Sức khỏe

Bị giời leo bôi thuốc gì nhanh khỏi? 6 loại tuýp kem nên chọn mua

Darkrose

Bị giời leo bôi thuốc gì nhanh khỏi? 6 loại tuýp kem nên chọn mua

Giời leo là bệnh rất phổ biến với người Việt Nam, dễ tái phát, biến chứng lâu dài nếu không điều trị đúng. Ngoài thăm khám, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, người bị giời leo vẫn có thể dùng các loại thuốc để hỗ trợ điều trị tại nhà, trong đó có thuốc bôi để sát khuẩn, diệt virus và giảm nhanh triệu chứng. Vậy bị giời leo bôi thuốc gì nhanh khỏi? Hãy tìm hiểu 6 loại tuýp kem bôi giời leo được các bác sĩ khuyên sử dụng.

“Theo thống kê, mỗi năm thế giới có 1,2 triệu ca nhiễm giời leo mới, trong đó 20% người bị giời leo ở mắt, đe dọa nhiều biến chứng nguy hiểm, ví dụ mù lòa (1). Có đến 99.5% người Mỹ trên 50 tuổi sẽ bị giời leo nếu trước đó từng bị thủy đậu (2), gây ra các cơn đau dai dẳng, khó lành. Tiêm vắc xin thủy đậu phòng virus Varicella Zoster hiệu quả gây bệnh thủy đậu cũng như giời leo. Hiện VNVC đang có các loại vắc xin thủy đậu với hiệu quả bảo vệ cao 98% và sinh kháng thể tốt sau 2-3 tuần tiêm chủng”, bác sĩ Phan Nguyễn Trường Giang chia sẻ.

Nguyên tắc sử dụng thuốc bôi khi bị giời leo

Bệnh giời leo (zona thần kinh) là tình trạng tổn thương da do sự tái hoạt động virus Varicella zoster (VZV), đây cũng là loại virus gây nên bệnh thủy đậu (trái rạ). Người mắc bệnh thủy đậu sau khi lành bệnh, nhưng virus VZV không bị tiêu diệt mà “ngủ lại” trong các tế bào thần kinh của cơ thể, dưới dạng không hoạt động. Ở thời điểm hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc suy nhược cơ thể, virus sẽ tái hoạt động và tiến triển thành bệnh giời leo.

Giời leo có thể gây các cơn đau dai dẳng kéo dài vài tháng đến vài năm, cơn đau được mô tả như bị đinh cán, bị phỏng, đau nặng nề hơn đau do sinh nở, không thể cử động linh hoạt, không thể sinh hoạt như bình thường… Ngoài ra, giời leo còn có thể gây các biến chứng nguy hiểm như đau tim, đột quỵ…

Người bị giời leo cần sử dụng thuốc bôi đúng theo hướng dẫn của bác sĩ

Bệnh giời leo có thể chữa khỏi bằng biện pháp đơn giản như kem bôi theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để giảm bớt triệu chứng, giúp tình trạng của người bệnh tốt hơn. Hầu hết các trường hợp bị giời leo từ nhẹ đến trung bình khi sử dụng thuốc bôi đều có đáp ứng tốt, ngăn hình thành sẹo và điều trị dứt điểm. Tuy nhiên nếu chủ quan hoặc không tuân thủ đúng hướng dẫn sẽ gây những hệ lụy đáng tiếc, dưới đây là những nguyên tắc khi sử dụng thuốc bôi khi bị giời leo:

