Dế

Darkrose
Dế

Bài dưới đây tổng hợp những trích dẫn mà cá nhân mình thích nhất trong Sơn Hà Lệnh. Với những câu có gắn liền với thơ văn cổ, mình cũng sẽ giải thích ngắn gọn về câu gốc và đưa link để mọi người tham khảo thêm (≧◡≦).

Lưu ý:

● Mình chủ yếu tổng hợp và biên tập lại để câu mượt và có tính thơ hơn. Nội dung có thể vẫn còn thiếu sót, nếu các bạn muốn góp ý xin cứ tự nhiên nhé.

● Mọi cảm nhận thêm (nếu có) đều là ý kiến của cá nhân mình.

● Mình rất mong cái hay của Sơn Hà Lệnh được biết đến nhiều hơn, nên các bạn cứ thoải mái chia sẻ, lấy ảnh và nội dung nếu thích nhé, chỉ cần đừng cắt xóa credit là được ạ.

Tập 2

Ôn Khách Hành nói câu này với A Nhứ khi tiễn huynh ấy đi thuyền tới phái Kính Hồ. Đây là câu thơ trong bài Đào Diệp ca của Vương Hiến Chi. Theo truyện kể, Vương Hiến Chi đã viết bài này tặng người thiếp Đào Diệp, vì lo lắng cho nàng thường xuyên phải qua sông mỗi khi đi thăm gia đình.

Ôn Khách Hành đã dựa trên Lạc thần phú của Tào Thực (Bài phú về nữ thần sông Lạc) để khen ngợi bộ pháp của A Nhứ.

Câu trước là phú, câu sau chuyển sang thơ ?, chóng mặt với Ôn công tử. Đây là hai câu đầu trong bài Nguyệt hạ độc chước (kỳ 1) của Lý Bạch (Một mình uống rượu dưới trăng). Thơ Lý Bạch sẽ xuất hiện vài lần nữa trong thoại của Sơn Hà Lệnh nha.

Trong phim, Ôn Khách Hành đã hai lần khen A Nhứ “thân tựa nhành liễu bay” (tập 2 và tập 7). Thực ra trích dẫn trong ảnh không chính xác hoàn toàn, mà mình cắt ghép xíu xíu để lộ trọng điểm thôi. Vì từ “liễu” 絮 cũng chính là “Nhứ” 絮 (mọi người còn nhớ đoạn hỏi tên không, lão Ôn hỏi “Tên huynh là chữ ‘Nhứ’ nào vậy?” và A Nhứ của chúng ta đã trả lời là “Chữ ‘Nhứ’ trong ‘cây liễu'”). Tóm lại, đây là khen dựa trên tên người, chứ không chỉ khen vu vơ ( ̄▽ ̄).

Chắc không phải duyên phận gì đâu, “trùng hợp” thôi huynh (¬_¬ ).

Tập 3

Bốn chữ này rất hay, ai phủ nhận? ( ` ω ´ )

Bạn đã xem phim đúng cách chứ? Bạn không bị bỏ sót chữ “mỹ…” kia chứ?

Ở đây là đối thoại giữa Ôn Khách Hành và A Tương. Nói thật lòng là xem phim lần đầu, tôi không hề nhận ra ý vị ở đây, cứ nghĩ là thoại bị lặp ?‍♀️.

Đây vốn là một đoạn trích nổi tiếng trong truyện Ngư phủ của Khuất Nguyên. Mọi người nên đọc cả đoạn truyện ngắn này để hiểu hơn về bối cảnh, mình xin không viết vào bài vì dễ lạc đề, không sát với nội dung phim. Tóm gọn lại, nghĩa câu này khá giống với đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy - khuyên người ta nên hòa vào thời cuộc, thuận theo người đời. Nói rộng ra một chút, đó là nếu như người đời tốt đẹp với ta thì ta tốt đẹp với họ, còn nếu như nhân gian hiểm ác dối lừa, thì ta cũng rất sẵn lòng làm kẻ xấu.

