Nhiều người đái tháo đường dần mất thị lực nhưng không biết

Darkrose
Nhiều người đái tháo đường dần mất thị lực nhưng không biết

Mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận hơn 200 người bệnh đái tháo đường biến chứng võng mạc, nhiều trường hợp nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn.

Bệnh võng mạc đái tháo đường là một nguyên nhân chính gây mù, đặc biệt ở người bệnh trưởng thành trong lứa tuổi lao động.

Nhiều người đái tháo đường dần mất thị lực

Hoãn kế hoạch mang thai để tránh bị mù

Trung bình 1 tháng, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, có khoảng 2.000 người bệnh đái tháo đường đến khám, trong đó khoảng 10% người bệnh bị bệnh võng mạc đái tháo đường. Không ít trường hợp bị biến chứng nặng, mắt nhìn mờ, nguy cơ cao bị mất thị lực. Nhưng phần lớn người bệnh không biết mình có vấn đề về mắt, chỉ khi được tầm soát biến chứng mới được phát hiện.

Điển hình, trường hợp chị P.T.M. (30 tuổi, Bình Dương) khám sức khỏe sinh sản tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM để thực hiện thụ tinh nhân tạo. Kết quả xét nghiệm ghi nhận đường huyết cao nên chị được chỉ định khám khoa Nội tiết - Đái tháo đường.

Bác sĩ CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết chị M. không thể mang thai trong thời điểm này do kết quả xét nghiệm cho thấy chị M. bị bệnh thận đái tháo đường và kết quả chụp đáy mắt huỳnh quang bị bệnh võng mạc tăng sinh do đái tháo đường - một tình trạng nặng có thể gây mất thị lực (mù). Nếu người bệnh mang thai vào thời điểm này, gây khó khăn trong điều trị, nguy cơ rất cao sẽ bị mất thị lực.

Chị M. cho biết chị bị đái tháo đường type 1 hơn 20 năm, do bị cận thị nên khi mờ mắt chị không nghĩ do biến chứng đái tháo đường. Để tránh mất thị lực, chị M. đành trì hoãn kế hoạch mang thai.

Đây không phải trường hợp đầu tiên phát hiện bệnh võng mạc đái tháo đường ở giai đoạn “cần kề mù lòa”.

Trường hợp tương tự, ông P.V.H. (64 tuổi, Đồng Tháp) đến khám và khi chụp đáy mắt huỳnh quang phát hiện biến chứng võng mạc đái tháo đường giai đoạn tăng sinh. Nếu ông H. không phát hiện biến chứng sớm có thể dẫn đến mất thị lực.

Bác sĩ đang giải thích cơ chế gây ra biến chứng đái tháo đường
Bác sĩ CKI Võ Trần Nguyên Duy đang giải thích cơ chế gây ra biến chứng đái tháo đường.

Chị N.T.T. (39 tuổi, TP.HCM) cùng mẹ đi khám đái tháo đường định kỳ. Bác sĩ phát hiện mẹ chị T. bị biến chứng võng mạc tăng sinh do đái tháo đường. Nhờ đó, bà được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng hơn.

Cả ông H. và mẹ chị T. đều có các dấu hiệu mờ mắt trước đó, nhưng không chủ động khám mắt, đến khi bác sĩ chỉ định cần tầm soát biến chứng đái tháo đường mới phát hiện ra bệnh.

Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường tùy vào tình trạng mỗi người bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Mục đích điều trị nhằm giảm diễn tiến của bệnh, khắc phục các triệu chứng, bảo vệ thị lực cho người bệnh.

Mất thị lực do đái tháo đường rất khó lấy lại được

Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có hơn 55% người bị đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 34% biến chứng về tim mạch; 24% biến chứng về thận.

Trong bài báo cáo khoa học “Tỷ lệ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường trên toàn cầu và dự báo gánh nặng đến năm 2045: Đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp” được đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy có 22,27% (103,2 triệu) người bệnh đái tháo đường trên thế giới có biến chứng võng mạc đái tháo đường, 6,17% (28,54 triệu) người bị võng mạc đái tháo đường tăng sinh, 4,07% (18,83 triệu) bị phù hoàng điểm. Dự kiến đến năm 2045, con số này ​​sẽ tăng lên lần lượt là 160,5 triệu; 44,82 triệu và 28,61 triệu người mắc bệnh.