  • Sử dụng đúng thuốc, đúng thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa: Để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả chữa bệnh tối đa, người bệnh cần sử dụng thuốc đúng thời gian, không nên ngưng thuốc quá sớm vì có thể tái phát bệnh.
  • Bôi thuốc với liều lượng và tần suất đúng: Việc lạm dụng thuốc bôi quá liều có thể khiến da bị bào mòn, gây mỏng da, vì vậy người bệnh tránh bôi thuốc kéo dài và trên diện rộng.
  • Vệ sinh sạch sẽ trước khi bôi thuốc: Để tránh tình trạng da bị bội nhiễm, trước khi bôi thuốc lên vùng da bị tổn thương, người bệnh nên vệ sinh tay sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn và thực hiện vệ sinh vùng da bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý.
  • Không bôi thuốc quá gần với mắt, miệng và các vùng da nhạy cảm: Nếu bạn bị giời leo ở miệng, mắt hoặc ở những vùng da đặc biệt, bạn cần trao đổi ý kiến với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn sử dụng thuốc phù hợp.
  • Các mẹ bầu, phụ nữ đang cho con bú, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, người có tiền sử dị ứng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng bất kỳ loại thuốc bôi điều trị giời leo phù hợp.
  • Cần lưu ý, trong quá trình bôi thuốc trị giời leo, nếu cơ thể xuất hiện bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm bất thường nào, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và báo ngay với bác sĩ chuyên khoa về tình trạng sức khỏe để nhận được sự tư vấn kịp thời.
Người bệnh cần lưu ý thực hiện đúng các nguyên tắc sử dụng thuốc bôi như đúng liều lượng, thời gian, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi bôi thuốc

Bị giời leo bôi thuốc gì cho nhanh khỏi?

Vậy bị giời leo bôi thuốc gì? Người bị giời leo bôi gì để nhanh khỏi? Bác sĩ Phan Nguyễn Trường Giang, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ có 6 tuýp kem bôi người bệnh có thể sử dụng nhằm giúp bệnh nhanh khỏi, giảm mức độ nghiêm trọng và các biến chứng do giời leo. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh khi dùng thuốc bôi cần được sự đồng ý và hướng dẫn của bác sĩ.

1. Thuốc bôi Castellani

Thuốc bôi Castellani là loại thuốc được các bác sĩ khuyên dùng trong điều trị các bệnh da liễu như giời leo. Castellani chứa các hoạt chất như Fuchsin basic, phenol, aceton, acid boric, resorcinol… Khi bôi thuốc này lên da, các hoạt chất này sẽ được da hấp thụ sẽ giúp kháng khuẩn, kháng viêm, giảm tình trạng ngứa, phá vỡ cấu trúc vảy cứng, thô ráp, hỗ trợ làm mềm da hiệu quả.

Liều dùng và cách sử dụng thuốc Castellani: Tùy tình trạng của người bệnh, tần suất bôi thuốc sẽ khác nhau, trung bình là 2 lần/ngày. Người bệnh sẽ bôi trực tiếp thuốc lên vùng da bị tổn thương, tránh để thuốc tiếp xúc với mắt, mũi và các vùng da nhạy cảm vì có thể gây kích ứng.

2. Dung dịch bôi ngoài Chlorhexidine

Dung dịch Chlorhexidine là hoạt chất có tính kháng khuẩn và khử khuẩn rất mạnh. Dung dịch có hiệu quả ở phạm vi rộng đối với nhiều loại vi khuẩn, men, nấm da và các virus, ví dụ virus gây bệnh giời leo. Dung dịch ít hấp thụ qua da nên hạn chế được các tác dụng phụ, có thể sử dụng cho trẻ em và người lớn để vệ sinh vùng da bị tổn thương do giời leo và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng da.

Liều dùng và cách sử dụng Chlorhexidine: Người bệnh có thể bôi dung dịch lên vùng da bị giời leo (ở mức độ nhẹ) với tần suất khoảng 2 - 3 lần/ngày. Cần lưu ý, không nên sử dụng Chlorhexidine chung với hợp chất có chứa anion hoặc xà phòng vì có thể gây kích ứng da.

3. Dung dịch Xanh methylen

Một trong những loại kem bôi giời leo hiệu quả được bác sĩ khuyên là xanh methylen. Xanh methylen được sử dụng để điều trị nhiễm trùng virus ngoài da. Thuốc được dùng thoa lên mụn nước, bọng nước do giời leo, có khả năng liên kết với acid nucleic của virus, ức chế hoạt động và khiến phân tử virus bị phá vỡ, các mụn nước mau khô và mau kết vảy hơn.

