Mùa lặt lá mai

Darkrose
Mùa lặt lá mai
Những cây mai đã lặt lá. Ảnh: N.Đ.N
Những cây mai đã lặt lá. Ảnh: N.Đ.N

Cây mai vàng là loài hoa đặc trưng ngày tết ở miền Nam và miền Trung. Để cây ra hoa đúng dịp tết, người chơi phải lặt bỏ hết lá để giúp cây nuôi nụ non ra hoa. Trong bài thơ “Hoa mai ngày tết”, thi sĩ Lê Viết Tư đã viết: “Nhớ tuốt lá cho mai về kịp tết/ Kẻo giao thừa thiếu hẳn một mùi hương/ Mai vàng nở như em về đúng hẹn/ Áo vàng phơi sáng rỡ cả con đường/ Anh tuốt lá đợi mai về ngày tết/ Chở mùa xuân trên mỗi đóa vàng tươi...”.

Chị Trang tỉ mỉ lặt lá mai
Chị Trang tỉ mỉ lặt lá mai. Ảnh: Đ.Q.K
Và đối với nhiều người, mùa lặt lá mai đã trở thành một ký ức đẹp gắn liền với bao vui buồn ở quê nhà.

Chị Nguyễn Thị Linh Trang, hiện sinh sống tại thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) luôn nhớ cây mai mình trồng trước ngõ nở vàng sắc nắng mỗi khi xuân về. Tết đến trong chị không chỉ là đi mua sắm, hay đi xem hoa cùng chồng con mà còn là những ngày phụ chồng lặt lá mai trong cái se lạnh của tiết trời cuối đông đầu xuân.

Chị Trang chia sẻ: "Mỗi lần nhìn thấy làng trên xóm dưới lục đục bắc ghế, bắc thang lặt lá mai là cảm nhận sắc xuân sắp về trước ngõ. Mùa lặt lá mai đã khơi dậy trong lòng tôi bao tình cảm thiêng liêng của quê nhà cưu mang suốt hành trình năm tháng, giúp tôi sống yêu thương hơn với cuộc đời này".

Công việc lặt lá mai đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, đúng kỹ thuật, nhằm không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mai. Một vài người có kinh nghiệm trong việc trồng và chăm bón mai vàng cho biết, để hoa mai nở đúng vào dịp tết thì công việc bắt buộc cần làm là lặt lá mai chứ không phải tuốt là mai như nhiều người vẫn thường gọi, bởi nếu tuốt không khéo sẽ tuốt luôn cả phần nụ hoa nằm ở kẽ lá.

Vì vậy, khi lặt lá mai nhất thiết một tay nắm chắc cành mai, tay còn lại cầm từng lá mai giật ngược về phía sau để cuống lá đứt rời ra. Phải lặt hết toàn bộ lá trên cây để tập trung chất dinh dưỡng cho hoa. Sau khi lặt lá, để cây khô một vài ngày rồi mới tưới nước trở lại. Điều quan trọng nữa là không phải lúc nào lặt lá mai cũng được mà cần phải canh đúng thời điểm để cây mai có thể tập trung được nhiều chất dinh dưỡng giúp nụ cây phát triển.

Theo kinh nghiệm dân gian, thời điểm lặt lá mai vào khoảng rằm tháng 11 âm lịch đến đầu tháng Chạp, tức khoảng 30 - 45 ngày trước tết. Thời tiết được xem là yếu tố chi phối quá trình phát triển nụ của hoa mai. Nếu từ tháng 9 trở đi mà thời tiết thuận lợi, nắng ấm, ít mưa thì mai sẽ trổ hoa vào đúng dịp tết; còn rét lạnh kéo dài, sẽ ảnh hưởng nhiều đến thời điểm hoa mai nở.

Thời điểm tuốt lá mai vàng để hoa nở đúng dịp tết.
Lặt lá mai vàng, một hình ảnh thường thấy trong những ngày này. Ảnh: Đ.Q.K

Để mai nở đúng dịp tết, phải làm bằng nhiều cách, trong đó công việc đầu tiên là lặt lá, chọn bình hoa để bày trí, nếu không có bình hoa thì chủ nhà lấy cái gàu múc nước, dán giấy màu bên ngoài rồi bày trí cho cân đối với chiều cao của các cành mai. Nếu thời tiết lạnh kéo dài, trước khi bỏ cành mai vào bình chủ nhà đưa những cành mai hơ qua, hơ lại nhiều lần trên ngọn lửa hồng để gốc thật nóng.

Ngược lại, khí trời oi bức, nắng nóng thì thường xuyên bỏ đá lạnh vào chườm trong bình hoa. Vất vả là vậy nhưng không ít người đã phải kỳ công chăm bẵm những cành mai nở đúng vào dịp tết với mong muốn một năm nhiều may mắn, phát tài, phát lộc, công việc hanh thông, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Việc lặt lá mai thủ công từ bao đời nay không chỉ là công việc lao động đơn thuần mà còn là một nét văn hóa đẹp trong ngày tết cổ truyền của dân tộc.

Không chỉ những người trực tiếp ươm trồng, chăm sóc mà những người bỏ tiền ra mua những cây mai vàng về chưng trong nhà cũng đều trân quý và rất thích thú khi nhìn thấy những nụ mai vàng nở bung đúng vào đêm giao thừa. Cây mai vàng là hình ảnh quá đổi quen thuộc với người Việt mỗi độ tết đến xuân về, nằm trong bộ tứ “Tùng, Cúc, Trúc, Mai” và thường xuất hiện trong những bức tranh “Hoa khai phú quý”.