Khai bút đầu năm là một phong tục đẹp, một nét văn hóa đã có từ lâu đời của người Việt. Ngày nay, với sự phổ biến của các thiết bị ghi chép bằng công nghệ thì nhiều công việc, ngành nghề đã không còn tốn giấy mực nữa. Tuy nhiên, truyền thống khai bút đầu xuân vẫn được gìn giữ nhưng một cách cầu điều may mắn, thuận lợi, suôn sẻ cả năm.
1. Khai bút đầu năm là gì?
Khai bút đầu năm (hay còn gọi là khai bút đầu xuân) là tập tục từ xa xưa của người Việt, thể hiện qua việc chúng ta chắp nét bút để viết nên những con chữ đầu tiên và những ngày đầu năm mới. Người xưa quan niệm những nét bút mạch lạc, rõ ràng, đẹp đẽ viết ra những điều tốt lành giống như một lời cầu chúc năm mới đến mọi sự thuận lợi, suôn sẻ, hanh thông. Việc khai bút đầu xuân đặc biệt được những người trong ngành giáo dục, học sinh, sinh viên, những ai làm công việc liên quan đến viết lách, gắn bó với câu chữ coi trọng.
Truyền thống khai bút đầu năm vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ, tuy nhiên ngày nay việc này có một vài thay đổi so với tập tục khi xưa. Nếu như trước đây việc khai bút đầu năm thường được các ông đồ, nhà nho, các bậc học sĩ thực hiện thì ở thời hiện đại, bất cứ ai cũng có thể làm việc này. Đối tượng phần lớn vẫn là học sinh, người làm nghề giáo dục, nhà văn, nhà thơ, nhà báo,…
Ngày xưa, những ông đồ thường chuẩn bị những câu đối đỏ mang ý nghĩa tốt đẹp với nét chữ “rồng bay phượng múa” vào dịp Tết. Họ có thể bán hoặc tặng cho những ai mến mộ và muốn treo câu đối trước nhà để cầu bình an, tài lộc. Hình ảnh ông đồ “Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua” trong bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên giúp ta hình dung rõ ràng hơn. Thông qua công việc “cho chữ” này, thì các ông đồ, nhà nho cũng thực hiện tục khai bút đầu năm.
Ngày nay, việc khai bút đầu năm có thể không phức tạp và trang trọng như vậy, nhưng thường những dòng chữ viết ra vào đầu năm mới vẫn là những lời chúc tốt đẹp, cầu an lành, hạnh phúc. Đây cũng là một cách để các bạn học sinh, sinh viên và người thuộc nhiều ngành nghề khác thể hiện sự tôn trọng với tiếng Việt, với con chữ, với người nhận chữ và cả sự nghiệp học hành.
2. Nguồn gốc khai bút đầu xuân
Theo truyền thuyết kể lại, tục lệ khai bút đầu năm đã có từ thế kỷ thứ 13, tức là vào thời nhà Lý - Trần. Phong tục đẹp này gắn liền với nhà giáo Chu Văn An - Người thầy được các thế hệ học trò kính trọng và các câu chuyện về ông còn truyền mãi đến ngày nay. Ông từng đậu Thái học sinh tuy nhiên ông không nhận chức mà quyết định ở lại vùng đất Chí Linh (thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay) để dạy học. Vào ngày Tết khi học trò đến thăm thầy, ông thường tự tay viết tặng chữ cho họ.
3. Ý nghĩa của phong tục khai bút đầu năm
Khai bút đầu năm là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Từ xưa, các vị học sĩ, học giả vào ngày đầu năm mới hoặc chính xác ngay sau thời khắc giao thừa sẽ đốt lư trầm trên bàn sau đó tay cầm bút thảo ra những nét chữ đầu tiên một cách thành tâm. Đó có thể là một câu đối trọn vẹn hoặc chỉ đơn thuần là những chữ mang ý nghĩa tốt lành như An, Lộc, Phúc, Thọ, Tín,… Những nét chữ đẹp với câu từ hay như một lời cầu chúc cho năm mới mọi sự hanh thông, trọn vẹn và viên mãn.
