Giáo dục

8,0 trở lên mới được thi sư phạm phi chính quy có dẫn đến "chạy" học bạ đẹp?

Darkrose

Dự thảo quy chế Tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non [1] do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong đó quy định dự kiến học sinh loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 8,0 trở lên mới được xét tuyển ngành sư phạm, y khoa nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngưỡng đầu vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên và các ngành đào tạo có cấp chứng chỉ hành nghề thuộc lĩnh vực sức khỏe do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hàng năm cho các phương thức tuyển sinh đào tạo chính quy sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Còn đối với tuyển sinh đào tạo hình thức khác chính quy hoặc đối với thí sinh không dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong năm tuyển sinh, thí sinh đạt ngưỡng đầu vào nhóm ngành đào tạo giáo viên và các ngành đào tạo có cấp chứng chỉ hành nghề thuộc lĩnh vực sức khỏe khi:

“Thứ nhất, học lực lớp 12 xếp loại từ giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 8,0 trở lên đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên (trừ các ngành Giáo dục thể chất và Huấn luyện thể thao, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật; ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng) và các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học;….” [2]

Như vậy dự thảo có nêu nhóm ngành đào tạo giáo viên (trừ các ngành Giáo dục thể chất và Huấn luyện thể thao, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật; ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng) để được xét tuyển sinh thì phải có học lực lớp 12 xếp loại từ giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 8,0 trở lên.

Ảnh minh họa - Phạm Minh

Mục đích chính của việc ban hành dự thảo trên là nhằm tuyển chọn những em học sinh giỏi vào ngành sư phạm để có những giáo viên giỏi, nhằm tránh tình trạng 3 điểm mỗi môn vẫn đỗ trường sư phạm hoặc tình trạng “chuột chạy cùng sào với vào sư phạm”,…

Tuy nhiên, theo người viết với cách đánh giá và tình trạng chạy theo thành tích vẫn còn nặng nề hiện nay thì quy định trên không phù hợp, nên được bãi bỏ.

Quy định đánh giá xếp loại học sinh giỏi và cách tính điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông

Chương trình hiện hành đang áp dụng ở bậc phổ thông việc đánh giá học sinh theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT quy định để được xếp loại giỏi như sau: “1. Loại giỏi, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 8,0 trở lên;…

b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5;

c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.”

Sắp tới Thông tư 22/2021 áp dụng cho lớp 10 năm học 2022-2023 và cuốn chiếu ở các năm tiếp theo việc đánh giá học sinh giỏi như sau:

Theo điểm a khoản 1 Điều 15 Thông tư 22, học sinh được khen thưởng danh hiệu học sinh giỏi nếu có kết quả rèn luyện cả năm và kết quả học tập cả năm đều được đánh giá mức Tốt.

Theo khoản 2 Điều 9, học sinh được đánh giá kết quả học tập mức Tốt khi:

“- Tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt.

- Tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá điểm số có điểm trung bình môn học kỳ, trung bình môn cả năm từ 6,5 điểm trở lên.

- Ít nhất 06 môn học có điểm trung bình học kỳ, trung bình cả năm đạt từ 8,0 điểm trở lên.”

Theo như quy định của Thông tư 26/2020 và Thông tư 22/2021 việc đánh giá học sinh đạt loại giỏi không hề đơn giản.

Như Thông tư 26 quy định chỉ cần học sinh dù có điểm trung bình cả năm bao nhiêu nhưng chỉ cần 1 môn có điểm trung bình 6,4 hoặc môn đánh giá bằng nhận xét chưa đạt thì sẽ không được xếp loại giỏi.

Do đó có trường hợp học sinh điểm trung bình chung 9,0 nhưng do có môn Vật lý điểm trung bình 6,4 thì em sẽ không được xếp loại giỏi, em sẽ không được thi vào các ngành sư phạm Toán, Hóa học, Lịch sử, Địa lý,…thì rất bất công cho các em.

Thông tư 22/2021 thì quy định phải có ít nhất 6 môn có điểm trung bình 8,0 trở lên và không có môn nào dưới 6,5 mới được xếp loại giỏi, sẽ có tình trạng học sinh có điểm rất cao, có 5 môn trên 9,0 và các môn còn lại có điểm trung bình 7,9 thì vẫn không được thi vào các ngành sư phạm Toán, Vật lý, Hóa học,…

Liệu Thông tư 22 có gây "lạm phát" học sinh xuất sắc?

Ở nhiều năm trước đây, mỗi lớp chỉ có 1, 2 em là học sinh giỏi nhưng hiện nay với việc quy định xét học bạ khi tuyển sinh đại học cao đẳng đã khiến cho số lượng học sinh giỏi ở lớp 12 tăng chóng mặt, thậm chí có lớp 100% học sinh xếp loại giỏi.

Với việc dự thảo học sinh phải đạt loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp 8,0 trở lên mới được dự thi các trường đại học sư phạm, y khoa có thể khiến căn bệnh thành tích trầm trọng hơn.

Nên bỏ quy định học lực giỏi trở lên mới được thi sư phạm

Theo tôi quy định học sinh phải có điểm học bạ “đẹp” mới có cơ hội dự thi sư phạm là có phần khiên cưỡng, gia tăng bệnh thành tích, có phần thiệt thòi cho thí sinh dự thi.

Theo định hướng chương trình giáo dục bậc trung học phổ thông là vừa học kiến thức phổ thông vừa định hướng nghề nghiệp, mỗi học sinh có thể học từ 12-13 môn (chưa kể các hoạt động khác) nên có nhiều em có thể giỏi, có năng lực ở vài môn mà không giỏi toàn diện (không được xếp loại giỏi do khống chế) sẽ không được dự thi vào các trường sư phạm có phần bất công cho các em.

Nhìn vào chương trình GDPT mới, dễ dàng thấy ngay môn nào sẽ bị 'ế ẩm'

Chỉ cần công cụ xét tuyển hợp lý, tuyển từ cao xuống thấp kèm với điểm sàn tuyển sinh ngành sư phạm thì sẽ tuyển được sinh viên giỏi không nhất thiết phải là học sinh xếp loại giỏi mới trở thành sinh viên giỏi và trở thành giáo viên giỏi.

Một học sinh thi sư phạm Địa lý giỏi các môn Văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân,…nếu bị khống chế môn Âm nhạc hoặc môn Sinh học không được loại giỏi không được dự thi là quá bất công, không phù hợp.

Tuyển sinh viên sư phạm giỏi không chỉ bằng học lực giỏi

Theo quan điểm của tôi, việc tuyển sinh viên sư phạm phải có học lực giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp trên 8,0 là không phù hợp, không cần thiết.

Các năm gần đây ngành sư phạm tuy có khởi sắc phần nào nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng, vẫn còn nhiều ngành không tuyển được sinh viên do chế độ đãi ngộ còn thấp, nghề giáo nhiều áp lực, giáo viên thiếu tiếng nói,…

Thực tế thì ngành sư phạm rất cần học sinh giỏi đăng ký vào ngành sư phạm nhưng phải giỏi thật sự và không phải giỏi do nâng điểm, “chạy” điểm và phải chấp nhận những em giỏi nhưng bị khống chế môn không liên quan chuyên ngành đào tạo,…

Học sinh giỏi ở đây thông qua một kỳ thi là có phần chính xác (nếu kỳ thi nghiêm túc, trung thực) đánh giá toàn bộ quá trình học tập, nên theo tôi chỉ nên lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc tuyển sinh riêng của đại học) làm căn cứ xét tuyển mà không nên dựa vào học bạ hay điểm xét tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, nên có điểm sàn riêng đối với từng nhóm ngành sư phạm, nên có cơ chế tuyển thẳng cho các em thi tốt nghiệp tổ hợp có môn tuyển sinh điểm cao, có thể tuyển thẳng đối với các em thủ khoa bộ môn.

Ví dụ có em tuyển sinh đại học Toán nhưng em đạt điểm thủ khoa môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì nên tuyển thẳng em vào đại học trên để tận dụng nhân tài.

Một phần không thể thiếu để khuyến khích các em học sinh giỏi đăng ký ngành sư phạm, sinh viên giỏi ra trường công tác trong ngành sư phạm là phải thay đổi chế độ lương, phụ cấp cho giáo viên mới ra trường.

Vài chục năm nay, chế độ lương của nhà giáo vẫn chưa đủ sống, hiện nay sinh viên học đại học 4-5 năm ra trường lương chỉ từ 3,5-4 triệu đồng mỗi tháng thì khó có thể yên tâm công tác, cống hiến, khó có thể gắn bó với nghề, phát huy năng lực bản thân,…

Có thể nói lương giáo viên mới ra trường thua đứt lương công nhân, phụ hồ, bán vé số dạo,…

Ba góp ý về việc sửa đổi chùm Thông tư bổ nhiệm, xếp lương giáo viên

Bên cạnh đó còn phải cam kết được việc làm sau khi ra trường cho các em loại giỏi, hiện nay tình trạng thiếu giáo viên còn rất nhiều nhưng vẫn còn lực lượng ra trường nhiều năm chưa xin được việc, rất nghịch lý.

Sinh viên sư phạm giỏi ra trường đầy nhiệt huyết nhưng không tìm được việc sẽ mất nhuệ khí, hết yêu nghề và có thể sẽ nhảy việc khó quay trở lại giảng dạy, dễ mất đi những giáo viên giỏi.

Tóm lại, người viết xin được góp ý vào dự thảo quy chế trên là Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ quy định học sinh đạt loại giỏi, điểm xét tốt nghiệp 8,0 trở lên mới được thi vào ngành sư phạm, y khoa. Việc tuyển sinh như thế nào để tuyển được sinh viên giỏi hãy để các trường đại học tự chủ theo Luật Giáo dục đại học. Các em học không giỏi, không cố gắng sẽ bị đào thải theo quy luật đào tạo mà không cần khống chế đầu vào gây khó cho các trường, gia tăng bệnh thành tích.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quan tâm đến chế độ làm việc, cải thiện đời sống, thu nhập giáo viên, cam kết việc làm cho sinh viên sư phạm thì sẽ tuyển được các em học sinh giỏi theo ngành sư phạm mà không cần ban hành nhiều quy chế không cần thiết.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tsdt.laodong.vn/Storage/NewsPortal/2022/4/14/1033872/documents/Du-Thao-Quy-Che-Tuye.pdf

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-luc-gioi-hoac-diem-xet-tot-nghiep-8-0-tro-len-moi-duoc-hoc-su-pham-y-khoa-post225877.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.