Cây trường sanh hút hàng ngày Tết

Darkrose
Cây trường sanh hút hàng ngày Tết
Cây trường sanh hút hàng ngày Tết

Thu hoạch cây Trường Sanh.

Ông Huỳnh Văn Nguyệt - một nghệ nhân nghiên cứu văn hóa dân gian ở TP. Cần Thơ kể rằng: "Cây trường sanh có ý nghĩa là may mắn, hạnh phúc, sống lâu, thành đạt nên được nhiều người mua về trang trí trên bàn thờ gia đình, đặc biệt là vào dịp Tết. Nhiều người còn kết hợp với nhiều loại cây cảnh khác để tạo nên những vòng hoa đa dạng có mặt trong các tiệc vui khác".

Loại cây này rất dễ trồng và không tốn thời gian chăm sóc, không phải tốn phân bón. Từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 5 tháng. Khi cây có thân thẳng đứng sẽ có chiều dài từ 1,2-1,5 mét. Mỗi lứa thu hoạch cách nhau hai tháng. Cây thu hoạch xong được cắt tỉa gọn, sạch, đẹp mắt. Giá bán hiện tại từ 600 đến 700 đồng/nhánh tùy thuộc chiều cao của cây.

Chị Huỳnh Thị Quỳnh Dao - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thới rất phấn khởi khi chia sẻ về chuyện thoát nghèo của 25 hộ phụ nữ thuộc Tổ hợp tác (THT) trồng cây trường sanh do Hội LHPN xã phát động năm 2017 đang đạt hiệu quả cao và được nhân rộng.

Chị Giao kể: “Xã này có nhiều chị em không có nhiều đất sản xuất, trình độ văn hóa hạn chế nên cái nghèo mãi đeo bám. Từ khi có mô hình trồng cây trường sanh, đời sống của họ khấm khá hơn rất nhiều. Tết năm nay giá bán cao hơn năm trước khoảng 30% nên người trồng vui lắm”.

Từ vài hộ ban đầu trồng năm 2017, đến nay đã có rất nhiều hộ tham gia mô hình với tổng diện tích khoảng 15.000 mét vuông, mỗi hộ có thu nhập bình quân mỗi tháng từ 6-7 triệu đồng tùy theo diện tích trồng.

Tuy số tiền không lớn nhưng đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, tận dụng được những khoảng đất trống trong mương vườn. Cạnh đó còn giải quyết việc làm thường xuyên cho phụ nữ địa phương từ việc cắt, tỉa, vận chuyển với tiền công xấp xỉ 130.000 - 150.000 đồng người/ngày.

Chuẩn bị xuất bán

Bà Nguyễn Thị Hai, ngụ ấp Tân Nhơn vui vẻ nói: “Hồi trước mương vườn bỏ trống nên phải làm cỏ thường xuyên, từ khi trồng cây trường sanh thì không phải làm cỏ lại có thêm thu nhập, bình quân mỗi lứa cắt từ 9-10 triệu đồng. Dịp rằm, lễ, Tết giá bán sẽ tăng cao gấp đôi”.

Bà Trần Thị Bé Sáu kể thêm: “Tôi có 5 công chôm chôm trước đây phải làm cỏ vườn liên tục, từ khi trồng cây trường sanh thì không phải làm cỏ, lại gia cố bờ mương rất chắc chắn từ rễ cây này. Cạnh đó, thu hoạch bao nhiêu thì có THT đến thu mua tận nhà nên rất thuận lợi. Lúc rảnh rỗi, tôi đi làm thuê cho THT mỗi ngày cũng được trên 140.000 đồng. Loại cây này thu hoạch quanh năm không phải tốn phân thuốc lại thích nghi với mọi thời tiết nên nông dân rất thích. Đặc biệt là chưa bao giờ bị dội hàng, rớt giá”.

Bà Đỗ Thị Thu Vân - Tổ trưởng THT cây trường sanh xã Tân Thới cho biết: “Chúng tôi đang vận động thực hiện mô hình này trên 7 ấp còn lại của xã. Tăng cường diện tích trồng và giữ vững đầu ra để chị em yên tâm. Tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp KHKT để tăng năng suất, chất lượng của loại cây thoát nghèo này. Hiện tại, chúng tôi thu mua toàn bộ sản lượng làm ra của các xã viên, tổ chức vận chuyển đến thị trường TP.HCM, ĐBSCL và các tỉnh miền Đông”.

Đơn giản, dễ trồng, ít đất, không tốn nhiều chi phí đầu tư, dễ bán… đó là những gì mà cây trường sanh đã mang lại cho hàng chục phụ nữ nghèo tại xã Tân Thới. Đây được xem là cây “khởi nghiệp” tuy mới lạ nhưng đang tỏ ra phù hợp với tập quán canh tác, trình độ văn hóa hạn hẹp, ít đất và vốn đầu tư của nhiều chị em vùng nông thôn hiện nay.