“Chữa lành” đang là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong nhiều tình huống giao tiếp hiện nay. Song bạn đã hiểu đúng ý nghĩa chữa lành là gì? Khi nào một người thật sự cần được chữa lành và nên chữa lành thế nào cho hiệu quả?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về thuật ngữ chữa lành là gì và lý giải về lý do tại sao ‘chữa lành’ lại trở thành trào lưu. Mời bạn đọc tiếp.
Chữa lành là gì?
Theo Từ điển Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ - APA định nghĩa, chữa lành (mental healing) là quá trình điều trị nhằm giảm nhẹ các tình trạng có liên quan đến các rối loạn sức khỏe tinh thần hoặc sức khỏe thể chất thông qua sức mạnh của tâm trí.
Bên cạnh đó, có một cách hiểu khác đơn giản và gần gũi hơn, chữa lành có nghĩa là hàn gắn, phục hồi sức khỏe tinh thần, thể chất, cảm xúc, tâm lý cũng như tình cảm của bản thân sau các tổn thương hoặc sau một thời gian dài làm việc miệt mài.
Về mặt ngữ nghĩa và ngữ cảnh, healing chính là thuật ngữ tiếng Anh của cụm từ ‘chữa lành’. Do đó, bạn có thể sử dụng một trong hai từ này để đề cập đến các quá trình phục hồi, điều trị, cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất nói chung.
Chữa lành vết thương thể lý (Wound healing)
Bất kỳ sự phá vỡ cấu trúc và chức năng giải phẫu bình thường của da đều được coi là vết thương thể lý (wound). Chữa lành vết thương thể lý hay vết thương ngoài da có nghĩa là điều trị các vết thương ngoài da, bệnh lý, bệnh tật hoặc các chấn thương liên quan đến sức khỏe thể chất. Quá trình này bao gồm khả năng phục hồi tự nhiên của cơ thể và can thiệp hỗ trợ điều trị từ bên ngoài để vết thương mau lành. Vết thương đang lành là sự biểu hiện rõ ràng của một chuỗi phức tạp các phản ứng sinh hóa và tế bào trong cơ thể nhằm hướng tới việc khôi phục tính toàn vẹn của mô và khả năng hoạt động của cơ quan, tổ chức sau chấn thương.
Chữa lành vết thương thể lý (thể chất) bao gồm các phương pháp:
- Điều chỉnh lối sống: Khi gặp chấn thương thể lý cần được điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thay đổi các thói quen để nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy quá trình làm lành vết thương như ăn uống bổ sung đủ chất dinh dưỡng, tập luyện đều đặn và đúng cách, đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng, loại bỏ các thói quen xấu như hút thuốc, rượu bia, thức khuya, bỏ bữa,…
- Vật lý trị liệu: Thực hiện các bài tập hỗ trợ điều trị để phục hồi chức năng của cơ thể, lấy lại sự linh hoạt, sức mạnh và tính dẻo dai của cơ thể sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật.
- Chăm sóc y tế: Tìm đến sự chăm sóc y tế của bác sĩ, y tá và các chuyên gia để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chữa lành tâm hồn (Soul healing)
Chữa lành tâm hồn là quá trình điều trị và phục hồi các tổn thương tâm lý - tinh thần, hướng đến việc khôi phục lại sự cân bằng và hài hòa trong sức khỏe tinh thần của một người. Nói cách khác, chữa lành tâm hồn là một quá trình khôi phục nội tâm của bạn về trạng thái trọn vẹn, bình yên và cân bằng. Quá trình chữa lành tâm hồn thường liên quan đến việc làm sáng tỏ những nỗi đau, nỗi trăn trở, những khó khăn về mặt tinh thần mà một người đang gặp phải.
Chữa lành tâm hồn là chữa lành tâm trí và không có chống chỉ định cũng như không liên quan đến các phương pháp điều trị y tế.
Quá trình chữa lành tâm hồn có thể được thực hiện thông qua các phương pháp như:
- Trị liệu tâm lý (Psychotherapies): Sử dụng các phương pháp trị liệu tâm lý học hoặc tâm thần học để chữa lành tâm hồn cho thân chủ. Các vấn đề có thể kể đến như: Trầm cảm, lo âu, căng thẳng kéo dài, burnout…
- Trị liệu nghệ thuật (Art therapy): Sử dụng các loại hình nghệ thuật để điều trị các rối loạn tâm lý và phục hồi sức khỏe tâm thần cho thân chủ. Các loại hình trị liệu nghệ thuật bao gồm âm nhạc, vẽ tranh, viết lách, viết nhật ký,…
- Thực hành tỉnh thức hay chánh niệm (Mindfulness): Thực hành các hoạt động tâm linh như thiền, cầu nguyện, tập trung vào đời sống hiện tại nhiều hơn, tập trung vào sự thư giãn của bản thân.
Chữa lành cảm xúc (Emotional healing)
Chữa lành cảm xúc là quá trình phục hồi những tổn thương về mặt cảm xúc, giúp cân bằng và ổn định cảm xúc của một người sau khi trải qua một tổn thương, sang chấn tâm lý nào đó, kể cả là tổn thương thể chất hay tinh thần. Chữa lành cảm xúc là quá trình chấp nhận những trải nghiệm đau đớn trong cuộc sống và biết cách đối phó với những căng thẳng về cảm xúc và thể chất.
Sau khi một người vừa trải qua tổn thương hay một trải nghiệm tiêu cực nào đó, một chuỗi những cảm xúc tiêu cực sẽ ập đến họ bao gồm: Sự lo lắng, sợ hãi, thất vọng, tức giận, bất lực, buồn bã, tuyệt vọng, chán nản, mất kiểm soát, cảm thấy đau khổ và không biết mình cần làm gì tiếp theo.
