đội hình. Những tìm tòi, sáng tạo cùng với kỹ năng biên đạo đều tập trung vào mục đích phát huy tối đa những đặc trưng, ưu thế của múa vào việc chuyển tải thông điệp của chương trình tới công chúng một cách hữu hiệu nhất. Để làm được điều đó, người biên đạo phải thiết kế cho được các động tác, các chuỗi chuyển động đội hình múa độc đáo, đẹp và tươi mới.

Về âm nhạc viết cho múa, âm nhạc đã được giới chuyên môn suy tôn là linh hồn của múa. Do vậy, để dàn dựng múa cho một chương trình nghệ thuật tổng hợp, người biên đạo phải chọn chủ đề âm nhạc theo ý tưởng cấu trúc tác phẩm. Có như thế tiết tấu, giai điệu của âm nhạc mới thực sự là tiền đề cho các nhà biên đạo thả sức bay bổng sáng tạo. Múa luôn gắn liền với âm nhạc, biên đạo múa tìm thấy ở đó nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào. Âm nhạc viết cho múa thường có tính hình tượng cao, tạo ra không gian rộng lớn để múa có đất thể hiện. Âm nhạc và múa luôn có sự kết hợp hài hòa, đáp ứng được cả hai yếu tố nghe, nhìn để mang đến cho khán giả những xúc cảm và sự thông hiểu sâu sắc.

Việc sau cùng là chọn lựa, sử dụng đạo cụ, trang phục, cùng các thiết bị công nghệ âm thanh và ánh sáng vào chương trình. Lựa chọn và sử dụng các loại đạo cụ, trang phục phù hợp với những chương, đoạn múa của chương trình sẽ làm tăng thêm sức hút đối với khán giả. Chẳng hạn khi trong tay diễn viên cầm một mái chèo, xuất hiện bên cạnh một con xuồng nhỏ trên sân khấu đã gợi cho ta hình dung về một miền quê sông nước thanh bình, giàu đẹp, trù phú. Hoặc khi chọn lựa các bộ trang phục nhiều màu sắc cho dàn diễn viên múa cũng giúp cho chương trình rực rỡ, tráng lệ, hấp dẫn người xem hơn. Hay khi những cô gái trẻ mặc chiếc áo dài, đầu đội nón trắng đã tạo nên dáng vẻ mềm mại, thướt tha, duyên dáng của người phụ nữ vùng châu thổ sông Hồng. Bộ quần áo bà ba cùng với tấm khăn rằn quàng cổ gợi cho khán giả liên tưởng đến những bà má miền Nam, những cô gái đồng bằng Nam Bộ mộc mạc, dễ thương.

Đến lượt các thiết bị công nghệ âm thanh, ánh sáng được sử dụng vào mục đích tái hiện cảnh diễn ở chiến trường cũng tạo được hiệu quả không kém. Tiếng bom gào, đạn rú, lửa bốc cao ngùn ngụt, sáng lòa cả một góc trời đã mô phỏng được cả một cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc đang diễn ra. Từ trí tưởng tượng, sáng tạo của biên đạo, diễn viên, cảnh diễn đã dội vào hồi ức của bao khán giả những cảm xúc yêu thương, căm giận đến tột cùng.

Trong những năm qua, thực tế đã minh chứng rằng, sự xuất hiện của múa đóng vai trò quan trọng, trở thành một trong những thành tố không thể thiếu đối với mỗi chương trình nghệ thuật. Ví dụ, Chương trình nghệ thuật Bài ca thống nhất - Kỷ niệm 30 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2005) do Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tổ chức thực hiện, có nhiều cảnh múa tạo được ấn tượng sâu sắc, trở thành điểm nhấn của chương trình. Trong đó phải kể tới cảnh chia tay của đôi trai gái bên cầu Hiền Lương, chàng trai chuẩn bị lên đường ra Bắc tập kết, đợi ngày hiệp thương, tổng tuyển cử cả nước sẽ trở về. Biên đạo sử dụng hình thức múa đôi rất thành công. Trên nền nhạc du dương, trầm bổng, thiết tha, những động tác xoay, quay, bê đỡ mềm mại, uyển chuyển của chàng trai và cô gái như ngày càng gắn kết họ với nhau hơn. Một tình yêu thủy chung, say đắm chỉ có thể diễn tả được bằng nghệ thuật múa. Cảnh diễn đã làm rung động bao trái tim. Khán giả cảm nhận được sự lưu luyến, bâng khuâng, nhớ mong chờ đợi trong giây phút chia tay rất đỗi thiêng liêng, vừa lãng mạn, vừa tràn trề niềm tin yêu và hy vọng.

