[Review Sách] “Công Thức Hạnh Phúc”: Hạnh Phúc Không Khó Tìm - YBOX

Darkrose

Hạnh phúc là điều mà ai ai cũng theo đuổi bằng được trong suốt cuộc đời. Ấy thế mà không phải là lúc nào con người cũng cảm thấy sự hiện diện hạnh phúc trong đời. Và có những câu hỏi về chủ đề này đã được đặt ra trong hàng ngàn năm: Làm cách nào để tìm thấy hạnh phúc? Cần áp dụng nguyên tắc nào để có thể có hạnh phúc? Khó có thể trả lời những câu hỏi trên một cách chính xác, nhưng có lẽ cuốn sách Công thức hạnh phúc của F.R.Kets de Vries sẽ phần nào khiến khán giả thỏa mãn với những trăn trở của mình.

1. Vài nét về tác giả Manfred F. R. Kets de Vries:

Manfred F.R. Kets de Vries là một nhà phân tâm học người Hà Lan, giáo sư chuyên ngành Phát triển lãnh đạo và Thay đổi tổ chức tại INSEAD. Ông đã từng nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế năm 1966 tại Đại học Amsterdam, nhận bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Trường Kinh doanh Harvard. Ngoài Công thức hạnh phúc, ông còn là tác giả của những tác phẩm như The Leadership Mystique (2006) hay Mindful Leadership Coaching (2014).

2. Khái niệm mơ hồ về hạnh phúc:

Trên thực tế, mỗi cá nhân trên đời lại có một khái niệm khác nhau về hạnh phúc, bởi hoàn cảnh sống và khát vọng của mỗi người khác nhau. Ví dụ như học sinh thường cho hạnh phúc là được nghỉ và đi chơi nhiều hơn đi học, những gia đình nghèo thì hạnh phúc khi có thu nhập khá hơn. Nhân loại đã mất đến hàng nghìn năm chỉ để tìm kiếm một định nghĩa chính xác cho từ “hạnh phúc” - thế nhưng tất cả các khái niệm đến nay vẫn khó có thể bao quát được ý nghĩa của từ ghép này. Vì vậy, nhiều học giả tin rằng “hạnh phúc” là một trong những chủ đề không nên được khám phá. Nói chính xác hơn, đây là một cuộc tìm kiếm không có kết quả. Gilbert Chesterton cho rằng hạnh phúc giống như tôn giáo, càng truy vấn thì sẽ tiến dần vào ngõ cụt. Trong khi đó, Nathaniel Hawthorne tin rằng nếu cứ cố gắng tìm kiếm hạnh phúc, nó sẽ ngày càng bỏ xa bạn:

Vậy thì tại sao, mặc dù gần như cả thế giới đều sùng bái hạnh phúc, nó vẫn còn là một khái niệm bí ẩn? Tại sao chúng ta thoải mái nhắc đến nó mà lại vụng về khi miêu tả nó? Do ta chưa tìm được câu trả lời hay vì thực ra không có câu trả lời? Vài học giả từng viết về hạnh phúc tin rằng đó thậm chí là một trong những chủ đề không nên được khám phá.

Thế nhưng, nhân loại vẫn lao đầu vào để phân tích. Mỗi người có một suy nghĩ khác nhau, dẫn đến nhiều khái niệm khác nhau ra đời. Nhưng dù là khái niệm nào, mỗi người đều có những giây phút trải nghiệm hạnh phúc. Có thể hạnh phúc của nhiều người không ở lại quá lâu, có lúc nó sẽ đến rất muộn, có lúc nó đến mà bản thân ta lại không thể nhận ra. Nhưng chắc chắn, mỗi người đều đã ít nhất một lần cảm thấy thực sự hạnh phúc trong đời:

Ví dụ, một số người lý luận rằng hạnh phúc không phải là một địa điểm hay một điều kiện mà là một trạng thái tinh thần, một thứ đến từ bên trong ta - hay có thể nói là một điều tưởng tượng (Quan điểm được chấp nhận rộng rãi ấy - rằng hạnh phúc là một sản phẩm của thế giới nội tâm - có thể đã góp phần bao trùm nó trong bức màn bí ẩn). Những nhà vật lý trị liệu, mặt khác, lại so sánh với “Thiên đường đã mất” của ấu thơ - một cảm giác bồng bềnh mơ hồ lưu trong ký ức nảy sinh từ sự hợp nhất của người mẹ. Họ ghi nhận rằng có rất nhiều bệnh nhân của mình từng nói về việc cố gắng nắm bắt những ký ức thoáng qua về một sự liên kết bí ẩn họ đã từng biết - một ký ức chỉ có thể được bắt giữ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. [...]