Liều dùng và cách sử dụng Xanh methylen: Sau khi vệ sinh sạch sẽ và lau khô vùng da bị giời leo, người dùng có thể bôi thuốc vào vùng da đỏ (vùng da bị tổn thương trung bình). Người bệnh có thể bôi thuốc với tần suất 2 lần/ngày.

Cần lưu ý, người bệnh chỉ nên bôi Xanh methylen trong một thời gian ngắn, bởi nếu sử dụng thuốc này trong thời gian dài có thể gây thiếu máu và gây một số phản ứng phụ không mong muốn như kích thích bàng quang, buồn nôn, chóng mặt… Ngoài ra, thuốc này không khuyến cáo bôi cho người bệnh suy thận, thai phụ, phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú, người bị thiếu men G6PD hồng cầu.

4. Thuốc mỡ bôi ngoài da Acyclovir

Acyclovir là thuốc mỡ bôi ngoài da giúp ức chế hoạt động và sự phát triển của virus Varicella Zoster gây bệnh thủy đậu và giời leo. Ngoài điều trị giời leo, Acyclovir còn được dùng để điều trị triệu chứng của bệnh thủy đậu, herpes ở môi và cơ quan sinh dục.

Liều dùng và cách sử dụng Acyclovir: Người bị giời leo cần bôi thuốc lên vùng da bị tổn thương với tần suất khoảng 4 lần/ngày, và mỗi đợt điều trị sẽ kéo dài khoảng 5 ngày. Trong trường hợp nếu tổn thương trên da chưa khỏi thì người bệnh có thể tiếp tục bôi thêm 1 liệu trình. Mặt khác, người bệnh cần lưu ý trong quá trình bôi, thuốc có thể gây tác dụng phụ trên da như nóng rát, nổi ban đỏ…

5. Thuốc tím

Với thành phần là Kali Pemanganat có đặc tính oxy hóa mạnh, thuốc tím là loại thuốc bôi có khả năng tiêu diệt virus gây bệnh tồn tại trên da, đồng thời giúp các mụn nước mau khô và kết vảy. Tuy nhiên, do màu tím đặc trưng của thuốc sẽ bám vào da, gây khó khăn khi theo dõi tình trạng tổn thương da nên thuốc ít được sử dụng hơn các loại thuốc bôi khác.

Liều dùng và cách sử dụng của thuốc tím: Người bị giời leo cần pha loãng thuốc tím với nước đúng theo hướng dẫn rồi bôi trực tiếp lên vùng da bị tổn thương. Trong lúc bôi thuốc, cần hạn chế để da tiếp xúc với ánh sáng hoặc nhiệt độ cao nhằm hạn chế sự oxy hóa.

Dung dịch Xanh methylen và hồ nước là hai trong những loại thuốc bôi giúp giời leo nhanh khỏi

6. Hỗn dịch hồ nước

Sử dụng hỗn dịch hồ nước với thành phần như glycerin, calcium carbonate, kẽm oxit… bôi lên vùng da bị tổn thương là dung dịch được khuyên dùng phổ biến với người bệnh “bị giời leo bôi thuốc gì”. Dung dịch sẽ giúp người bệnh cải thiện tình trạng viêm và sát khuẩn nhẹ vùng da bị tổn thương. Một lợi thế của hỗn dịch hồ nước là khá an toàn, được sử dụng cho cả trẻ em và phụ nữ mang thai.

Liều dùng và cách sử dụng của hỗn dịch hồ nước: Người bệnh cần bôi dung dịch lên vùng da bị bệnh từ 1 - 2 lần/ ngày. Thuốc có tác dụng kháng khuẩn không cao nên chỉ sử dụng cho trường hợp có triệu chứng nhẹ. Tuyệt đối không sử dụng thuốc ở vùng da có bội nhiễm hoặc mụn nước bị vỡ hoặc tổn thương da có loét sâu.

