Giáo dục

Công tác QLCL năm học 2022-2023: Thực tiễn, khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Darkrose

Phiên làm việc thứ hai, Hội nghị tập trung các nội dung về công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic quốc tế; bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý văn bằng, chứng chỉ; quản lý thực hiện Quy chế công khai năm học 2021-2022; triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.

98,08% cơ sở giáo dục thực hiện công tác tự đánh giá

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GDĐT cho biết, về công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác đã được ban hành đầy đủ, kịp thời, tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện.

Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GDĐT báo cáo tại Hội nghị

Các địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nhiều đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu với chính quyền địa phương, đã nhận được sự quan tâm của UBND cấp tỉnh, sự phối hợp của các Sở trong việc chỉ đạo, thực hiện đẩy mạnh công tác KĐCLGD và công nhận trường chuẩn quốc gia. Đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, tu sửa và xây dựng mới các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

Kết quả KĐCLGD đã giúp các cơ quan quản lý giáo dục nắm chắc hơn thực trạng về chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hoạch định chính sách, đầu tư các nguồn lực cho sự nghiệp GDĐT. Thông qua công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài, các cơ sở giáo dục đã xây dựng và thực hiện việc cải tiến chất lượng để duy trì và phát huy điểm mạnh, dần khắc phục được các điểm yếu và công tác quản lý hồ sơ của các cơ sở giáo dục được lưu trữ khoa học, dễ tra cứu và sử dụng.

Năm học 2021-2022, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều tới các hoạt động của nhà trường nhưng việc thực hiện công tác KĐCLGD ở tất cả các cấp học, bậc học vẫn được duy trì, kết quả KĐCLGD có chuyển biến rõ nét. Tính đến ngày 31/5/2022, trong tổng số 41.409 có 40.613 cơ sở giáo dục đã thực hiện công tác tự đánh giá, chiếm 98,08% và 27.897 cơ sở giáo dục thực hiện đánh giá ngoài chiếm 67,37%.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác KĐCLGD cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại vì điều kiện dịch bệnh xảy ra trong năm học qua cũng như nguồn nhân lực, kinh phí, điều kiện, cơ sở vật chất, quy định quản lý nhà nước còn chồng chéo, chưa có sự đồng bộ…

Học sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay

Năm học 2021-2022, Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia tiếp tục đổi mới và đạt được kết quả tốt. Kết quả thi đã phản ánh sát đúng chất lượng thực tế về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của các địa phương, đơn vị trên phạm vi toàn quốc.

Quang cảnh Hội nghị

Đây là năm các đội tuyển học sinh Việt Nam dự thi Olympic khu vực và thế giới được đánh giá là đạt kết quả tốt nhất từ trước tới nay với 38/38 học sinh tham gia dự thi đạt giải, gồm:13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng, 5 Bằng khen. Trong đó, đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế có 4/4 thí sinh dự thi đều đạt Huy chương Vàng, xếp thứ 2 thế giới, Olympic Toán học quốc tế xếp thứ 4 thế giới, Olympic Vật lý quốc tế xếp thứ 5 thế giới. Đặc biệt, đội tuyển Olympic Toán học quốc tế, có một học sinh đạt điểm tuyệt đối 42/42 điểm, đã 19 năm kể từ lần cuối cùng (năm 2003), Việt Nam mới có học sinh giành điểm tối đa.

Thành tích xuất sắc của các đội tuyển đã khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; đồng thời, khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông, ngay cả trong 3 năm học chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hướng đi đúng trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của ngành Giáo dục.

Về công tác đánh giá chất lượng giáo dục, chương trình Đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh lớp 9, lớp 11 giai đoạn 2022-2023 đã triển khai thành công đợt khảo sát chính thức từ ngày 22/4/2022 đến hết ngày 10/5/2022, hiện đang nhập dữ liệu theo đúng tiến độ bao gồm: Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA), Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các quốc gia khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM) và Chương trình đánh giá quốc tế về Dạy và Học (TALIS).

Từ kết quả đạt được của năm học 2021-2022, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 đối với công tác thi và quản lý chất lượng là tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo. Tăng cường quản lý nhà nước và phát huy vai trò chủ động của các Sở GDĐT về công tác thi và đánh giá, bảo đảm và KĐCLGD, quản lý văn bằng chứng chỉ, thực hiện quy chế công khai bảo đảm thực tiễn, khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.

Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo đảm, KĐCLGD đối với có sở giáo dục mầm non, phổ thông thường xuyên và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông để thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào việc triển khai công tác bảo đảm và KĐCLGD.

Tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế; tiếp tục triển khai các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia và quốc tế theo kế hoạch.Từng bước nâng cao năng lực cho các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý thi, đánh giá chất lượng giáo dục; KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; quản lý văn bằng chứng chỉ tại các cơ sở giáo dục.

Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của công tác thi và quản lý giáo dục

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành đối với công tác thi và quản lý chất lượng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 với nhiều khó khăn, thử thách.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị

Để khắc phục những khó khăn, bất cập và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học mới, Thứ trưởng Bộ GDĐT đề nghị các đơn vị, các Sở GDĐT nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của công tác thi và quản lý giáo dục; từ nhận chức đúng thì thực hiện mới đúng.

Các đơn vị liên quan, các Sở GDĐT phải hoàn thiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo. “Văn bản chỉ đạo càng kỹ sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở thuận lợi trong việc triển khai, thực hiện. Nhất là công tác thi”, Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời có những lưu ý cụ thể về thời gian tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Hoan nghênh các Sở GDĐT chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, Thứ trưởng lưu ý các địa phương phát huy hơn nữa tinh thần này và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, qua đó thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng, công tác quản lý văn bằng chứng chỉ tại địa phương.

Nhận định, quản lý mà không có kiểm tra thì không phải quản lý, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chuyên môn, các Sở GDĐT cần xây dựng cơ chế thanh tra và giải quyết sau thanh tra, kiểm tra. Làm tốt được điều này mới thể hiện được hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, lãnh đạo theo hướng: Rõ người, kín việc, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, chỉ đạo điều hành quyết liệt. “Trong đổi mới giáo dục, đổi mới quản lý là quan trọng”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.