Tục khai bút đầu năm còn là truyền thống thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, cầu cho năm học sắp tới sẽ đạt được những thành tích tốt. Vì vậy có thể hiểu tại sao đến nay tập tục này còn được duy trì trong lứa tuổi học sinh, sinh viên. Khai bút đầu xuân còn gắn liền với nét đẹp tâm hồn và tri thức, nên càng được nhân rộng đến các đối tượng, tầng lớp khác trong xã hội.
Nhìn chung thì tục lệ khai bút đầu năm không đòi hỏi nghi thức quá cầu kỳ, rất dễ thực hiện và chỉ cần chúng ta bỏ một ít tâm sức nhưng lại mang giá trị truyền thống sâu sắc.
4. Thủ tục để khai bút đầu năm
Dù không bắt buộc nhưng với những ai coi trọng việc khai bút đầu năm thì bạn nên chuẩn bị thật tốt trước khi hạ xuống những chữ viết đầu tiên trong năm. Thủ tục khai bút đầu năm với mỗi người không giống nhau, nhưng cơ bản thì bạn cần thực hiện những điều sau đây:
- Ăn mặc chỉnh tề, nghiêm túc, sạch sẽ;
- Chuẩn bị bút: Việc này rất quan trọng, bạn nên chọn loại bút viết chữ đẹp, bút máy và cần kiểm tra bút thật kỹ, tránh sự cố đầu bút bị hỏng hoặc hết mực, nét không liền mạch khi khai bút đầu xuân;
- Chuẩn bị giấy: Đây có thể là một tờ giấy trắng, một quyển vở, quyển sổ. Nếu có điều kiện, bạn hãy chuẩn bị một tờ giấy đẹp, viết những điều thật hay để giữ làm kỷ niệm hoặc tặng cho người thân;
- Ngồi ngay ngắn vào bàn;
- Chuẩn bị những điều hay, ý đẹp để viết;
- Viết nắn nót, cẩn thận từng câu từ.
Lưu ý: Để việc khai bút diễn ra suôn sẻ, lời hay ý đẹp được viết ra một cách chỉn chu, trau chuốt với những nét chữ đẹp nhất, bạn có thể luyện viết vào những ngày cuối năm.
Để tiếp nối vận may sau khi khai bút, hãy nhanh tay tham gia sự kiện ra mắt Galaxy S23 để nhận ngay “lì xì” lên đến 10.000.000đ. Đặt ngay nhận quà liền tay!
5. Khai bút đầu năm 2023 ngày giờ nào để may mắn?
Như mọi năm, việc khai bút đầu xuân nên được diễn ra từ sau thời khắc giao thừa cho đến mùng 5 Tết. Riêng dịp Tết Quý Mão 2023 này, nhiều người cho biết khai bút vào mùng 3 hoặc mùng 4 âm lịch là đẹp nhất.
Về giờ cụ thể, nên khai bút đầu năm vào giờ nào? Việc khai bút nên được tiến hành vào ban ngày, khi đất trời còn được soi rọi bởi ánh nắng ấm áp. Bạn cũng nên chọn một góc thật sáng sủa để việc khai bút được thuận lợi. Ngoài ra, hiện chưa có thông tin nên chọn giờ nào cố định. Bạn có thể xem thêm lịch vạn niên để biết những giờ tốt trong ngày, và chọn đó làm thời điểm khai bút.
6. Đầu năm nên viết gì để được tài lộc và nhiều thuận lợi?
Thông thường, khi khai bút đầu năm, nhiều người thường chọn viết những câu chúc Tết, câu đối, thơ hoặc danh ngôn mang ý nghĩa tốt đẹp. Đây có thể là những tâm tư, những lời ước nguyện cho một năm mới thành công, bình an, và giàu niềm vui.
Nếu chưa biết khai bút đầu năm nên viết gì, bạn có thể tham khảo những câu gợi ý sau đây.