Đây là vế sau của một câu rất thường gặp: “Hữu duyên thiên lý lai tương hội, nhân sinh hà xứ bất tương phùng.” (Đã có duyên thì xa cách nghìn dặm cũng gặp lại. Trong đời này, có nơi nào mà ta không gặp người được đâu.)

Ok, tin tin tin, hai người chính là tinh hồn lưu trên đá Tam Sinh ╰(▔∀▔)╯

Tập 4

Đoạn này là mở đầu bài Khả thán của Đỗ Phủ (Đáng tiếc).

Tập 6

Câu này dựa trên bài Nhạn khâu của Nguyên Hiếu Vấn (Mồ chim nhạn). Truyện kể rằng, người ta đặt bẫy bắt chim, một con nhạn bị sa bẫy, một con thoát được mà cũng cứ lượn quanh mãi, không chịu bay đi, cuối cùng lao đầu xuống đất mà chết. Bài thơ này được viết để bày tỏ niềm xúc động của tác giả trước tình cảm của đôi chim nhạn. (Mở đầu của bài thơ là một câu rất nổi tiếng mà chắc mọi người đã biết qua nhân vật Lý Mạc Sầu: “Hỏi thế gian tình ái là chi, mà đôi lứa thề nguyền sống chết?”)

Chú thích nhỏ: “Thiên sơn mộ tuyết” có nghĩa là cảnh hàng nghìn đỉnh núi chìm trong tuyết trắng vào lúc chiều tà, là một khung cảnh gợi lên cảm giác cô đơn vô tận.

Tập 7

Nếu như chỉ xem phim như bình thường thì câu này chẳng có gì, nhưng vì đã xem phân tích về “điếu hệ mỹ nhân” (người đẹp câu dẫn) nên không thể không đưa vào… ( ̄ω ̄)

Tập 8

Bối cảnh của câu này là Ôn Khách Hành dò hỏi A Nhứ, tại sao huynh đối với ta lạnh lùng mà đối với Tào Úy Ninh lại dễ chịu nhã nhặn thế… Ai vô trả lời lão Ôn hộ chứ tôi thì không rõ, chỉ biết là sau đó, vẫn là Ôn Khách Hành nói với A Nhứ câu trên ?‍♀️.

“Hòa nhan duyệt sắc” là câu miêu tả thường dùng để chỉ người quân tử có nét mặt hòa nhã vui vẻ.

“Như mộc xuân phong” là như tắm gió xuân, dùng để chỉ cảm giác được ở cùng với người có phẩm chất cao đẹp, học vấn uyên bác, nhờ đó mà học tập được những điều tốt lành; hoặc để nói về cảm giác đang ở trong hoàn cảnh tốt nói chung, tâm tình vui tươi thoải mái.

Vâng, thực ra toàn bộ mấy chục tập phim là hai huynh cứ chết vì nhau rồi lại sống vì nhau thôi chứ không gì ( ◡_◡ *)

100 điểm. Xuất sắc. Tuyệt vời. Xin cảm ơn.

Tập 9

Câu “Hôm nay có rượu, hôm nay uống” trích trong bài Tự khiển của La Ẩn (Tự giải khuây). Nó là một cặp của câu: “Hôm nay có rượu, hôm nay uống / Ngày mai sầu đến, ngày mai sầu.”

Sau khi Ôn Khách Hành nói xong đoạn trên về bữa ăn, A Nhứ đã nhận xét: “Mãi mới nói được một câu giống người.” ? Về sau, ở tập 27, chính A Nhứ đã lặp lại ý này khi Ôn Khách Hành e ngại đối mặt với Thành Lĩnh và để lộ thân phận Quỷ chủ. Cụ thể, A Nhứ khi ấy đã nói: “Đời người âu cũng chỉ là ngày ba bữa, cần gì phải lo mấy việc sầu thiên cổ chứ? Là kẻ tầm thường tự chuốc phiền toái thôi.”

