Rau cần tây giúp gì cho cơ thể bạn?

Darkrose
Rau cần tây giúp gì cho cơ thể bạn?

Rau cần tây là một loại thực phẩm được sử dụng rộng rãi trong chế độ ăn uống hàng ngày của nhiều người. Khi được tiêu thụ với một lượng vừa phải, loại rau này không chỉ cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe ấn tượng. Vậy ăn cần tây có tác dụng gì?

1. Tổng quan về rau cần tây

Cần tây là một loại rau có thể ăn sống hoặc nấu chín. Một số người sử dụng chiết xuất từ rau cần tây để thoa lên da, giúp xua đuổi muỗi. Ngoài ra, người ta cũng uống nước ép cần tây để điều trị cho các bệnh như tiền tiểu đường hoặc viêm khớp dạng thấp.

Rau cần tây từ lâu đã được coi là một loại thực phẩm ăn kiêng hiệu quả vì nó có hàm lượng calo thấp. Ngoài ra, cần tây cũng đem đến nhiều lợi ích nổi bật cho sức khỏe. Dưới đây là năm lý do bạn nên cân nhắc bổ sung thêm cần tây vào chế độ ăn uống của mình.

2. 5 công dụng tuyệt vời của rau cần tây

Ăn cần tây có tốt không và ăn cần tây có tác dụng gì? Với thành phần dinh dưỡng dồi dào, rau cần tây đem đến cho cơ thể bạn những lợi ích sau đây:

2.1. Bổ sung chất chống oxy hóa cho cơ thể

Chất chống oxy hoá có tác dụng bảo vệ các mạch máu, tế bào và các cơ quan trong cơ thể khỏi bị tổn thương do quá trình oxy hoá.

Trong rau cần tây có chứa nhiều vitamin C, flavonoid và beta carotene. Nghiên cứu cho thấy loại rau này cũng cấp ít nhất 12 chất chống oxy hóa bổ sung chỉ với một thân cây. Ngoài ra, nó cũng là một nguồn cung cấp các hợp chất thực vật lành mạnh, có tác dụng giảm viêm hiệu quả trong đường tiêu hoá, tế bào, mạch máu cùng các cơ quan khác của cơ thể.

Trong rau cần tây chứa nhiều vitamin C

2.2. Ăn cần tây giúp giảm viêm

Tình trạng viêm mãn tính có liên quan đến nhiều bệnh tật, bao gồm cả loãng xương và viêm khớp. Trong rau cần tây và hạt cần tây có chứa khoảng 25 hợp chất chống viêm, giúp bảo vệ chống lại các chứng viêm trong cơ thể.

2.3. Hỗ trợ hệ tiêu hoá

Các chất chống oxy hoá và chống viêm có trong rau cần tây giúp bảo vệ toàn bộ đường tiêu hoá và đặc biệt có ích cho dạ dày của bạn.

Các polysaccharide dựa trên pectin trong cần tây, bao gồm một hợp chất có tên là apium, đã được chứng minh có khả năng làm giảm các trường hợp loét dạ dày, điều chỉnh tiết dịch dạ dày và cải thiện niêm mạc dạ dày.

Bên cạnh đó, hàm lượng nước trong rau cần tây chiếm tới 95% cùng với một lượng lớn các chất xơ hoà tan và không hòa tan. Điều này giúp hỗ trợ đường tiêu hoá khoẻ mạnh và duy trì sự hoạt động của cơ quan trong cơ thể. Ước tính, trong một cốc nước cần tây cung cấp khoảng 5 gram chất xơ.

Rau cần tây giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa

2.4. Giàu vitamin và khoáng chất với chỉ số đường huyết thấp

Bạn sẽ bổ sung cho cơ thể một lượng lớn các loại vitamin A, C, K cùng với các khoáng chất như folate và kali khi ăn rau cần tây thường xuyên. Ngoài ra, nó cũng có hàm lượng natri và chỉ số đường huyết thấp. Điều này giúp cho việc tiêu thụ rau cần tây trở nên lành mạnh hơn và không làm ảnh hưởng quá nhiều đến lượng đường trong máu của bạn.

