Cách chọc thai nhi đạp giúp bé phát triển trí não và phản xạ tốt

Darkrose
Cách chọc thai nhi đạp giúp bé phát triển trí não và phản xạ tốt

Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ đưa ra những cách chọc thai nhi đạp tốt nhất để giúp bé tăng sự vận động và có sự phát triển tốt về trí não. Các mẹ bầu hãy tham khảo ngay nhé!

Thai nhi biết đạp ở tuần thai thứ mấy?

Thời gian thai nhi bắt đầu đạp phụ thuộc khá nhiều vào số lần mẹ mang thai trước đó. Nếu là con đầu lòng, thời gian thai nhi bắt đầu đạp sẽ rơi vào tuần thai thứ 15 đến tuần thai thứ 22 của thai kỳ. Nhưng thực tế cho thấy phần lớn chị em sẽ cảm nhận được con đạp vào tuần thứ 18 đến 20 của thai kỳ. Còn nếu mẹ mang thai từ lần thứ 2 trở đi thì rất có thể sẽ cảm nhận được con đạp sớm hơn.

Rất bình thường nếu mẹ cảm thấy con đạp khoảng 10 lần trong 2 giờ. Tuy nhiên, các mẹ cũng không cần quá quan trọng số lần con đạp đồng thời cũng không nên so sánh số lần con mình đạp với những mẹ bầu khác mà thay vào đó hãy chú tâm đến những thói quen chuyển động của bé. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về chuyển động của bé, mẹ hãy đến ngay các phòng khám sản khoa để kiểm tra.

Khi nào mẹ cảm nhận được bé đạp?

Biết được tần suất đạp trung bình của thai nhi rồi, vậy khi nào mẹ sẽ cảm nhận được bé đạp trong bụng mình? Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia, thông thường em bé sẽ đạp nhiều vào ban đêm khi mà không gian yên tĩnh. Ngoài ra, cũng có rất nhiều trường hợp em bé sẽ đạp nhiều vào buổi sáng khi không gian bên ngoài ồn ào và náo nhiệt.

Người mẹ có thể cảm nhận được thai nhi đạp nhiều ở phía trước hoặc bên hai hông bụng. Đặc biệt, nếu siêu âm và xét nghiệm ở tuần thai thứ 20 cho thấy nhau thai nằm ở phía trước, mẹ hãy tập trung chú ý con đạp ở phần dưới bụng và hai bên hông. Đến những tháng cuối của thai kỳ, mẹ có thể cảm nhận thai nhi đạp gần cửa mình do bé càng lớn càng tung ra những cú đạp mạnh mẽ nên có thể gây đau cửa mình cho mẹ.

Từ tuần thứ 32, mẹ có thể cảm nhận thời gian ngủ của con thông qua những cú đạp. Thời gian này có thể không tương thích với thời gian ngủ của mẹ nhưng sẽ có một phần tương thích với thời gian ngủ của con khi chào đời.

Cách chọc thai nhi đạp để bé phát triển trí não và phản xạ tốt

Mẹ đừng lo lắng khi chưa thấy thai nhi đạp, hãy thử áp dụng một số cách dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để chọc thai nhi đạp và kích thích các phản xạ của bé:

Uống một ly nước mát

Sau tuần thứ 18 - 20 mà mẹ bầu vẫn chưa cảm nhận được thai nhi đạp thì hãy uống ngay ly nước mát để đánh thức bé. Nước mát có thể khiến bé cựa quậy để tìm nơi ấm áp hơn. Nếu mẹ muốn cảm nhận phản xạ mạnh hơn thì hãy lấy một túi nước mát chườm lên bụng bầu. Em bé sẽ tung những cú đạp mạnh mẽ hơn, mẹ cũng sẽ có cảm nhận rõ hơn về từng chuyển động của con yêu.

