Tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

Darkrose
Tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

(binhthuan.gov.vn) Sáng 15/4, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Tham dự về phía tỉnh Bình Thuận có Chủ tịch UBND tỉnh - Đoàn Anh Dũng; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, có vai trò quan trọng là cầu nối kinh tế, quốc phòng giữa vùng Bắc Trung Bộ với Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giữa đất liền với các quần đảo; được xác định là một trong 4 vùng trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Trong những năm qua, TP. Hồ Chí Minh và 06 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Các tỉnh, thành đã bám sát và tích cực triển khai thực hiện các nội dung đã thỏa thuận hợp tác, tạo được những chuyển biến tích cực, như: Xúc tiến thu hút các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh vào các lĩnh vực hạ tầng khu, cụm công nghiệp, thương mại đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm của TP. Hồ Chí Minh và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; nhất là đã đưa được các sản phẩm lợi thế của các tỉnh vào các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh. Trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước; trao đổi và đạt được các thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội mà TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh quan tâm. Sự gắn kết, phối hợp giữa các sở, ngành chức năng các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp địa phương trong liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối và là cầu nối kết nối giao thương, cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường khu vực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng mạng lưới phân phối gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động…

Việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và TP. Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 xảy ra, việc hợp tác với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã giải quyết nhiều sự vụ phát sinh, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, cơ bản chuẩn bị đủ nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người dân.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - Đoàn Anh Dũng cho biết, Bình Thuận có vị trí là “cầu nối” giữa các vùng Đông Nam bộ - Tây Nguyên - Nam Trung bộ, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rất thuận lợi để giao thương, kết nối phát triển kinh tế xã hội. Trong những năm qua, Bình Thuận đã tích cực tham gia các chương trình hợp tác phát triển giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam miền Trung nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thông qua việc thực hiện các chương trình hợp tác, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Để các chương trình hợp tác, phát triển giữa TP. Hồ Chí Minh và 06 tỉnh thuộc vùng Duyên hải miền Trung khu vực phía Nam ngày càng hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh - Đoàn Anh Dũng đã đề xuất một số giải pháp như: Cần nghiên cứu thành lập Hội đồng điều phối liên kết vùng nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện, tối ưu hóa lợi ích trong liên kết vùng. Tập trung phát triển lợi thế về du lịch, nhất là du lịch biển để khai thác lợi thế của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và tiềm năng khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh hỗ trợ, đưa các sản phẩm đặc trưng, lợi thế, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh vào các hệ thống phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cùng với đó, sớm xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu để cập nhật các thông tin về quy hoạch và các cơ chế, chính sách mới của các địa phương, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, nội vùng và liên vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết Bình Thuận mong muốn được tiếp tục hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ, trong đó, tập trung phát triển thế mạnh du lịch, ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; khuyến khích đầu tư các dự án công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng đổi mới công nghệ hướng đến nền công nghiệp xanh; hỗ trợ các hoạt động đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vào thị trường TP. Hồ Chí Minh và quan tâm phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Bình Thuận cam kết phối hợp thực hiện các chương trình hợp tác phát triển với tinh thần trách nhiệm cao nhất, chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đồng hành, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Bình Thuận.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - Phan Văn Mãi đánh giá việc ký kết 5 nội dung chung và những nội dung riêng đặc thù cho từng địa phương là rất phù hợp. Liên quan đến đề xuất về điều phối các ký kết, ông Phan Văn Mãi đề nghị mỗi địa phương cử một lãnh đạo tham gia vào Hội đồng điều phối và cử một cơ quan thường trực công tác này. Bên cạnh đó, trong 5 nội dung ký kết cũng giao một sở chuyên ngành để phụ trách. Riêng TP. Hồ Chí Minh sẽ chịu trách nhiệm hệ thống lại toàn bộ nội dung chương trình và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Thành phố cũng sẽ thành lập nền tảng số để cập nhật những thông tin về những kết quả hợp tác và trao đổi thông tin thường xuyên với các địa phương.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, lực lượng chuyển hóa hiệu quả nhất các chương trình hợp tác thành các sản phẩm cụ thể, đóng góp cho sự phát triển chính là doanh nghiệp. Vì vậy, chính quyền các tỉnh cần đồng hành cùng các doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 5 lĩnh vực đã ký kết, TP. Hồ Chí Minh sẽ quan tâm triển khai hợp tác triển khai y tế, giáo dục. Kế đến là hoạt động xúc tiến tiêu thụ hàng hóa ở TP. Hồ Chí Minh. Vấn đề cuối cùng là phát triển logictis. TP. Hồ Chí Minh sẽ chuẩn bị lực lượng, nguồn lực để cùng các địa phương triển khai. Đồng thời, mong lãnh đạo các địa phương quan tâm để triển khai chương trình hợp tác, mang lại hiệu quả cụ thể góp phần vào sự phát triển của từng địa phương.

Tại hội nghị, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã ký Bản thỏa thuận Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2023-2025.

Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo UBND các tỉnh

TT Dân