2.5. Rau cần tây có tác dụng kiềm hoá

Với các khoáng chất như magie, natri và sắt, rau cần tây có tác dụng trung hoà các thực phẩm mang tính axit khi được tiêu thụ vào cơ thể. Hơn nữa, hầu hết các loại khoáng chất này trong rau cần tây đều rất cần thiết cho các chức năng cơ thể.

3. Ăn rau cần tây có an toàn không?

Chiết xuất cần tây và hạt cần tây là an toàn tuyệt đối khi sử dụng bằng đường uống cùng với các loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, một số người có thể có các phản ứng dị ứng khi tiêu thụ cần tây, chẳng hạn như phát ban da hoặc sốc phản vệ.

Chiết xuất hoặc gel từ cần tây có thể an toàn đối với hầu hết mọi người khi được bôi lên da. Tuy nhiên, một số trường hợp dưới đây nên cẩn trọng khi tiêu thụ rau cần tây hoặc các sản phẩm từ loại rau này, bao gồm:

  • Phụ nữ mang thai: Chiết xuất cần tây và hạt cần tây được cho là không an toàn khi sử dụng bằng đường uống trong thời kỳ mang thai. Việc tiêu thụ một lượng lớn cần tây có thể làm co thắt tử cung và gây sẩy thai.
  • Rối loạn chảy máu: Một số nghiên cứu cho thấy ăn nhiều rau cần tây có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi bạn đang mắc phải rối loạn chảy máu.
  • Các vấn đề về thận: Những người có vấn đề về thận không nên ăn rau cần tây nhiều vì nó có thể gây viêm.
  • Huyết áp thấp: Ăn rau cần tây có thể làm giảm mức huyết áp của bạn. Tuy nhiên, nếu huyết áp của bạn đã ở mức thấp, việc sử dụng cần tây có thể khiến cho huyết áp giảm xuống quá mức cho phép.
  • Phẫu thuật: Cần tây có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của bạn. Một số nhà nghiên cứu cho rằng khi kết hợp sử dụng cần tây với các loại thuốc gây mê hay những loại thuốc khác được sử dụng trong và sau khi phẫu thuật có thể làm chậm hệ thần kinh trung ương. Tốt nhất, bạn nên ngừng sử dụng rau cần tây ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.
Hạt cần tây an toàn khi sử dụng bằng đường uống

4. Mẹo chọn và sử dụng rau cần tây đúng cách

Dưới đây là một số mẹo hay giúp bạn lựa chọn những cây rau cần tươi đảm bảo chất lượng:

  • Thân cây cứng cáp: Bạn nên tìm những cây cần tây có thân thẳng đứng, cứng cáp và không bị uốn cong.
  • Lá tươi: Lá rau cần tây cần phải giòn và tươi, có màu từ nhạt đến xanh sáng. Tránh chọn những cây cần tây có các mảng màu vàng hoặc nâu trên lá.
  • Chuẩn bị rau cần tây: Bạn nên cắt rau cần tây ngay trước khi nấu, tránh cắt nhỏ cần tây trước vài giờ vì nó sẽ bị mất đi chất dinh dưỡng.
  • Thời hạn sử dụng rau cần tây: Bạn chỉ nên ăn rau cần tây tươi trong vòng từ 5 - 7 ngày để đảm bảo nhận được tối đa những lợi ích dinh dưỡng của nó. Đối với lá cần tây, bạn nên tiêu thụ trong vòng 1 - 2 ngày sau khi mua vì chúng khó có thể bảo quản được trong thời gian dài.

Ngoài việc đem lại nhiều lợi ích sức khỏe, cần tây còn là một loại rau đa năng. Bạn có thể ăn sống hoặc nấu chín cần tây. Ngoài ra, rau cần tây cũng được sử dụng để chế biến thành các món ăn như món xào, súp, sinh tố hoặc nước trái cây.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com , webmd.com