Giáo dục

Ngữ liệu sách giáo khoa... cần lựa chọn phù hợp

Darkrose

Ngữ liệu - bao gồm ngữ liệu văn học và ngữ liệu từ ngữ, là một bộ phận quan trọng hàng đầu, không thể thiếu được khi soạn sách giáo khoa ngữ văn các cấp học nói chung và sách tiếng Việt tiểu học nói riêng.

Trong đó, ngữ liệu từ ngữ tiếng Việt bao gồm từ tiếng Việt và những đơn vị từ vựng tiếng Việt khác có tư cách tương đương với từ như cụm từ tự do, thành ngữ, tục ngữ... Ngữ liệu được đưa vào sách giáo khoa tiểu học để cung cấp cho học sinh kiến thức, trang bị kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, đồng thời bồi dưỡng cho các em thái độ, tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ. Vừa rồi nhân có dịp tra cứu lại sách giáo khoa tiếng Việt 4, tập 1 hiện hành, chúng tôi nhận thấy các nhà soạn sách đã khá công phu khi chọn đưa vào sách nhiều ngữ liệu tiếng Việt phong phú, đa dạng, gồm nhiều tục ngữ, thành ngữ, giúp học sinh mở rộng vốn từ khi học các chủ điểm trong phân môn Luyện từ và câu. Cụ thể, nội dung bài mở rộng vốn từ chủ đề Nhân hậu - Đoàn kết tuần 2 (trang 17), nêu câu hỏi:

Tiếng Việt - nhìn từ bộ sách giáo khoa chương trình mới

Các tục ngữ dưới đây khuyên ta điều gì, chê điều gì? a) Ở hiền gặp lành. b) Trâu buộc ghét trâu ăn. c) Một cây làm chẳng nên non d) Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Bài mở rộng vốn từ chủ đề Nhân hậu - Đoàn kết tuần 3 (trang 33): Em hiểu nghĩa các thành ngữ, tục ngữ dưới đây như thế nào?

a) Môi hở răng lạnh. b) Máu chảy ruột mềm. c) Nhường cơm sẻ áo. d) Lá lành đùm lá rách. Sang nội dung bài mở rộng vốn từ chủ đề Trung thực - Tự trọng tuần 5 (trang 48), tác giả lại nêu dạng câu hỏi khác: Có thể dùng những thành ngữ, tục ngữ nào dưới đây để nói về tính trung thực hoặc về lòng tự trọng?

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 có phải sai ngữ pháp, diễn đạt?

a) Thẳng như ruột ngựa. b) Giấy rách phải giữ lấy lề. c) Thuốc đắng dã tật. d) Cây ngay không sợ chết đứng. e) Đói cho sạch, rách cho thơm. Đến nội dung bài mở rộng vốn từ chủ đề Ước mơ tuần 9 (trang 87), tác giả hỏi: Em hiểu các thành ngữ dưới đây như thế nào? a) Cầu được ước thấy. b) Ước sao được vậy. c) Ước của trái mùa. d) Đứng núi này trông núi nọ. Nhìn chung, hầu hết các thành ngữ, tục ngữ trên đều quen thuộc, phổ dụng trong đời sống xã hội hàng ngày, dễ thuộc, dễ nhớ đối với mọi người và không quá xa lạ, khó tiếp nhận đối với học sinh lớp 4. Tuy nhiên, riêng với thành ngữ “ước của trái mùa”, chúng tôi vẫn cảm thấy còn đôi chút băn khoăn. [1].

Tiếng Việt 4 - tập 1, trang 88 (Ảnh: tác giả cung cấp).

Trước hết là băn khoăn về tính phổ quát của thành ngữ trên. “Ước của trái mùa” không hề có mặt trong cuốn “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên - một cuốn từ điển đáng tin cậy, thông dụng hàng đầu mấy chục năm qua đối với các nhà nghiên cứu ngôn ngữ lẫn những người học tập, tìm hiểu, sử dụng tiếng Việt. Tra cứu tiếp cuốn “Từ điển thành ngữ” của Nguyễn Lực - Lương Văn Đang cũng không thấy thành ngữ này. Tiếp theo, chúng tôi còn thấy lấn cấn về ngữ nghĩa của nó. Theo như gợi ý trả lời trong nhiều tài liệu hướng dẫn học sinh học tập mà chúng tôi tham khảo được, nghĩa của thành ngữ trên đều thống nhất là: “Muốn những điều trái với lẽ thường”. Vậy nhưng, sau khi tra cứu nhiều từ điển khác, chúng tôi tìm thấy thành ngữ “ước của trái mùa” có mặt trong “Đại từ điển Tiếng Việt” và “Từ điển Thành ngữ - Tục ngữ Việt Nam”, thì cả 2 cuốn từ điển trên đều thống nhất giải thích nghĩa của thành ngữ “ước của trái mùa” giống y hệt nhau và không hoàn toàn giống nghĩa trong sách giáo khoa: - “ước của trái mùa: Thèm muốn những điều trái với lẽ thường (thường nói về tình ý, quan hệ nam nữ không bình thường)” [2].

Từ điển thành ngữ - Tục ngữ Viết Nam, trang 594 (Ảnh: tác giả cung cấp).

- “Ước của trái mùa: Thèm muốn những điều trái với lẽ thường (thường nói về tình ý, quan hệ nam nữ không bình thường)” [3]. (Chúng tôi nhấn mạnh).

Đại từ điển Tiếng Việt, trang 1782 (Ảnh: tác giả cung cấp).

