Ngày nay, với trình độ y học hiện đại, nhiều phương pháp điều trị u máu đã được áp dụng. Tùy vào tính chất, kích thước, vị trí khối u cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cách chữa u máu phù hợp. Vậy u máu có chữa được không? Chi phí điều trị u máu như thế nào?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
U máu hầu hết được chẩn đoán là dạng khối u lành tính. Căn bệnh này thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh, theo thời gian u máu sẽ thoái triển dần. Thế nhưng, u máu đôi khi sẽ gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến chức năng của một số bộ phận khác trên cơ thể, làm giảm tính thẩm mỹ hoặc có biểu hiện viêm nhiễm,… Lúc này, việc can thiệp, điều trị u máu là cần thiết.
Bệnh u máu có chữa được không?
Hiện nay, bệnh u máu có thể chữa trị được. Tuy nhiên, với hầu hết các u máu không xuất hiện ở gần mắt, không làm tầm nhìn gần mắt bị cản trở thì việc chữa trị là chưa cần thiết. Theo thời gian, u máu sẽ có xu hướng tự biến mất đi. Tuy nhiên, u máu nằm ở vị trí gần mắt cũng có thể khiến thị lực gặp vấn đề nếu không được kiểm soát tốt. (1)
Trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị u máu cho người bệnh. Cụ thể, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chẹn beta như propranolol dạng uống hoặc gel timolol hay steroid. Việc dùng thuốc sẽ có tác dụng thu nhỏ các mạch máu đồng thời làm giảm sự xuất hiện của u mạch máu.
Ngoài cách điều trị u máu bằng thuốc, bác sĩ cũng có thể thực hiện phương pháp cắt bỏ. Trường hợp này thường diễn ra với người bị u mạch máu anh đào. Ngay cả khi nhiều u máu là vô hại nhưng mọi người vẫn muốn loại bỏ để đảm bảo tính thẩm mỹ. Chữa trị bằng kỹ thuật laser đôi khi có khả năng làm giảm bớt kích thước của u mạch máu hoặc ngăn chặn chúng phát triển.
Các phương pháp điều trị u máu
Nếu u máu ảnh hưởng nhiều đến tính thẩm mỹ, gây ra những vấn đề có hại cho sức khỏe thì bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra mức độ phát triển, vị trí, kích thước khối u cũng như xem xét tình trạng sức khỏe của người bệnh. Qua đó, bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị u máu phù hợp, cụ thể gồm có:
1. Thuốc bôi
Những loại thuốc bôi dưới đây được sử dụng ngoài da và người bệnh chỉ nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, hiện có 3 nhóm phổ biến: (2)
- Thuốc chẹn beta thoa tại chỗ: Loại thuốc này sẽ phát huy hiệu quả tối ưu với những khối u có kích thước nhỏ, xuất hiện bên ngoài da. Thuốc chẹn beta bôi tại chỗ sẽ mang đến tác dụng làm sáng màu và ức chế sự phát triển của khối u. Gel timolol là thuốc chẹn beta bôi tại chỗ chữa u máu điển hình, đang được sử dụng phổ biến. Dùng thuốc chẹn beta đúng theo chỉ định của bác sĩ được xem là phương pháp điều trị u máu an toàn.
- Thuốc kháng sinh thoa tại chỗ: Được sử dụng khi khối u máu xuất hiện vết loét hở, tiềm ẩn nguy cơ hoặc có dấu hiệu, biểu hiện nhiễm trùng. Người bệnh không được tự ý dùng thuốc kháng sinh mà hãy sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc corticoid thoa tại chỗ: Ước tính khoảng ⅓ trường hợp người bệnh có đáp ứng với loại thuốc này. Biến chứng có thể xuất hiện là viêm, teo, da, thay đổi màu sắc của da. Lưu ý, bạn không nên thoa thuốc corticoid rộng ra ngoài vùng bướu. (3)
2. Thuốc uống
Người bệnh áp dụng cách điều trị u máu bằng thuốc uống có thể gặp phải một số phản ứng phụ, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Do đó, bác sĩ thường chỉ định cho trẻ làm xét nghiệm để kiểm tra khả năng đáp ứng thuốc trước khi tiến hành chữa u máu bằng phương pháp này. Hai loại thuốc được sử dụng phổ biến gồm có:
- Propranolol: Thuốc propranolol thường được bác sĩ chỉ định khi u máu đã xuất hiện biến chứng. Cho người bệnh uống propranolol cũng là biện pháp ngăn ngừa đầu tiên đối với trường hợp bị u mạch máu cần chữa trị toàn thân.
- Prednisone: Loại thuốc này sẽ được bác sĩ chỉ định khi cơ thể người bệnh không đáp ứng với những phương pháp điều trị u máu khác và cũng không thể sử dụng propranolol.
Khi chữa u máu bằng thuốc uống, người bệnh nhất định phải tuân theo chỉ định về liều lượng của bác sĩ. Trong trường hợp hết thuốc hoặc có triệu chứng sốt cao khi dùng thuốc thì bạn cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ ngay.
