Ngành Hóa học học gì? Ra trường làm gì?

Darkrose
Ngành Hóa học học gì? Ra trường làm gì?

Hóa học được coi là ngành công nghiệp nền tảng hiện đại. Vậy khi theo học ngành Hóa học, sinh viên sẽ được học những gì và triển vọng nghề nghiệp tương lai ra sao?

1. Nhu cầu nhân lực ngành Hóa học

Những phát minh trong lĩnh vực hóa học đã trở thành cú hích làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của con người. Không phải ngẫu nhiên mà sự khởi đầu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất trùng với sự khởi đầu của ngành công nghiệp hóa chất vào nửa cuối thế kỷ 18.

Dấu ấn của hóa học từ lâu đã hiện diện trong mọi mặt đời sống như: công nghiệp công nghệ cao như điện tử (chế tạo vi mạch, màn hình LED, OLED…), công nghiệp thực phẩm (thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm), công nghệ y dược (xét nghiệm, phát triển thuốc, vắc xin) sản xuất hàng tiêu dùng (sơn, nhựa, cao su, mực in, dệt nhuộm …), nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc), hay cả sự bùng nổ của các sản phẩm tiên tiến từ công nghệ nano.

Chính vì vậy, hóa học được coi là ngành công nghiệp nền tảng hiện đại. Đồng thời, đây cũng là ngành có tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế và được ưu tiên phát triển ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các cường quốc công nghiệp. Từ đó, triển vọng nghề nghiệp cho những người theo đuổi ngành hóa học trở nên mở rộng hơn bao giờ hết.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có nền công nghiệp hóa học được đánh giá là phát triển sôi động nhất thế giới, với sự tham gia của ngày càng nhiều các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu công nghệ mới và tăng tỷ lệ sản xuất nội địa. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức mới và nhu cầu về đội ngũ nhân lực trẻ trung, tài năng, được trang bị kiến thức hiện đại, năng lực ngoại ngữ vượt trội cũng như các kỹ năng cần thiết để làm chủ công nghệ mới, tự tin cạnh tranh trên thị trường lao động khu vực và quốc tế.

2. Ngành Hóa học ở USTH có gì nổi bật?

Ngành Hóa học tại USTH được xây dựng với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động Việt Nam trong giai đoạn mới. Chương trình đào tạo xây dựng theo chuẩn của Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS) với kiến thức chọn lọc và cập nhật dựa trên chương trình đào tạo tại các trường đại học danh tiếng về khoa học cơ bản như Đại học Pierre & Marie Curie (ĐH Paris 6, Pháp), Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Đại học Hanyang (Hàn Quốc)…, cùng với sự cố vấn của các chuyên gia hàng đầu đến từ các trường Đại học trên.

Chương trình Hóa học tại USTH đào tạo nguồn nhân lực theo hai định hướng chính: Hóa học cho chuyển hóa và tích trữ năng lượng và Hóa học các hợp chất thiên nhiên, được lựa chọn dựa trên tầm nhìn phát triển thị trường lao động Hóa học tại Việt Nam cho tới năm 2030. Theo đó, sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức nền tảng về khoa học hóa học và ứng dụng của hóa học trong lĩnh vực năng lượng, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe.

Chương trình được thiết kế nhằm phát triển khả năng tự học và tự nghiên cứu của sinh viên, vốn được coi là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của các nhà khoa học tương lai. Trong quá trình học, sinh viên được tham gia các khóa học dự án, khóa học quản lý, làm bài tập nhóm, thực tập tại công ty, phòng thí nghiệm trong và ngoài nước để nâng cao tính chủ động, khả năng tự đặt câu hỏi, tự tìm hiểu và giải quyết vấn đề.

Ngành Hóa học tại USTH - cơ hội đặt chân đến những miền đất mới

Từ năm 2022, USTH bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng ngành Hóa học bên cạnh chương trình tiêu chuẩn. Theo đó, Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân khoa học của USTH và bằng cử nhân khoa học (Licence) của trường đại học đối tác. Chương trình đào tạo song bằng được kỳ vọng mang tới thêm nhiều cơ hội du học Pháp cho các bạn trẻ Việt Nam đam mê Hóa học & Công nghệ Hóa học, mang tới cho các bạn trẻ cơ hội trải nghiệm, rèn luyện bản thân và chuẩn bị tốt nhất cho các cơ hội nghề nghiệp trong một môi trường đào tạo năng động, chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam và Pháp.

Song hành và trực tiếp hướng dẫn sinh viên ngành Hóa học là các nhà khoa học giàu kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu quốc tế và đại diện đến từ doanh nghiệp (thông qua các khóa học ngắn). Đội ngũ giảng viên luôn theo sát sinh viên trong suốt quá trình học tập tại trường, nhằm kịp thời tư vấn, đưa lời khuyên về định hướng nghề nghiệp, giúp sinh viên tìm hiểu phong cách, yêu cầu và môi trường làm việc tại doanh nghiệp và giới thiệu cho sinh viên những cơ sở thực tập, việc làm phù hợp.

Qua đó, sinh viên USTH sau khi tốt nghiệp có thể sẵn sàng thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, sẵn sàng làm việc tại các doanh nghiệp và có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

3. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Hóa học tại USTH?

Với những lợi thế vượt trội khi theo học ngành Hóa học tại USTH nêu trên, sinh viên hoàn toàn tự tin lựa chọn các cơ hội nghề nghiệp cả trong và ngoài nước. Cụ thể:

Công việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học:

  • Tiếp tục học lên trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài nước;
  • Nhà khoa học trong các lĩnh vực khoa học vật liệu, công nghệ nano, vật liệu sinh học, y học, nông nghiệp; thực phẩm, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, …
  • Giảng viên trong các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

Công việc theo định hướng doanh nghiệp: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm các vị trí như chuyên viên phát triển sản phẩm, kiểm định chất lượng, chuyên gia phân tích, chuyên gia dây chuyền sản xuất tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như:

  • Lĩnh vực vật liệu cho chuyển hóa và tích trữ năng lượng như pin khô, pin ướt, pin nhiên liệu, xúc tác, vật liệu nano và các hệ thống bao gồm các vật liệu phức tạp khác;
  • Lĩnh vực thực phẩm, công nghệ thực phẩm, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe trên cơ sở các hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên;
  • Lĩnh vực sản xuất các sản phẩm vô cơ như các hóa chất vô cơ, phân bón, màu cho sơn, vẽ, gốm sứ, nguyên liệu cho công nghiệp điện tử và bán dẫn, …
  • Lĩnh vực sản xuất các sản phẩm hữu cơ như polime, sơn phủ, vải sợi, giấy, dệt nhuộm, cao su, dung môi, dầu khí, hóa chất bảo vệ nông nghiệp, hóa dược, …
  • Lĩnh vực xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường sống, sản xuất sạch và công nghệ năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp còn có thể đảm nhiệm vị trí chuyên viên, tư vấn khoa học và kỹ thuật cho các tổ chức phi chính phủ, vị trí kiểm định, đánh giá các đề án liên quan tại các quỹ đầu tư, các dự án quốc tế.

Khám phá ngành Hóa học tại USTH qua hình ảnh: