Ung thư thực quản là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ 6 trên thế giới. Khi được chẩn đoán mắc ung thư, nhiều người lo lắng liệu ung thư thực quản có chữa được không? Phương pháp nào điều trị ung thư thực quản hiệu quả?
Ung thư thực quản có chữa được không?
Ung thư thực quản có chữa được không luôn là câu hỏi đầu tiên của bệnh nhân và gia đình khi có chẩn đoán mắc bệnh ung thư thực quản.
Kết quả điều trị ung thư thực quản phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và mức độ đáp ứng của điều trị. Ung thư thực quản phát hiện ở giai đoạn càng sớm, tỷ lệ điều trị thành công càng cao.
Theo các thống kê, chỉ khoảng 25% bệnh nhân được phát hiện ung thư thực quản giai đoạn sớm, do bệnh không có dấu hiệu điển hình. Phần lớn các bệnh nhân thường được chẩn đoán bệnh khi đã có các triệu chứng nặng, tương ứng giai đoạn 3, 4 của bệnh. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và tiên lượng sống của bệnh nhân. Khi ung thư thực quản đã tiến triển đến giai đoạn trễ, việc điều trị lúc này không còn khả năng điều trị triệt để (chữa khỏi bệnh), mà chủ yếu mang ý nghĩa kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân nhiều nhất có thể, đồng thời giảm nhẹ các triệu chứng do bệnh gây ra.
6 phương pháp điều trị ung thư thực quản phổ biến
Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Bác sĩ có thể chỉ định một, hoặc kết hợp các biện pháp điều trị sau: (1)
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là chỉ định điều trị hàng đầu của bệnh ung thư thực quản, nếu bệnh ở giai đoạn còn phẫu thuật được và thể trạng của bệnh nhân cho phép thực hiện phẫu thuật. Có hai mục đích phẫu thuật: điều trị triệt để và giảm nhẹ triệu chứng.
Phẫu thuật triệt để bao gồm việc cắt bỏ một phần thực quản chứa khối u và nạo vét các hạch xung quanh. Sau đó, phần còn lại của thực quản sẽ được nối lại với dạ dày để giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra bình thường. Nếu cần, có thể sẽ dùng một phần ruột để thay thế phần thực quản, kết nối với dạ dày.
Phẫu thuật giảm nhẹ triệu chứng là khi bệnh không còn chỉ định phẫu thuật triệt để, hoặc thể trạng bệnh nhân không cho phép phẫu thuật triệt để. Một đoạn giá đỡ (stent) được đặt vào trong lòng thực quản để giúp cho thức ăn có thể đi qua.
Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng phương pháp nội soi, hoặc mổ mở, hoặc kết hợp nội soi với mổ mở.
2. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các tia bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ức chế khả năng tăng sinh của tế bào ung thư. Hiện có 2 phương pháp xạ trị bệnh ung thư thực quản:
- Xạ trị bên ngoài: sử dụng máy móc bên ngoài cơ thể, chiếu tia đến khu vực cần xạ trị.
- Xạ trị bên trong: chất phóng xạ được đặt trong kim, hạt, ống thông, dây dẫn… đặt trực tiếp vào vùng có khối u.
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và giai đoạn ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xạ trị trong hoặc ngoài cơ thể.
3. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn tế bào ung thư phát triển, hạn chế sự tăng sinh các tế bào ung thư tại vùng có khối u, cũng như trong toàn cơ thể. (2)
Thuốc hóa trị có thể được sử dụng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch, hoặc qua đường uống, hoặc kết hợp cả 2 đường dùng.
4. Hóa xạ đồng thời (Hóa trị kết hợp xạ trị)
Xạ trị kết hợp hóa trị nhằm giúp tăng tác dụng của cả hai phương pháp, mang đến hiệu quả cao hơn trong điều trị. Tuy nhiên, việc kết hợp 2 phương pháp này có thể làm tăng các tác dụng phụ nhiều hơn và nặng nề hơn so với sử dụng hóa trị/xạ trị đơn thuần.
5. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là bước đột phá, tạo ra kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư. Mục đích của liệu pháp miễn dịch là giúp hệ thống miễn dịch thoát khỏi sự ức chế của tế bào ung thư, kích thích hệ miễn dịch tăng hoạt động tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng đơn lẻ, hoặc kết hợp với hóa trị. Việc sử dụng liệu pháp miễn dịch thường được chỉ định cho ung thư thực quản giai đoạn tiến triển, ung thư tái phát hoặc di căn sang các bộ phận xa của cơ thể. (3)
6. Liệu pháp nhắm trúng đích
Liệu pháp nhắm trúng đích là phương pháp sử dụng thuốc có cơ chế xác định và tiêu diệt trúng vào tế bào ung thư mà không/hoặc ít gây hại đến các tế bào lành. Khi có chỉ định kết hợp với hóa trị, sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm bớt tác dụng phụ. (4)
Tác dụng phụ, biến chứng của điều trị ung thư thực quản
Mỗi phương pháp điều trị (phẫu thuật, xạ trị, điều trị toàn thân bằng thuốc) đều có thể gây ra những tác dụng phụ, biến chứng khác nhau. Vì vậy, trước khi bắt đầu điều trị ung thư, bệnh nhân cần được tư vấn kỹ lưỡng về những tác dụng phụ, biến chứng có thể gặp phải và cách theo dõi, xử trí khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường. (5)
Đối với phương pháp phẫu thuật cắt thực quản, bệnh nhân có thể gặp một số vấn đề sau điều trị như: nuốt khó (do hẹp miệng nối), hội chứng Dumping (do thức ăn di chuyển từ dạ dày vào ruột non quá nhanh, có thể gây ra các triệu chứng buồn nôn, nôn ói, đau quặn bụng, các triệu chứng của hạ đường huyết…), đầy bụng, khó tiêu, trào ngược…
Đối với xạ trị ung thư thực quản, các biến chứng được phân thành giai đoạn sớm và muộn. tùy thuộc vào thời điểm xuất hiện triệu chứng. Các biến chứng sớm (xảy ra trong vòng vài tuần sau xạ) thường gặp bao gồm: mệt mỏi, nuốt khó, buồn nôn, nôn ói, sụt cân, viêm da hoặc viêm phổi do xạ… Các biến chứng muộn có thể xuất hiện sau xạ nhiều tháng hoặc nhiều năm, bao gồm: nuốt khó (do hẹp thực quản), rò thực quản, xơ phổi, xơ da…
Đối với các liệu pháp điều trị toàn thân, mỗi phác đồ điều trị sẽ có các độc tính, tác dụng phụ khác nhau. Một số tác dụng phụ phổ biến bao gồm: buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, chán ăn, giảm các dòng tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu), tê tay chân…
Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần chủ động thông báo cho bác sĩ điều trị để kịp thời chẩn đoán và có kế hoạch chăm sóc, điều trị phù hợp.
Chăm sóc bệnh nhân điều trị ung thư thực quản
Đối với bệnh nhân ung thư, ngoài việc chăm sóc nâng cao thể chất (dinh dưỡng, vận động..), cần lưu tâm nhiều về các yếu tố về tâm lý - tinh thần và xã hội. Bởi vì các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Các bệnh nhân ung thư thường bị giảm ít nhất 10% trọng lượng cơ thể kể từ thời điểm được chẩn đoán bệnh, và tiếp tục giảm trong quá trình điều trị với mức độ nhiều hơn nếu không được chăm sóc phù hợp. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bệnh nhân, làm cho bệnh nhân mệt mỏi và chán nản, đôi khi muốn bỏ điều trị.
Để đồng hành cùng bệnh nhân ung thư thực quản, người thân và gia đình cần lưu ý một số điều sau:
- Duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng, chứa đầy đủ khoáng chất giúp nâng cao thể trạng cho bệnh nhân ung thư.
- Chế biến thực đơn phong phú với các món ăn dạng lỏng, mềm, dễ nuốt. Người nhà có thể tập ăn cùng bệnh nhân để giúp bệnh nhân bớt cảm giác “sợ ăn” vì sợ bị sặc, vì đau khi nuốt…
- Đồng hành cùng bệnh nhân, luôn động viên tinh thần giúp bệnh nhân giảm lo âu, căng thẳng, khủng hoảng, tuyệt vọng… Luôn tạo quyết tâm, khơi dậy tinh thần “chiến đấu đến cùng, quyết không bỏ cuộc”, luôn hỗ trợ bệnh nhân nhìn nhận các vấn đề theo chiều hướng tích cực. Đây chính là chìa khóa quan trọng nhất trong điều trị bệnh.
- Kết hợp vận động nhẹ, thư giãn như đi bộ, tập dưỡng sinh, yoga…
Theo dõi sau điều trị ung thư thực quản
Bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong việc duy trì lịch thăm khám, chế độ dinh dưỡng - vận động phù hợp, lưu ý cố gắng giữ tình trạng tâm lý - tinh thần tích cực, đồng thời thông báo ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng khác thường nào.
BVĐK Tâm Anh với đội ngũ y bác sĩ trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị ung thư, thường xuyên cập nhật phác đồ điều trị hiện đại trên thế giới, được trang bị các hệ thống máy móc y tế hiện đại hàng đầu Việt Nam sẽ hỗ trợ điều trị ung thư thực quản và các bệnh lý ung thư khác; giúp bệnh nhân tiếp cận phương pháp điều trị hiệu quả nhất; tăng cường khả năng điều trị thành công cho ca bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ khoa Ung bướu còn phối hợp bác sĩ Dinh dưỡng, Tâm lý xây dựng phác đồ điều trị toàn diện, nâng đỡ thể chất và tinh thần giúp người bệnh yên tâm điều trị.
Để tìm hiểu dịch vụ thăm khám, tầm soát và điều trị ung thư thực quản tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ:
Có thể thấy câu hỏi “Ung thư thực quản có chữa được không?” phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh, phác đồ điều trị của bác sĩ cùng sự nỗ lực rất lớn từ phía bệnh nhân và thân nhân. Các phương pháp điều trị ung thư thực quản góp phần hạn chế sự tiến triển của khối u thực quản, tuy nhiên hiệu quả giảm dần khi giai đoạn ung thư càng trễ. Vì thế, chúng ta nên chủ động tầm soát để sớm phát hiện ung thư thực quản, giúp tăng khả năng điều trị thành công.