Bệnh mạch vành sống được bao lâu? Làm thế nào để sống chung với bệnh?

Darkrose

Bệnh mạch vành sống được bao lâu? Tuổi thọ của những người mắc bệnh động mạch vành phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của tình trạng tắc hẹp và cách điều trị. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán kịp thời, điều trị thích hợp và theo dõi chặt chẽ sau điều trị, phần lớn những người mắc bệnh động mạch vành có thể sống lâu.

bệnh mạch vành sống được bao lâu

Bệnh mạch vành sống được bao lâu?

Động mạch vành là động mạch đưa máu đến nuôi cơ tim. Có 3 nhánh lớn: nhánh liên thất trước, nhánh mũ và nhánh bên phải. Khi một nhánh mạch vành bị tắc hẹp, cơ tim sẽ hoại tử 1 phần, suy tim sẽ xuất hiện. Mức độ suy tim sẽ nặng dần lên theo số lượng nhánh mạch vành bị tắc. Khi cả 3 động mạch vành tắc hết, tim sẽ ngừng đập, con người sẽ tử vong. (1)

Quá trình xơ vữa động mạch vành là quá trình tự nhiên, diễn ra mỗi ngày bên trong động mạch. Chính quá trình xơ vữa động mạch gây hẹp lòng động mạch vành. Tốc độ hẹp sẽ chậm lúc còn trẻ và rất nhanh ở tuổi già. Tốc độ hẹp chậm ở người không có bệnh kèm theo, ăn uống và tập luyện tốt. Tốc độ hẹp sẽ tăng nhanh ở những người có nhiều bệnh kèm theo: Tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, tăng LDL, triglyceride trong máu, ít tập luyện.

Nhìn vào thực tế: có người sống thọ đến 130 tuổi, thọ 100 tuổi hoặc 75 tuổi. Khi giải phẫu tử thi, các nhà khoa học thấy rằng, mạch vành cũng đã hẹp hoặc tắc gần hoàn toàn. Theo BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, 3 bài toán đơn giản tính tốc độ hẹp mạch vành của 3 nhóm người trên là:

  • Nếu người đó sống thọ 130 tuổi-Hẹp hết 100%. Khi đó, bài toán tính tốc độ hẹp là 100%/130 tuổi cho kết quả 0.8%/năm.
  • Nếu người đó sống thọ 100 tuổi-Hẹp hết 100%. Bài toán tính tốc độ hẹp là 100%/100 tuổi cho kết quả 1%/năm.
  • Nếu người đó sống thọ 75 tuổi-Hẹp hết 100%. Bài toán tính tốc độ hẹp sẽ là 100%/75 tuổi cho kết quả 1,4%/năm.

Từ kết quả trên, muốn sống khỏe lâu, sống thọ phải làm giảm tốc độ gây xơ vữa, tốc độ gây hẹp mạch vành. Tuy nhiên, đó là các trường hợp hẹp mạch vành ổn định, mạn tính. Trong thực tế, còn có một số trường hợp cấp tính: Nhồi máu cơ tim cấp tính, xảy ra đột ngột, cấp tính gây tử vong rất nhanh

Bệnh động mạch vành (CAD) là loại bệnh tim mạch phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ. Khoảng 18,2 triệu người Mỹ trưởng thành mắc CAD và căn bệnh này đã gây tử vong cho hơn 370.000 người vào năm 2019. Mỗi năm, khoảng 800.000 người Mỹ bị đau tim và cứ 3 trong số 4 người thì đây là lần đầu tiên họ bị đau tim. Khoảng 12% người bị đau tim tử vong và tình trạng này phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. (2)

Những yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của bệnh nhân mạch vành

1. Yếu tố nguy cơ

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long cho biết, chúng ta không thể ngăn hoàn toàn quá trình xơ vữa động mạch. Chúng ta chỉ có khả năng làm giảm, làm chậm lại quá trình xơ vữa, bằng cách khống chế tất cả 12 yếu tố nguy cơ làm cho quá trình xơ vữa động mạch phát triển nhanh, bao gồm:

  • Tuổi càng cao, quá trình xơ vữa càng nhanh, mạnh hơn và càng dễ bị nhồi máu cơ tim hơn.
  • Tiền sử bản thân đã phát hiện một động mạch trong cơ thể bị tắc do bệnh lý như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đặt stent động mạch vành, đặt stent động mạch chân hoặc chụp CT phát hiện hẹp trên 50% mạch vành, mạch máu ngoại biên, động mạch cảnh…
  • Tiền sử trong gia đình, có người đột tử trước 55 tuổi, nghi ngờ do bất thường ở tim.

Ba yếu tố này không thay đổi được, nhưng nếu ai có các yếu tố này phải thật sự nghiêm túc kiểm soát 9 yếu tố có thể thay đổi được sau đây:

  • Thuốc lá: tinh thể khói thuốc là cacbon và các hóa chất gây co thắt động mạch vành, gây chết tế bào nội mạc, gây xơ vữa động mạch và hẹp động mạch lan tỏa. Điều này làm cản trở cho việc nong mạch hay phẫu thuật bắc cầu động mạch sau này.
  • Béo phì: Đây là yếu tố nguy cơ chủ yếu làm tăng nặng bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa xương khớp, cản trở tập luyện và ung thư. Tất cả sẽ làm cho quá trình xơ vữa động mạch tiến triển nhanh.
  • Tăng huyết áp: huyết áp cao gây tổn thương nội mạch ở các chỗ chia đôi, khởi động quá trình xơ vữa. Huyết áp cao còn có thể gây ép khối mỡ xấu LDL cholesterol nhanh chóng xâm nhập vào sâu trong thành mạch, gây xơ vữa nhanh hơn. Giữ cho huyết áp ổn định thấp (<130 mmHg) sẽ ít biến chứng hơn huyết áp cao (>130-139 mmHg).
  • Đái tháo đường với đường huyết tăng cao sẽ khiến lớp tế bào nội mạc bị chết nhanh hơn, gây xơ vữa động mạch nhanh.
  • Trị số LDL cholesterol tăng cao trong máu là nguyên nhân chính gây xơ vữa. LDL-C luôn có mặt trong máu từ khi mới sinh ra đời. Tùy vào bệnh kết hợp: tăng huyết áp, đái tháo đường, đã đặt stent, tiền sử nhồi máu cơ tim… sẽ quyết định cần hạ LDL đến bao nhiêu là đạt mục tiêu. Khi khám bệnh, người bệnh nên hỏi bác sĩ để biết rõ trị số LDL-C của mình bao nhiêu và mục tiêu LDL-C cần đạt là bao nhiêu, để cùng với bác sĩ hợp sức đẩy lùi quá trình xơ vữa phía trong động mạch.
  • Chế độ ăn uống không cân đối, thiếu khoa học
  • Chế độ tập luyện không đầy đủ
  • Chế độ làm việc và thần kinh căng thẳng cũng ảnh hưởng lên quá trình xơ vữa động mạch
  • Trị số CRP (C reactive protein) siêu nhạy trong máu.

Theo như phân tích trên, trong thực tế có người sống thọ 130, 100, 75 tuổi. Muốn sống khỏe, sống thọ, phải làm giảm tốc độ xơ vữa hay tốc độ gây hẹp mạch vành. Điều đó có nghĩa mỗi người cần kiểm soát chặt chẽ 12 yếu tố nguy cơ kể trên. Hãy khám và tư vấn bác sĩ để biết rõ tất cả các yếu tố của bản thân. Tùy từng đối tượng người bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số kiểm tra đánh giá tình trạng động mạch vành như: (3)

  • Từ 30-40 tuổi: Quản lý hồ sơ theo 12 yếu tố trên, mỗi 6-12 tháng đánh giá lại 1 lần.
  • Từ >40 tuổi, cần đánh giá mức độ hẹp mạch vành:
    • Không hẹp mạch vành
    • Có hẹp mạch vành 40-90%. Ngoài đánh giá 12 yếu tố trên và test chức năng mạch vành mỗi 6-12 tháng. Nếu test chức năng dương tính, cần tái thông mạch vành (nong đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu).
    • Có hẹp mạch vành >90%. Phương pháp điều trị sẽ là nong các nhánh mạch vành đã hẹp; đồng thời tiếp tục đánh giá 12 yếu tố và test chức năng mạch vành mỗi 6-12 tháng.

Theo BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, để đánh giá hẹp mạch vành, cần kết hợp hình ảnh học và test chức năng để giúp xác định chính xác nhánh mạch vành nào cần tái thông. Theo đó, phương pháp hình ảnh học (chụp CT mạch vành có cản quang, thông tim chụp mạch vành ít xâm lấn) sẽ cho biết mức độ hẹp bao nhiêu %.