[...] Tuy nhiên, một số nhà tâm lý học và thần kinh học có cái nhìn hoài nghi hơn về chủ đề này. Họ lý luận rằng hạnh phúc không gì hơn một phản ứng sinh lý, một sản phẩm của phản ứng hóa học trong cơ thể hay kết quả hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh.

[Review Sách] “Công Thức Hạnh Phúc”: Hạnh Phúc Không Khó Tìm - YBOXĐiều gì cũng có hai mặt của nó, hạnh phúc cũng vậy. Bản chất của hạnh phúc không phải là toàn vẹn hay bất biến. Giả sử hạnh phúc ấy chỉ đến chốc lát và biến mất, ta sẽ thấy nuối tiếc và luôn giữ những kỷ niệm về nó. Nhưng nếu cứ hạnh phúc hoài mà không biết đến đau khổ, cuộc sống sẽ dần trở nên vô vị:

Trớ trêu thay, hạnh phúc không bao giờ là toàn vẹn hay bất biến, trên thực tế ấy là một trong những đức hạnh của nó. Trạng thái hạnh phúc bất tận may lắm thì sẽ khiến ta thấy đơn điệu, còn tệ hơn thì chẳng khác nào một cơn ác mộng (giống như ở trong trạng thái cực khoái vĩnh viễn). Trên thực tế, những người luôn tự nhận là luôn trong trạng thái hạnh phúc rất cả thể bị bác sĩ tâm lý chẩn đoán là mắc chứng hưng phấn nhẹ hoặc đang chối bỏ sự thật. Nói theo cách khác, có một thứ gọi là quá hạnh phúc. Cần thăng trầm để trải nghiệm thêm màu sắc.

3. Giải mã hạnh phúc:

Theo quan niệm của người Trung Hoa cổ xưa, một con người hạnh phúc là một con người sở hữu ba yếu tố sau trong đời: người để yêu, điều để làm và điều để hy vọng. Tác giả de Vries đã lần lượt đi sâu vào ba vấn đề này.

Đầu tiên là người để yêu. “Người để yêu” ở đây được hiểu là một người mà bản thân ta thấy gần gũi và tin tưởng. “Người để yêu” ở đây thực tế không chỉ gói gọn trong người yêu hay bạn đời. Phạm vi của đối tượng này rất rộng, gồm có cha mẹ, anh chị em, con cái, họ hàng và bạn bè. Tại sao mỗi người cần phải có “người để yêu”? Bởi vì hạnh phúc chỉ được nhân lên khi nó được lan tỏa từ người này sang người khác. Mọi người lan tỏa niềm hạnh phúc bằng cách giúp đỡ hoặc tạo ra niềm vui cho mọi người xung quanh. Nếu có hạnh phúc mà chỉ khư khư giữ cho riêng mình thì sự ích kỷ sẽ bào mòn dần hạnh phúc.

Bí mật của hạnh phúc là khả năng tìm được niềm vui trong niềm vui của người khác, là mong muốn làm những người khác hạnh phúc. Để trải nghiệm hạnh phúc thực sự, ta cần học cách quên bản thân, bởi vì sự tự lấy mình làm trung tâm và hạnh phúc loại trừ lẫn nhau. Thay vào đó ta cần phải giải phóng; ta cần phải quan tâm đến người khác. Nhiều người trong chúng ta đã thấy hiện tượng này xảy ra: khi ta mang ánh mặt trời đến với cuộc đời người khác, ta nhận được trở lại một vài tia nắng.

Theo tác giả, tương tác giữa người với người trong xã hội là cực kỳ quan trọng. Bản chất của loài người là không ngừng tìm kiếm một nơi mình thuộc về. Đến Robinson Crusoe còn phải gắng sức để trở về với xã hội loài người mặc dù ông có cuộc sống tương đối dễ chịu ở hòn đảo hoang. Thay vì phân tán nhỏ lẻ, con người cảm thấy gần gũi và dễ gắn bó hơn trong tập thể: gia đình, trường lớp, bạn bè,...

Nhu cầu gắn kết liên quan đến quá trình kết nối với một người khác, đến trải nghiệm phổ quát là mong muốn được gần gũi với người khác. Nó còn liên quan đến niềm vui khi được chia sẻ à khẳng định. Khi nhu cầu cho việc kết nối gần gũi này được ngoại suy cho các nhóm hội, khao khát được tận hưởng sự gần gũi có thể miêu tả như nhu cầu được gia nhập. Cả gắn kết và gia nhập đều đóng vai trò cân bằng tâm lý thông qua việc khẳng định giá trị của một cá nhân và góp phần củng cố lòng tự trọng của họ. Có mối liên kết bền chặt với bạn bè và những người thân yêu và trở thành thành viên của một cộng đồng người là những phương diện thiết yếu để trở thành một con người. Chúng quan trọng không chỉ cho sức khỏe tâm thần mà còn cho hạnh phúc.

Nếu không gắn kết với xã hội, con người không có cơ hội thể hiện bản thân. Từ đó đời sống tinh thần của họ sẽ dần đi xuống. Không chia sẻ, không học tập, con người dần chìm vào cô đơn. Cô đơn ở đây không chỉ có nghĩa là ở một mình, mà là cảm giác trống vắng, không thể chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ với bất kỳ ai.

Cô đơn thể hiện cho sự nghèo bản ngã. Nó ra tín hiệu cho sự bất lực trong việc giao tiếp, trong việc vươn ra ngoài bong bóng riêng tư của một người, nó cho thấy những kỹ năng xã hội kém phát triển. Tệ hơn, sự cô đơn tự duy trì chính nó: những người không thể chạm tới người khác có ít hy vọng phá vỡ tình trạng cô đơn của họ.

Tiếp đó, mỗi người cần có việc để làm. Việc để làm giúp ta duy trì kết nối của con người với xã hội. Nó tạo nên mục đích sống và kích thích sự nhạy bén của các giác quan. Không có việc làm, đời sống tinh thần sẽ trở nên nhạt nhòa. Tác giả nêu ví dụ về nhân vật Oblomov, một nhân vật được sáng tạo bởi nhà văn Nga Ivan Goncharov. Người đàn ông tên Oblomov này chính là ví dụ điển hình cho một người “không là gì cả” theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Oblomov là hình mẫu về sự phát triển con người trì trệ, một cá nhân không có khả năng đi qua trạng thái hoạt động thực vật. Cạn kiệt sinh lực bởi thụ động và thờ ơ, anh thấy cuộc sống quá khó khăn - nhưng tự sát thì cũng khó chẳng kém. Oblomov chưa bao giờ thực sự sống (theo cách chúng ta nghĩ cuộc sống lẽ ra phải như vậy). Anh ta chỉ nằm ì trên giường. (Tất nhiên, có thể lý luận rằng giường là nơi trốn tránh nếu người ta muốn tránh rủi ro. Mặt khác, hầu hết cái chết đều diễn ra trên giường!) Oblomov không hành động thật sự mà chỉ đi mơ mộng hão huyền, chuyển tải cho người đọc cảm giác về sự vô tích sự và sự diệt vong sắp đến.

Tác giả cho rằng sự tồn tại của những người như Oblomov, dù là trong văn học hay ngoài đời thực cũng là mối đe dọa cho xã hội. Con người càng thụ động và trì trệ thì nhân loại càng dễ tiến dần về thời kỳ đồ đá.

[Review Sách] “Công Thức Hạnh Phúc”: Hạnh Phúc Không Khó Tìm - YBOXTuy nhiên, công việc chỉ thú vị khi ta coi nó là niềm vui thích. Một khi công việc trói buộc con người với những trách nhiệm, nó bỗng chốc trở nên nặng nề và khó chịu. Với áp lực về tiền bạc và trách nhiệm (không chỉ với công ty mà còn với gia đình), nhiều người sẽ nhanh chóng chán nản và mệt mỏi với công việc mình đang làm. Hơn nữa, phải lặp đi lặp lại một nội dung công việc từ ngày này qua ngày khác, không ít người đã nhanh chóng từ bỏ đam mê lâu năm của mình. Để không phải hối tiếc về công việc mình đang làm, ta cần phải có mục đích rõ ràng. Công việc cũng là một cách để lan tỏa hạnh phúc nếu thông qua nó ta có những đóng góp nhất định cho xã hội.

Nếu hạnh phúc là mục tiêu, ta nên tìm công việc cho chúng ta cảm giác có mục đích. Khi ta cảm thấy những gì mình làm tạo nên sự khác biệt, cuộc sống của ta có ý nghĩa hơn. Công việc cho phép ta cảm thấy mình đang đóng góp, công việc thật sự lôi cuốn chúng ta, công việc đòi hỏi sự tập trung hoàn toàn - đây là loại công việc tạo nên những khoảnh khắc hạnh phúc (và vì vậy tạo nên những ký ức hạnh phúc nâng đỡ ta trong những giờ phút khó khăn). Nếu ta mất hoàn toàn cảm giác thời gian khi đang làm việc và không cảm thấy bản thân đuổi sức vào cuối ngày, đó là dấu hiệu tốt cho thấy ta đang làm loại công việc nói trên.

Và cuối cùng, con người không thể thiếu đi điều để hy vọng. Hy vọng gắn liền với mục tiêu và thúc đẩy chúng ta phấn đấu trong cuộc sống. Nhờ có hy vọng, ta khao khát được khám phá thế giới rộng lớn quanh mình và dần trưởng thành hơn. Tuy nhiên, ranh giới giữa phá hủy và nuôi dưỡng hy vọng là rất mong manh, bởi hy vọng không được níu giữ bằng đôi tay mà là bằng tâm trí. Hy vọng có thể hiện ra ở trước mặt hoặc chỉ đơn thuần là những khái niệm và ký ức ẩn sâu trong bộ não người. Một mối quan hệ mới, một việc làm mới, một nơi ở mới,... ai cũng có thể đặt hy vọng của mình vào một điều gì đó.

Bởi vì hy vọng được kết nối với mục tiêu và mục đích có ý nghĩa, nó chỉ hướng cho chúng ta đến đích (một đích đến sẽ dần mở ra). Hy vọng giúp chúng ta cảm nhận được phương hướng trong hành trình đi qua cuộc đời - cảm giác về nơi ta muốn đến. Trên thực tế, nếu không có hy vọng thì còn lê đường làm gì? Nếu bị tuyệt vọng dẫn lối, ta có thể tới một nơi ta không mong muốn. Hy vọng khiến nỗi buồn chán nản lòng vơi bớt và giúp ta nhớ rằng mặt trời luôn ở trên những đám mây, kể cả khi ta không thể nhìn thấy.

Tác giả có đưa ra một khung gợi ý về khái niệm hy vọng, đó là nhắc đến ước mơ. Ước mơ, dù có trở thành hiện thực hay không, cũng khiến cho cuộc sống thêm sắc màu hơn. Sống mà không có ước mơ thì không khác nào đã chết, bởi ước mơ gieo vào lòng con người động lực để sống và hoàn thiện bản thân. Ước mơ dù có xa vời đến mấy cũng khiến con người suy nghĩ và không ngừng phấn đấu để đạt được chúng. Đồng thời, ước mơ cũng thúc đẩy ta hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ước mơ có trở thành hiện thực hay không lại phụ thuộc vào bản thân. Chỉ cần có niềm tin và nỗ lực, ta có thể đạt được những gì ta khao khát.

Nhưng để có thể mơ, ta phải tin vào bản thân. Ta phải có niềm tin rằng ta có thể trở thành những gì ta khao khát. Khi ta nhìn vào những cá nhân đã làm nên sự khác biệt cho thế giới - những người nổi tiếng và đầy hoài bão như Mahatma Gandhi, Martin Luther King Jr., Mẹ Teresa và Nelson Mandela - ta thấy bằng chứng về những ước mơ dần dần kết tinh theo thời gian, bền bỉ bất chấp chướng ngại. Những người mộng mơ này hình dung những cách cao cả để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn - và sau đó thực hiện ước mơ của mình, từng bước một.

4. Đối mặt với áp lực:

Trong phần này, tác giả đề cao vai trò của việc chăm sóc sức khỏe đối với mỗi người. Khó ai có thể suy nghĩ tốt nếu cơ thể đang ở trong tình trạng tồi tệ - thậm chí mọi cuộc trò chuyện sẽ chỉ xoay quanh bệnh tật của cơ thể. Tác giả de Vries đã khéo léo so sánh việc duy trì sức khỏe với việc đốt nến. Nếu biết cách đốt, nến sẽ cháy lâu trong một thời gian dài. Nhưng nếu không cẩn thận, cây nến sẽ cháy hết nhanh - cũng giống như sức khỏe nhanh hao hụt vậy. Không may thay, hiện nay phần lớn mọi người đều đang đốt cháy cả hai đầu nến. Đây là những người luôn sốt ruột, bồn chồn, thiếu nhẫn nại, dễ thù địch, cực kỳ hung hăng và đam mê cạnh tranh. Tác giả nhận định rằng nhóm người kể trên là cực kỳ dễ tìm thấy trong cuộc sống. Ông thậm chí còn hỏi độc giả có nhận ra chính mình trong đó không? Họ làm việc gì cũng nhanh - từ ăn uống cho đến giao tiếp - và cảm thấy tội lỗi khi cơ thể đang nghỉ ngơi. Kets de Vries cho rằng họ sẽ không bao giờ cảm thấy thanh thản kể cả trong giấc ngủ. Ông cảnh báo độc giả về tình trạng này:

Sức khỏe thể chất có thể được so sánh với tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, đây là một tài khoản không bình thường - một tài khoản mà ta chỉ có thể rút; ngân hàng không cho phép gửi thêm. Vài người thường tiêu xài hoang phí. Không thể tiết kiệm, họ sẵn sàng phung phí sức khỏe giống như vung vít tiền bạc, từ từ tự giết mình. Chỉ khi chẳng còn bao nhiêu, họ mới nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe.

[Review Sách] “Công Thức Hạnh Phúc”: Hạnh Phúc Không Khó Tìm - YBOXTác giả Kets de Vries đã nhắc lại một câu bông đùa của danh hài P.J.O'Rourke: “Có một thứ mà phụ nữ không bao giờ có thể lấy đi được khỏi đàn ông. Chúng ta chết sớm hơn.” Qua câu nói này, O’Rourke chỉ ra rằng đàn ông có thể sống lâu hơn nếu họ có thể có được một số đặc điểm thường thấy ở phụ nữ. Phụ nữ không thể sánh với đàn ông về thể chất, nhưng ai cũng công nhận rằng tinh thần và tâm lý của họ vững vàng hơn rất nhiều. Nói chính xác hơn, đời sống tinh thần của nữ phong phú và phóng khoáng hơn nam giới. Họ biết cách chiếm cảm tình và tín nhiệm từ người khác, đồng thời tương tác gần gũi với mọi người hơn nửa kia của thế giới. Nam giới khi đến một lứa tuổi nhất định thường có xu hướng khó gần gũi với mọi người xung quanh. Họ thường coi trọng cái tôi của mình hơn - nếu không muốn nói là sĩ diện - hơn là tiếp nhận sự giúp đỡ hay bảo vệ của người khác. Nếu có thể tiếp nhận một số đặc tính của phái đẹp, tuổi thọ của các đấng mày râu có thể tăng lên đáng kể.

Sự hỗ trợ của xã hội - cảm giác được bạn bè và các thành viên gia đình yêu mến và trân trọng, sự cho - nhận thoải mái giữa những người bạn tri kỷ - cho ta một lớp đệm trước áp lực và khích lệ hạnh phúc. Có ai đó để nói về những việc riêng tư sẽ giúp làm dịu những tình huống đầy áp lực. Những người (phụ nữ cũng như đàn ông) có rủi ro cao nhất trước bệnh tật và đau khổ là những người chịu đựng vấn đề của mình một mình, không thể và không sẵn sàng nói về những gì đang làm phiền họ. May mắn thay, sự mở lòng sẽ sinh thêm sự mở lòng. Khi ta diễn tả nỗi sợ với người khác, họ cũng thường chia sẻ lại lo lắng của mình, và ta hiểu rằng không phải có mỗi mình ta; những người khác cũng đang phải vật lộn với những vấn đề tương tự. Đối với hầu hết chúng ta, đó là phát hiện an lòng. Nó dẫn đến bình an trong tâm trí.

Số liệu thống kê cho ta biết người đang trong những mối quan hệ gần gũi thường có những thói quen liên quan đến hành vi sức khỏe tốt hơn. Những người quan tâm nhiều đến nhau đều cố gắng theo dõi sức khỏe của nhau. Khi có sự thân mật trong một mối quan hệ, bạn tình thường uống bia rượu và hút thuốc ít hơn, tránh chất kích thích, có chế độ ăn kiêng tốt hơn, và làm theo yêu cầu của bác sĩ.

