Ngành Thiết kế trang sức

Darkrose

Stylist Rachel Zoe- Stylist quyền lực nhất của Hollywood từng nói: “Phong cách là một phương thức để nói lên bạn là ai mà không khiến bạn tốn một lời”. Đúng vậy, phong cách thời trang, đồ trang sức đeo trên người sẽ thể hiện ít nhiều về tính cách, sở thích, quan điểm sống…của một người. Ngoài ra, trang sức được xem như một phụ kiện thời trang để hoàn thiện một bộ trang phục, để làm đẹp, tăng sự tự tin, mong cầu sự may mắn….Với những ý nghĩa đó, nhu cầu sử dụng trang sức ngày càng phát triển và ngành Thiết kế trang sức đã ra đời.

Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu về ngành học Thiết kế trang sức cũng như những thay đổi của nó dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhé.

1.Ngành thiết kế trang sức là gì

Trang sức là những đồ dùng trang trí cá nhân, ví dụ như: vòng cổ, nhẫn, vòng đeo tay, khuyên tai, khuyên mũi, lắc chân, vương miện, đồng hồ có thiết kế đặc biệt… thường được làm từ đá quý, kim loại quý hoặc các chất liệu khác.

Ngành Thiết kế trang sức là ngành học về quá trình sáng tạo, phác thảo và phát triển mô hình về mặt chức năng và thẩm mỹ cho trang sức. Cụ thể nhà thiết kế trang sức sẽ nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của thị trường, khách hàng; nghiên cứu các đặc tính của vật liệu; phác thảo hình dáng chung, kích cỡ, trọng lượng, màu sắc, chất liệu; xây dựng bản vẽ chi tiết; tạo mô hình thực hoặc mô hình trên máy tính. Từ các bản vẽ, mô hình này trang sức sẽ được làm ra.

Chất liệu sử dụng trong ngành công nghiệp này ngày càng phong phú. Không chỉ từ vàng bạc, kim cương mà còn từ nhiều loại đá quý thiên nhiên và nhân tạo khác, cho đến các loại kim loại, hợp kim, gốm, sành sứ, ngọc trai, vỏ trai, gỗ và hiện xuất hiện xu hướng trang sức từ các vật liệu tái chế, vật liệu thân thiện với môi trường.

Các thiết kế của nhà thiết kế trang sức có thể được sản xuất với số lượng lớn (thường gọi là trang sức đại trà) hoặc với số lượng giới hạn hoặc duy nhất (trang sức thiết kế) hoặc thiết kế theo đơn đặt hàng riêng.

Ngành Thiết kế trang sức

2. Triển vọng của ngành thiết kế trang sức

Đồ trang sức đã có lịch sử hàng ngàn năm trong lịch sử loài người. Đời sống của con người ngày càng được nâng cao, nhu cầu về trang sức ngày càng tăng về cả số lượng và chất lượng. Lí do là vai trò của trang sức rất đa dạng: giúp người mang thể hiện sự sang trọng, đẳng cấp; thể hiện gu thẩm mỹ, nền văn hoá; làm hoàn thiện vẻ ngoài; mong ước sự may mắn; kỷ niệm những sự kiện trọng đại trong đời; chữa bệnh; quà tặng lưu lại những tình cảm, cảm xúc… Vì vậy thị trường trang sức đang phát triển không ngừng. Theo thống kê của trang Statista, thị trường trang sức toàn cầu đạt 228 tỷ USD năm 2020 và được dự đoán sẽ đạt 307 tỷ USD vào năm 2026.

Tại Việt Nam cùng với sự gia tăng nhanh chóng của thu nhập bình quân đầu người, tầng lớp trung lưu và giàu có tăng lên và quy mô thị trường trang sức vàng bạc cũng tăng theo. Đặc điểm của thị trường trang sức Việt Nam là xu hướng của các khách hàng trẻ thể hiện cá tính bản thân qua trang sức, do vậy họ có yêu cầu cao về tính độc đáo, sự khác biệt trong mẫu mã thiết kế, trong chất liệu, chủng loại sản phẩm.

Các công ty trang sức nổi tiếng tại Việt Nam gồm: Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJi, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank - SBJ, Bảo Tín Minh Châu, Cửu Long Jewelry, Skymond Luxurt, Tierra Diamond… và hiện cũng đã có nhiều nhà thiết kế trẻ đã dần khẳng định được thương hiệu cá nhân.

Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành thiết kế trang sức

  • Áp dụng thiết kế 3D giúp nhà thiết kế thoả sức sáng tạo, tiết kiệm thời gian, công sức.
  • Công nghệ in 3D giúp tạo ra khuôn, mô hình sáp, silicone nhanh chóng, thậm chí có thể sản xuất (in) luôn sản phẩm hoàn chỉnh.
  • Hệ thống nhúng giúp kết hợp công nghệ vào sản phẩm trang sức như có thể có thẻ đọc lưu trữ những thông tin, kỷ niệm trên đồ trang sức.
  • Trí thông minh nhân tạo (AI) giúp khách hàng có thể tự thiết kế trang sức dựa trên những gợi ý sẵn có được AI gợi ý trên cơ sở ý thích, phong cách cá nhân hoặc cùng nhà thiết kế chỉnh sửa thiết kế để phù hợp với từng cá nhân.
  • Công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) cho phép khách hàng dùng hiệu ứng để đeo thử trước đồ trang sức ảo với từng bộ sưu tập từ nhẫn, hoa tai đến vương miện cô dâu.
  • Công nghệ vật liệu phát triển đã tăng cường tính chất vật liệu hoặc tạo ra những vật liệu mới để phục vụ cho ngành trang sức như xu hướng sử dụng titan, hợp kim hay việc các nhà luyện kim Thụy Sĩ đã trộn nhựa với vàng hoặc thêm gốm vào vật liệu tổng hợp kim loại quý để tạo ra loại chất liệu quý vừa nhẹ vừa rẻ nhưng lại cho ra sản phẩm nhìn vẫn rất sang trọng.
Ngành Thiết kế trang sức

3.Ngành thiết kế trang sức ra làm gì

Sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế trang sức có thể đảm nhận các vị trí:

  • Chuyên viên thiết kế trang sức cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thời trang hoặc trang sức.
  • Nghệ nhân trang sức độc lập
  • Nhà bán buôn/ Nhà nhập khẩu đồ trang sức
  • Nhà phân tích/ Nhà giám định đá quý
  • Đại lý đá quý (hoặc thậm chí là nhà sưu tập)
  • Bán lẻ đồ trang sức chuyên nghiệp
  • Chuyên gia quản lý trang sức bán lẻ
  • Tự kinh doanh các món đồ trang sức
  • Chuyên viên thiết kế trang sức cho các nghệ sĩ hoặc nhân vật của công chúng

4. Các kỹ năng cần có để thành công trong ngành thiết kế trang sức

  • Có óc thẩm mỹ
  • Có tư duy hình học
  • Kiên trì và nhẫn nại
  • Khả năng tập trung cao
  • Có óc sáng tạo và quan sát các chi tiết nhỏ
  • Thích tìm hiểu các xu hướng trang sức
  • Thành thạo các kỹ năng thiết kế 2D, drafting, sketching
  • Thành thạo các phần mềm thiết kế 3D: Rhinocero, ZBrush & Sculptris, Gemvision Matrix…
  • Nắm bắt đặc tính của từng loại nguyên vật liệu làm trang sức: màu sắc, nhiệt độ nóng chảy, độ bền, độ bóng, độ sáng, độ cứng, giá cả….
  • Nắm bắt các công nghệ mới như in 3D.

Ngoài ra, bạn còn phải trang bị thêm kiến thức thực nghiệm về marketing, quản trị thương hiệu và quản lý mô hình sản xuất.

Nhà thiết kế trang sức không cần phải tham gia trực tiếp vào quá trình gia công, sản xuất của người thợ để tạo ra sản phẩm nhưng nhà thiết kế cần hiểu rõ quá trình sản xuất, gia công, các công cụ, công nghệ sử dụng. Điều này sẽ giúp các ý tưởng, mẫu mã thiết kế được hiện thực hoá thành sản phẩm một cách thuận lợi.

Với sự phát triển của công nghệ, vật liệu, đặc biệt là xu hướng “cá nhân hoá” trang sức, các nhà thiết kế trang sức có nhiều “đất” để phát huy tính sáng tạo, nắm bắt và tạo ra các xu hướng mới trong ngành, để lại dấu ấn cá nhân qua phong cách riêng của mình. Vì vậy, tư duy thiết kế là một yêu cầu quan trọng để bạn có thể tiến xa trong ngành. Xem thêm về tư duy thiết kế tại bài viết về ngành Thiết kế đồ hoạ.

Ngành Thiết kế trang sức

5. Các trường đào tạo ngành thiết kế trang sức

  • Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (ngành Thiết kế Công nghiệp- Chuyên ngành Thiết kế trang sức).
  • Trường Đại học Văn Lang (ngành Thiết kế Công nghiệp- Chuyên ngành Thiết kế trang sức).

Sinh viên cũng có thể học ngành Thiết kế công nghiệp/Mỹ thuật công nghiệp, sau đó học thêm các khoá học ngắn hạn về thiết kế trang sức hoặc học các khoá học thiết kế trang sức tại các trung tâm: Trung tâm HP Center, Trung tâm Glosbe Jewelry, Trung tâm Hưng Phát USA, Trung tâm Skymond…

Kim Tuyến tổng hợp