Bài test chức năng mạch vành xem mức độ hẹp còn đủ sức nuôi cơ tim không, gồm: ECG gắng sức, siêu âm tim gắng sức xe đạp bàn nghiêng, siêu âm tim truyền thuốc Dobutamin, chụp MRI kết hợp thuốc Adenosin, đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành (iFR/FFR).

bệnh lý tim mạch phổ biến nhất
Bệnh động mạch vành là loại bệnh tim phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

2. Bệnh lý đi kèm

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long cho biết, tình trạng hẹp mạch vành có liên quan mật thiết với các bệnh lý sau:

  • Cholesterol cao: Xơ vữa động mạch có tỷ lệ mắc cao khi có quá nhiều cholesterol xấu (hay được gọi là cholesterol lipoprotein mật độ thấp - LDL) trong máu và không đủ cholesterol tốt - lipoprotein mật độ cao (HDL).
  • Bệnh đái tháo đường: Làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh động mạch vành có chung một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như béo phì và huyết áp cao.
  • Bệnh thận mãn tính: Nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao, đặc biệt là người bệnh thận lâu năm.
  • Tăng huyết áp: Các động mạch vành trở nên hẹp và làm chậm lưu lượng máu khi tăng huyết áp không được kiểm soát.

3. Lối sống

  • Hút thuốc là: Điều này rất có hại cho sức khỏe tim mạch và nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn đáng kể ở những người hút.
  • Thừa cân hoặc béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, dẫn đến bệnh tiểu đường type 2 và tăng huyết áp.
  • Không tập thể dục: Lối sống ít vận động có liên quan đến bệnh động mạch vành và một số yếu tố nguy cơ.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn quá nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, muối và đường. Điều này làm làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.

4. Tâm lý

Quá nhiều áp lực, trong đó căng thẳng cảm xúc có thể làm hỏng các động mạch và làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác đối với bệnh động mạch vành.

5. Tiền sử gia đình

Tiền sử gia đình mắc bệnh tim khiến bạn dễ mắc bệnh động mạch vành hơn. Nếu có người thân là cha mẹ, anh chị em ruột mắc bệnh tim khi còn trẻ, chẳng hạn cha hoặc anh trai mắc bệnh tim trước 55 tuổi hoặc nếu mẹ hoặc chị gái mắc bệnh này trước 65 tuổi, bạn cần đi tầm soát bệnh mạch vành sớm để được chẩn đoán và theo dõi chặt chẽ.

Bệnh mạch vành có thể chữa khỏi hoàn toàn không?

Có hai dạng chính của bệnh động mạch vành: (4)

  • Bệnh tim thiếu máu cục bộ ổn định: Đây là dạng bệnh mạch vành mạn tính. Động mạch vành dần thu hẹp trong nhiều năm. Theo thời gian, tim nhận được ít máu giàu oxy hơn. Người bệnh có thể cảm thấy một số triệu chứng nhưng vẫn sống chung với tình trạng này hàng ngày.
  • Hội chứng vành cấp: Các mảng bám trong động mạch vành đột nhiên vỡ ra và tạo thành cục máu đông, ngăn chặn dòng máu chảy đến tim. Sự tắc nghẽn đột ngột này gây nên một cơn đau tim (nhồi máu cơ tim).

Xem thêm: Bệnh mạch vành có chữa khỏi được không? Phương pháp điều trị nào hiệu quả?

Các triệu chứng của bệnh tim mạch vành có thể khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, do nhiều người không có triệu chứng nên không biết mình mắc bệnh tim mạch vành; cho đến khi bị đau ngực, dòng máu đến tim bị tắc nghẽn, gây ra cơn đau tim hoặc tim đột ngột ngừng hoạt động (hay còn gọi là ngừng tim).

Bệnh động mạch vành không thể chữa khỏi nhưng người bệnh có thể kiểm soát tình trạng của mình và ngăn bệnh tiến triển nhanh hơn. Điều quan trọng là tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ để có được cơ hội sống một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh nhất. Theo BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, để giảm nguy cơ đau tim hoặc bệnh tim nặng hơn, mỗi người cần:

  • Thay đổi lối sống, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh hơn (ít muối, chất béo hơn); tăng cường hoạt động thể chất, đạt cân nặng khỏe mạnh và bỏ thuốc lá.
  • Điều trị các yếu tố nguy cơ đối với bệnh mạch vành như: cholesterol cao, tăng huyết áp hoặc nhịp tim không đều…
  • Chủ động tầm soát bệnh mạch vành và thực hiện nong mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành để giúp khôi phục lưu lượng máu đến tim.
đặt stent nong mạch máu
Các bác sĩ Trung tâm Can thiệp mạch, BVĐK Tâm Anh tiến hành nong mạch vành, tái thông dòng máu nuôi tim cho người bệnh.

