Giáo dục

Người sở hữu tuyệt kỹ Nhất dương chỉ trong kiếm hiệp Kim Dung: Bất ngờ con người ngoài đời

Darkrose

Nam Đế Đoàn Trí Hưng trong truyệt Kim Dung được miêu tả là người từ bi, võ công thuộc hàng cao thủ bậc nhất (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Xuất hiện lần đầu tiên trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu, Đoàn Trí Hưng gây ấn tượng mạnh với độc giả khi có xuất thân là vua nước Đại Lý nhưng xuất gia làm sư. Ông được miêu tả là người có võ công cao cường, thường xuyên qua lại với anh hùng giang hồ.

Khác với Hoàng Dược Sư (Đông Tà), Âu Dương Phong (Tây Độc), Hồng Thất Công (Bắc Cái), Đoàn Trí Hưng được Kim Dung miêu tả khá kỹ về thân thế. Theo đó, ông là cháu nội của Đoàn Dự - một trong 3 nhân vật chính trong tác phẩm Thiên long bát bộ của Kim Dung. Đoàn Dự nổi tiếng với 2 bộ võ công là Lăng ba vi bộ và Lục mạch thần kiếm.

Tuy nhiên, Đoàn Trí Hưng chỉ học được Nhất dương chỉ - tuyệt kỹ được cho là phiên bản cấp thấp của Lục mạch thần kiếm. Sau khi xuất gia, Đoàn Trí Hưng có pháp hiệu là Nhất đăng đại sư. Chỉ với Nhất dương chỉ, ông đã đánh bại nhiều cao thủ võ lâm, được xếp vào hàng “ngũ tuyệt” trong kỳ Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất.

Cuộc đời Đoàn Trí Hưng được Kim Dung xây dựng rất khéo léo theo luật luật nhân quả của Phật giáo. Nửa đầu cuộc đời, ông sống trong đau khổ, tìm cách giải hết oán thù do mình gây ra. Đến cuối đời, Đoàn Trí Hưng đạt được sự thanh tịnh trong tâm trí, chính thức đắc đạo.

Thời trẻ, Đoàn Trí Hưng được miêu tả trong truyện là người háo thắng, chú trọng đến danh tiếng nên tham gia Hoa Sơn luận kiếm để tranh giành ngôi vị đệ nhất thiên hạ cùng bộ Cửu âm chân kinh. Tuy nhiên, ông phải chịu thất bại trước võ công vượt trội của Vương Trùng Dương.

Đoàn Trí Hưng nổi tiếng giang hồ với tuyệt kỹ Nhất dương chỉ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Vì quá đam mê võ học, khi Vương Trùng Dương dẫn người sư đệ là Chu Bá Thông tới tìm gặp, Đoàn Trí Hưng say sưa tập luyện mà bỏ bê chuyện triều chính. Hậu cung của ông cũng vì vậy cũng xảy ra hỗn loạn khi quý phi Anh Cô “vụng trộm” với Chu Bá Thông. Đoàn Trí Hưng hết sức tức giận vì chuyện này nhưng phải nhắm mắt bỏ qua vì muốn tiếp tục được Vương Trùng Dương dạy võ công.

Khi con trai của Anh Cô và Chu Bá Thông bị bang chủ Thiết chưởng bang - Cừu Thiên Nhận - đánh trọng thương, Đoàn Trí Hưng đã từ chối cứu giúp vì lo mình sẽ bị hao tổn công lực trong kỳ Hoa Sơn luận kiếm lần thứ 2.

Không muốn con trai tiếp tục bị giày vò trong đau đớn, Anh Cô đã tự tay giết chết đứa bé. Bà cũng vì vậy mà hóa điên, chỉ sau một đêm mà tóc trắng đầy đầu. Quá hối hận, Đoàn Trí Hưng quyết định xuất gia đi tu. Cuối bộ Anh hùng xạ điêu, ông thu nhận Cừu Thiên Nhận làm đệ tử và chuộc tội với Anh Cô.

Trong tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, Đoàn Trí Hưng giúp Tiểu Long Nữ trị thương rồi cùng Cừu Thiên Nhận tới Tuyệt tình cốc, tìm thuốc giải độc của hoa Tình. Ông là người phát hiện ra Đoạn trường - một loại cỏ có độc - chính là thuốc giải cho độc hoa Tình. Việc này đã cứu mạng Dương Quá.

Trong kỳ Hoa Sơn luận kiếm lần thứ 3, Đoàn Trí Hưng vẫn được bầu vào nhóm “Ngũ tuyệt”, nhưng lấy biệt hiệu mới là Nam Tăng. Kim Dung viết ông sống đến năm 1300, không rõ tuổi thọ.

Những tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung thường cài cắm yếu tố lịch sử để thêm phần ly kỳ và Đoàn Trí Hưng cũng không phải nhân vật ngoại lệ. Theo Tống sử, Đoàn Trí Hưng là hoàng đế đời thứ 18 của vương triều Đại Lý.