6.1. Câu đối
Một vài câu đối hay cho ngày Tết:
“Mai vàng nở rộ mừng năm mới / Đào hồng khoe sắc đón xuân sang”
“Xuân an khang đức tài như ý / Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên”
“Tết trong nhà, Tết ra ngoài phố / Lộc trên trời, lộc xuống nhân gian”
“Tân niên, tân phúc, tân phú quý / Tấn tài, tấn lộc, tấn bình an”
“Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc / Tết về cây đức trổ thêm hoa”
“Niên niên như ý xuân / Tuế tuế bình an nhật”
(Ý nghĩa: Năm năm xuân như ý / Tuổi tuổi ngày bình an)
“Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ / Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường”
(Ý nghĩa: Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ / Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà)
“Môn đa khách đáo thiên tài đáo / Gia hữu nhân lai vạn vật lai”
(Ý nghĩa: Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến / Nhà có người vào lắm vật vào)
“Tân niên nạp dư khánh - Gia tiết hiệu trường xuân”
(Ý nghĩa: Mùa xuân mới luôn nhận được mọi điều an lành và gia đình luôn được vui vẻ và hạnh phúc)
“Sơn thủy thanh cao xuân bất tận - Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh”
(Ý nghĩa: Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi - Thần tiên vui thú cảnh đời đời)
6.2. Thơ chúc Tết đầu năm
Trong kho tàng văn thi Việt Nam, có không ít những bài thơ về Tết rất thích hợp để khai bút. Bạn có thể trích một đoạn nhỏ thật ý nghĩa trong bài nếu bài thơ quá dài.
Gợi ý một vài bài thơ chúc Tết:
Ấm lạnh mùa xuân
Ai thả vàng bay trong gió?
Cho đường ngập nắng chiều nay
Tay ấm mùa xuân vừa đến
Tình nồng dù chưa men say
Thương cánh mai vàng chăm chỉ
Em chưa lỡ hẹn bao giờ.
(Trích bài thơ Ấm lạnh mùa xuân)
Xuân về
Xuân về ước vọng thuở thời son
Diễm tuyệt đài trang dáng vẻ tròn
Ái mặn nồng trao tình nghĩa còn
Hương ngào ngạt tỏa sắc đời non
(Trích bài thơ Xuân về)
Gọi xuân
Xuân đã thẹn thùng trong áo mới
Mơn man hơi thở của đất trời
E ấp nụ mai vàng chớm nở
Ngại ngùng chi chưa đến Xuân ơi!
(Trích bài thơ Gọi xuân)
Khai bút đầu xuân (Thơ: Tự Hàn)
“Đêm giao thừa nghe chân sen rất nhẹ
Di gót hài lay động những mầm xuân
Vườn tình em nắng son môi mở cửa
Lòng thênh thang nở vội những đóa hồng.”
(Trích bài thơ Khai bút đầu xuân)
6.3. Những câu danh ngôn hay
Bạn có biết những câu danh ngôn của Việt Nam và các nước khác trên thế giới cũng là những câu thích hợp để khai bút đầu xuân?
Một vài gợi ý như sau:
“Ngày mà Thượng đế tạo ra hi vọng có lẽ cùng một ngày ngài tạo ra mùa Xuân.” - Bern Williams
“Mục tiêu của năm mới không phải là chúng ta cần có một năm mới. Cái chính là ta phải có một tâm hồn mới.” - G. K. Chesterton
“Chúng ta sẽ mở cuốn sách với các trang trắng tinh. Chính chúng ta sẽ viết lên đó. Quyển sách có tên là Cơ Hội và chương đầu tiên là Ngày Đầu Năm.” - Edith Lovejoy Pierce
“Quyết tâm cho năm mới của chúng ta đây: chúng ta sẽ có mặt cho nhau như là thành viên của cộng đồng nhân loại theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ ngữ này.” - Gorran Persson
“Một người lạc quan thức đến nửa đêm để đón giao thừa. Người bi quan thức để chắc chắn rằng năm cũ đã qua.” - Bill Vaughn
“Hôm qua tôi tài ba, nên tôi muốn thay đổi thế giới, Hôm nay tôi hiểu biết, vì thế tôi đang thay đổi chính mình” - Rumi
“Bạn không cần một năm mới để thay đổi. Bạn chỉ cần một ngày thứ hai. Hãy thực hiện những thay đổi cuộc đời mình trong tuần lễ này.”
