Học phí nhiều ngành thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội tăng, cao nhất 112 triệu đồng

Darkrose

Cụ thể, học phí chương trình chuẩn, chưa được kiểm định chất lượng của các trường thành viên thuộc Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thấp nhất 15 triệu đồng/năm.

Với các chương trình chuẩn đã được kiểm định chất lượng, các trường thu cùng mức 35 triệu đồng/năm.

Học phí chương trình chất lượng cao hay liên kết đào tạo với nước ngoài, các trường, khoa thành viên của ĐHQGHN đều thu mức trên 50 triệu đồng/năm.

Học phí nhiều ngành thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội tăng, cao nhất 112 triệu đồng - 1

Học phí của 12 trường, khoa trực thuộc ĐHQG Hà Nội ở cả hệ đại trà và chất lượng cao (Ảnh: M.H).

Trong đó, học phí Trường Quốc tế cao nhất, từ 35,2 đến 112,7 triệu đồng/năm. Cụ thể, ngành quản lý chương trình song bằng do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Keuka (Mỹ) cùng cấp bằng thu khoảng 112,7 triệu đồng một năm. Học phí cả khóa học là 450,8 triệu đồng, trong đó có một học kỳ sinh viên học tại Mỹ. Mức này không bao gồm học phí chương trình tiếng Anh dự bị.

Trường này cũng thông báo xét tuyển thẳng 180 chỉ tiêu đạt IELTS 5.5 trở lên vào các chương trình cử nhân do trường đối tác nước ngoài cấp bằng: Cử nhân Quản lý liên kết với Trường Đại học Keuka (Hoa Kỳ); Cử nhân Kế toán và Tài chính liên kết với Trường Đại học East London (Anh); Cử nhân Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch liên kết với Trường Đại học Troy (Hoa Kỳ).

Trường Đại học (ĐH) Kinh tế học phí 24,5 triệu đồng đến 85 triệu đồng/năm. Năm 2023, Trường Đại học Kinh tế là một các trường có chỉ tiêu tuyển sinh nhiều nhất trong khối 12 khoa, trường trực thuộc ĐHQGHN với 2.020 sinh viên.

Ở "top giữa", các trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Ngoại ngữ hay ĐH Khoa học Tự nhiên có mức thu từ 15 triệu đồng/năm đến 35 triệu đồng/năm tùy từng chương trình.

Học phí nhiều ngành thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội tăng, cao nhất 112 triệu đồng - 2

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN (Ảnh: M.H).

Học phí Trường Đại học Giáo dục có mức thấp nhất trong khối các khoa, trường thuộc ĐHQGHN với mức thu từ 9,8 triệu đồng đến 11,7 triệu đồng/năm.

Như vậy, Trường Đại học Giáo dục giữ nguyên mức học phí so với hai năm gần đây. Ngoài các ngành sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền học và sinh hoạt phí, trường này còn tuyển sinh ngành Quản trị trường học, Quản trị công nghệ giáo dục, Quản trị chất lượng giáo dục, Tham vấn học đường, Khoa học giáo dục.

Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Giáo dục tổ chức đánh giá năng khiếu. Thí sinh không bắt buộc phải có kết quả đánh giá năng khiếu trước khi đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, thí sinh được công nhận trúng tuyển khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau: "Đạt" điểm chuẩn theo quy định; "Đạt" về đánh giá năng khiếu.

Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển 14.945 sinh viên cho 143 ngành, chương trình đào tạo, tăng gần 1.800 so với năm ngoái, với 4 nhóm phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét điểm thi tốt nghiệp; xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM; xét chứng chỉ quốc tế.

Theo thống kê, năm 2022, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lấy điểm chuẩn thi tốt nghiệp THPT cao nhất trong khối các khoa, trường thuộc ĐHQGHN với 29,95, kế đến là trường Đại học Công nghệ với mức đầu vào dao động 22-29,15.

Trường Đại học Việt Nhật và Khoa Các khoa học liên ngành là những đơn vị tăng chỉ tiêu cao nhất của ĐHQGHN, lần lượt từ 260 lên 450 và từ 400 lên 750 sinh viên, gần gấp đôi so với năm trước.