Quay lại cảnh ở tập 9 này, Ôn Khách Hành còn phải thêm một câu: “A Nhứ, huynh đáng ghét quá! Huynh có khuôn mặt thế này, lại thêm trái tim mỏng manh dễ vỡ, mềm lòng tốt bụng. Cô nương khắp thiên hạ, chẳng phải bị huynh làm mê mẩn hết sao?”

Tôi xin giơ hai tay hai chân đồng ý với lão Ôn!

Câu “Hoa nở đến độ thì cứ hái thôi” trích trong bài Kim lũ y của Đỗ Thu Nương (Áo thêu vàng). Trong thoại Sơn Hà Lệnh có rất nhiều câu khuyên người ta nên tận hưởng hiện tại sao cho thật tốt, đừng bận tâm tới tương lai không thể đoán định.

Câu này thì quá quen thuộc rồi, nhưng mình quyết định viết lại cho ra dáng câu thơ. “Tri kỷ”, xét theo mặt chữ chính là chỉ một người biết ta, hiểu ta (“tri” là biết, hiểu; “kỷ” là chỉ bản thân mình). Hy vọng mọi người thích bản dịch này ?. Đây cũng là một câu có trong bài Tráng sĩ hành của Bão Dung, nhưng không có bản dịch tiếng Việt của bài thơ nên mình không dẫn link tham khảo được.

Lưu ý nhỏ: Câu này xuất hiện hai lần trong phim, lần đầu ấm áp mát lành, lần sau đau thấu tâm can. Cả hai lần đều do A Nhứ nói.

Sau khi A Nhứ hỏi “Huynh muốn làm anh hùng, hay muốn làm lãng khách?” thì Ôn Khách Hành đã trả lời: “Lãng khách phiêu bạt chân trời, có ta và người là đủ.”

Cảm nhận riêng: Khung cảnh khu chợ ồn ào tấp nập là một biểu tượng rất thuần túy về nhân gian, thế tục, rất phù hợp để diễn tả hai chữ “lãng khách”. Thực ra, tách xa khỏi nhân quần, đi về nơi non cao, đi về nơi tu viện, tìm về vùng thôn dã… đều chỉ là những hình thức lánh đời. Chính những người sống giữa chợ, tức là hòa vào hồng trần khói lửa mà không bị cuốn theo những bon chen tranh đấu, mới thực sự là những tâm hồn tự do.

Đây là hai câu thơ trong bài Thương tiến tửu của Lý Bạch (Xin mời rượu).

Bonus: Khi rủ A Nhứ lên mái nhà ngắm trăng, lão Ôn bảo: “Ta nói huynh này, ánh trăng đêm nay đẹp lắm đấy!” Nếu bạn nào quen với văn hóa Nhật thì sẽ biết câu “Ánh trăng hôm nay thật đẹp” là một cách tỏ tình ý nhị. Tôi không biết người viết câu thoại này cho lão Ôn có biết điều đó không, chỉ là cung cấp thêm một thông tin thôi hihi (´ ∀ ` *).

Câu thơ ở ảnh dựa trên bài Bất đệ hậu phú cúc của Hoàng Sào (Sau khi thi trượt, làm bài thơ vịnh hoa cúc).

Lưu ly giáp trong phim đương nhiên là một hình ảnh rất có tính biểu tượng. Cuộc đời này rõ ràng cũng đủ loại lưu ly giáp. Mà cái nào là thật, cái nào là giả, bạn biết không?

Tập 10

Hóa ra Ôn huynh không chỉ giỏi văn vẻ, nói năng cũng ít có ác lắm ?.

Câu này được lặp lại khá nhiều lần trong phim, lúc là Ôn Khách Hành nói, lúc lại là A Nhứ nói, nhưng lần A Nhứ nói ở tập 10 này là ám ảnh hơn cả.

