Như vậy một ngành học có thời gian đào tạo tối đa lên tới 15 năm.
Hiện nay các trường đại học (ĐH) đang xây dựng và ban hành quy chế đào tạo ĐH mới theo tinh thần Thông tư 08/2021 của Bộ GD-ĐT. Một trong những điểm mới đáng chú ý của quy chế này là điều chỉnh về thời gian đào tạo tối đa.
THÊM 3 NĂM TRẢ NỢ NGOẠI NGỮ, CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Thông tư 08/2021 của Bộ GD-ĐT về Quy chế đào tạo trình độ ĐH, có quy định rất mới về thời gian đào tạo tối đa bậc ĐH. Theo đó, thời gian tối đa để sinh viên (SV) hoàn thành khóa học do các trường quy định nhưng không vượt quá 2 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với mỗi hình thức đào tạo. Với quy định này, chẳng hạn ngành học theo kế hoạch học tập 3 năm rưỡi sẽ có thời gian đào tạo tối đa 7 năm, ngành 4 năm tối đa 8 năm, ngành 5 năm tối đa 10 năm và ngành 6 năm tối đa 12 năm.
Không chỉ vậy, quy chế năm 2021 còn một quy định điểm mới về việc kéo dài thời gian đào tạo tối đa với SV chưa hoàn thành chuẩn đầu ra. Để được xét và công nhận tốt nghiệp, một trong các điều kiện SV cần có là tích lũy đủ học phần, số tín chỉ và hoàn thành các nội dung bắt buộc khác theo yêu cầu của chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của chương trình. Quy chế này cho phép trường hợp SV đã hết thời gian học tập tối đa theo quy định nhưng chưa đủ điều kiện tốt nghiệp do chưa hoàn thành những học phần điều kiện gồm giáo dục quốc phòng - an ninh hoặc giáo dục thể chất hoặc ngoại ngữ, công nghệ thông tin, trong thời hạn 3 năm tính từ khi thôi học, được hoàn thiện các điều kiện còn thiếu và đề nghị xét công nhận tốt nghiệp. Trong khi đó, quy chế cũ theo hệ thống tín chỉ (quy chế 43/2007) chỉ cho phép SV còn nợ chứng chỉ giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất có thêm 5 năm tính từ ngày phải ngừng học được trở về trường trả nợ để có đủ điều kiện xét tốt nghiệp.
CÁC TRƯỜNG QUY ĐỊNH KHÁC NHAU, DÀI NHẤT 15 NĂM
Áp dụng quy định mở của quy chế này, các trường ĐH đang xây dựng những quy định khác nhau về thời gian đào tạo tối đa.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết theo quy định chung, trường cho phép SV các ngành đào tạo bác sĩ học tối đa trong 12 năm, chương trình cử nhân 8 năm theo tinh thần gấp đôi thời gian chương trình thiết kế. Những SV chưa đủ điều kiện tốt nghiệp do nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ, công nghệ thông tin, giáo dục quốc phòng - an ninh hoặc giáo dục thể chất, có thêm 3 năm nữa để hoàn thành. Khi đó, thời gian tối đa có thể lên tới 11 hoặc 15 năm tùy ngành học. "Tuy nhiên đến thời điểm này, trường hiện chưa ghi nhận trường hợp SV nào phải sử dụng hết thời gian đào tạo tối đa cho việc học. Do vậy, quy định này chỉ áp dụng với những trường hợp đặc biệt có lý do bất khả kháng", PGS Khôi cho hay.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết theo quy chế này, các trường được chủ động quy định thời gian đào tạo tối đa không quá 2 lần thời gian đào tạo tiêu chuẩn. Do vậy, trường vẫn quy định SV có 4 năm học tiêu chuẩn, cộng 2 năm kéo dài. Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, hiệu trưởng sẽ quyết định thời gian kéo dài thêm nhưng đảm bảo tối đa 2 lần chương trình chuẩn.
"Quy định thời hạn đào tạo tối đa của trường là để SV đặt ra lộ trình học tập hợp lý, đáp ứng yêu cầu thị trường của người tốt nghiệp. Người học vẫn có thể chuyển sang vừa làm vừa học để hoàn tất chương trình đào tạo sau khi hết thời gian quy định (kể cả kéo dài). Ngoài ra, khi tuyển sinh đầu vào, SV vẫn có thể được xem xét miễn một số học phần đã tích lũy trước đó. Đây là các quy định vừa chặt chẽ, vừa nhân văn, hỗ trợ học tập nghiêm túc và hỗ trợ học tập suốt đời", PGS Thắng nói thêm.
CẦN THIẾT CHO NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết quy định thời hạn 3 năm cho SV trả nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ và công nghệ thông tin bắt đầu áp dụng từ khóa tuyển sinh 2021. Quy định này có thể xuất phát từ thực tiễn nhiều SV không đủ điều kiện do nợ các chuẩn đầu ra nên việc thay đổi là phù hợp. Ngay đợt xét tốt nghiệp vừa rồi của trường, không ít SV đã hết 4 năm đào tạo nhưng chưa đủ điều kiện xét tốt nghiệp, trong đó nhiều nhất là chuẩn ngoại ngữ.
"Quy định này thực sự cần thiết với những trường hợp đặc biệt do những khó khăn trong cuộc sống, có cơ hội hoàn tất việc học để nhận bằng tốt nghiệp. Chẳng hạn, trường từng giải quyết cho một SV đi nước ngoài làm việc ở thời điểm chưa hoàn thành việc học. Trong khung thời gian 8 năm tối đa của chương trình đào tạo, SV nay trở về vẫn đủ thời gian để hoàn thành việc xét tốt nghiệp và nhận bằng", tiến sĩ Hạ cho hay.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Hạ, SV cần có kế hoạch cho bản thân và chủ động hoàn thành việc học trong thời gian sớm nhất. Việc tốt nghiệp đúng tiến độ sẽ giúp người học có nhiều lợi thế hơn về cơ hội việc làm, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức.
Cùng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, nhìn nhận điểm mới của quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập suốt đời. Ông Tùng bày tỏ sự ủng hộ điểm mới khi xét điều kiện hoàn cảnh khách quan, có những SV vì hoàn cảnh, khó khăn kinh tế đi làm đến khi quay lại trường thay vì bị trễ, nay còn cơ hội hoàn thành việc học để cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp ĐH.
Tiến sĩ Võ Thái Dân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết hiện các ngành của trường có thời gian đào tạo thiết kế từ 4 - 5 năm rưỡi và thời gian tối đa từ 8 - 11 năm. Theo thông tư 08, SV còn có thêm 3 năm để hoàn thành chuẩn đầu ra ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Dân, SV cần lưu ý muốn được kéo dài thời gian học tập cần phải làm các thủ tục theo quy định các trường. Nếu không xin bảo lưu kết quả học tập mà tự ý nghỉ học, SV có thể bị cảnh báo học vụ và đứng trước nguy cơ bị buộc thôi học theo quy định của quy chế.