Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê năm 2020, toàn cầu ghi nhận có 82,4 triệu ca mắc bệnh lậu, chủ yếu từ 15 - 49 tuổi. Nếu không điều trị, bệnh lậu có thể dẫn đến nhiễm lậu cầu toàn thân (disseminated form of gonococcal infection - DGI) đe dọa tính mạng người bệnh. Vậy hiện nay có những cách chữa bệnh lậu nào có hiệu quả cao và đảm bảo an toàn?
Tổng quan về bệnh lậu
Bệnh lậu là bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục (Sexually transmitted infections - STIs) phổ biến do song cầu khuẩn Gram âm có tên Neisseria gonorrhoeae (N. gonorrhoeae) gây ra. (1)
Nam và nữ có nguy cơ mắc bệnh tương đương nhau. Bệnh dễ lây lan nhất khi quan hệ tình dục bằng đường âm đạo - dương vật, miệng và hậu môn. Ở nam giới, bệnh lậu có thể gây ra viêm mào tinh hoàn, hẹp niệu đạo, thậm chí vô sinh.
Ở nữ giới, nhiễm lậu cầu nếu không điều trị có thể gây ra viêm tiểu khung, tắc vòi trứng, mang thai ngoài tử cung và vô sinh. Phụ nữ đang mang thai bị bệnh lậu khả năng cao sẽ lây bệnh cho em bé trong quá trình chuyển dạ. Trẻ bị bệnh lậu có thể nhiễm trùng mắt, nguy cơ mù vĩnh viễn. Đáng chú ý, người bị bệnh lậu có nguy cơ dễ mắc và lây lan HIV, các bệnh lây qua đường tình dục khác hơn.
Triệu chứng bệnh lậu có sự khác biệt giữa nam và nữ. Ở nam giới, các biểu hiện thường gặp gồm tiết dịch niệu đạo ở dạng nhầy hoặc mủ, tiểu buốt. Ngược lại, nữ giới thường không có biểu hiện nhưng nếu không điều trị đúng cách có thể biến chứng dẫn đến vô sinh hoặc các rủi ro cho em bé khi mang thai.
Quan hệ tình dục lành mạnh và sử dụng bao cao su khi quan hệ là cách tốt nhất để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Các triệu chứng của bệnh lậu
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những biểu hiện của bệnh lậu có thể được tìm thấy ở bộ phận sinh dục, vùng hậu môn và cổ họng. Các triệu chứng có sự khác biệt giữa nam và nữ. Thông thường, trong vòng từ 1 - 14 ngày sau khi quan hệ tình dục với người bệnh, các triệu chứng này sẽ xuất hiện. (2)
Những dấu hiệu của bệnh lậu ở nam và bệnh lậu ở nữ bao gồm:
1. Biểu hiện bệnh lậu ở nam giới
- Cảm giác đau và nóng rát khi đi tiểu.
- Đi tiểu nhiều bất thường.
- Dương vật tiết dịch nhầy, nhỏ giọt màu trắng, vàng, be hoặc xanh lục.
- Tinh hoàn hoặc lỗ sáo bị sưng, đau.
- Hậu môn đau và ngứa.
2. Biểu hiện bệnh lậu ở nữ giới
Ở phụ nữ, các triệu chứng thường không rõ ràng. Theo Bộ Y tế, bệnh nhân có biểu hiện tiết dịch niệu đạo bất thường, tiểu buốt, đau vùng bụng dưới và đau khi quan hệ tình dục chỉ chiếm dưới 50%. Trong khi thăm khám có thể phát hiện dịch âm đạo, mủ và viêm cổ tử cung.
Lậu trực tràng có thể gặp ở cả nam và nữ. Biểu hiện là hậu môn, trực tràng có cảm giác đau hoặc tiết dịch.
Lậu hầu họng phần lớn không có triệu chứng hoặc biểu hiện đau họng nhẹ và viêm họng.
Trường hợp đối tượng nhiễm bệnh lậu là trẻ sơ sinh do lây từ mẹ, biểu hiện dễ nhận thấy là nhiễm trùng mắt gây sưng đỏ, đau, nhức, loét và chảy nước mắt.
Ngoài ra, người trưởng thành cũng có thể bị bệnh lậu ở mắt dù tần suất thấp. Nguyên nhân chủ yếu do tay tiếp xúc với khu vực chứa vi khuẩn gây bệnh mà không rửa tay sạch rồi chạm vào mắt. Trong trường hợp này, biểu hiện của bệnh tương tự với nhiễm trùng mắt ở trẻ sơ sinh.
Bệnh lậu có chữa khỏi được không?
Có. Nếu điều trị đúng cách thì hoàn toàn có thể chữa dứt điểm bệnh lậu. Người bệnh cần tuân thủ đúng theo liệu trình điều trị bác sĩ đưa ra. Ngoài ra, bệnh nhân cần lưu ý không sử dụng chung thuốc chữa bệnh lậu với bất kỳ ai. Dù sử dụng thuốc có thể ngăn bệnh lây nhiễm nhưng không thể phục hồi hoàn toàn những thương tổn do bệnh gây ra trước đó. (3)
Bài viết liên quan: Bệnh lậu có tự khỏi không?
Yếu tố rủi ro gây bệnh lậu
Vi khuẩn gây bệnh lậu lây lan và phát triển qua nhiều đường khác nhau. Phần lớn xuất phát từ việc quan hệ tình dục thiếu an toàn. Cụ thể:
- Quan hệ tình dục với không kiểm soát, quan hệ với nhiều bạn tình.
- Quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ an toàn.
- Quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn không bảo vệ.
- Sử dụng các loại đồ chơi tình dục không được sát khuẩn và bảo vệ bằng bao cao su.
- Mẹ mắc bệnh lây sang con trong khi sinh.
Phương pháp chẩn đoán bệnh lậu
Cách duy nhất để phát hiện ra bệnh lậu là xét nghiệm. Hiện có 2 phương pháp xét nghiệm bệnh lậu bao gồm: xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra dịch tiết.
1. Xét nghiệm nước tiểu
Đây là cách xét nghiệm lậu phổ biến nhất. Khi làm xét nghiệm này, bác sĩ yêu cầu bệnh nhân lấy mẫu nước tiểu để đem đi xét nghiệm. Người bệnh sẽ nhận được kết quả sau vài ngày.
2. Kiểm tra dịch tiết
Ở phương pháp này, bác sĩ lấy dịch tiết ở dương vật, âm đạo, cổ họng hoặc trực tràng mang đi xét nghiệm. Dịch tiết này được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm nên có thể mất vài ngày để cho ra kết quả chính xác.
Hướng dẫn cách chữa bệnh lậu dứt điểm hiệu quả chuẩn y khoa
Việc chữa trị bệnh lậu quan trọng cần thực hiện nhanh chóng, đúng phác đồ để tránh bệnh đưa đến biến chứng nguy hiểm cho bản thân người bệnh hoặc lây nhiễm sang người khác.
Hiện nay, bệnh lậu có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh 1 liều duy nhất thông qua những cách như sau mang lại hiệu quả cao bao gồm:
1. Trường hợp nhiễm lậu tại bộ phận sinh dục, hậu môn, trực tràng
Ở trường hợp này, cách điều trị tối ưu là dựa vào kháng sinh đồ. Nếu không có kháng sinh đồ thì có thể lựa chọn một trong những phác đồ sau:
- Ceftriaxon 250mg, tiêm bắp, một liều duy nhất.
- Spectinomycin 2g, tiêm bắp, một liều duy nhất.
- Cefixim 400mg, uống liều duy nhất.
Ngoài ra, cần kết hợp uống azithromycin 1g uống liều duy nhất nhằm điều trị đồng nhiễm Chlamydia.
Phụ nữ mang thai có thể điều trị lậu theo phác đồ này nhưng cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.
2. Trường hợp nhiễm lậu hầu họng
- Ceftriaxon 250mg, tiêm bắp một liều duy nhất.
- Cefixim 400mg, uống một liều duy nhất.
Kết hợp azithromycin 1g uống liều duy nhất để điều trị đồng nhiễm Chlamydia.
3. Chữa bệnh lậu mắt cho trẻ sơ sinh
Để điều trị viêm kết mạc mắt do lậu cầu ở trẻ sơ sinh, có thể lựa chọn một trong các phác đồ sau:
- Ceftriaxon 50mg/kg (tối đa 150mg) tiêm bắp một liều duy nhất.
- Kanamycin 25mg/kg (tối đa 75mg) tiêm bắp một liều duy nhất.
- Spectinomycin 25mg/kg (tối đa 75mg) tiêm bắp một liều duy nhất.
Lưu ý cần biết khi điều trị bệnh lậu
Để đạt kết quả tối ưu trong quá trình điều trị bệnh lậu, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Bệnh nhân lậu có thể tái nhiễm sau khi điều trị khỏi.
- Người từng bị bệnh lậu có nguy cơ tái nhiễm cao hơn.
- Nếu không điều trị đúng cách, bệnh lậu có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh tình dục khác.
- Trong trường hợp điều trị bệnh lậu bằng thuốc uống, người bệnh cần hoàn thành hết liệu trình ngay cả khi các triệu chứng bệnh đã biến mất nhằm loại bỏ triệt để nguy cơ nhiễm trùng.
- Bệnh lậu không lây qua việc ôm, dùng chung hồ bơi hay bồn tắm, dùng chung khăn tắm, ăn chung đũa, thìa, chén, bát… với người bệnh do vi khuẩn lậu không thể tồn tại lâu bên ngoài cơ thể con người.
- Quan hệ tình dục có sử dụng bao cao su vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh nếu không bảo vệ đúng cách.
- 1 - 2 tuần sau điều trị bệnh lậu, bệnh nhân nên tái khám và làm xét nghiệm lại để xác định đã điều trị khỏi.
- Nên tránh quan hệ tình dục cho đến khi nhận được sự cho phép của bác sĩ.
- Nếu phát hiện các triệu chứng của bệnh sau khi điều trị xong, cần tới bệnh viện thăm khám ngay.
Biện pháp ngăn ngừa bệnh lậu
Song song với việc điều trị, áp dụng biện pháp phòng ngừa bệnh lậu có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro mắc bệnh. Có thể phòng ngừa bệnh lậu theo những cách sau:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: Dù quan hệ tình dục bằng đường âm đạo - dương vật, bằng miệng hay hậu môn nên sử dụng bao cao su. Bao cao su sử dụng phải mới và không bị rách, thủng.
- Quan hệ một vợ một chồng: Việc duy trì mối quan hệ một vợ một chồng trong đó cả hai đều không bị bệnh lậu sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
- Không quan hệ tình dục với người có biểu hiện bệnh: Tuyệt đối không quan hệ với người có các biểu hiện của bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Làm xét nghiệm thường xuyên: Định kỳ đến bệnh viện kiểm tra sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lậu, đặc biệt với nữ giới có quan hệ tình dục dưới 25 tuổi và phụ nữ lớn tuổi do có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Ngoài ra, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới cũng được khuyến nghị xét nghiệm lậu định kỳ.
Một số câu hỏi liên quan
1. Bệnh lậu có tái phát sau điều trị không?
Không. Bệnh lậu không tái phát sau khi đã điều trị khỏi. Tuy nhiên, bệnh có thể bị tái nhiễm nếu không thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh.
2. Chữa bệnh lậu ở đâu tốt?
Để điều trị dứt điểm bệnh lậu một cách an toàn, hiệu quả cao, tránh phát sinh biến chứng không mong muốn, người bệnh đến các bệnh viện có các bác sĩ Da liễu, Nam học với chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm.
Khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu Thận học, Khoa Nam học - Tiết niệu - Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm và tận tâm với nghề, đảm bảo riêng tư, giúp người bệnh điều trị hiệu quả.
Đội ngũ chuyên gia, bác sĩ luôn cập nhật, làm chủ các kỹ thuật tiên tiến và hiện đại nhất nhằm nhanh chóng phát hiện và điều trị hiệu quả, góp phần rút ngắn thời gian điều trị, hạn chế tối đa nguy cơ tái phát, mang đến cuộc sống khỏe mạnh và an tâm cho người bệnh.
3. Điều trị bệnh lậu mất bao lâu?
Bệnh lậu có thể điều trị khỏi trong vòng 1 tuần.
Bệnh lậu tuy không phải bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, có thể phát sinh những biến chứng không mong muốn. Cách chữa bệnh lậu được áp dụng phổ biến là sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng penicillin. Trong đó, thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến hơn nhờ có hiệu quả điều trị khả quan hơn.