3. Phẫu thuật điều trị u máu
Bác sĩ thường chỉ định cho người bệnh làm phẫu thuật khi khối u máu đã ngừng phát triển và những phương chữa trị khác không còn mang đến hiệu quả. Thông qua việc phẫu thuật, bác sĩ sẽ giúp người bệnh nhanh chóng loại bỏ khối u cũng như những vết tích còn sót lại của u máu.
Phẫu thuật cũng được thực hiện để loại bỏ khối u máu xuất hiện ở nơi đặc biệt, giúp người bệnh tránh gặp biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, những trường hợp u máu đã thoái triển (teo nhỏ lại) nhưng vẫn còn tổn thương, gây mất thẩm mỹ cũng được bác sĩ tư vấn làm phẫu thuật chỉnh sửa. (4)
4. Laser
Điều trị u máu bằng phương pháp laser thường được thực hiện với khối u nông và phẳng, xuất hiện ở các lớp trên cùng của da. Liệu pháp laser có khả năng cải thiện làn da khi u máu đã teo nhưng để lại chứng giãn mạch, đồng thời hỗ trợ người bệnh đang bị viêm loét, tổn thương giảm bớt cảm giác đau đớn. Chữa u máu bằng laser cũng giúp người bệnh cải thiện vẻ ngoài, giảm tình trạng mẩn đỏ. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng tia laser để loại bỏ những mạch máu còn sót lại sau khi khối u biến mất hoặc mờ dần.
Chi phí điều trị u máu bao nhiêu tiền?
Chi phí điều trị u máu bao nhiêu tiền là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Trên thực tế, mức giá chữa u máu sẽ có sự chênh lệch giữa các cơ sở y tế và trong từng ca bệnh cụ thể. Vì chi phí điều trị u máu sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố dưới đây:
- Nơi thăm khám, chữa trị: Mỗi bệnh viện hay cơ sở y tế sẽ có mức giá điều trị u máu khác nhau. Nếu bạn thăm khám, chữa trị ở cơ sở y tế lớn, có chất lượng dịch vụ tốt thì mức giá thường sẽ cao hơn.
- Phương pháp điều trị: Tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, kích thước, vị trí, tính chất của u máu,… mà bác sĩ sẽ tiến hành chỉ định biện pháp chữa trị sao cho phù hợp. Và đương nhiên, mỗi phương pháp sẽ có mức giá khác nhau. Ví dụ như nếu bạn chữa u máu thông qua cách phẫu thuật, áp dụng công nghệ laser thì chi phí sẽ cao hơn so với việc chỉ điều trị bằng thuốc.
- Trình độ của bác sĩ, trang thiết bị: Việc chữa trị u máu sẽ đạt hiệu quả tối ưu nếu được thực hiện bởi bác sĩ giỏi chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm, kết hợp với công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tân tiến. Và chi phí lúc này cũng sẽ cao hơn, tương xứng với chất lượng dịch vụ mà bạn nhận được.
Ngoài ra, ở mỗi thời điểm khác nhau, mức giá chữa u máu cũng có sự thay đổi. Vì thế, nếu muốn biết chính xác chi phí điều trị u máu bao nhiêu tiền, bạn hãy liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế để được tư vấn.
Chăm sóc bệnh nhân sau điều trị u máu
Lớp da ở vị trí khối u sẽ bị căng trong giai đoạn hình thành u máu. Do đó, nếu khối u xuất hiện tại vị trí đặc biệt như đường sinh dục, tiết niệu, môi,… thì có thể gây ra tình trạng viêm loét, chảy máu. Vì thế, khi chăm sóc người bệnh, chúng ta phải đặc biệt chú ý đến vấn đề vệ sinh để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Dưới đây là một số lưu ý bạn cần nhớ khi chăm sóc người bệnh sau điều trị u máu:
- Giữ cho vùng da xung quanh khối u luôn có độ ẩm nhất định để góp phần làm giảm nguy cơ bị nứt nẻ gây chảy máu. Bạn có thể dùng thuốc mỡ hoặc những loại thuốc bôi ngoài da không gây ra tình trạng kích ứng, ví dụ như aquaphor, ointment, pomat,…
- Vết tổn thương bị chảy máu phải được vệ sinh sạch sẽ bằng dung dịch chuyên dụng hoặc nước sạch.
- Bạn có thể dùng thêm những loại kháng sinh bôi ngoài da để tránh bị nhiễm trùng. Lưu ý, bạn cần sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
- Áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh, đặc biệt là sau khi hoàn tất phẫu thuật u máu để giúp vết thương nhanh chóng hồi phục. Tránh chạm, đè lên vết thương, bạn cũng không nên để bụi, nước bẩn dính vào.
- Hãy đến gặp bác sĩ thăm khám nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường, đặc biệt là tình trạng viêm loét ở khối u.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tóm lại, các phương pháp điều trị u máu đều có lợi ích riêng, cần áp dụng đúng cách theo chỉ định của bác sĩ. Các cách chữa u máu này có thể giúp người bệnh cải thiện triệu chứng khó chịu, tránh gặp hệ lụy nghiêm trọng, góp phần cải thiện tính thẩm mỹ cho làn da. Nếu mắc bệnh u máu, bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám, chữa trị đúng theo chỉ định của bác sĩ.