5. Đi tìm sự thật:

Theo như Kets de Vries, điều quan trọng nhất trong quá trình theo đuổi hạnh phúc là phải sống thật. “Sống thật” tức là tôn trọng và chấp nhận bản chất của chính mình. Mỗi con người có một bản sắc riêng, do đó không gì quý giá hơn bảo vệ những giá trị riêng của bản thân. Nếu không thể thành thật với bản thân, làm sao có thể thật lòng với người khác? Vì vậy, trước khi trân trọng những điều xung quanh, không thể quên đi việc tôn trọng chính mình trước. Sống thật sẽ đem lại đến cho con người vô vàn lợi ích.

Mặc dù việc sống thật nằm ở nội tâm, nó ảnh hưởng đến mọi tương tác của ta; nó giống như viên kim cương làm xước mọi viên đá. Nếu ta sống thật, ta khiến người khác tin tưởng. Ta tiếp thêm khí thế cho những người xung quanh. Ta là người bạn đồng cảm và là người lắng nghe kiên nhẫn. Bằng cách chú ý đến người khác - bộc lộ sự quan tâm thực sự - ta cung cấp “sự kiềm chế” và từ đó tạo nên “môi trường hỗ trợ”, một nơi an toàn giúp mọi người đối mặt với xung đột và lo lắng. Ta tốt với người khác, nuôi dưỡng tinh thần rộng lượng, mặc dù ta coi những nỗ lực của mình chẳng đáng là bao. Ta thanh thản với bản thân và từ đó có thể giúp người khác cảm thấy tốt hơn về bản thân họ. (Nếu như ta không thanh thản với bản thân, làm sao ta có thể tìm thấy hay chia sẻ thanh thản với người khác? Nếu như ta thiếu tự tin vào bản thân, làm sao ta có thể tạo sự tin tưởng nơi người khác.)

[Review Sách] “Công Thức Hạnh Phúc”: Hạnh Phúc Không Khó Tìm - YBOXVậy làm sao để sống thật? Trước hết là phải xây dựng niềm tin, không chỉ là niềm tin vào những người bên cạnh mà còn là niềm tin vào chính mình. Tin vào khả năng của bản thân và có chính kiến của riêng mình. Sống thật tiếp thêm sức mạnh để con người tin tưởng vào những điều đúng đắn và dám thay đổi thế giới hiện tại thay vì lúc nào cũng chạy theo số đông.

Niềm tin đó cũng cho ta lòng dũng cảm để tin tưởng trong những tình huống khó khăn, giúp ta giữ được lòng trung thành với những giá trị và niềm tin của bản thân. Nếu ta sống thật, ta là hiện thân của sự chịu đựng và bền bỉ; ta không phải là những lá cờ gió thổi chiều nào theo chiều ấy. Ai cũng có thể lái thuyền khi biển lặng. Chính lúc biển động thì người lái thuyền thực sự - cá nhân chân thật - mới xuất hiện.

[...] Những bài học tốt nhất ta có thể học không phải là từ thành công mà là từ thất bại. Khó khăn chồng chất làm ta cứng rắn hơn trước những vất cả trong tương lai. Sống thật cũng góp thêm phần dũng cảm cho ta - dũng cảm để trở nên khác biệt. Và bài kiểm tra lòng dũng cảm thật sự đến khi ta thuộc về thiểu số. Bởi vì có xu hướng động vật bầy đàn, ta thường gặp khó khăn khi một mình một ý kiến. Như kịch tác gia Henrik Ibsen đã nói, “Người mạnh nhất thế giới là người đứng một mình nhiều nhất.” Chắc chắn tất cả chúng ta đôi khi cũng phải đứng một mình. Khi ta sống chân thành nhất, đi theo sự chỉ đạo của trái tim và cái đầu và làm những gì ta tin là đúng, đôi khi ta làm phật lòng những người ta muốn yêu quý. Và khi những gì ta tin tưởng mạnh mẽ hóa ra lại là sai lầm, ta phải gom góp lòng dũng cảm để thừa nhận sự sai lầm.

6. Lời kết:

Công thức hạnh phúc không hoàn toàn là một cuốn sách hướng dẫn độc giả nên làm gì để hạnh phúc. Thế nhưng, tác giả đã chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức phong phú của mình để khiến độc giả thoải mái hơn với chủ đề mưu cầu hạnh phúc. Cuốn sách sẽ đem lại những khoảng lặng bình yên cho độc giả để chiêm nghiệm về những điều mình đã trải qua trong cuộc đời...

Review chi tiết bởi Thanh An Nguyễn - Bookademy

Hình ảnh: Cẩm Vân Nguyễn - Bookademy

-

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.