Sức khỏe

Hen phế quản ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Darkrose

Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen phế quản tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Vì thế, không nên chủ quan mà cần tìm hiểu nguyên nhân trẻ mắc bệnh, việc chẩn đoán và điều trị hen phế quản ở trẻ em như thế nào? Nếu trẻ mắc bệnh, đâu là những triệu chứng bệnh hen phế quản thường gặp? Nên chăm sóc bệnh nhân hen phế quản là trẻ em ra sao?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Việt Nam đã trở thành quốc gia có tỷ lệ người mắc hen phế quản - căn bệnh nguy hiểm, gây chết người nhiều thứ 2 chỉ sau bệnh ung thư, thuộc top cao nhất châu Á. Thống kê cho thấy, tại Hà Nội có 8,1% trẻ em nội thành và 6,7% trẻ em ngoại thành mắc bệnh hen phế quản. Tại TP.HCM con số này còn cao hơn rất nhiều, cụ thể là có đến 29,1% trẻ dưới 18 tuổi bị hen phế quản. Do đó, việc thăm khám, chẩn đoán hen phế quản kịp thời từ đó đưa ra liệu trình điều trị hiệu quả cho người bệnh là rất quan trọng.

Bệnh hen phế quản ở trẻ em

Hen phế quản (còn gọi là hen suyễn) là một bệnh lý đường hô hấp đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng tình trạng co thắt, phù nề, tăng tiết đàm… gây hạn chế, tắc nghẽn luồng khí đường thở. Người bệnh hen phế quản thường có các triệu chứng, biểu hiện như khò khè, khó thở, nặng ngực, ho…

Ở trẻ em, hen phế quản là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh mãn tính. Tỷ lệ trẻ em mắc hen phế quản chiếm 8-12% tổng số ca bệnh, tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi 12-13 tuổi. (1)

Hầu hết trẻ em mắc bệnh này thường có biểu hiện đầu tiên khi lên 5 tuổi, các triệu chứng ở mỗi trẻ cũng thường khác nhau và gây khó khăn cho trẻ trong các hoạt động hàng ngày hoặc gây khó ngủ. Đôi khi một cơn hen phế quản có thể khiến trẻ phải nhập viện. Tuy không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh hen phế quản ở trẻ em nhưng phụ huynh có thể đưa trẻ đi thăm khám thường xuyên để kiểm soát bệnh, ngăn ngừa tổn thương cho phổi đang phát triển của trẻ.

Tỷ lệ trẻ em mắc hen phế quản chiếm 8-12%, thường gặp ở trẻ 12-13 tuổi

Nguyên nhân hen phế quản và các yếu tố nguy cơ

Hen phế quản ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra hoặc phối hợp giữa nhiều yếu tố nguy cơ. Trong đó, tác nhân dị ứng là nguyên nhân thường gặp nhất, sau đó là một số yếu tố nguy cơ cao về di truyền và môi trường, như: (2)

  • Trẻ bị dị ứng các yếu tố thường có trong gia đình: Lông “thú cưng”, chăn lông, phấn hoa… là những yếu tố gây dị ứng thường gặp, dẫn đến “kích hoạt” các cơn hen phế quản.
  • Tiền sử gia đình: Gia đình có người từng mắc bệnh, dị ứng do di truyền hoặc di truyền.
  • Trẻ bị nhiễm khuẩn: viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm VA…
  • Thể trạng của trẻ khi sinh non, sinh thiếu tháng, nhẹ cân gây ảnh hưởng tới đường hô hấp.
  • Tiếp xúc với khói thuốc trước hoặc sau khi sinh.
  • Thời tiết thay đổi, trẻ dễ bị cảm, ho lâu ngày mà không được điều trị hiệu quả, dẫn tới hen phế quản.