6.4. Câu chúc Tết
Một vài câu chúc Tết hay nhân dịp đầu năm:
Vạn sự như ý
An khang thịnh vượng
Vạn cát an khang
Phúc lộc an khang
Đại phú đại quý
Phát tài phát lộc
Lộc tài vượng tiến
Tấn tài tấn lộc
Công thành danh toại
Đức tài như ý
Ngũ phúc lâm môn
7. Hình thức khai bút đầu xuân
Khai bút đầu năm chỉ đơn giản là hạ bút viết những chữ đầu tiên trong năm. Một số người có thể tiến hành việc này rất nghiêm túc và trang trọng, tuy nhiên ngày nay mọi việc đã được đơn giản hóa.
Từ ngày mùng 1 đến mùng 5, bạn có thể chọn giờ hoàng đạo hoặc một khung giờ đẹp nào đó để tiến hành khai bút đầu năm. Bạn có thể chọn viết thơ, câu chúc, câu đối, danh ngôn, hoặc biết những gì bạn thích, có thể là một sáng tác ngẫu hứng miễn đó là lời hay, ý đẹp, mang ý nghĩa tốt lành, gửi gắm niềm hy vọng cho một năm mới sắp đến.
Nhiều gia đình có truyền thống hiếu học, các học giả, học sĩ, nhà văn, nhà thơ, học sinh, sinh viên, nhà báo hay những ai làm công việc viết lách vẫn giữ tục lệ khai bút đầu năm. Bên cạnh cầu chúc cho năm mới may mắn hơn, việc khai bút còn mang ý nghĩa hướng đến một năm mới với sự nghiệp, sự học thành công hơn.
8. Những điều kiêng kỵ cần lưu ý khi khai bút đầu năm
Là một hoạt động diễn ra vào dịp Tết mang ý nghĩa cầu phúc, bạn cần tránh những điều kiêng kỵ sau đây khi khai bút đầu năm.
8.1. Tránh viết bị sai sót
Việc viết sai, viết lỗi thể hiện một sự trúc trắc, hoặc báo hiệu những khó khăn hay hỏng việc. Riêng với nghề viết, việc mắc lỗi có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Do đó, có thể nói viết sai khi khai bút đầu năm là điều kiêng kỵ.
Để tránh sai sót thì bạn có thể chuẩn bị thật kỹ nội dung viết từ trước và luyện viết thử nhiều lần trước khi sang năm mới. Ngoài ra, việc luyện viết cũng giúp cho nét chữ đẹp hơn.
8.2. Đừng bỏ dở những gì mình đang viết
Khi đặt bút xuống viết, bạn hãy bắt đầu và kết thúc nội dung cần viết một cách trọn vẹn. Theo quan niệm của người xưa, bỏ dở những gì đang viết báo hiệu cho một năm không suôn sẻ, gặp nhiều khó khăn, rào cản.
8.3. Tránh việc sao chép lời nói người khác
Không nên sao chép câu nói của người khác, tuy nhiên bạn cũng có thể tham khảo những lời hay, ý đẹp, những đoạn trích giàu ý nghĩa.
Mặt khác, bạn cũng không cần câu nệ quá về chữ nghĩa hay nét chữ phải thật đẹp. Quan trọng là người viết thành tâm và thật cẩn thận để không sơ sót.
9. Tổng kết
Những chia sẻ về khai bút đầu năm trên đây có giúp ích phần nào cho bạn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán hay không?
Nét chữ đầu năm là một điều gì đó thật ý nghĩa, cũng như truyền thống khai bút đầu năm còn được giữ đến ngày nay thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo và tận tụy với nghề.
Hãy theo dõi những bài viết tại kênh Dchannel để tìm hiểu, khai thác những kiến thức hay, những chia sẻ bổ ích về cuộc sống quanh ta. Cùng đừng quên thông điệp “MUA ĐIỆN THOẠI ĐẾN DI ĐỘNG VIỆT” nhé.
Xem thêm:
- Tổng hợp 50+ câu chúc Tết bố mẹ 2023 Quý Mão tình cảm và đầy ý nghĩa
- Tổng hợp 11 mẫu thư chúc Tết 2023 Quý Mão ý nghĩa và cực hay
- Tổng hợp 80+ status, caption Tết 2023 Quý Mão vui, hay, hài hước nhất để đón xuân sang rạng ngời
- Tổng hợp 50+ câu chúc Tết thầy cô 2023 Quý Mão dịp xuân đến ý nghĩa và ấm áp
Di Động Việt