Tâm lý học nghiên cứu hành vi, tâm trí của con người với muôn hình vạn trạng nên ở góc độ nào đó sẽ hàm chứa sự thú vị. Tuy nhiên, song song đó sẽ là nhiều thử thách đòi hỏi nhân sự theo ngành phải vượt qua. Dưới đây là một số khó khăn sinh viên và các nhà Tâm lý học có thể đối mặt. Tuy nhiên, điều này không phải để chứng minh Tâm lý học là ngành học khó khăn đến nỗi sinh viên không thể theo được mà nhằm giúp các bạn hình dung hết vấn đề và hoàn thiện bản thân để đương đầu với mọi trở lực.
Tâm lý học đòi hỏi phải đọc, nghiên cứu nhiều
Bất cứ ngành nào cũng cần bạn đầu tư công sức, tâm huyết tìm hiểu các tài liệu cả chuyên ngành lẫn lĩnh vực khác để bổ sung kiến thức. Nhưng với ngành Tâm lý học sẽ có rất nhiều tài liệu buộc bạn phải đọc, nghiên cứu, so sánh để hiểu rõ và nhận dạng được các vấn đề tâm lý. Từ đó mới có thể chọn đúng kỹ thuật, phương pháp tiến hành thực nghiệm đem lại hiệu quả. Đặc biệt, nếu bạn theo đuổi lĩnh vực Tâm lý học lâm sàng, kiến thức sẽ rất rộng gồm cả kiến thức về y khoa vì bạn có thể gắn với môi trường bệnh viện, làm việc với các bác sĩ và trị liệu trên đối tượng không ổn định cả về tâm lý, sức khỏe, khác với tư vấn cho người gặp các khúc mắc tâm lý xã hội thông thường.
Khả năng làm việc với các con số
Không ít người khi theo đuổi nhóm ngành xã hội gặp vấn đề với các con số, trong khi lĩnh vực Tâm lý học cũng cần có số liệu thống kê, bảng biểu, sơ đồ. Tâm lý e ngại tính toán có thể khiến sinh viên cảm thấy chán nản và làm ảnh hưởng tới việc học tập các môn khác. Trong quá trình làm việc, việc xem xét các số liệu, thống kê sai có thể dẫn tới đánh giá, thực hiện các bước tiếp theo không đúng và đương nhiên kết quả cuối cùng là không chính xác.
Hạn chế về ngôn ngữ và trình bày
Sinh viên Tâm lý học thường sẽ làm nhiều bài tập dưới hình thức viết luận và các bài luận cũng dài, có thể lên đến hàng trăm trang và có thể phải viết bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác (nếu học tập ở nước ngoài). Viết, trình bày làm sao để chuyển tải được vấn đề với nhiều thuật ngữ chuyên ngành, liên quan nhiều kiến thức, số liệu, bảng biểu, sơ đồ, hình vẽ đòi hỏi một trình độ ngôn ngữ và khả năng sắp xếp, dẫn giải khoa học nhất định để không bị hiểu sai, thực hiện sai.
Thử thách về tính chính xác
Trong quá trình nghiên cứu các chủ đề mà nhà Tâm lý học quan tâm, có rất nhiều thông tin, lý thuyết và phương pháp thực nghiệm cùng tồn tại vậy làm sao để vận dụng đúng thông tin lý thuyết và lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất là vô cùng quan trọng. Chưa kể các phương pháp thực nghiệm bao gồm một loạt các quy trình thu thập, tổ chức dữ liệu và rút ra các kết luận về các dữ liệu đó. Nếu chọn phương pháp không đúng sẽ ảnh hưởng cả tiến trình sau đó và việc cho kết quả sai có thể dẫn đến hậu quả khó lường.
Khó khăn khi dự đoán hành vi
Mục đích chính của Tâm lý học là dự đoán được hành vi nhờ hiểu rõ nguyên nhân của nó. Tuy nhiên, việc dự đoán rất khó khăn vì phải phải tiến hành thực nghiệm trên nhiều người với những đặc điểm tâm lý, tính cách riêng và có những phản ứng khác nhau trước các tình huống. Chưa kể với một hành vi nào đó, có nhiều nguyên nhân tồn tại chồng chéo lên nhau cùng lúc. Ví dụ, một số người có thể bị trầm cảm, nguyên nhân là do mất cân bằng sinh học trong não của họ. Vì trầm cảm, họ có thể có hành động tiêu cực với người khác, điều này khiến những người khác phản ứng không hay lại với họ, làm tăng tình trạng trầm cảm của họ. Kết quả là, nguyên nhân trầm cảm do trục trặc sinh học trở nên đan xen với các phản ứng xã hội của người khác, khiến việc giải quyết vấn đề trầm cảm gặp khó khăn.
Tồn tại yếu tố bên ngoài nhận thức không thể hiểu được
Một khó khăn khác trong nghiên cứu Tâm lý học là tồn tại những yếu tố nằm ngoài nhận thức (vô thức) gây ra hành vi của con người khiến chúng ta không thể hiểu được chúng. Theo nhà thần kinh học người Áo Sigmund Freud (1856-1939), nhiều rối loạn tâm lý bắt nguồn từ những ký ức mà chúng ta đã kìm nén và nó ở ngoài ý thức của chúng ta. Vô thức cũng là một nguyên nhân dẫn đến các hành vi của con người và sẽ là đối tượng nghiên cứu nhiều của Tâm lý học.
Khoảng cách giữa học tập và thực tế
Có nhiều nguyên nhân khiến khoảng cách giữa học tập và thực tế cách xa nhau. Không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp Tâm lý học vẫn lúng túng khi tiếp xúc thân chủ, công việc ngoài thực tế. Với một chuyên gia tư vấn, trị liệu tâm lý, việc không nhận diện được rối loạn tâm lý thuộc dạng nào sẽ dẫn đến tư vấn, trị liệu không hiệu quả, có khi còn làm tình trạng của thân chủ nghiêm trọng hơn.
Thử thách làm nghề
Trong lĩnh vực tư vấn tâm lý, các dịch vụ mọc lên như nấm. Nhiều người tự xưng mình là chuyên viên/ chuyên gia tâm lý dù đôi khi chỉ sở hữu chứng chỉ chuyên môn hoặc thậm chí làm việc trái ngành; chưa kể vi phạm các nguyên tắc đạo đức, tuyên truyền kiến thức chưa qua thực chứng làm ảnh hưởng đến uy tín chung của ngành và đội ngũ các nhà Tâm lý học có bằng cấp chuyên nghiệp, làm việc nghiêm túc. Nhà Tâm lý học chuyên nghiệp cần giữ vững đạo đức, tôn chỉ, mục dích khi hành nghề.
>> Xem thêm: Tầm quan trọng của ngành Tâm lý học trong cuộc sống hiện đại
Không chỉ riêng với ngành Tâm lý học, bất cứ ngành học nào cũng sẽ có những trở ngại riêng. Và với những điều nêu ra trên đây, những ai muốn theo đuổi ngành Tâm lý học có thể sớm cải thiện, nâng cao một số kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của ngành, giúp vượt qua những thử thách. Những kỹ năng cốt lõi bao gồm: kỹ năng toán học, kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng cân bằng… Xem thêm: Những tố chất để trở thành nhà Tâm lý học
Công ty Du học INEC
- Tổng đài: 1900 636990
- Hotline Miền Bắc & Nam: 093 409 3311 - 093 409 3040 - 093 409 4411
- Hotline Miền Trung: 093 409 9070 - 093 409 9983
- Email: inec@inec.vn