Không giống như các bệnh lý thể chất khác, không có một phương thức điều trị hoặc loại thuốc nào có thể chữa khỏi hoàn toàn các vấn đề cảm xúc của một người. Nhưng có rất nhiều cách để đối phó với các cảm xúc tiêu cực khi nó xuất hiện:
- Hãy tìm kiếm điều tích cực: Tập trung vào những khía cạnh tích cực của cuộc sống mà giúp mang lại giá trị tốt đẹp và niềm vui, niềm tin cho bạn.
- Thực hiện lòng từ bi với bản thân: Hãy cho bản thân không gian và thời gian để chữa lành.
- Sử dụng các kỹ năng đối phó: Chẳng hạn như viết nhật ký hoặc thiền định.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ: Nguồn hỗ trợ ở đây có thể là bạn bè, người thân hoặc chuyên gia tâm lý.
Lợi ích của việc chữa lành là gì?
Những lợi ích của việc chữa lành là gì? Chúng bao gồm:
- Cải thiện tâm trạng, học được cách cân bằng cuộc sống tốt hơn.
- Thấu hiểu suy nghĩ và cảm xúc của bản thân tốt hơn (Self-awareness).
- Tăng cường sức khỏe tinh thần, tăng khả năng đương đầu với khó khăn và đau khổ trong tương lai.
- Nâng cao lòng tự trọng và cảm thấy bản thân tự tin hơn.
- Cải thiện các mối quan hệ xã hội (người thân, bạn bè, đồng nghiệp,…)
- Góp phần tăng tập trung chú ý, nâng cao hiệu suất học tập, làm việc
- Hỗ trợ cho các khía cạnh khác: Tài chính, tình yêu, sự nghiệp…
Ngoài tác động tích cực lên sức khỏe tinh thần, có một số lợi ích sức khỏe gắn liền với những cảm xúc tích cực liên quan đến quá trình chữa lành như:
- Sức khỏe tim mạch tốt hơn
- Có khả năng kéo dài tuổi thọ hơn
- Giảm nồng độ cortisol máu (hormone căng thẳng)
- Tim đập chậm và đều hơn
- Ít có khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp trên khi bị cảm lạnh hoặc cúm thông thường.
Trên thực tế, quá trình chữa lành còn mang đến cho bạn nhiều lợi ích hơn như thế. Mặc dù không phải ai cũng muốn bản thân gặp phải các vấn đề gây tổn thương để cần được chữa lành. Song đôi khi điều này là cơ hội để một cá nhân trưởng thành hơn và có những cảm nhận, suy nghĩ sâu sắc hơn trong cuộc sống.
Đối với riêng quá trình chữa lành thông qua các liệu pháp điều trị tâm lý, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ - APA cho biết, hơn 75% những người sau khi trị liệu tâm lý đúng hướng cho biết cuộc sống của họ đã cải thiện tốt hơn đáng kể. Họ cảm nhận được sự hài lòng và biết ơn cuộc sống nhiều hơn, những vấn đề liên quan đến tâm lý cũng ít diễn ra hơn.
Câu hỏi thường gặp
Khi nào một người cần được chữa lành?
Về mặt tâm lý học, tất cả mọi người đều có thể cần được chữa lành ở một thời điểm nào đó trong đời bởi vì tất cả chúng ta đều sẽ phải trải qua những thử thách và những cảm xúc khó khăn cần được xử lý. Điển hình là khi chúng ta vừa trải qua các sự kiện, biến cố gây ảnh hưởng cảm xúc lớn như: Ly hôn, mất người thân, thất nghiệp, chia tay người yêu hoặc người thân, sức khỏe nguy kịch, bị lạm dụng (tình dục, cảm xúc hoặc thể chất) hoặc bất kỳ tình huống nào trong cuộc sống mà có thể gây ra sang chấn, căng thẳng đáng kể cho chúng ta.
Chữa lành thật sự là gì hay chỉ là trào lưu?
Về mặt y khoa nói chung và tâm lý học nói riêng, chữa lành là một quá trình mà bất kỳ cá nhân có tổn thương nào về thể chất và tâm lý cũng có nhu cầu được tiếp cận để hỗ trợ khôi phục tổn thương. Quá trình này cần nhiều thời gian, kiến thức để diễn ra đúng hướng, đúng cách và có hiệu quả chứ không đơn thuần chỉ sau 1 vài lần đi du lịch, đi leo núi,… Tuy nhiên, cụm từ này dường như đang dần trở thành cụm từ bị lạm dụng với ý nghĩa không tốt, thường mang tính giễu cợt, hài hước, gây ra sự xáo trộn và bóp méo bản chất thật của nó. Về lâu về dài có thể sẽ gây ra một số khó khăn và phân biệt, kì thị, khiến cho một số cá nhân thật sự cần được chữa lành cảm thấy e dè, ngại ngùng khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ trị liệu tâm lý. Do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của người có nhu cầu chữa trị.
Trào lưu chữa lành được biết đến với các hình thức và phát ngôn như:
- Đi du lịch để chữa lành
- Đi trekking để chữa lành tâm hồn
- Đi gội đầu và massage thư giãn để chữa lành.
Kết luận
Tóm lại, chữa lành (healing) là một thuật ngữ được dùng để đề cập đến việc hàn gắn và phục hồi vết thương cả thể chất và tinh thần thông qua nhiều phương pháp đa dạng. Tất cả mọi người đều có nhu cầu được chữa lành ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời để nâng cao chất lượng cuộc sống. Thuật ngữ này mang ý nghĩa rất tích cực nhưng thời gian gần đây lại được sử dụng nhiều với mục đích không chính xác và có phần tiêu cực. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu được về khái niệm chữa lành thật sự là gì và các hình thức của chữa lành.
[embed-health-tool-bmi]