Một cảnh diễn khác, khi mô tả khí thế chiến thắng của quân dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, biên đạo đã sử dụng hình thức múa tập thể đông người để tạo cao trào cho chương trình. Giai điệu và tiết tấu hào hùng của ca khúc Sài Gòn quật khởi (nhạc sĩ Hồ Bắc) kết hợp với những động tác múa chắc khỏe, sôi động của đội ngũ nam nữ diễn viên đã cho người xem cảm thấy tự hào về một đất nước Việt Nam anh hùng. Nhưng nếu trên sân khấu chỉ dừng lại ở phần âm nhạc trữ tình hay hùng tráng mà không có sự hiện diện phần biểu diễn của múa thì thật khó để diễn tả được ý đồ của đạo diễn chương trình, chuyển tải được nội dung chủ đề của chương trình.

Trong chương trình nghệ thuật Khúc ca Hà Nội - Kỷ niệm 50 năm Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 -10-10-2004), do Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tổ chức dàn dựng và biểu diễn, cũng có thể tìm thấy rất nhiều lớp múa đắt giá như vậy. Trên nền nhạc tác phẩm Tiến về Hà Nội (nhạc sĩ Văn Cao), biên đạo múa đã sử dụng hình thức múa tập thể đông người, trong trang phục bộ đội, áo trấn thủ, mũ bọc lưới dù, ba lô đeo sau lưng và súng khoác trên vai, đội hình nam diễn viên liên tục di chuyển lên, xuống, ngang, chéo tạo nên lớp lớp sóng người ào ạt diễu qua quảng trường Ba Đình. Hình ảnh đội quân hùng mạnh trong tư thế tự hào, hiên ngang của người chiến thắng hiện lên rõ nét. Không khí tưng bừng, sục sôi của thủ đô Hà Nội trong ngày vui giải phóng như trào dâng. Tiếp đến là thơ múa Hồi ức Pác Bó, tiết mục tái hiện thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo cuộc kháng chiến ở chiến khu cách mạng Việt Bắc. Đây cũng là một sự tìm tòi, sáng tạo rất công phu của người biên đạo chương trình. Những động tác múa ngợi ca, thành kính của các tầng lớp quân, dân, đồng bào các dân tộc xung quanh Bác, tạo nên vẻ đẹp tinh khôi về tình cảm người dân đối với lãnh tụ, thể hiện niềm tin của cả dân tộc vào Trung ương Đảng và Bác Hồ.

4. Lời kết

Giờ đây, múa đã trở thành loại hình nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp trên các sân khấu lớn nhỏ. Với sự khéo léo, tài hoa của các nhà biên đạo và tài năng biểu diễn điêu luyện của các nghệ sĩ, múa đã góp phần không nhỏ tạo nên những chương trình nghệ thuật tổng hợp đầy sức hấp dẫn. Sự hiện diện của múa ở các chương trình nghệ thuật tổng hợp luôn để lại những dấu ấn sâu đậm, khó quên trong lòng công chúng. Những chương trình đó đã làm giàu thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho toàn xã hội. Trong xu thế phát triển chung hiện nay, với tài năng, tâm huyết sáng tạo của đội ngũ các nhà biên đạo, các thế hệ nghệ sĩ biểu diễn, nghệ thuật múa sẽ tiếp tục song hành cùng với các loại hình nghệ thuật khác, phát huy thế mạnh riêng có của nó để tạo ra nhiều “sản phẩm tinh thần” có giá trị và ý nghĩa thời đại hơn nữa (1).

____________________

1. Bài báo nằm trong khuôn khổ đề tài “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Phương pháp xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp cho sinh viên ngành sư phạm âm nhạc”, nghiên cứu khoa học được hỗ trợ bởi đề tài cấp trường, mã số SPHN 18-08.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Ngọc Canh, Khái luận nghệ thuật múa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997.

2. Lê Ngọc Canh, Phương pháp kết cấu kịch bản múa, Nxb Văn hóa Thông tin, Trường Cao đẳng Văn hóa TP.HCM, Hà Nội, 2004.

3. Nguyễn Thị Hiển, Nghệ thuật biên đạo múa, Nxb Văn học, Hà Nội, 2008.

4. Đặng Hùng, Phương pháp sáng tác múa, Nxb Văn nghệ, TP.HCM, 2001.

5. Lâm Tô Lộc, Nghệ thuật múa dân tộc Việt, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1979.

6. Nhiều tác giả, Các thể loại âm nhạc, Lan Hương dịch, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1981.

Ths ĐINH THU HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022