Lưu ý cho bệnh nhân mạch vành

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long khuyến nghị, để phòng ngừa tắc hẹp mạch vành tiến triển nhanh hoặc tái hẹp sau đặt stent mạch vành dẫn đến tái phát nhồi máu cơ tim, người bệnh cần lưu ý:

1. Bỏ thuốc lá, rượu bia

Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia có thể gây hại cho tim, đẩy nhanh tiến trình hẹp mạch vành và có nguy cơ tắc hẹp sau đặt stent cao. Người bệnh mạch vành cần kiêng thuốc lá và hạn chế uống rượu bia.

2. Chế độ ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn khoa học, lành mạnh là tránh các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, muối và đường. Thay vào đó, thực đơn cần cân đối những thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt (như bánh mì và gạo lứt), cá, rau xanh, trái cây…

3. Kiểm soát cân nặng hợp lý

Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về cân nặng lý tưởng, đặt ra các mục tiêu có thể quản lý được cho đến khi đạt được cân nặng phù hợp. Tránh chế độ ăn kiêng ngắn hạn, thay vào đó là thay đổi lối sống hợp lý để duy trì cân nặng lý tưởng trong thời gian dài.

4. Tập thể dục

Tập thể dục có kế hoạch và có chủ đích. Điều quan trọng là cố gắng tập thể dục khoảng 150 phút mỗi tuần (ví dụ: đi bộ 30 phút vào năm ngày trong tuần). Ngoài ra, các hoạt động di chuyển khác cũng được khuyến khích, như đi bộ một vòng quanh nhà, đi bộ tại chỗ… Càng di chuyển nhiều thì càng tốt cho trái tim. Tuy nhiên, người bệnh cần trao đổi trước với bác sĩ về các hoạt động cũng như mức độ gắng sức an toàn cho người bệnh.

5. Uống thuốc đúng chỉ định

Thuốc rất cần thiết trong việc giảm nguy cơ tiến triển bệnh động mạch vành và ngăn ngừa các cơn đau tim nếu như được chẩn đoán hẹp động mạch vành, sau khi đặt stent… Nhiều loại thuốc được kê đơn và sử dụng lâu dài. Điều quan trọng là người bệnh phải uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn để theo dõi chặt chẽ tiến triển bệnh, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

tuân thủ phác đồ điều trị
Người bệnh mạch vành cần tuân thủ điều trị để được kiểm soát bệnh chặt chẽ, phòng biến chứng nguy hiểm.

6. Ngủ đủ giấc

Hầu hết người trưởng thành cần 7-9 giờ ngủ chất lượng mỗi đêm. Tình trạng ngủ quá ít đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Nếu lịch trình làm việc, nuôi dạy con cái và các nghĩa vụ khác khiến người bệnh không được nghỉ ngơi đầy đủ. Lúc này, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về phương pháp điều trị nhằm có được giấc ngủ đầy đủ, chất lượng để tăng cường sức khỏe tim mạch tốt nhất.

Được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như máy siêu âm tim và mạch máu 4D hiện đại, máy chụp cộng hưởng từ 1,5 - 3 Tesla, máy chụp MSCT tim và động mạch vành 768 lát cắt, hệ thống chụp can thiệp mạch số hóa xóa nên (DSA) trang bị cánh tay robot xoay 360 độ, hệ thống chụp cắt lớp quang học mạch vành, siêu âm trong lòng mạch, khoan cắt mảng xơ vữa bằng mũi khoan phủ kim cương…, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh tim mạch cho người lớn và trẻ em bằng kỹ thuật tiên tiến hàng đầu.

Để đặt lịch khám tại Trung tâm Tim mạch, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, bạn vui lòng liên hệ:

Người bệnh mạch vành sống được bao lâu tùy thuộc vào quá trình kiểm soát bệnh bao gồm: tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống, thói quen ăn uống, sinh hoạt có hại… Với những tiến bộ của y học, bệnh mạch vành hoàn toàn có thể được quản lý tốt và người bệnh có thể sống lâu, sống khỏe.