Do đường huyết tăng cao thời gian dài mà không được chữa trị đúng cách ở người đái tháo đường, gây biến chứng lên mạch máu lớn và mạch máu nhỏ. Biến chứng mạch máu nhỏ ở người đái tháo đường là nguyên nhân chính gây bệnh võng mạc đái tháo đường. Các mạch máu nhỏ ở võng mạc bị tổn thương, rò rỉ, từ đó đáy mắt sẽ hình thành các mạch máu mới nhỏ và mỏng manh, dễ vỡ, gây xuất tiết, xuất huyết, tổn thương đến nhiều cơ quan trong mắt.

Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao hơn bị mắc bệnh võng mạc đái tháo đường khi: bị bệnh đái tháo đường lâu năm mà kiểm soát đường huyết không tốt, cholesterol cao, tăng huyết áp…

Những biểu hiện biến chứng bệnh võng mạc đái tháo đường diễn ra âm thầm, khó nhận biết trong giai đoạn đầu. Phần lớn, người bệnh phát hiện biến chứng đáy mắt ở giai đoạn nặng, có nguy cơ mù lòa cao.

Bác sĩ đang chụp đáy mắt tầm soát biến chứng bệnh võng mạc
Thạc sĩ bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, BVĐK Tâm Anh TP.HCM đang chụp đáy mắt tầm soát biến chứng bệnh võng mạc đái tháo đường.

Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có các triệu chứng bao gồm:

  • Tầm nhìn mờ hoặc lượn sóng.
  • Tầm nhìn thường xuyên thay đổi.
  • Khả năng nhận diện màu sắc kém.
  • Xuất hiện đốm đen trên tầm nhìn.
  • Xuất hiện ánh sáng hay lóe sáng khi nhìn.
  • Xuất hiện vùng tối hoặc mất thị lực (mù lòa).

Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ diễn tiến thành các biến chứng nặng như:

  • Các tổn thương tại hoàng điểm làm hình ảnh mắt thu được méo mó, thiếu máu hoàng điểm gây mất thị lực trung tâm, điều trị khó khăn.
  • Tăng sinh tân mạch gây xuất huyết dịch kính, bong võng mạc co kéo, tăng nhãn áp tân mạch (glôcôm tân mạch), mất thị lực vĩnh viễn.

Để phòng ngừa mắc bệnh võng mạc đái tháo đường, người bệnh nên có kế hoạch kiểm soát đường huyết tốt. Mục tiêu là kiểm soát đường huyết gồm HbA1c (chỉ số đường huyết trung bình mỗi 3 tháng) dưới 7%, đường huyết trước ăn 80-130 mg/dl, đường huyết sau ăn 1-2 giờ nhỏ hơn 180 mg/dl. Người bệnh cần kết hợp điều trị các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Người bệnh khi đã phát hiện bệnh võng mạc đái tháo đường nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa Mắt mỗi 3 tháng 1 lần.

Thạc sĩ bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết bệnh võng mạc đái tháo đường có 2 giai đoạn: giai đoạn không tăng sinh, giai đoạn tăng sinh, phù hoàng điểm (có thể xảy ra trong cả giai đoạn tăng sinh hay không tăng sinh). Trong đó, giai đoạn tăng sinh và phù hoàng điểm có nguy cơ cao gây mất thị lực. Mất thị lực do bệnh võng mạc đái tháo đường điều trị lấy lại thị lực là rất khó khăn. Mục tiêu điều trị võng mạc đái tháo đường nhằm ngăn mạch máu tăng sinh, tránh tình trạng diễn tiến nặng hơn gây mất thị lực.

Tùy vào tình trạng bệnh mỗi người, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nguyên tắc chung là kết hợp điều trị nội khoa và laser dự phòng mất thị lực, điều trị phẫu thuật khi đã xảy ra biến chứng mất thị lực.

Người bệnh đái tháo đường type 2 nên khám tầm soát biến chứng mắt ngay thời gian đầu phát hiện bệnh. Sau đó, duy trì kiểm tra sức khỏe mắt thường xuyên trong năm. Người bệnh đã có biến chứng của mắt nên đi khám theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Mắt.