CANGIO - BƯỚM KHẾ (Attacus atlas) LOÀI BƯỚM LỚN NHẤT THẾ GIỚI XUẤT HIỆN Ở RỪNG NGẬP MẶN CẦN GIỜ

Darkrose
CANGIO - BƯỚM KHẾ (Attacus atlas) LOÀI BƯỚM LỚN NHẤT THẾ GIỚI XUẤT HIỆN Ở RỪNG NGẬP MẶN CẦN GIỜ

Quá trình điều tra thành phần loài côn trùng tại Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ năm 2018, chúng tôi ghi nhận sự xuất hiện của Bướm khế. Chúng thỉnh thoảng xuất hiện vào cuối mùa khô (từ tháng 01 đến tháng 4), thường đậu bất động trên cành cây, trong nhà, bay chậm và nặng nề. Hiện nay chỉ mới ghi nhận có bướm đực trong rừng ngập mặn Cần Giờ.

Bướm đực xuất hiện tại văn phòng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ (Ảnh trái), Bướm cái (Nguồn: http://www.wildlifeatrisk.org/upload/download/1390450123.Buom_khe.pdf) (Ảnh phải)

Bướm khế có tên khoa học là Attacus atlas Linnaeus, là loài bướm có kích thước lớn nhất trên thế giới, sải cánh của bướm đực dài đến 24 cm và của bướm cái đạt 30 cm. Ở nhiều địa phương, chúng còn được gọi là Bướm đầu rắn, Bướm ma, Bướm bà.

Bướm khế là loài bướm đêm (ngài) thuộc họ Ngài hoàng đế Saturniidae. Bướm có râu dạng lược kép, râu của bướm đực rộng hơn và kích thước cơ thể nhỏ hơn bướm cái. Màu chủ đạo là nâu sáng, hoa văn sặc sở đặc trưng, chót cánh trước kéo dài giống đầu rắn, trung tâm cánh có những đốm trắng viền đen hình tam giác, bướm có hình dáng đẹp và rất được ưa thích trong các bộ sưu tập. Bướm cái đẻ 250 - 290 trứng mỗi lần, tuy nhiên trong quá trình phát triển chỉ có 4 sâu bướm sống sót để thành nhộng và khoảng 2 nhộng phát triển thành bướm. Ấu trùng nở sau 2 - 3 tuần, phát triển đạt độ dài 11,5 cm, màu nâu tối, thân có nhiều điểm nâu đen li ti dày đặc, phủ phấn trắng, mặt lưng có nhiều hàng lông ứng dạng gai màu xanh thẫm, gần hậu môn có một vệt xanh tím. Ấu trùng ăn lá, chồi non của nhiều loại cây rừng và cây ăn quả như Xú xuân Ailanthus glandulosa, Hoàng liên gai Berberis sp., Khế Averrhoa sp.... Nhộng vũ hóa sau 4 tuần, đôi khi có thể kéo dài tới 1,5 năm.

Ấu trùng (Nguồn: http://www.wikiwand.com/vi/Bướm_khế) và Nhộng (Nguồn: http://www.wikiwand.com/vi/ Bướm_khế)

Ở Việt Nam, loài Bướm khế hiếm gặp, đã được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam, trang 393, năm 2000. Theo thông tin từ Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã - WAR (Wildlife At Risk) vào tháng 11 năm 2013, loài bướm này không có tên trong Sách đỏ Việt Nam nhưng được xếp bậc Hiếm (Rare) trong Sách đỏ Thế giới IUCN (Nguồn: http://www.wildlifeatrisk.org/upload/download/1390450123.Buom_khe.pdf). Chúng xuất hiện thỉnh thoảng trong rừng núi, đồng bằng, vườn, nhà ở tại các khu vực nông nghiệp ở nước ta và ngày càng hiếm. Trên thế giới chúng được ghi nhận ở Quảng Tây, Trung Quốc, từ Ấn Độ đến Đông Nam Á.

Mặt dưới cánh của bướm đực

Để bảo vệ môi trường sống của Bướm khế và các loài côn trùng quý hiếm khác cần hạn chế dùng thuốc trừ sâu trong hoạt động nông nghiệp và không săn bắt chúng. Đây là nguồn gen quý hiếm ở Việt Nam, đề nghị bảo vệ loài trong tự nhiên. Để bảo tồn nguồn gen quý hiếm và bảo vệ đa dạng sinh học của rừng ngập mặn Cần Giờ, húng ta hãy cùng chung tay bảo vệ Bướm khế và các loài động vật quý hiếm như chúng./.

Đặng Ngọc Hiệp

Phòng Quản lý Phát triển tài nguyên