Nào, các bạn trứng, các bạn gà, hãy đặt tay lên tim mình và tự hỏi có thấy đồng cảm với Hàn Anh không đi… Chúng mình cùng nhau mong cầu người được tốt lành an vui, chắc chắn trời xanh nghe thấu đó ❤️.

Tập 12

Trước khi nói câu này, A Nhứ có nói sư phụ mình là người “biết rõ không thể làm mà cứ làm, biết rõ lòng người khó đoán mà cứ tin.” Trò học theo thầy thôi mà, cứ đâm đầu vào những điều tưởng như bất khả, thế nên ta mới có được kỳ tích!

Tôi ổn. Tôi khóc ba tháng là ổn thôi.

Đây là cảnh mình thích nhất phim, đỉnh cao của song phương chữa lành. Thấu hiểu, thả lỏng, soi chiếu, hồi đáp, sẻ chia, thân mật - mềm nhũn cả tim.

Lưu ý nhỏ: Chi tiết “sưởi nắng” xuất hiện ba lần trong phim. Đầu tiên là ở tập 1, khi Ôn Khách Hành khẳng định cái người tưởng như ăn mày ấy thực ra chỉ đang sưởi nắng thôi (và đúng vậy). Thứ hai là ở tập 12 này. Cuối cùng là ở tập 35, khi Quỷ cốc bị tấn công, Ôn Khách Hành một thân thương tích dựa vào cây, bảo Hạt vương xê ra để hắn được yên tĩnh sưởi nắng.

Tập 14

Đây là lúc lão Ôn biết rằng A Nhứ chẳng còn sống được bao lâu. Ngay trước khi lão Ôn nói ra câu trên, A Nhứ vẫn còn cố cười mà bảo: “Thà mặc sức sống theo ý mình mười ngày, chứ không trái lòng mà sống mười năm.”

Câu “Một khi đã gặp được người, làm sao kìm được sướng vui trong lòng?” (Ký kiến quân tử, vân hồ bất hỉ) nằm trong bài Phong vũ (3) thuộc Kinh thi (Mưa gió), vốn là một bài thơ tình.

Bài thơ còn lại mà lão Ôn đọc trước khi đập tiêu là bài trong nguyên tác Thiên nhai khách, mình giữ nguyên bản dịch trên YouTube của Youku.

Tập 15

Đây là một câu trong kịch Đào hoa phiến của Khổng Thượng Nhiệm.

Ở đại hội anh hùng lần thứ nhất này, Ôn Khách Hành dự khán với vai trò người xem kịch kiêm kẻ giăng bẫy. Trong quá trình xem, Quỷ cốc chủ đã nói vài câu cũng khá hay:

“Người vừa diễn xong, ta bèn lên sân khấu. Sao không náo nhiệt cho được?”

“Vô tội? Đám người này ai dám xưng là vô tội? Điều ta muốn thấy chính là màn náo nhiệt chó đói tranh ăn, máu chảy thành sông.”

“Người? Bọn chúng đâu phải người! Võ lâm chính đạo. Khác biệt giữa chúng và Quỷ cốc chẳng qua là một bên ngang nhiên làm việc ác, một bên đội lốt nhân nghĩa đạo đức mà thôi. Hễ thấy miếng thịt ngon, là sẽ nóng lòng quẳng đi lốt da người, nhào vào xâu xé. Náo nhiệt! Thật là náo nhiệt!”

Tập 16

Các bạn nhỏ hóng drama cũng nhớ chừa cho mình một đường lùi, không lại giống lão Ôn, quê quê là.

Tập 17

Ở cảnh này (lão Ôn tiếp tục lo lắng về bệnh tình của A Nhứ, trong khi bản thân vẫn còn giấu giếm nhiều bí mật), A Nhứ đã nói những câu sau trước khi dìu lão Ôn lên giường nghỉ:

“Đời ta chỉ có hai lựa chọn. Một là sống thật tốt. Hai là chết thật tốt. Không ai ép được ta đi con đường thứ ba.”