Các thuốc bôi không nên dùng khi trị giời leo

Theo các bác sĩ chuyên khoa, trong và sau khi điều trị giời leo, nhiều người bệnh có thể gặp phải tình trạng đau thần kinh, cơn đau có thể tồn tại và kéo dài dai dẳng trong nhiều tháng, hoặc vài năm sau đó. Nhiều người vì muốn triệu chứng bệnh nhanh hết nên tự ý sử dụng nhiều loại thuốc dân gian hoặc các loại thuốc tự chế, tuy nhiên các loại thuốc có thể gây nhiễm trùng da hoặc biến chứng nguy hiểm. Theo đó, người bệnh chỉ nên sử dụng những loại thuốc bôi được khuyến cáo và tuyệt đối không sử dụng hai loại thuốc dưới đây:

1. Thuốc chống dị ứng

Các triệu chứng của giời leo như nổi mụn nước, bóng nước có dịch trong, nóng rát… khá giống tình trạng dị ứng, tuy nhiên cần nhớ rằng giời leo không phải là hiện tượng dị ứng, nên việc dùng thuốc chống dị ứng như clorpheniramin, corticoid sẽ không có hiệu quả.

2. Thảo dược tự chế

Hiện trong dân gian đang lan truyền nhiều bài thuốc chữa trị bệnh giời leo như đắp lá thuốc lên vết thương, giã lá cây, đắp thảo dược, cam thảo lên vùng da bị tổn thương. Tuy nhiên, hiện không có loại thảo dược nào chống lại được virus gây giời leo, việc tự ý sử dụng các thảo dược tự chế bôi lên vùng da tổn thương có thể gây mất vệ sinh, tăng nguy cơ nhiễm trùng da, lở loét, để lại sẹo và những di chứng nặng nề.

Cả trẻ em và người lớn cần tiêm vắc xin thủy đậu để phòng virus Varicella zoster gây thủy đậu và biến chứng giời leo

Một số lưu ý trong quá trình điều trị giời leo

Để bệnh giời leo có thể nhanh khỏi, không gây các cơn đau dai dẳng, biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần lưu ý thực hiện đúng một số điều dưới đây khi điều trị bệnh:

  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chăm sóc kỹ các vùng da bị tổn thương. Tuyệt đối không dùng các loại xà phòng, sữa tắm chứa hóa chất có độ tẩy rửa quá mạnh vì sẽ gây kích ứng. Không dùng các loại kem dưỡng lên vùng da bị tổn thương, vì các loại mỹ phẩm có thể làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
  • Mặc quần áo thoải mái, có chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Hạn chế cho quần áo tiếp xúc với vùng da đang bị tổn thương, đặc biệt là vùng da có mụn nước để tránh nguy cơ bội nhiễm và sẹo gây ảnh hưởng thẩm mỹ.
  • Tăng cường những món ăn giàu chất dinh dưỡng có từ cá, thịt, sữa, thực phẩm có nhiều vitamin A, B6, B12. Cần kiêng sử dụng các thực phẩm như đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thuốc lá, rượu…
  • Nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
  • Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ để bệnh nhanh khỏi và an toàn. Không nên tự ý bôi các loại thuốc hoặc sử dụng các thuốc chưa có chỉ định từ bác sĩ vì có thể khiến bệnh nghiêm trọng hơn.
  • Phác đồ điều trị vàng của giời leo là 72 giờ sau khi có triệu chứng khởi phát đầu tiên. Do đó, khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh, người bệnh cần đi thăm khám ngay ở cơ sở y tế uy tín càng sớm càng tốt để được bác sĩ chỉ định điều trị ngừa biến chứng nguy hiểm trong tương lai.

Bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin “Bị giời leo bôi thuốc gì nhanh khỏi” từ các bác sĩ uy tín hàng đầu, hy vọng người bệnh đã có thể chọn được loại thuốc bôi an toàn và thích hợp, giúp bệnh nhanh khỏi và không để lại sẹo. Để đảm bảo an toàn, trước khi sử dụng, người bệnh cần đi khám và lắng nghe tư vấn của bác sĩ chuyên khoa về loại thuốc, liều dùng, thời gian, cách sử dụng để thuốc đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất.