Du học

Hội chứng Stockholm là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Darkrose

Hội chứng Stockholm là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Hội chứng Stockholm thường được nhắc đến trong các vụ bắt cóc dài ngày và các tình huống con tin. Ngoài các vụ án tội phạm nổi tiếng, những người bình thường cũng có thể phát triển tình trạng tâm lý này để đáp ứng với các loại chấn thương khác nhau.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu, hội chứng Stockholm chính xác là gì, tại sao nó có tên gọi này, các loại tình huống có thể dẫn đến sự phát triển hội chứng này và những gì cần làm để điều trị nó. Bài viết được dịch và biên tập bởi Bác Sĩ Nguyễn Đỗ Vũ. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1, Hội chứng Stockholm là gì?

Hội chứng Stockholm là một phản ứng tâm lý. Nó xảy ra khi một người bị giam giữ gắn bó với kẻ bắt giữ họ. Kết nối tâm lý này phát triển trong nhiều ngày, tuần, tháng hoặc thậm chí nhiều năm bị giam cầm hoặc lạm dụng.

Với hội chứng này, con tin hoặc nạn nhân bị lạm dụng có thể thông cảm với những kẻ giam cầm họ. Điều này trái ngược với nỗi sợ hãi, khủng bố và khinh miệt thường thấy từ các nạn nhân trong những tình huống này.

Theo thời gian, một số nạn nhân phát triển cảm xúc tích cực đối với những kẻ bắt giữ. Các nạn nhân thậm chí có thể bắt đầu cảm giác như thể họ có cùng các mục tiêu và động cơ với thủ phạm. Tiếp theo các nạn nhân có thể bắt đầu phát triển những cảm xúc tiêu cực đối với cảnh sát hoặc chính quyền, và họ cũng có thể oán giận bất cứ ai cố gắng giúp họ thoát khỏi tình huống nguy hiểm mà họ đang gặp phải.

Hệ thống quản lý dữ liệu bắt cóc của FBI ước tính ít nhất tám phần trăm nạn nhân có biểu hiện của hội chứng Stockholm. Nghịch lý này tất nhiên không xảy ra với mọi con tin hoặc nạn nhân, nhưng đến nay vẫn không rõ tại sao nó lại có thể xảy ra.

Nhiều nhà tâm lý học và chuyên gia y tế coi hội chứng Stockholm là một cơ chế đối phó, hoặc một cách để giúp nạn nhân xử lý chấn thương trong một tình huống đáng sợ. Trên thực tế, những gì đã xảy ra có thể giải thích được một phần nguyên nhân của hội chứng này.

2, Lịch sử của Hội chứng Stockholm

Các trường hợp xuất hiện hội chứng Stockholm có khả năng đã xảy ra trong nhiều thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ trước đây. Nhưng mãi đến năm 1973 hội chứng này mới được đặt tên. Vào tháng 8 năm 1973, một vụ cướp ngân hàng đã xảy ra ở Stockholm, Thụy Điển.

Bốn nhân viên ngân hàng đã bị hai người đàn ông bắt làm con tin trong tầng hầm của ngân hàng trong sáu ngày. Sau khi các con tin được thả, họ từ chối làm chứng chống lại những kẻ bắt giữ họ và thậm chí bắt đầu quyên tiền để bảo vệ các hung thủ.

Sau đó, các nhà tâm lý học và chuyên gia sức khỏe tâm thần đã gán thuật ngữ "hội chứng Stockholm" cho tình trạng con tin phát triển mối liên hệ cảm xúc hoặc tâm lý theo hướng tích cực với những người giam giữ họ.

3, Triệu chứng của Hội chứng Stockholm

Hội chứng Stockholm đặc trưng bởi 3 nhóm triệu chứng riêng biệt sau đây:

  • Người bị hại nảy sinh cảm xúc theo hướng tích cực đối với người đang giam giữ, ngược đãi họ.
  • Nạn nhân có cảm xúc tiêu cực đối với cảnh sát, nhân vật có thẩm quyền hoặc bất kỳ ai cố gắng giúp họ thoát khỏi tình trạng bị bắt giữ. Thậm chí họ có thể từ chối hợp tác chống lại kẻ bắt giữ họ.
  • Nạn nhân bắt đầu nhận thức về nhân tính của kẻ bắt giữ và tin rằng họ có cùng mục tiêu và giá trị.

Bản năng sinh tồn là trung tâm của hội chứng Stockholm. Nạn nhân tự giải thích những hành động tử tế hiếm hoi giữa những điều kiện khủng khiếp là đối xử tốt để xoa dịu tinh thần của mình.

Khi nhận được một tín hiệu tích cực (chẳng hạn như ngừng việc ngược đãi hay được cho ăn), sự nhẹ nhõm của nạn nhân chuyển thành cảm giác biết ơn đối với "lòng tốt" của kẻ bắt cóc và các cảm nhận tích cực có thể hình thành. Theo thời gian, một nhận thức sai lệch về kẻ bắt cóc được định hình.

4, Hội chứng Stockholm trong xã hội ngày nay

Mặc dù hội chứng Stockholm thường liên quan đến một tình huống con tin hoặc bắt cóc, nhưng nó cũng có thể xảy ra trong một số trường hợp và mối quan hệ khác. Đến thế kỷ 21, các nhà tâm lý học đã mở rộng sự hiểu biết của họ về hội chứng Stockholm sang các nhóm nạn nhân của bạo lực gia đình, tù nhân chiến tranh, gái mại dâm và trẻ em bị lạm dụng.

Trong xã hội ngày nay, các tình trạng bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục hay lạm dụng trẻ em có thể kéo dài trong nhiều năm. Trong khoảng thời gian này, những kẻ lạm dụng thường xuyên đe dọa và gây ra các tổn thương về thể chất cũng như tinh thần.

Các nạn nhân sẽ cố gắng tránh làm phiền kẻ ngược đãi họ bằng cách tuân thủ, và các phần thưởng hay lời khích lệ có được có thể gây ra "ảo giác" về việc được đối xử tốt, mà quên đi bản chất tiêu cực của mối quan hệ. Tình huống này càng dễ xảy ra đối với trẻ em khi mà suy nghĩ của chúng còn chưa được hoàn thiện.

5, Điều trị Hội chứng Stockholm

Hội chứng Stockholm không được ghi nhận là một chẩn đoán rối loạn sức khỏe tâm thần chính thức trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều kiện rối loạn tâm thần của Hiệp hội tâm thần học Hoa Kỳ (DSM-5). Thay vào đó, nó được cho là một cơ chế đối phó với áp lực tâm lý tiêu cực trong thời gian dài. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là hội chứng này có thể điều trị một cách đơn giản.

Điều trị đúng cách cần cả một quá trình lâu dài để giúp bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn. Trong điều trị ngắn hạn, tư vấn hoặc điều trị tâm lý có thể giúp giảm bớt các vấn đề cấp tính sau sang chấn về thể chất và tinh thần của bệnh nhân, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm.

Liệu pháp tâm lý lâu dài có thể giúp bệnh nhân phục hồi hoàn toàn. Các nhà tâm lý học và nhà trị liệu tâm lý sẽ giáo dục về các cơ chế tự phản ứng trong tâm lý để triệt tiêu và định hình lại những nhận thức sai lệch của bệnh nhân, giúp họ hiểu rõ ràng về những gì đã xảy ra, và làm thế nào để có thể vượt qua và tiến về phía trước.

Tích lũy những cảm xúc tích cực và hiểu được những gì đã xảy ra không phải là lỗi của mình sẽ giúp bệnh nhân ổn định tâm lý và hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của hội chứng Stockholm.

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.healthline.com/health/mental-health/stockholm-syndrome#bottom-line
  2. https://www.britannica.com/science/Stockholm-syndrome

Tham khảo thêm:

  • Hội chứng down là gì? Có di truyền không?
  • Rối loạn phổ tự kỷ ASD (Autism Spectrum Disorder) là gì?
  • Hội chứng Patau là gì? 6 điều cha mẹ cần biết cho thai nhi