Đoàn Trí Hưng là nhân vật có thật trong lịch sử, là vua nước Đại Lý (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Đoàn Trí Hưng lên ngôi năm 1171, trị vì 29 năm trước khi truyền ngôi cho con trai là Đoàn Trí Liêm. Trong thời gian làm vua nước Đại Lý, Đoàn Trí Hưng sử dụng các niên hiệu lần lượt là Lợi Trinh, Thịnh Đức, Gia Hội, Nguyên Hanh và An Định. Đoàn Trí Hưng mất năm 1200, được đặt thụy hiệu (tên sau khi chết của vua chúa) là Tuyên Tông.

Không có tài liệu lịch sử nào ghi chép về năm sinh và những sự kiện diễn ra ở Đại Lý dưới thời Đoàn Trí Hưng cai trị. Nguyên nhân của việc này là do Đại Lý chỉ là quốc gia nhỏ bé, do người dân tộc Bạch thành lập. Lãnh thổ của Đại Lý thuộc địa phận các tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên của Trung Quốc ngày nay.

Năm 1253, khi xâm lược thành công Đại Lý, quân Mông Cổ đã cho đốt sạch tài liệu lịch sử và sách vở của vương triều này. Hoàng tộc Đại Lý vì vậy rất căm ghét nhà Nguyên (do Đại hãn Mông Cổ Hốt Tất Liệt thành lập năm 1271) và thường xuyên chống đối, nổi loạn. Dù vương triều không thể khôi phục, hoàng tộc họ Đoàn vẫn nắm quyền lực lớn ở Vân Nam mãi cho đến thời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương của nhà Minh.

Năm 1368, Đoàn Thế - hậu duệ hoàng tộc họ Đoàn - bị quân Minh bắt. Nhà Minh đặt ra phủ Đại Lý, cho quân đội tới lập đồn canh giữ, sáp nhập vào địa phận tỉnh Vân Nam để dễ bề cai quản.

Đoàn Trí Hưng trong lịch sử không biết võ công, cũng không xuất gia làm sư (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Được Đoàn Tư Bình sáng lập năm 937 và tồn tại đến năm 1253 (316 năm), vương triều Đại Lý trải qua 22 đời vua. Các vua Đại Lý nổi tiếng tôn sùng Phật giáo. Trong số 24 đời vua Đại Lý, có tới 10 người xuất gia làm sư. Đây là hiện tượng có một không hai trong lịch sử Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Tống sử, Đoàn Trí Hưng không hề xuất gia và cũng không biết võ công. Ông chỉ là người sùng bái Phật giáo và tu tại gia.

“Đoàn Trí Hưng sùng Phật, thường xuyên xây chùa, sửa sang tu viện. Quần thần trong triều ai cũng tín Phật, sáng chiều chỉ lo tụng kinh, không màng quốc sự”, Tống sử chép. Trong thời gian cai trị Đại Lý, Đoàn Trí Hưng đã cho xây dựng 60 ngôi chùa lớn, làm quốc lực cạn kiệt, người dân mệt mỏi vì chế độ lao dịch.

Theo Sohu, Đoàn Trí Hưng là vị vua có thời gian cai trị lâu nhất của vương triều Đại Lý.

Tháng 6.2020, Hiệp hội Bảo vệ di sản văn hóa dân tộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khai quật được 2 tấm bia đá thời Tống ở Vĩ Nguyên, châu Đại Lý (thuộc lãnh thổ của vương triều Đại Lý thời xưa). Một trong 2 tấm bia có khắc dòng chữ “Thịnh Đức ngũ niên”, tức năm thứ 5 thời Thịnh Đức (1180) - niên hiệu của Đoàn Trí Hưng. Tấm bia này là lời khẳng định chắc chắn rằng Đoàn Trí Hưng là nhân vật có thật trong lịch sử, theo các chuyên gia.

Chưa có lăng mộ nào của vua Đại Lý từng được khai quật. Theo Qulishi, các vị vua Đại Lý rất sùng bái Phật giáo nên không ham mê cuộc sống xa hoa, trụy lạc và không xây cất lăng tẩm tốn kém. Khi qua đời, thi thể của họ thường được hỏa táng hoặc chôn cất trong các ngôi chùa. Đoàn Trí Hưng có lẽ cũng không ngoại lệ.

Không có ghi chép lịch sử nào cho thấy hoàng tộc họ Đoàn ở Đại Lý sở hữu võ công hay từng xông pha giang hồ.

_____________

Cùng với Nhất dương chỉ, Giáng long thập bát chưởng là môn võ công nổi tiếng và đòi hỏi người học phải có nội công rất cao. Người phát huy được tối đa sức mạnh của Giáng long thập bát chưởng là Tiêu Phong. Trong truyện Kim Dung, Tiêu Phong đã phải tự sát đầy đau khổ. Nhưng trong lịch sử, cuộc đời của nhân vật này lại gây bất ngờ hơn rất nhiều. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu về câu chuyện này trong bài kỳ sau, xuất bản trên mục Thế giới sáng 27.11.2021.