Study plan là gì? Hướng dẫn viết Study Plan chuẩn chỉnh

Darkrose

Study Plan hay còn gọi là bản kế hoạch học tập là một phần không thể thiếu trong bộ hồ sơ xin Visa du học của bạn. Một Study Plan hoàn chỉnh sẽ là chìa khóa quyết định đến 50% thành công của bộ hồ sơ Visa. Thế nhưng, nhiều bạn vẫn còn đang loay hoay không biết cách nên viết Study Plan như thế nào cho đầy đủ và thể hiện được nguyện vọng đi du học của mình. Bỏ túi những kinh nghiệm lập Study Plan hoàn thiện nhất qua bài viết Study plan là gì? Hướng dẫn viết Study Plan chuẩn chỉnh dưới đây nhé!

Study Plan là gì? 4 điều bạn cần biết về Study Plan

Study Plan là gì?

Study Plan

Bản kế hoạch học tập - Study Plan (hay còn gọi là Statement of Purpose) là một bản kế hoạch học tập và nguyện vọng trong tương lai của bản thân. Một Study Plan tốt có thể giúp bạn ghi điểm đối với nhân viên xét duyệt hồ sơ Visa du học.

Cụ thể hơn, Study Plan là một bản giải thích chi tiết về thông tin cá nhân của bạn, thành tích học tập, mục tiêu, sở thích và kế hoạch trong tương lai… cho đại sứ quán của đất nước mà bạn mong muốn đi du học. Khi đọc Study Plan của bạn, đại sức quán sẽ biết được bạn là ai, bạn có những điểm nổi bật nào, bạn chọn ngành học gì và lý do tại sao bạn lại quốc gia này mà không phải quốc gia khác. Study Plan có thể được xem là chìa khóa mấu chốt giúp cho bộ hồ sơ xin Visa của bạn hoàn chỉnh và chuyên nghiệp hơn, thuyết phục đại sứ quán.

Tại sao Study Plan lại quan trọng trong bộ hồ sơ xin Visa?

Nhân viên xét duyệt hồ sơ Visa tại đại sứ quán thường mong muốn được hiểu thêm về bạn cũng như những ưu điểm, cá tính của bản thân bạn để đưa ra quyết định có chọn bạn hay không. Họ đang muốn được phác thảo “chân dung” con người của bạn, cố gắng hiểu những suy nghĩ và quan điểm của bạn trong học tập, công việc và cuộc sống. Vì thế Study Plan không chỉ đơn thuần chỉ là “show” những con số, thành tích bạn có được, mà cần phải có nhiều thông tin hơn để đại sứ quán có thể hiểu thêm về con người của bạn. Qua đó, đại sứ quán có thể đánh giá được mức độ thành công của bạn trong môi trường bạn lựa chọn và những giá trị bạn có thể đóng góp cho quốc gia…

study plan là gì

Cấu trúc của một Study Plan như thế nào?

Cũng giống như những bài văn chúng ta đã từng làm thời trung học, cấu trúc của Study Plan bao gồm 3 phần dưới đây:

  • Phần mở bài: Bạn sẽ chào hỏi, giới thiệu bạn là ai, bạn đến từ đâu và trình độ học vấn như thế nào…
  • Phần thân bài: Đây là phần quan trọng nhất của Study Plan. Bạn cần nêu những lý do thuyết phục cũng như trình bày về dự định sắp tới của bạn.
  • Phần kết bài: Tóm tắt lại bức thư và cảm ơn người đã đọc Study Plan của bạn

Để có một bản kế hoạch học tập hấp dẫn và hoàn chỉnh thì các bạn hãy tham khảo các bước sau đây nhé!

Cần chuẩn bị gì khi viết Study Plan?

Bước 1: Dành thời gian lên ý tưởng bài viết

Các bạn có thể dành thời gian bao lâu tùy thích để tìm hiểu và lên ý tưởng cho bài viết của mình. Trong bước này, bạn cần phải lưu ý và liệt kê những thông tin sau:

  • Đầu tiên, bạn cần phải tìm hiểu kỹ trường bạn dự định đi du học, ngành học, sau đó tìm hiểu tới thời gian nhập học ra sao, những yêu cầu của hồ sơ du học, mục tiêu học tập cụ thể,… Qua đó bạn mới có thể liệt kê được một bản kế hoạch học tập chi tiết và cụ thể nhất.
  • Bạn cần hiểu rõ những ưu và khuyết điểm của bản thân. Từ đó mới có những kế hoạch riêng để phát triển những điểm mạnh của mình.
  • Tìm hiểu trước cuộc sống tại đất nước mình sẽ du học qua nhiều nguồn. Thông qua Internet, sách báo, hoặc từ kinh nghiệm của những anh chị đi trước để có một cái nhìn rõ ràng hơn về cuộc sống du học, từ đó việc viết Study Plan sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Bước 2: Viết đúng trọng tâm

Để có thể tạo được ấn tượng với người đọc, các bạn cần phải viết đúng trọng tâm của bài, đừng diễn giải dài dòng rồi mới vào ý chính. Viết dài không giúp bạn có điểm số cao hơn, vì người nhận hồ sơ đều phải đọc rất nhiều những bản khác, và thời gian đọc đều chia đều cho tất cả các bộ hồ sơ. Do đó, bạn cần phải viết Study Plan một cách có khoa học nhé!

>>>> Xem thêm: LOR - Bức thư giới thiệu “quyền lực” giúp bạn bắt trọn học bổng du học Anh

Hướng dẫn chi tiết cách viết Study Plan

Mở bài

Cũng giống như viết những bức thư hay văn bản khác, mở đầu bao giờ cũng là thưa gửi và tự giới thiệu về bản thân của bạn. INDEC khuyên bạn nên viết phần này một cách trang trọng. Lưu ý là, bạn không cần phải tập trung quá chi tiết vào phần thông tin cá nhân, chỉ cần giới thiệu sơ lược về tên tuổi, công việc/ngôi trường bạn đang theo học hiện tại và nêu lý do bạn viết thư.

Thân bài

Đây là phần quan trọng nhất của Study Plan. Bạn cần phải viết thông tin một cách trình tự và đầy đủ nhất. Dưới đây là một số gợi ý mà bạn có thể tham khảo:

  • Tại sao bạn lại muốn được du học tại quốc gia này?

Bạn hãy nêu rõ lý do tại sao bạn lại mong muốn được đến đất nước này du học. Bạn cũng có thể viết khái quát và so sánh về chương trình học tại Việt Nam và chương trình học tại nước ngoài.

Đây được xem là cơ hội để bạn nêu lên những cảm nhận của mình về đất nước mà bạn sắp đặt chân đến. Ngoài nền giáo dục ra, có thể chính đất nước, cảnh sắc và con người nơi đây làm bạn cảm thấy ấn tượng.

  • Bạn sẽ theo học tại đâu? Tại sao bạn lại chọn trường/ngành học này?

Bạn nên viết kỹ phần này để thể hiện rằng bạn đã có kế hoạch tìm hiểu rồi mới chọn cho mình ngôi trường này. Bên cạnh đó, bạn cũng cần đề cập vào ngành học của mình cũng như lý do bạn lựa chọn nó. Tùy vào mỗi bạn mà có những nguyên nhân khác nhau để theo đuổi ngành học. Có thể đam mê ấy đến từ kỳ vọng của gia đình, từ hoàn cảnh, cơ hội trong tương lai của đất nước hoặc từ bản thân của các bạn. Dù nguyên nhân đó có là gì đi chăng nữa thì các bạn cũng cần phải đảm bảo tính thống nhất và logic trong bài viết của mình nhé!

  • Bạn đã đạt được những thành tích nào cho đến nay?