Như vậy, nghĩa của thành ngữ “ước của trái mùa” được cung cấp cho học sinh lớp 4 bị cắt xén, giản lược bớt chứ không phải ở dạng đầy đủ, cho nên không chuẩn xác, trọn vẹn như nó vốn có trong 2 từ điển trên. Thực ra, với thành ngữ trên, nếu giải thích tường tận, đầy đủ cho học sinh còn non nớt ở độ tuổi lớp 4 quả là khó khăn, chẳng biết phải luận giải sao cho thỏa đáng: thế nào là “quan hệ nam nữ không bình thường”. Chúng ta đều biết, đặc điểm tâm lý, suy nghĩ, cảm xúc của trẻ tiểu học trong độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi là một trong những vấn đề khiến thầy cô khó nắm bắt và thấu hiểu được. Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ thời thơ ấu sang thời niên thiếu vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển thể chất, trí tuệ và hình thành nhân cách của trẻ. Trong độ tuổi này, trẻ xuất hiện nhiều cảm xúc và tâm lý mới, sẽ tiếp cận thế giới thông qua cả lý trí và suy nghĩ. Cho nên, đây là “độ tuổi của những thắc mắc”, học sinh sẽ đặt ra vô số câu hỏi cho thầy cô và cần câu trả lời hợp lý, không qua loa, đại khái; nếu thầy cô giải thích nửa vời, bớt xén về nghĩa, thì có thể đem lại suy nghĩ sai lệch cho học sinh còn quá nhỏ. Như vậy, thành ngữ “ước của trái mùa” vừa thuộc loại ít dùng, vừa dễ có khả năng gây “tác dụng ngược” khi thầy cô đi vào giải thích tường tận cho học sinh. Cho nên, để tránh tình trạng “tai nạn nghề nghiệp” đáng tiếc khi thầy cô trả lời cho học sinh trên lớp, theo chúng tôi không nên đưa câu thành ngữ “ước của trái mùa” vào sách giáo khoa tiếng Việt 4, mà nên thay thế bằng một thành ngữ khác lành mạnh, phù hợp hơn có cùng chủ điểm “Trên đôi cánh ước mơ”. Chúng ta đều biết rằng bản thân từ - ngữ không hoàn toàn thuần túy mang khái niệm tốt hay xấu, nếu được sử dụng đúng nơi, đúng lúc. Nhưng có một số thành ngữ nếu dùng không đúng ngữ cảnh thì sẽ gây hiệu ứng “phản cảm”, nhất là đối với trẻ nhỏ, vì nó không phù hợp với tâm lý đối tượng học sinh ở từng lứa tuổi nhất định.

Một vài ý kiến về chú thích, trích dẫn trong sách Tiếng Việt tiểu học

Công bằng mà nhận xét, như đã nêu ở trên, ngữ liệu từ ngữ trong tiếng Việt 4 phong phú, đa dạng, có nhiều ưu điểm nhất định. Các nhà làm sách đã cố gắng vận dụng lời ăn tiếng nói của người Việt ở mọi miền đất nước. Để phục vụ kiểu bài mở rộng vốn từ thuộc phân môn Luyện từ và câu, tác giả chọn ra nhiều tục ngữ, thành ngữ phù hợp, đảm bảo tính giáo dục cao, từ đó giúp học sinh phân biệt nghĩa, nắm được nghĩa các đơn vị từ vựng này, nhớ được các thành ngữ, thành ngữ và sử dụng thuần thục trong giao tiếp, tạo lập văn bản. Khi soạn sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học, việc lựa chọn ngữ liệu là cả một vấn đề khó khăn và kỳ công. Để đưa một ngữ liệu vào sách giáo khoa, người biên soạn phải đọc rất nhiều và phải chọn lọc thật kỹ càng. Ngữ liệu phải đáp ứng những kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ cần dạy và đáp ứng các mặt tình cảm, nhận thức của học sinh, chứ không thể vì bí bách, khó tìm ngữ liệu mà lấy đại cho được rồi bớt xén về ngữ nghĩa cho phù hợp. Với học sinh tiểu học, ngữ liệu cần đơn giản, dễ hiểu và trong sáng; không nên bớt xén nghĩa của đơn vị từ vựng trong từ điển; lại càng không thể vì lý do phù hợp chủ điểm mà bất chấp các yêu cầu về nhận thức, về tình cảm, tâm lý học sinh. Trong sách giáo khoa, ngữ liệu được đưa vào giúp học sinh nắm kỹ nội dung bài học để đạt mục tiêu giáo dục. Tuy nhiên, nhiều khi có một số ngữ liệu chưa phù hợp với lứa tuổi học sinh tiếp cận cũng như đặc trưng của tiếng Việt. Vì vậy khi đưa vào sách giáo khoa, người biên soạn nên cân nhắc, chọn lựa ngữ liệu có tính phổ quát, đảm bảo tính giáo dục, phù hợp nhận thức, tình cảm, tâm lý lứa tuổi học sinh. Trong lộ trình thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021, để sách giáo khoa ngày càng hoàn thiện, có lẽ các nhà làm sách cũng nên cân nhắc hơn nữa, trong việc lựa chọn ngữ liệu - nhất là ngữ liệu từ ngữ. Tài liệu tham khảo: [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012), Tiếng Việt 4, Tập 1, NXB Giáo dục, trang 88]. [2] Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (2000), Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Nam, NXB Văn hóa - Thông tin, trang 594]. [3] Nguyễn Như Ý chủ biên (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, NXB Văn hóa - Thông tin, trang 1782].