Chắc chắn mỗi chúng ta trước những buổi thuyết trình đều có những sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt về mặt nội dung của bài thuyết trình. Việc xây dựng nội dung bài thuyết trình là một bước quan trọng để đảm bảo rằng thông điệp mà người thuyết trình muốn truyền tải được tiếp nhận một cách rõ ràng và hiệu quả. Vậy, bạn đã biết cách xây dựng nội dung bài thuyết trình một cách logic, truyền tải đúng và đủ chưa?
Tập trung thu hút thính giả qua phần mở đầu bài thuyết trình
Với mọi hoạt động, những ấn tượng đầu tiên luôn là những ấn tượng quan trọng nhất. Khi đó, người nghe sẽ rất hào hứng, tò mò lắng nghe vì họ mong đợi những điều thú vị từ bạn. Có rất nhiều cách để mở đầu ấn tượng như: Đặt câu hỏi, trích dẫn,… hoặc nếu bạn đang muốn thuyết trình về kết quả của một hoạt động nào đó, hãy nhấn mạnh những con số ấn tượng.
Xem thêm: ĐÂU là cách mở đầu bài thuyết trình thu hút người nghe?
Nội dung chính cần được sắp xếp theo một trình tự hợp lý
Khi có một mở đầu ấn tượng, tuy bạn sẽ thu hút được thính giả nhưng bạn cũng sẽ nâng cao sự kỳ vọng của họ vào bạn. Vì vậy, tất cả nội dung bạn trình bày sau đó cần có một bố cục hợp lý. Có rất nhiều cách để sắp xếp bố cục của một bài thuyết trình như
1.Trình tự thời gian
Cách sắp xếp nội dung này sẽ phù hợp trong những buổi thuyết trình kết quả của một hoạt động hoặc một sự kiện nào đó có tính thời kỳ. Với việc mở đầu bằng những con số ấn tượng, các nội dung bạn sẽ nói tiếp theo bám sát vào thời gian sự kiện. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng với mỗi mốc thời gian, hãy nhấn mạnh những sự kiện ấn tượng, nổi bật đầu tiên rồi mới trình bày chi tiết. Vì những cách nhấn nhá của bạn khi nói sẽ ghim vào trong đầu người nghe những dấu mốc quan trọng.
Việc thuyết trình theo trình tự thời gian sẽ khiến người nghe dễ dàng theo dõi được sự thay đổi của sự việc bạn đang nói đến trong từng giai đoạn. Cuối phần trình bày, bạn cũng cần đưa ra các đánh giá chủ quan, điều đó sẽ giúp người nghe có thể lắng nghe ý kiến của bạn đẻ có thể đưa ra ý kiến, phản biện.
2.Trình bày vấn đề - giải pháp
Đây cũng là một cách diễn giải rất phổ biến khi bạn xây dựng nội dung bài thuyết trình của mình. Phần lớn các buổi họp, các buổi thuyết trình đều diễn ra nhằm cần giải quyết một vấn đề nào đó mà tổ chức đang gặp phải. Bạn có thể chọn cách tách nhỏ vấn đề lớn thành từng vấn đề nhỏ và đưa ra giải pháp cho từng vấn đề nhỏ để người nghe có thể dễ dàng đánh giá. Ngoài ra, bạn có thể đánh giá tính khả thi của từng giải pháp, điều này thể hiện bạn thực sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho nội dung bài thuyết trình của mình.
3.Trình bày theo dạng câu chuyện
Cách thuyết trình này sẽ dài hơi hơn các cách thuyết trình khác. Trình bày bài nói theo dạng câu chuyện sẽ phù hợp với diễn thuyết hơn so với thuyết trình. Tuy nhiên, nếu bạn là một nhà lãnh đạo, hoặc có vai trò rất quan trọng trong buổi thuyết trình, bạn có thể chọn cách xây dựng nội dung theo dạng câu chuyện. Cách xây dựng này sẽ thực sự khiến người nghe tập trung vào những chi tiết diễn ra trong bài nói của bạn, đương nhiên là tất cẩ thông tin cũng cần bạn chắt lọc ra để trọng tâm nhất.
Bắt đầu bằng cách xác định cốt truyện chính mà bạn muốn kể. Câu chuyện có thể dựa trên kinh nghiệm cá nhân, một tình huống thực tế, hoặc một tình huống giả định mà khán giả có thể dễ dàng hình dung. Cần có một vấn đề xuyên suốt khi bạn thuyết trình mà thính giả quan tâm và phát triển câu chuyện theo những sự kiện quan trọng, cụ thể.
4.Trình bày theo dạng so sánh, đối chiếu
Xây dựng nội dung bài thuyết trình theo phương pháp so sánh và đối chiếu là một cách hiệu quả để làm nổi bật những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai hoặc nhiều đối tượng. Phương pháp này giúp khán giả hiểu rõ hơn về từng đối tượng và có cơ sở để đưa ra quyết định hoặc nhận xét sáng suốt.
Trước tiên, xác định rõ các đối tượng hoặc khái niệm mà bạn muốn so sánh và đối chiếu. Các đối tượng này nên có mối liên hệ hoặc cùng thuộc một phạm vi để khán giả có thể dễ dàng theo dõi và hiểu được mục đích của sự so sánh. Việc chọn lựa đối tượng phù hợp là bước quan trọng để đảm bảo tính thuyết phục và hiệu quả của bài thuyết trình.
Tiếp theo, lập dàn ý cho bài thuyết trình bằng cách xác định các tiêu chí hoặc khía cạnh mà bạn sẽ sử dụng để so sánh và đối chiếu. Các tiêu chí này có thể bao gồm đặc điểm kỹ thuật, lợi ích, chi phí, ứng dụng, hiệu quả, hoặc bất kỳ yếu tố nào liên quan đến đối tượng. Dàn ý sẽ giúp bạn tổ chức thông tin một cách logic và dễ dàng theo dõi trong quá trình thuyết trình.