Thu hoạch củ lùn, giống cây gắn bó với cuộc sống người dân miền Tây

Darkrose

Vừa thu hoạch xong vụ củ lùn mới, chị Huỳnh Nhung (Bến Tre) luộc ngay một bữa cho gia đình thưởng thức. Củ lùn hình tròn hoặc hình trứng, có cuống dài liên kết với nhau thành từng chùm. Bên ngoài có vỏ mỏng, màu vàng nhạt, nhiều tua rễ phụ. Bên trong ruột có màu trắng, phần lõi đục hơn, chứa nhiều tinh bột.

Củ lùn ngon nhưng luộc kỳ công, mất cả tiếng mới mềm ngon đúng vị. Thưởng thức củ lùn nóng hổi, bột bở béo ngậy chị lại nhớ về những ngày xưa. Cái thời thiếu cơm gạo, củ lùn độn cơm cũng là bữa ăn ngon lắm.

Thu hoạch củ lùn, giống cây gắn bó với cuộc sống người dân miền Tây - 1

Củ lùn mọc theo khóm như gừng, nghệ, mọc xem canh trong vườn với các giống cây ăn quả khác (Ảnh: Huỳnh Nhung).

"Ngày xưa nhà nào cũng có mấy khóm củ lùn. Cây mọc như khóm nghệ trong vườn, trồng mùa nào cũng lên. Chỉ cần gieo củ giống xuống chẳng cần chăm sóc gì cây cũng vẫn lên như thường.

Đất nhiễm mặn hay khô hạn cũng vẫn cho củ mà chẳng cần tốn công chăm sóc. Dần dần cuộc sống hiện đại, cơm gạo đủ đầy, giá trị kinh tế của củ lùn chẳng còn nhiều, người gia đình dần quên đi củ lùn, hiếm có gia đình nào còn giữ giống cây này", chị Nhung kể.

Trồng củ lùn không khó, chị Nhung cho biết, chỉ việc vùi củ xuống đất, mặc kệ mưa gió, nắng nôi, sau 7-8 tháng nhổ lên, cây vẫn cho củ bình thường. Còn để trồng thu hoạch và buôn bán quy trình trồng và chăm sóc cũng có phần cầu kỳ hơn.

Thu hoạch củ lùn, giống cây gắn bó với cuộc sống người dân miền Tây - 2

Củ lùn sau khi thu hoạch (Ảnh: Huỳnh Nhung).

Để trồng được củ lùn, cần có phần bên dưới rễ, nối giữa củ lùn và thân. Sau khi được người dân thu hoạch, còn lại những củ lùn, bạn có thể mua về để trồng những củ lùn mới.

Dùng dao (xẻng) đào một hố nhỏ tại nơi muốn trồng, sâu khoảng 5cm, độ rộng tùy theo chiều dài của cây giống. Sau đó, đặt củ lùn nằm ngang, lật củ lùn lên trên và phủ đất cát lên trên.

Khoảng cách trồng là 40 - 50cm để chừa khoảng trống cho củ lùn phát triển. Nếu trồng quá gần bụi này mọc lên bụi kia sẽ rất khó thu hoạch.

Sau khi trồng xong chúng ta đợi đến khi củ lùn nảy mầm nhiều thì ta sẽ rắc một ít phân urê vào gốc để giúp cây phát triển tốt hơn. Đến khoảng tháng 9 - 10 âm lịch ta tiến hành rắc thêm phân kali vào gốc để giúp củ lùn ra nhiều củ nhất.

Chị Huỳnh Nhung cho biết, khi thu hoạch, mỗi gốc nhổ lên có tới khoảng 20-30 củ bám vào nhau thành từng chùm, nặng vài cân. Sau đó, đem về phân loại, rửa sạch, đóng bao để đưa đi tiêu thụ.

Thu hoạch củ lùn, giống cây gắn bó với cuộc sống người dân miền Tây - 3

Gốc giống củ lùn chuẩn bị trồng trong vụ mới (Ảnh: Huỳnh Nhung).

Củ lùn có thể trồng xen canh cùng các giống cây ăn quả khác không cần có bãi trồng riêng. Củ lùn ưa đất hơn trồng cát, nhưng khi được trồng ở đất củ, công cuộc thu hoạch vất vả hơn nhiều.

Vài năm trở lại đây, củ lùn được nhiều người tìm mua do không còn nhiều gia đình giữ được giống củ này. Chị Huỳnh Nhung cho biết, củ lùn sau khi thu hoạch sẽ được bán với giá dao động từ 45.000 - 60.000 đồng/ kg tùy từng thời điểm. Củ lùn có thể luộc, nấu chè với hương vị thơm ngon khó tả.

Thu hoạch củ lùn, giống cây gắn bó với cuộc sống người dân miền Tây - 4

Củ lùn sau khi luộc có vị bùi béo đặc trưng (Ảnh: Huỳnh Nhung).

Sau khi thu hoạch, thời gian bảo quản của củ lùn có thể từ vài tuần đến vài tháng tùy vào độ già của củ. Cách tốt nhất để bảo quản củ lùn là nên để củ ở nhiệt độ phòng, thoáng đãng, khô ráo, tránh ẩm ướt. Nếu điều kiện bảo quản tốt, củ lùn có thể trữ đến 3 tháng. Ngoài ra cũng cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, mối mọt.

Dù trong thời gian khó hay lúc đủ đầy, củ lùn vẫn hiện diện và gắn liền với cuộc sống người dân miền Tây. Nếm hương vị củ lùn là mọi ký ức về một thời củ lùn độn cơm ùa về trong ký ức của bao người.