Giáo dục

Đề cương ôn tập cho học sinh: Những chuyện “dở khóc, dở cười”

Darkrose

Đề cương ôn tập cho học sinh: Những chuyện “dở khóc, dở cười”

Cả một học kì dài đằng đẵng, bao nhiêu nội dung kiến thức thầy cô giảng, học sinh ghi chép. Sách giáo khoa có, vở ghi bài có, vở soạn bài có. Thế mà mỗi khi kì thi về, giáo viên chúng tôi luôn nghe một điệp khúc quen thuộc từ học sinh “Cô ơi, năm nay có đề cương không cô?”. Với tôi, câu trả lời quen thuộc “Đề cương nằm ở trong đầu những bạn nào chăm chỉ và siêng năng các em ạ.”

Tôi nhớ, thời tôi đi học không có đề cương ôn tập. Cứ đến mùa thi, không học sinh nào dám hỏi thầy giáo của mình về những nội dung ôn tập. Và quan niệm “học gì thi nấy” là chuyện bình thường. Nhờ thế một thế hệ học sinh chăm chỉ, cần mẫn ra đời. Chúng tôi tự mày mò, tự vạch kế hoạch và tự lập thời gian biểu cho bản thân để ôn thi một cách rất hiệu quả.

Khác hẳn với thời nay, mùa thi nào, môn thi nào cũng có đề cương ôn tập.

Những năm trước, Phòng Giáo dục ở các huyện lên xuống Ban giám hiệu Nhà trường yêu cầu giáo viên giảng dạy môn nào tự soạn đề cương ôn tập môn đó. Thế là mỗi giáo viên được phân công soạn đề cương cho học trò của mình.

Thời gian đầu, đề cương rất dàn trải, nhiều kiến thức, giáo viên dạy nội dung gì thì soạn và ôn tập theo đề cương ấy. Có những đề cương lên đến 10-15 trang, đặc biệt là những môn dài dòng như môn Ngữ văn chẳng hạn.

Có đề cương rồi, căn cứ vào sĩ số của lớp phô tô ra, mỗi học sinh một bản. Đối với học sinh, đề cương như “thần chú”.

Thế nhưng, không phải học sinh nào cũng “an phận” với đề cương trong tay. Các em bảo rằng “ Đề cương dài và khó quá, em không học nổi”.

Không dài sao được, khi bao nhiêu nội dung trong một học kì chỉ tóm gọn vào trong 10-15 trang A4.

May mắn với giáo viên giảng dạy, có em siêng năng, chăm chỉ thì “tu luyện” ở đề cương ôn tập nhưng ngược lại có những em không học mà sử dụng đề cương với mục đích khác là “phao thi” thì đề cương ôn tập đi trở nên phản tác dụng và gây thiếu công bằng trong việc chấm điểm và xếp loại hạnh kiểm học sinh.

Có một mùa thi mà tôi nhớ mãi. Năm đó, tôi được phân công giảng dạy và soạn đề cương ôn tập cho học sinh khối lớp 7. Vào phòng thi, một số học sinh sử dụng để cương do tôi soạn làm tài liệu và bị giám thị coi thi bắt quả tang. Năm đó, đề cương ôn tập chưa phổ biến như bây giờ nên khi thấy học sinh sử dụng nguyên cả một sấp đề cương làm “phao” trong bài thi, giáo viên coi thi khá “sốc”. Thầy giám thị “trợn mắt” hỏi học sinh: “Tài liệu này đâu ra?”. Học sinh trả lời một cách ngây thơ: “Thưa thầy, tài liệu này do cô T. cung cấp ạ.”

Thế là sau buổi thi, thầy giáo đó - một đồng nghiệp của tôi - đến gặp tôi và bảo: “Sao cô lại cung cấp tài liệu cho học sinh đi thi vậy? Làm như thế, cô tạo điều kiện cho học sinh ỷ lại và lười học, chưa kể, các em còn sử dụng đề cương này như “phao cứu cánh nữa”.

Tôi vô cùng ngạc nhiên với những câu hỏi và thái độ của đồng nghiệp. Vì đay không phải là sáng kiến của tôi mà tôi chỉ làm theo yêu cầu của Phòng và của Nhà trường mà thôi. Tôi cố gắng giải thích cho đồng nghiệp của mình hiểu. Thầy mỉm cười gượng gạo và bảo rằng: “Như thế, sẽ triệt tiêu tính sáng tạo của học sinh, đặc biệt là trong thi cử và bộ môn đặc thù như môn Văn nữa chứ.”

Năm nay, còn khoảng một tháng trước kì thi, Phòng Giáo dục nơi tôi công tác gửi mail trực tiếp về mỗi cơ quan trường học, yêu cầu giáo viên vào lấy đề cương rồi phô tô phát cho học sinh càng sớm càng tốt.

Bản thân tôi nhận thấy, đề cương ôn tập cho học sinh luôn tồn tại hai mặt. Nó trở nên hữu ích đối với những học sinh có ý thức học tập, tìm tòi. Nó như dàn ý cơ bản của nội dung kiến thức. Học sinh nào muốn đạt kết quả tốt trong thi cử cần sự nghiên cứu, nâng cao, mở rộng hơn dựa trên những cái sẵn có.

Mặc trái của đề cương sẽ tạo ra tính ỷ lại, lười học, dựa vào đề cương, những học sinh không chịu suy nghĩ. Thậm chí, đa phần học sinh còn nghĩ cách đối phó với thi cử bằng cách phô tô nhỏ đề cương làm “phao thi”.

Mùa thi đang về, đề cương ôn tập trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thiết nghĩ giáo viên cần định hướng đúng đắn cho học sinh của mình để đạt kết quả cao nhất.

Thanh Thanh