Uống nước mía, nước ép trái cây

Nước mía có tác dụng rất tốt đối với nước ối đang có trong tử cung của mẹ. Bên cạnh đó, nước mía cũng làm thức tỉnh thai nhi đang ngủ trong bụng mẹ nhờ lượng đường mà nó cung cấp vào máu. Do đó, nếu không cảm thấy những cú đạp của con, mẹ hãy uống một cốc nước mía nhỏ một cách từ từ.

Nếu nước mía và nước lọc quá nhàm chán, mẹ có thể thay vào đó một cốc nước ép trái cây mát lạnh. Gợi ý tốt nhất cho mẹ bầu là nước sữa chua hoặc sữa trái cây, lưu ý là không nên sử dụng loại nước ép được đóng hộp, đóng chai.

Mẹ dùng ngón tay ấn nhẹ vào bụng

Mẹ đừng dùng cả bàn tay ấn vào bụng khi thấy con không đạp. Hãy dùng ngón tay ấn nhẹ nhàng để không gây tổn thương cho em bé.

Đây cũng là một kỹ thuật mà bác sĩ sản khoa hay dùng ở mỗi lần khám thai. Sau khi thai nhi cảm nhận được sự tiếp xúc thì sẽ đáp ứng lại bằng cách chuyển động hoặc đạp nhẹ.

Tư thế nằm nghiêng sang trái

Khi nằm nghiêng sang trái, lượng máu trong cơ thể và nguồn dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi sẽ được tăng lên. Vì vậy khi mẹ nằm nghiêng sang trái, thai nhi phải cử động nhiều hơn để kịp thời thích nghi với sự trao đổi này.

Theo nhiều nghiên cứu sản khoa, tư thế nằm nghiêng sang trái là tốt nhất cho thai. Với tư thế nằm như vậy, có thể tránh được các nguy cơ chèn ép tử cung và tĩnh mạch chủ dưới, giảm lưu lượng máu về tim gây giảm lưu lượng tim, đồng thời nó cũng giúp tránh hiện tượng phù tay, phù chân cho mẹ bầu.

Tuy đây là một tư thế tốt cho cả mẹ và con nhưng mẹ bầu cũng không nên quá gượng ép bản thân. Mẹ vẫn có thể nằm các tư thế khác như nghiêng sang phải để tránh bị mỏi. Còn khi mẹ muốn kiểm tra khả năng quẫy đạp của con thì hãy nằm nghiêng sang trái.

Hát cho thai nghe

Một cách khá nhanh nhạy giúp mẹ kích thích sự vận động của bé đó là lời ru của mẹ và tiếng nói của bố. Thai nhi rất nhạy cảm, vì thế nếu không thấy bé con đạp thì mẹ hãy thử chọn một nơi yên tĩnh, cất lời ru cho con nghe. Bố cũng có thể đặt tay lên bụng mẹ và trò chuyện với con để đánh thức bé.

Tuy nhiên, bố mẹ cũng nên lưu ý là không nên nói với âm thanh quá lớn và khi trò chuyện, hát ru hãy trực tiếp áp vào tai bụng để tránh làm tổn thương đến thính giác của thai nhi.

Chiếu đèn pin vào bụng bầu

Sau tuần thứ 28, thai nhi trong bụng sẽ rất nhạy cảm với ánh sáng bên ngoài. Do vậy, ánh sáng có thể đánh thức sự vận động của bé. Tuy nhiên, mẹ cũng cần giữ khoảng cách thích hợp khi dùng đèn chiếu vào bụng. Bố mẹ cũng cần chiếu sáng với cường độ vừa phải để tránh ảnh hưởng đến thị giác của con sau này.

Nếu bố mẹ đã dùng rất nhiều cách nhưng vẫn không thấy em bé đạp thì hãy đến ngay các cơ sở sản khoa để thăm khám. Bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra những phương pháp đặc trị tốt nhất cho từng trường hợp.

Với một số cách chọc thai nhi đạp mà Nhà thuốc Long Châu đã nêu ở trên, mẹ có thể áp dụng để kích thích vận động cho bé. Bên cạnh đó, nó cũng giúp con năng động và phát triển trí não tốt hơn. Chúc các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp