Không nên test ngay sau khi tiếp xúc F0
Trong quá trình nhiễm virus corona (nCoV), tải lượng virus sẽ tăng lên và giảm đi. Tải lượng virus là số lượng nCoV mà bác sĩ có thể tìm thấy trong cơ thể bạn. Họ có thể sử dụng máu, tăm bông hoặc các chất dịch cơ thể khác nhau để kiểm tra tải lượng của một virus cụ thể. Bản thân những người mắc Covid-19 cũng có tải lượng virus khác nhau.
Các nghiên cứu đã cho thấy tải lượng virus của F0 cao nhất trong vòng 5 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Đây là lúc các xét nghiệm Covid-19 có thể phát hiện chính xác nhất.
Không giống xét nghiệm rRT-PCR, các xét nghiệm nhanh kháng nguyên phát hiện protein của virus. Nó cho kết quả dương tính khi người bệnh đang ở giai đoạn có khả năng lây nhiễm. Ngưỡng phát hiện virus là từ ngày thứ 4 đến 10.
Nếu vừa tiếp xúc nguồn lây hoặc ở giai đoạn ủ bệnh, bạn có thể đã nhiễm virus, song, tải lượng còn thấp. Lúc này, test nhanh chưa phát hiện được virus, kết quả trả về dễ là âm tính giả.
Do đó, nếu không có triệu chứng mắc Covid-19, bạn có thể test nhanh vào ngày thứ 5 hoặc thứ 7 sau khi tiếp xúc F0. Nếu gia đình có người mang thai, mắc bệnh lý nền, bạn cần tuân thủ 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau đó, đợi đến ngày thứ 4 mới nên test nhanh. Nếu kết quả âm tính, bạn nên test lại vào ngày thứ 7.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị người dân nên xem xét việc tự test trước khi tham gia các cuộc tụ họp trong nhà với những người không sống cùng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu buổi tụ họp có trẻ em chưa được tiêm chủng, người lớn tuổi, người suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ mắc bệnh nặng. Bạn nên xét nghiệm nếu có các triệu chứng Covid-19; đã tiếp xúc hoặc có thể tiếp xúc một người nào đó mắc Covid-19.
ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng việc test nhanh liên tục là không cần thiết. Người dân chỉ cần test nhanh khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, đau họng, đau ngực.
Bác sĩ Thái cũng khuyến cáo người dân xét nghiệm nhanh nhiều lần nhưng không đúng cách thì vẫn không phát hiện được virus mà còn gây lãng phí và tốn kém. Bên cạnh đó, việc này còn tạo cảm giác an toàn giả, dễ buông lỏng các biện pháp phòng bệnh.
F0 điều trị tại nhà nên test bao nhiêu lần?
Khi trở thành F0, nhiều người có tâm lý lo lắng, một ngày có thể test 2-3 lần để xem virus đã đào thải hết chưa. Đây cũng là việc không cần thiết. Test nhanh nhiều và không đúng cách có thể gây ảnh hưởng niêm mạc mũi, chảy máu cam, tốn kém, lãng phí.
Khi mắc Covid-19, vạch chữ T trên kit test có thể chuyển màu đậm nhạt tùy theo tải lượng virus của người bệnh. Ngày đầu tiên, vạch T sẽ mờ. Đây có thể là thời kỳ ủ bệnh, virus chưa nhân lên nhiều.
Sau đó, từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 8, thời điểm này tải lượng virus đạt đỉnh, cũng là lúc hai vạch đậm nhất. Sau đó, ngày thứ 10 trở đi vạch sẽ mờ dần. Sau ngày thứ 14, kit test nhanh có thể chỉ còn một vạch C. Chúng ta có thể dựa vào mức độ đậm nhạt của vạch T để xem đang ở giai đoạn nào của Covid-19.
Thời điểm cách nhau giữa những lần test nên là 3 ngày/lần. Sau khoảng 7-10 ngày mới nên test lại để xem cơ thể đã âm tính chưa.
Theo hướng dẫn từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), quy trình tự test nhanh gồm:
- Bước 1: Chuẩn bị tuýp dung dịch đệm (buffer) theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Bước 2: Tự lấy mẫu trước gương hoặc thực hiện thao tác lấy mẫu cho các thành viên khác trong gia đình.
- Bước 3: Dùng tay xoay đều tăm bông trong tuýp nhựa chứa dung dịch đệm, nhúng que tăm bông lên xuống trong dung dịch đệm (10 lần).
- Bước 4: Chuyển tay lên phần thân trên tuýp, bóp chặt và rút từ từ que tăm bông. Đảm bảo vắt sạch toàn bộ dung dịch còn đọng trên đầu tăm bông xuống đáy tuýp.
- Bước 5: Đóng chặt nắp màng lọc, lắc đều dung dịch trong tuýp bằng tay (5 lần).
- Bước 6: Ghi tên mỗi thành viên lên từng khay test tương ứng. Nhỏ 3-5 giọt dung dịch trên vào giếng test.
- Bước 7: Đọc kết quả sau 15-30 phút theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Sau khi test nhanh Covid-19, 3 trường hợp hiển thị kết quả có thể xảy ra:
- Âm tính: Vạch C nổi, vạch T không nổi.
- Dương tính: Cả 2 vạch màu đều nổi, kể cả vạch T mờ.
- Kết quả không hợp lệ (có thể do thực hiện test sai hoặc bộ sản phẩm không đạt chất lượng): Cả 2 vạch không nổi; hoặc vạch T nổi, vạch C không nổi.
Mỗi kit test đều đi kèm hướng dẫn và thời gian kết quả có hiệu lực, rơi vào khoảng 15-30 phút tùy thuộc hãng sản xuất. CDC khuyến cáo ngoài việc lấy mẫu đúng cách, chúng ta chỉ nên chỉ đọc kết quả kiểm tra trong khung thời gian được chỉ định trong hướng dẫn. Nếu không, kết quả này có thể sai sót và gây hiện tượng âm tính giả, dương tính giả.
Theo zingnews.vn