Du học

Không đổi tên thành trường cấp 1, 2, 3

Darkrose

Không đổi tên thành trường cấp 1, 2, 3

Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Chiều 8-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã trình bày trước Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập

Theo đó, với dự thảo lần này, Ban soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động của 2 chính sách mới: chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở (THCS) trường công lập, hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập và chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.

Dự thảo nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm. Chính phủ cho rằng, việc đào tạo nâng chuẩn sẽ gắn với việc đào tạo lại giáo viên mầm non để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non.

Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) bổ sung quy định chuyển tiếp “các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2026. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo chưa đạt chuẩn.

Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, tiếp thu ý kiến của Quốc hội, trên cơ sở đánh giá tác động về cả ngân sách đầu tư và hiệu quả đầu tư, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chính sách học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; xác định nhu cầu nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.

Chính sách này sẽ thực hiện ngay sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực để đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020. Trước mắt ưu tiên thực hiện chính sách học phí này đối với người học ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện trên cơ sở cân đối ngân sách Nhà nước.

Về chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, để cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp về việc Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo đủ trường, lớp cho học sinh học tập, không thi tuyển đầu vào đối với giáo dục phổ cập bắt buộc, các quy định về giáo dục phổ thông tại dự thảo Luật đã được quy định theo hướng học sinh được vào học phù hợp với quy định đầu vào các cấp học của giáo dục phổ thông; đảm bảo giáo dục phổ thông đại trà không thi tuyển đầu vào, đảm bảo chính sách đối với đối tượng yếu thế, chính sách đào tạo bồi dưỡng nhân tài.

Không miễn học phí cho sinh viên sư phạm, mà cho vay

Ban soạn thảo đã rà soát và luật hóa một số quy định về chương trình, SGK giáo dục phổ thông tại Nghị quyết số 88; quy định cụ thể việc lựa chọn SGK theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; nâng một số quy định trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 thành các quy định của Luật.

Đồng thời, dự thảo Luật đã luật hóa các quy định tại văn bản dưới luật về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, SGK giáo dục phổ thông; việc lựa chọn, sử dụng SGK; SGK điện tử, học liệu; Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, SGK; bổ sung quy định thực hiện giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh; bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định việc thực nghiệm một số nội dung, phương thức giáo dục mới trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Về chính sách tín dụng sư phạm, Chính phủ cho rằng, việc không thu học phí của sinh viên ngành sư phạm theo Luật Giáo dục hiện hành đã không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí lớn nguồn nhân lực sư phạm. Nếu thu học phí của sinh viên sư phạm giống như các ngành học khác thì nhà trường sẽ có thêm nguồn thu để bù đắp chi phí đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện khác để bảo đảm chất lượng giáo dục.

Ban soạn thảo đã bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục. Mặt khác, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để đề xuất các chính sách nhằm thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.

Đối với việc mở rộng đối tượng không thu học phí là trẻ em dưới 5 tuổi, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên chính sách này ở các nước được đưa vào chính sách an sinh xã hội, mặt khác đối với trẻ em dưới 5 tuổi, trách nhiệm xã hội và gia đình là chủ yếu.

Về chính sách tiền lương đối với nhà giáo, dự thảo Luật quy định nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ. Việc sửa đổi này phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết 27-NQ/TW. Ngày 16-8-2018, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Không đổi tên thành trường cấp 1, 2, 3

Về thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, Dự thảo Luật theo hướng: học sinh, học viên học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc sở GD-ĐT tỉnh, thành cấp bằng tốt nghiệp; được hiệu trưởng nhà trường hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông nếu có nhu cầu.

Đối với việc tạo điều kiện cho người có bằng tốt nghiệp THCS đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được dự tuyển và học lên trình độ cao đẳng, luật hiện hành đã có quy định.

Về mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao, để cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp, trong đó Nhà nước có chính sách phát hiện học sinh năng khiếu và bồi dưỡng nhân tài, đối với giáo dục chất lượng cao, Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển các trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài, Ban soạn thảo đã rà soát và không quy định cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chất lượng cao trong dự thảo Luật để bảo đảm thực hiện các điều kiện cho giáo dục đại trà và bồi dưỡng tài năng, tạo môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong hệ thống cơ sở giáo dục công lập.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông chất lượng cao tại Hà Nội thì được thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đảm bảo nguyên tắc Nhà nước chăm lo cho giáo dục phổ thông đại trà; hỗ trợ học sinh yếu thế, có chính sách đào tạo bồi dưỡng nhân tài. Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã bổ sung quy định theo hướng trường chuyên được thành lập ở cấp THPT cho những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao được thành lập nhằm phát triển tài năng của học sinh trong các lĩnh vực này.

Vừa qua, một số ý kiến đề xuất đổi tên gọi các cấp học phổ thông hiện nay thành trường cấp 1, cấp 2, cấp 3. Giải trình lại, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, tên gọi các cấp học giáo dục phổ thông hiện nay là tiểu học, THCS, THPT phù hợp với tên gọi của các nước trong khu vực và quốc tế như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Vương Quốc Anh…

Vì vậy, Ban soạn thảo đề nghị được giữ như quy định của Luật Giáo dục hiện hành về tên gọi các cấp học của giáo dục phổ thông để khi cấp văn bằng đảm bảo tính hội nhập, phù hợp và thống nhất với các nước trong khu vực và trên thế giới.