Triệu chứng bệnh hen phế quản ở trẻ em

Không phải tất cả trẻ em đều có các triệu chứng hen phế quản giống nhau. Một trẻ mắc bệnh thậm chí có thể có các triệu chứng khác nhau từ đợt này sang đợt khác. Nhìn chung, có thể kể đến các dấu hiệu và triệu chứng bệnh hen phế quản thường gặp ở trẻ em bao gồm: (3)

  • Các cơn ho kéo dài, lâu ngày, ho nhiều về đêm: do đường thở bị thu hẹp khiến trẻ khó thở, thiếu oxy gây ra những cơn ho dài, dai dẳng.
  • Khó thở, thở khò khè: tiếng rít khi thở vào hoặc thở ra.
  • Trẻ có dấu hiệu thở nhanh, thở gấp.
  • Hen phế quản ảnh hưởng tới sinh hoạt của trẻ hàng ngày, trẻ mệt mỏi, chán ăn, không muốn hoạt động.
  • Sức đề kháng kém: khi thay đổi thời tiết hoặc gặp thời tiết lạnh các triệu chứng của bệnh có biểu hiện rõ hơn như sổ mũi, ho, khó thở…
  • Gây khó khăn trong quá trình ăn uống hoặc uống nước do đường thở bị co thắt.

Chẩn đoán hen phế quản ở trẻ em như thế nào?

Hen phế quản thường khó chẩn đoán sớm, nhất là ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, bệnh này thường có thể được chẩn đoán ở trẻ lớn hơn dựa trên tiền sử bệnh, triệu chứng và khám sức khỏe của trẻ cũng như các xét nghiệm liên quan. Cụ thể: (4)

1. Khám sức khỏe

Cho trẻ khám sức khỏe định kỳ là cơ hội để bác sĩ kiểm tra nhịp tim và phổi, soi tai mũi họng giúp sớm phát hiện các dấu hiệu có thể cho thấy trẻ có nguy cơ mắc phải hen phế quản. Đối với các bé đã bị bệnh thì việc thăm khám thường xuyên và điều trị dự phòng rất quan trọng để biết được tình trạng bệnh của trẻ và có hướng điều trị hen phế quản tích cực.

2. Xét nghiệm

Đối với các trẻ có triệu chứng hen phế quản, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang phổi và kiểm tra chức năng phổi, đo lượng không khí trong phổi và tốc độ thở ra hít vào. Kết quả sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể với từng mức độ của người bệnh. Tuy nhiên, trẻ em dưới 5 tuổi thường không thể thực hiện các xét nghiệm chức năng phổi, vì vậy các bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân hen phế quản như tiền sử bệnh hay các triệu chứng đang có để đưa ra chẩn đoán bệnh.

Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm để giúp xác định các tác nhân gây hen phế quản, gồm xét nghiệm da dị ứng và xét nghiệm máu.

3. Tiểu sử bệnh và các triệu chứng hen phế quản

Trong bất kỳ trường hợp nào, việc hỏi về tiểu sử bệnh cũng như các triệu chứng đang gặp phải là những dữ liệu đầu tiên mà bác sĩ sẽ lưu ý trong quá trình chẩn đoán bệnh. Cụ thể:

  • Tiền sử gia đình có ai bị bệnh hen phế quản không?
  • Trẻ có bị dị ứng với thức ăn hay các loại lông nào không?
  • Trẻ có bị dị ứng về da liễu không?
  • Trẻ có thường xuyên bị nhiễm khuẩn hay các bệnh liên quan đến phổi không?

Với những dữ liệu trên, bác sĩ cũng sẽ lưu ý nhiều về thời gian và tần suất các triệu chứng xảy ra, từ đó xác định rõ nguyên nhân thứ phát của bệnh hen phế quản của trẻ.

Biến chứng hen phế quản

Một số thống kê cho thấy, nguy cơ mắc bệnh hen phế quản của trẻ cao gấp đôi so với người lớn. Nếu trẻ không may mắc bệnh và không được phát hiện và điều trị sớm thì trẻ có nguy cơ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm. Điển hình là các biến chứng sau đây:

  • Xẹp phổi: Đây là một trong những biến chứng khá phổ biến, xuất hiện ở khoảng 1/3 trẻ em bị bệnh hen phế quản. Phụ huynh nên chủ động cho trẻ đi khám, kiểm soát giúp cải thiện và tránh tình trạng phổi bị xẹp.
  • Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất: do phế nang giãn rộng gây ra mạch máu thưa, nuôi dưỡng kém dẫn đến áp lực trong phế nang tăng. Khi ho mạnh hoặc kéo dài thành phế nang dễ bị bục vỡ.
  • Giãn phế nang đa tiểu thùy: sự đàn hồi của các phế nang ở trẻ bị hen phế quản sẽ giảm dầm, thở ra ít dẫn đến thể tích khí cặn tăng.
  • Gây ra tình trạng suy hô hấp: một trong những nguyên nhân gây tử vong của bệnh hen phế quản là khiến trẻ khó thở, tím tái, đôi khi phải dùng máy thở để hỗ trợ.
  • Tình trạng ngừng hô hấp ảnh hưởng tổn thương não bộ do suy hô hấp kéo dài khiến trẻ bị thiếu oxy não.
Hen phế quản có thể dẫn đến xẹp phổi, tràn khí màng phổi

Cách phòng ngừa bệnh hen phế quản

Để trẻ hạn chế nguy cơ mắc bệnh và phải chịu đựng các triệu chứng hen phế quản, cần có những biện pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả. Dưới đây là một số lời khuyên:

  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với các loại khói, bụi như: bếp than, bếp củi, khói thuốc lá, thuốc lào.
  • Không để vật nuôi chó mèo trong nhà, lông/ len trải thảm vì trẻ dễ hít các loại lông sẽ phát sinh ra cơn hen.
  • Cần chú ý các loại thức ăn có thành phần dễ gây dị ứng cho trẻ, đặc biệt chú ý các đồ hải sản như tôm, cua, ghẹ, ốc dễ gây dị ứng và phát sinh cơn hen.
  • Không để trẻ chơi đùa, nghịch ngợm quá sức trong thời gian điều trị dự phòng hen phế quản.
  • Giữ ấm cho trẻ khi mùa lạnh, tắm nước ấm và tắm nhanh.
  • Theo dõi cân nặng của trẻ để tránh tình trạng trẻ béo phì, tăng cân quá mức - vốn là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc hen phế quản.
  • Tập cho trẻ thói quen ăn đa dạng rau củ quả, đặc biệt là táo và rau tươi để tăng sức đề kháng trong đó có phòng và hỗ trợ chữa hen.

Điều trị hen phế quản

1. Dựa vào tiền sử và tình trạng, mức độ của bệnh

Điều trị hen phế quản ở trẻ em cần chú ý đến phân loại từng cấp độ, tình trạng bệnh của trẻ để theo dõi chặt chẽ và có hướng điều trị phù hợp.

Đối với trẻ có cơn hen nhẹ

Bác sĩ thường dùng khí dung Ventolin 0,05-0,15mg/kg nhắc lại sau 30 phút hoặc cho uống thuốc mở phế quản nhóm salbutamol (Ventolin, Solmux Broncho,…), Terbutaline sulphate ( Bricanyl,…). Việc làm sạch mũi, thông thoáng đường thở (Sterimar, sofmer,…) luôn cần thiết trong quá trình điều trị giai đoạn hen nhẹ. Đánh giá bệnh nhân sau 1 giờ.

Đối với trẻ có cơn hen vừa

Bác sĩ sử dụng khí dung kết hợp giữa ventolin làm mở phế quản với thuốc nhóm corticoid dạng phun sương như Fluticason propionate (Flixotide), Budesonide (Pulmicort, Symbicort,…).

Đối với trẻ có cơn hen nặng

Sử dụng Oxy qua mặt nạ - Khí dung salbutamol kết hợp với Ipratropium mỗi 20 phút x 3 lần (đánh giá lại sau mỗi lần phun) - Hydrocortison hoặc Methyl prednisolon.

Cơn hen trở nặng (hen ác tính)

Trẻ phải được nằm cấp cứu tại bệnh viện, thở oxy, khí dung hoặc tiêm tĩnh mạch thuốc giãn phế quản, thuốc corticoid, nặng hơn có thể phải đặt nội khí quản và thở bằng máy.

Để điều trị hen phế quản hiệu quả bác sĩ cần phân loại từng cấp độ bệnh của trẻ

2. Thuốc điều trị hen phế quản

  • Thuốc cắt cơn hen thường dùng hiện nay: ventolin (salbutamol), bricanyl (terbutaline)… dùng dưới dạng xịt có định liều hoặc dạng phun khí dung.
  • Thuốc kiểm soát cơn hen gồm thuốc chống viêm và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài có tác dụng ngăn ngừa cơn hen. Thuốc hiện nay thường được sử dụng là các loại corticoid hít dưới dạng đơn chất: pulmicort (budesonide), flixotide (fluticasone) hoặc phối hợp: symbicort (budesonide-formoterol); seretide (fluticasone-salmeterol)…

Các thắc mắc về bệnh hen phế quản ở trẻ

1. Hen phế quản kiêng gì và ăn gì?

Hen phế quản ở trẻ có thể gây nên các bệnh lý như loãng xương, chậm phát triển do sử dụng nhiều loại thuốc. Do đó, phụ huynh cần kết hợp giữa uống thuốc kèm theo chế độ ăn uống khoa học là một trong những cách trị hen phế quản cho trẻ tốt nhất.

Đối với trẻ bị hen phế quản nên kiêng hoặc hạn chế ăn các đồ ăn như:

  • Đồ ăn quá mặn: gây ra tình trạng phù nề, viêm thắt đường thở tăng, khiến việc hô hấp của trẻ khó khăn hơn.
  • Thức ăn có chứa Sulfite: đồ ngâm chua (dưa muối, cà muối…), đồ ăn nhanh, trái cây, rau củ quả sấy khô( khoai sấy khô, nho khô, mơ sấy…), các đồ đông lạnh (tôm, cua, cá đông lạnh..).
  • Thức ăn có tính axit cao: chanh, quất, hành…
  • Đồ uống có gas: gây trào ngược thực quản dẫn đến tình trạng bệnh hen phế quản trở nên nặng hơn.
  • Hạn chế các đồ nướng: gây ra các chất cacbon làm mất hiệu lực cho 1 số thuốc điều trị hen phế quản.

Một số thực phẩm nên bổ sung:

  • Thực phẩm giàu chất Magie: rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, sữa, đậu.
  • Thực phẩm giàu Omega 3: cá thu, cá hồi, rau quả, các loại hạt, bổ sung dầu omega 3.
  • Bổ sung Vitamin C có trong rau quả: cam, quýt, cà chua, bưởi, các loại rau xanh giàu vitamin C.
  • Mật ong: giúp trẻ tăng sức đề kháng, kháng khuẩn, giảm tình trạng viêm và làm loãng đờm. Mỗi ngày cho trẻ uống 1 lần (1 thìa cafe pha với nước ấm tùy liều lượng trẻ lớn hay nhỏ).
  • Bổ sung vitamin E bằng các loại hạt: dầu oliu, dầu hướng dương… giúp trẻ giảm triệu chứng khó thở.

2. Khám và điều trị hen phế quản ở đâu tốt ?

Khám và điều trị các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là hen phế quản là một trong những thế mạnh của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được đầu tư trang thiết bị nhập khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp các bác sĩ chẩn đoán hen phế quản chính xác và điều trị bệnh hiệu quả. Đặc biệt, khi đến với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bệnh nhân được yên tâm thăm khám với chất lượng dịch vụ cao, quy trình thăm khám khoa học, rút ngắn thời gian, chăm sóc người bệnh bằng “Tâm” đúng với sứ mệnh chữa bệnh cứu người.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn trang bị các phòng khám ấn tượng với khu vui chơi cao cấp, tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ cho các bé khi đến thăm khám điều trị bệnh nói chung, trong đó có điều trị hen suyễn.

3. Hen phế quản mãn tính ở trẻ có nguy hiểm không?

Bệnh hen phế quản mãn tính cực kỳ nguy hiểm, những biến chứng từ hen có thể dẫn đến tử vong mà nhiều bệnh nhân không biết hoặc không để ý tới. Bởi một khi lên cơn hen, đường dẫn khí bị kích ứng, các cơ hô hấp dần thu hẹp sẽ cản không khí đi vào phổi làm cho người bệnh nghẹt thở có thể gây ra tử vong.

Trường hợp hen kéo dài có thể xảy ra các biến chứng: suy hô hấp cấp, tràn khí phế nang do ho, ép ngực, khí phế thủng, suy tim phải… gây ra tình trạng vừa khó thở do viêm đường hô hấp vừa suy tim phải dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng.

Hen phế quản ở trẻ em có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm

4. Bệnh hen phế quản có chữa khỏi được không?

Đây là câu hỏi mà rất nhiều gia đình thắc mắc khi có con bị hen phế quản. Trên thực tế, mặc dù bệnh hen phế quản không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng với các phương pháp điều trị hiệu quả và phù hợp với từng thể trạng của trẻ, sẽ giúp trẻ kiểm soát tốt các triệu chứng của hen phế quản, ngăn chặn nguy cơ biến chứng xảy ra.

Ở một số trường hợp bệnh hen phế quản xảy ra ở trẻ em và sau đó có dấu hiệu tự khỏi hoặc tự kiểm soát như:

  • Hen phế quản xuất hiện ở trẻ em dưới 5 tuổi và các triệu chứng tự dứt hẳn khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành.
  • Trường hợp trẻ chỉ bị hen phế quản mức độ nhẹ và chỉ cần tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh có thể giúp bệnh được kiểm soát tốt.

5. Làm gì nếu trẻ lên cơn hen?

  • Khi trẻ lên cơn hen phế quản cấp: Nhanh tay đưa trẻ ra không gian thoáng, nơi có không khí trong lành.
  • Với tình trạng trẻ lên cơn hen nhẹ: Phụ huynh cần sử dụng các thuốc giãn phế quản có tác dụng nhanh: ventolin, atrovent, bricanyl… Các loại thuốc này có thể dùng bằng máy xông khí dung, bình xịt định liều, thuốc dạng viên hoặc siro. Tất cả các thuốc trên phải có chỉ định của bác sĩ và liều lượng thuốc phụ thuộc theo lứa tuổi và cân nặng của trẻ.
  • Ở tình trạng trẻ lên cơn hen nặng: Sử dụng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh ventolin khí dung hoặc xịt 3 lần, mỗi lần cách nhau 30 phút, ngoài ra phụ huynh cho trẻ uống thêm corticosteroid với liều 2mg/kg/ngày, sau ăn no, nếu tình trạng không cải thiện, phụ huynh phải cho trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay.
  • Nếu trẻ có tình trạng lên cơn hen phế quản kèm theo sốt, kéo dài trên 3 ngày, có thể trẻ bị viêm bội nhiễm do vi khuẩn. Trường hợp hen bội nhiễm cần cho trẻ uống kết hợp thêm kháng sinh và đưa đến cơ sở uy tín để khám bác sĩ chuyên khoa về hô hấp.
Cần xử trí đúng cách khi trẻ lên cơn hen

6. Sai lầm khi điều trị hen phế quản cho trẻ

Sai lầm phần lớn ở bệnh nhân hen phế quản là không điều trị dự phòng, đặc biệt ở trẻ em chưa ý thức được tình trạng bệnh của mình. Ngoài ra, một số sai lầm khác từ phụ huynh chưa biết cách hoặc mắc sai lầm trong điều trị hen phế quản khiến trẻ không thuyên giảm bệnh mà còn tái đi tái lại. Dưới đây là một số sai lầm thường gặp trong điều trị hen phế quản cho trẻ mà phụ huynh cần lưu ý:

  • Tự ý bỏ hoặc quên thuốc kháng viêm: Thường trẻ bị hen phế quản phải sử dụng đồng thời hai loại thuốc điều trị là kháng viêm và thuốc giãn phế quản. Tuy nhiên nhiều gia đình chủ quan hoặc quên hay vì nguyên nhân nào đó tự ý bỏ bớt thuốc kháng viêm dẫn đến bệnh không được can thiệp tận gốc sẽ dễ tái đi tái lại nhiều lần.
  • Sử dụng sai ống hít: Việc hướng dẫn trẻ sử dụng ống hít đúng cách không phải dễ dàng, tuy nhiên phụ huynh cần phải kiên trì giúp trẻ hít đúng cách để thuốc phát huy hết tác dụng. Nếu hít không đúng cách thuốc không đưa được sâu vào phế quản.
  • Tự ý tăng liều khi dùng thuốc: Một số phụ huynh lo lắng cho con khi có những cơn hen kéo dài. Thay vì việc đi khám bác sĩ thì phụ huynh tự ý cho con tăng liều lượng sử dụng của thuốc để làm dứt cơn hen nhanh chóng. Tuy nhiên, tự ý tăng liều lượng như vậy lâu dần sẽ làm ” hờn” thuốc khiến cho việc điều trị bệnh càng trở lên khó khăn hơn.
  • Chưa ý thức được sự nguy hiểm của bệnh: Nhiều gia đình vẫn xem nhẹ bệnh, thường khi bệnh trở nặng, các cơn hen xuất hiện dày hơn thì mới nghĩ đến việc đi khám. Như vậy, không có hướng xử lý dẫn đến trẻ dễ bị tắc thở khi lên cơn hen cấp tính.
  • Không điều trị dự phòng: Đây là một sai lầm lớn của các phụ huynh khi có trẻ bị hen phế quản. Chính điều này khiến cho trẻ dễ tái phát và tần suất các cơn hen dày hơn kèm theo mức độ nghiêm trọng của các cơn hen cấp cũng tăng lên.

Do vậy, các bậc phụ huynh cần phải chú ý đến tình trạng của con mình và làm đúng những hướng dẫn của bác sĩ chỉ định từ cách xịt thuốc, uống thuốc cho đến môi trường sống.

7. Trẻ bị hen phế quản có nên tiêm vaccine Covid-19?

Hiện nay tại Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho nhóm trẻ 12 - 17 tuổi và đang tiếp tục triển khai tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi từ 5 - 11 tuổi trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vaccine cho trẻ em.

Hen phế quản không nằm trong danh mục chống chỉ định tiêm vaccine, chỉ trì hoãn nếu người bệnh đang trong tình trạng hen phế quản cấp tính. Người bệnh hen phế quản lưu ý sau khi tiêm cần ăn đầy đủ dinh dưỡng, thức ăn nên được chế biến dưới các dạng như cháo, súp. Ngoài ra, nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu chất xơ và vitamin như rau, củ, quả… Hạn chế các loại thức ăn dễ gây kích ứng và khởi phát cơn hen như hải sản hoặc các chất kích thích như rượu, bia, cà phê… Không nên vận động quá sức sau khi tiêm vaccine Covid-19.

Tuy nhiên, khuyến cáo đối với trẻ em bị hen phế quản nên kiểm tra bệnh lý cẩn thận trước khi cho trẻ tiêm vacxin, phòng tránh trường hợp nguy hiểm xảy ra tới tính mạng của trẻ.

Trẻ bị hen phế quản vẫn có cơ hội tiêm vaccine Covid-19

8. Cách chăm sóc bệnh nhân hen phế quản trẻ em

Đối với trẻ bị hen phế quản, khi đi đâu hay làm gì phụ huynh cần phải hết sức lưu ý tình trạng sức khỏe cũng như việc dùng thuốc để tránh những trường hợp đáng tiếc khi trẻ lên cơn hen. Sau đây là một số lưu ý cần thiết để chăm sóc hen phế quản ở trẻ mà bố mẹ cần biết:

  • Đề phòng cảm lạnh, cảm cúm khi thời tiết thay đổi: Cần giữ vệ sinh thân thể, tránh tiếp xúc với người bị cúm, vệ sinh dụng cụ chăm sóc và đồ chơi cho trẻ thường xuyên.
  • Tiêm phòng định kỳ ở trẻ bị hen phế quản, không tự ý bỏ lịch tiêm chủng của trẻ.
  • Nên có kế hoạch khám sức khỏe định kỳ cho trẻ để phòng tránh bệnh chồng bệnh.
  • Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, ngoài thuốc cắt cơn phụ huynh cần dùng thêm các thuốc dự phòng để trẻ hạn chế cơn hen tái phát thường xuyên.
  • Thường xuyên giữ liên lạc, trao đổi với phòng y tế hay giáo viên ở trường để họ có những biện pháp hỗ trợ tích cực khi trẻ lên cơn hen ở trường học.
  • Động viên trẻ thường xuyên để trẻ bỏ qua mặc cảm hoặc tự ti bệnh của mình.

Mọi thắc mắc về bệnh hen phế quản và những vấn đề sức khỏe khác của bệnh như điều trị hen phế quản ở trẻ em như thế nào, triệu chứng bệnh hen phế quản thường gặp là gì, nên chăm sóc bệnh nhân hen phế quản trẻ em ra sao…, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chung tôi theo thông tin ở trên!