“Ta không chịu nổi bộ dạng làm bộ làm tịch của huynh, đeo lên lớp mặt nạ, không có chút thật lòng thật dạ nào. Huynh sợ ta không sống được lâu, lúc nào cũng có thể từ giã cõi đời, nên chuyện gì cũng chiều theo, dốc lòng che chở. Lão Ôn, huynh thương hại ta hay là sỉ nhục ta?”

Từ giữa phim, A Nhứ cũng như lão Ôn đã liên tục nhắc đến cụm từ “nếu người không muốn nói, thì ta sẽ không hỏi”. Theo mình, đây là một sự tôn trọng và thấu hiểu rất đáng quý. Người nào trên đời cũng có bí mật không muốn nói ra. Ta sẽ kiên nhẫn chờ người hòa giải với bản thân, đối mặt với ám ảnh của mình, dần dần chữa lành vết thương lòng. Ta sẽ luôn ở bên người trong suốt quá trình ấy, chỉ đơn giản là ở bên người mà thôi. Người đời vẫn bảo, chính vì bản thân đã từng trải qua tổn thương, nên mới có thể đối xử dịu dàng với người khác.

Tập 18

Vâng, tôi đồng ý.

Mọi người mau ra đây xem đôi tri kỷ khẳng định tình cảm song phương trước khi lao vào tử chiến nè!

Câu “Vui sao lòng người như lòng ta” khá giống với một câu trong bài Bốc toán tử của Lý Chi Nghi. Bạn đoán đúng rồi đấy, (lại) là một bài thơ tình ?‍♀️. (Câu cuối bài là “Chỉ mong lòng chàng như lòng thiếp, nhất định không phụ nỗi niềm nhớ nhau.”)

Tập 20

Vâng, từ ngày quyết định lên núi, em quả thực không muốn để ý chuyện khác nữa…

Tập 21

Khóc một dòng sông.

Khóc hai dòng sông.

Tập 23

(Câu trên của Thiên Xảo, câu dưới của Hạt vương)

Đến tập 33, chính Hạt nhi đã lặp lại ý cờ bạc này với Thiên Xảo, khi nói về nghĩa phụ Triệu Kính: “Kẻ thua bài bạc đỏ mắt mãi luôn tìm cớ này cớ nọ, nằm mơ cũng muốn lật ngược ván bài. Bản vương cũng không ngoại lệ. Ta chỉ muốn cho ông ấy thêm một cơ hội, cũng là cho bản thân thêm một cơ hội.”

Tập 24

Nửa câu trên thực ra là từ ngay tập 1 rồi, nhưng mình chuyển xuống tập 24 này để gộp vào cùng với đoạn A Nhứ trải lòng với lão Ôn. Thực ra, hành trình chính của Ôn Khách Hành là hành trình trả thù, còn của Chu Tử Thư là hành trình chuộc tội. (Sau này, khi họ gặp được nhau thì trở thành hành trình đồng sinh cộng tử, song phương chữa lành nhé.)

Cuộc trả thù của Ôn Khách Hành là yếu tố chính để phát triển cốt truyện, dĩ nhiên sẽ dẫn được tới kết cục rõ ràng làm thỏa mãn người xem, đậm chất giang hồ võ hiệp. Còn quá trình chuộc tội của Chu Tử Thư thiên về tâm lý, rất hướng nội, và cũng rất khó có một kết thúc phân rõ trắng đen, mà hoàn toàn phụ thuộc vào việc bản thân huynh ấy có thể buông bỏ hay không. Khán giả cũng vì điều này mà có rất nhiều kiểu xúc động trước hình tượng Chu Tử Thư - A Nhứ. Mỹ nhân miệng cứng lòng mềm. Là một người bản tính nhân từ, nên sau khi tự nhận hình phạt đóng đinh, tuy lựa chọn con đường phiêu bạt nhưng huynh ấy rốt cuộc vẫn không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những cảnh khốn cùng, mà vẫn còn muốn cứu người, tự trói mình với thế tục. Càng xem phim, ta càng thấy A Nhứ trở nên dịu dàng nhân hậu, mà cùng lúc đó, người vẫn cố gắng gượng mạnh mẽ, quyết sống thật phóng khoáng trong những ngày cuối đời.

Vì Chu Tử Thư được xây dựng tỉ mỉ như thế, nên ở tập 24 này, khi huynh ấy thực sự dốc hết lòng mình, trút bỏ hoàn toàn lớp vỏ cương cường, thì từng giọt nước mắt đúng là như rơi thẳng vào tim ta vậy.

Khóc vì thương tâm nhiều rồi. Giờ khóc vì ấm áp mềm tim một cái. Tứ Quý Sơn Trang, mãi mãi là nhà ❤️ .

Tập 25

“Thiên nhai cô hồng, vô căn hành khách.”

“Chấp tử chi thủ, tọa khán vân thư.”

Cụm “chấp tử chi thủ” nằm trong bài Kích cổ (4) thuộc Kinh thi (Đánh trống), tôi xin đăng lại cả bài vì hay quá (tôi tự viết thành thơ):

“Dù cho sinh ly hay tử biệtTa cũng đã cùng người thề ướcCầm tay người ta trao lời nguyệnSẽ ở bên nhau tới bạc đầu.”

(Đã nói rồi, sẽ không chia tay.)

Đúng rùi, về đây ôm miếng. Ôm nghẹt thở lun.

Đây là hai câu trong bài Minh nguyệt hà hạo hạo (Ngời ngời ánh trăng sáng), thuộc bộ Mười chín bài thơ cổ của Trung Quốc (không rõ tác giả).

Tập 26

Đây là hai câu thơ trong bài Đăng Lạc Du nguyên của Lý Thương Ẩn (Lên đồi Lạc Du). Bối cảnh của câu này là: Ôn Khách Hành biết rằng những ngày êm đẹp ở Tứ Quý Sơn Trang sẽ không thể kéo dài mãi. Thân phận của hắn đã bị bại lộ và chẳng sớm thì muộn, Thành Lĩnh cũng sẽ biết hắn là cốc chủ Quỷ cốc.

Tập 27

Để em dọn tuyết, trải hoa, thắp đèn cho quỷ chủ luôn ạ! *ôm ôm*

Tập 28

Cảm nhận riêng: Trong phim có không ít cảnh Ôn ba tuổi, nhưng đây là đoạn (hình như) duy nhất mà Ôn Khách Hành vừa đọc thơ, vừa giương mắt cún nhìn A Nhứ. Cái này mà không phải làm nũng, cầu vỗ về thì là gì? Chuyện đón Tết lúc nào cũng vậy, luôn luôn ấm áp xen lẫn bùi ngùi, dễ khiến người ta trở nên nhạy cảm. Ngay sau khi lão Ôn tỏ ra tội nghiệp thì A Nhứ đã động viên ngay, đại ý là giờ đệ đã gặp được ta rồi.

Người ta bảo, thật hiếm người diễn ra được cái nét ngây thơ này. Một nhân vật vừa tàn ác, vừa có điểm ngây thơ, khán giả không thể nào không yêu quý.

Tập 31

Để em tiện tay biến thể đi một chút:

“Em không biết khi nào anh trở lại, trở lại bằng cách nào, nhưng em biết, anh nhất định sẽ trở lại.”

Tập 32

Lần xuất hiện thứ hai của “Sơn hà bất túc trọng, trọng tại ngộ tri kỷ” đây.

Đề nghị quý khán giả cảm nhận rõ đoạn này trước khi tới cảnh ở đại hội anh hùng lần hai.

Lưu ý nhỏ phòng trường hợp bạn đọc quên tình tiết: Sau khi lão Ôn ngã vực, A Nhứ nghĩ tri kỷ đã chết, nên quyết tâm trả thù thay sư đệ. Để sẵn sàng cho trận quyết chiến ở đại hội anh hùng tiếp theo, A Nhứ đã nhổ đinh trên người để khôi phục trọn vẹn công lực. Điều đó đồng nghĩa với việc A Nhứ sẽ chỉ sống được thêm vài ngày ít ỏi nữa.

Diệp Bạch Y cũng từng nói một câu, “Khó giữ thời niên thiếu, rồi cũng có thiếu niên tiếp bước.”

Tập 33

Đỉnh cao của phim võ hiệp là đây ?‍♀️. Cô nhi trả thù cho cha mẹ trên võ đài của đại hội anh hùng, lột trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của những kẻ “danh môn chính phái”, mang công lý trả lại cho người trong sạch, nhấn chìm kẻ ác độc trong nhục nhã.

Còn tinh tế của Sơn Hà Lệnh là, khi đám đông kêu vang đòi giết kẻ ác, thì những người theo Phật không ngừng niệm A di đà. Dĩ nhiên, Ôn Khách Hành chẳng quan tâm. Khi Triệu Kính đã ngã xuống, hắn chỉ quay sang nhìn A Nhứ, và mặt hắn vẫn chưa thể thả lỏng được, như thể hắn sợ A Nhứ sẽ trách hắn. Huynh ấy lương thiện như thế, nay nhìn thấy hắn ra tay tàn bạo, liệu huynh ấy có ghê tởm hay không?

Về phần A Nhứ, từ khi Ôn Khách Hành “lên sàn” thì không có một câu thoại nào, biểu cảm cực kỳ phức tạp. Nhưng sau khi thấy sư đệ mình đã chính thức trả được thù, thì huynh ấy cười một nụ cười như trên. Đương nhiên đó không phải là nụ cười đắc ý hả hê, nụ cười này chẳng hề liên quan gì tới quần hùng đang ồn ã. Nụ cười này chỉ dành riêng cho sư đệ của mình, xót xa xen lẫn nhẹ nhõm, tràn ngập thương yêu, ôn nhu vô hạn.

Và khi thấy A Nhứ cười với mình, thì Ôn Khách Hành mới khẽ cong môi, cuối cùng. Huynh xem, ta rốt cuộc đã làm được rồi.

Lời cuối cho cảnh này: Ôi Nhứ ơi là Nhứ, chấp niệm của tôi chính là được xem thủ lĩnh Thiên Song Chu Tử Thư ở trạng thái 100% công lực quần thảo với cao thủ võ lâm. Ai dè bị lão Ôn chơi cho cú này đau quá. Quạu quá trời, dỗi quá trời mà vẫn phải mừng cho Ôn thôi chứ sao giờ…

Tập 34

Thoại của lão Ôn. Nhưng chết tâm là vì A Nhứ.

Lại là mấy chữ: Không đúng lúc. Trong khoảnh khắc người rốt cuộc cũng có thể trở về nhân gian, thì chính ta lại sắp lìa xa cõi đời. Mà ồ, hẳn rồi, ta sẽ không nói gì với người đâu. Ta sẽ âm thầm chịu đựng. Sẽ khóc một mình thôi.

Tập 35

Lời tỏ tình của mùa xuân. Mùa hạ. Mùa thu. Mùa đông.

Mãi mãi tin tưởng ánh sáng.

Tập 36

Câu “Núi xanh không thay đổi, sông xanh còn chảy mãi” (ý chỉ lòng người vẫn vẹn nguyên, trước sau không đổi) vốn đã được chính Thành Lĩnh nói với sư phụ trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai người ở tập 2. Sự lặp thoại của Sơn Hà Lệnh thực khiến người ta phải ngỡ ngàng khi nhận ra.

Ở đây, Chu Tử Thư dặn đồ đệ mình phải luôn là con người hiệp nghĩa, vì nước vì dân. Đây cũng là câu miêu tả điển hình cho nhân vật anh hùng Quách Tĩnh. Thực tình, bất kỳ tác phẩm kiếm hiệp nào cũng vậy. Những cao trào hấp dẫn nhất luôn là các tình tiết về giang hồ, bang phái; nhưng sau cùng, truyện vẫn sẽ mở rộng, hướng về toàn cục là câu chuyện về bá tính, giang sơn. Việc hy sinh thân mình cho đất nước và muôn dân mãi mãi là đại nghĩa động lòng người, đem lại một tầng nhân văn nữa cho tác phẩm.

Giải thích thêm một chút về cụm “xem nhẹ cái chết” vì tôi thấy nó hay hay. Thoại gốc dùng cụm từ “thị tử như quy”, có nghĩa là coi cái chết như một sự quay về nguồn cội, kiểu như sinh ra từ hư không thì nay trở về với hư không, sinh ra từ cát bụi thì nay trở về với cát bụi.

Cảnh này mỗi người cảm nhận theo một thuyết nên không có gì để viết. Chỉ có hai chữ thôi.

“Yêu người.”

Kết

Nói là kết, nhưng thực ra mình sẽ liệt kê lại nhiều trích dẫn nữa xuyên suốt phim mà mình không làm thành ảnh. Những câu này không giàu tính đặc trưng cho nhân vật, chủ yếu là những lời cảm thán về cuộc đời nói chung, nhưng cũng rất ý nghĩa và dễ áp dụng trong đời sống thực:

“Đức không xứng với chức, ắt gặp tai ương.”

“Phật sao lại không độ người có duyên? Nếu đã chẳng có duyên, hà cớ phải cưỡng cầu.”

“Chuyện trên giang hồ, không gì thoát khỏi ba chữ tham, sân, si.”

“Ở đời không làm việc thẹn lương tâm, chẳng lo nửa đêm quỷ đến tìm.”

“Đất trời rộng lớn, người quỷ khó phân. Kẻ mang mặt quỷ chưa chắc đã là quỷ. Kẻ mang mặt người cũng chưa chắc đã là người.”

“Quen biết đã lâu như xa lạ, lần đầu gặp mặt ngỡ cố nhân.”

“Người chê hàng là người muốn mua hàng.”

“Ở trên trời nguyện làm chim liền cánh,Ở dưới đất nguyện làm cây liền cành.”

“Bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ rình sau lưng. Ai cũng nghĩ mình là chim sẻ, nhưng thực ra chỉ là ve con.”

“Phu thê vốn là đôi chim rừng, đại nạn ập tới mạnh ai nấy bay.”

“Đúng là trong núi không có hổ, nên gấu chó xưng vương.”

“Đời người ngắn ngủi phù du, lo chi những chuyện xa vời nhiễu nhương.”

“Sống lâu rồi, chuyện lạ gì mà không gặp?”

“Đã vào hồng trần, ắt sinh nhân quả.”

“Kết giao đời đời mà lừa gạt gian trá, bèo nước gặp nhau lại phó thác tính mạng.”

“Mận mọc giữa đường không ai hái, ắt là quả đắng.”

“Cái khiến con người trở thành nô lệ không chỉ có sự tham lam, mà còn có nỗi sợ hãi.”

“Vì huynh ấy quá cao quý, tấm lòng lương thiện, thế tục dơ bẩn này mới không chứa chấp nổi.”

Đến đây là hết thật rồi ❤️. Hy vọng các bạn thích bài tổng hợp này và yêu mến Sơn Hà Lệnh, đoàn làm phim, yêu mến Cung Tuấn, Trương Triết Hạn. Mong chúng mình “dĩ mộng vi mã, thiên nhai tái hội”!