Khi viết Study Plan, bạn hãy trình bày những giải thưởng cũng như các hoạt động ngoại khóa, hoạt động nghiên cứu từng tham gia. Bạn có thể thoải mái trình bày những hoạt động không liên quan trực tiếp đến ngành học của bạn. Bởi nếu bạn càng tham gia nhiều hoạt động, càng có nhiều thành tích thì đó sẽ là một điểm cộng lớn dành cho bạn.

study plan là gì

  • Tại sao bạn không học một chương trình tương tự tại Việt Nam?

Đây được xem là một phần khá quan trọng trong bản kế hoạch học tập của bạn. Do đó, bạn cần phải chú ý từ ngữ và trình bày bài viết rành mạch, rõ ràng nhé. Bạn có thể tham khảo một số ý sau để trả lời cho câu hỏi này:

  1. Hiện các trường Đại học tại Việt Nam không cung cấp những chương trình mà bạn tìm kiếm hoặc chất lượng không tốt bằng
  2. Điểm mạnh của đất nước mà bạn đang có ý định đi du học (về giáo dục, văn hóa hoặc môi trường làm việc,…)
  3. Những đặc điểm thú vị mà bạn muốn khám phá tại thành phố và ngôi trường bạn dự định theo học.
  • Kế hoạch quay về Việt Nam cống hiến sau khi khóa học kết thúc

Ở mục này, bạn cần phải đảm bảo bài viết có đầy đủ những ý chính sau:

  1. Những cơ hội việc làm mà bạn có thể có sau khi đi du học tại đây
  2. Các triển vọng phát triển ngành bạn đang theo học tại Việt Nam
  3. Những kế hoạch, dự định nghiên cứu thêm sau này của bạn

Lưu ý là, nhân viên ở lãnh sự quán mong muốn sau khi hoàn tất việc học, bạn sẽ quay trở về Việt Nam để cống hiến cho quê hương, đất nước. Thế nên, bạn cần phải tập trung viết về cơ hội nghề nghiệp tương lai và triển vọng phát triển ngành của bạn tại Việt Nam.

Kết bài

Hãy cho họ thấy được sự nhiệt tình và nguyện vọng mong muốn được theo học ngành này tại đất nước của họ. Bạn sẽ ghi điểm đối với các nhân viên xét duyệt hồ sơ nếu cảm ơn phía người nhận cùng với một câu kết thư lịch sự

Một số lưu ý khi viết Study Plan

Dưới đây là một số bí kíp giúp bạn có một bản Study Plan hoàn chỉnh và đầy thuyết phục:

  • Bạn không nên dùng các mẫu câu bị động mà hãy dùng các mẫu câu chủ động
  • Nên dùng câu đơn, tránh viết câu quá dài
  • Độ dài của Study Plan cũng là một vấn đề bạn cần lưu ý. Thông thường, Study Plan chỉ nên gói gọn trong 800 chữ, tốt nhất là nội dung đều nằm hết trên một mặt giấy.
  • Sau khi viết xong, bạn nên nhớ kiểm tra lại các lỗi chính tả cũng như lỗi ngữ pháp thật cẩn thận nhé!
  • Đừng quên thêm họ tên, ngày tháng viết thư ở phía cuối thư nhé!

Tạm kết

Trên đây là một số gợi ý giúp bạn trong việc tham khảo về cách viết Study Plan sao cho hay và hoàn chỉnh nhất. Các bạn hãy cố gắng viết đầy đủ thông tin cần thiết để hồ sơ của bạn được xét duyệt nhanh chóng và thuận lợi nhất nhé! Chúc các bạn thành công! Bên cạnh đó, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì về du học, vui lòng liên hệ INDEC để được tư vấn miễn phí nhé!

____________________________

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ VÀ GIÁO DỤC TRÍ CƯỜNG

Địa chỉ: Tòa nhà INDEC, ngõ 474 Xã Đàn, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội

Hotline: 024 7305 3355

Facebook: Du học cùng INDEC